“Thực ra tôi nghĩ ở Việt Nam ai có tài sản tầm 10 triệu đô đã là vượt qua ngưỡng tự do tài chính mà không cần nghĩ gì đến tiền nữa rồi” – Shark Bình, chủ tịch NextTech bày tỏ quan điểm.
Khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Khu vực này chính là mảnh đất tạo nên những tỷ phú USD của Việt Nam.
Nếu như năm 2013, Việt Nam mới chỉ có duy nhất tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt vào danh sách bình chọn của tạp chí Forbes thì đến năm 2021 con số này đã lên tới 6.
Trở thành tỷ phú đô la dường như là ước mơ gần gũi hơn với những người làm kinh doanh tại Việt Nam. “Anh có mục tiêu trở thành tỷ phú USD không?”, câu hỏi này được đặt ra với ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Tập đoàn NextTech, khách mời trong chương trình “CafeTalk số 02 – Phía sau võ đài” do CafeBiz thực hiện.
Ông Bình cho biết, trở thành tỷ phú đô la không phải là khát khao hàng đầu của ông. Theo quan điểm của lãnh đạo NextTech, trở thành tỷ phú đô la chỉ là hệ quả của việc những doanh nhân như ông theo đuổi làm những điều mình thích, đam mê.
Ông muốn được thỏa chí làm những gì mình thích và được đóng góp tích cực xã hội. Đó mới là mục tiêu quan trọng và khát khao hàng đầu.
“Thực ra bây giờ có 1 tỷ đô tôi cũng không biết phải làm gì. Tôi không biết làm gì với nó bởi vì mình đã vượt qua ngưỡng tự do tài chính từ lâu rồi để mình có thể đi ăn, tiêu, đi du lịch hay mua sắm bất kỳ cái gì cũng được rồi. Tất nhiên trừ những cái quá xa xỉ tầm thế giới thì mình chưa có nhu cầu hoặc chưa nghĩ đến thôi.
Thực ra tôi nghĩ ở Việt Nam ai có tài sản tầm 10 triệu đô đã là vượt qua ngưỡng tự do tài chính mà không cần nghĩ gì đến tiền nữa rồi. Quan trọng là lúc đó họ sẽ chuyển hóa mục tiêu lên một tầm cao hơn là để lại di sản, công trình gì cho xã hội. Mình đã để lại di sản gì cho xã hội rồi thì 1 tỷ đô hay 100 triệu đô nó chỉ là thước đo về di sản mà mình đã để lại thôi”, ông Bình thành thật chia sẻ thêm.
Ngoài lý do tiền chỉ là thước đo giá trị di sản để lại cho xã hội, doanh nhân này còn tin tưởng mỗi người có một thiên mệnh riêng dù ông khẳng định mình không phải là người mê tín.
Là người đã đủ kinh nghiệm cuộc sống lẫn kinh doanh, Chủ tịch NextTech lấy ví dụ rằng có những người làm nỗ lực vất vả cả đời nhưng không đủ may mắn. Thế nhưng có những người làm việc không phải quá nỗ lực, tất nhiên để thành công thì ai cũng phải giỏi và họ cũng giàu hơn rất nhiều so với người nỗ lực cố gắng kia.
“Tôi không phải là người mê tín nhưng tôi nghĩ rằng ai cũng có một số phận, ai cũng có một thiên mệnh riêng. Mình không có số thì muốn cũng không được. Mình có số chẳng nghĩ đến thì tiền cũng rơi vào đầu. Con số 1 tỷ đô nghĩ đến hay không, đối với tôi cũng chẳng để làm gì.
Nói tóm lại là mình cứ làm rồi nó sẽ đến thôi, mình có số thì nó đến. Đừng nghĩ đến nó. Nếu có nghĩ thì nghĩ đến những cái tác động mình muốn để lại cho đời thì mới quan trọng”, ông Bình kết luận.
Quan điểm này của chủ tịch NextTech xuất hiện từ cách đây khoảng 5 năm trong 1 buổi họp cuối năm của tập đoàn. Khi nhìn thấy những người trẻ sôi nổi đưa ra mục tiêu cho các công ty trong hệ sinh thái vào top doanh nghiệp nghìn tỷ, chục nghìn tỷ, ông cảm thấy rất vui vì đã truyền được cảm hứng cho họ về việc làm giàu bằng công nghệ.
“Nếu đặt ra mục tiêu tỷ đô thì mình phải tự làm nhưng nếu mình đặt mục tiêu giúp đỡ cho hàng trăm người như thế thì anh em sẽ giúp mình có tỷ đô”, doanh nhân Nguyễn Hòa Bình vui vẻ chia sẻ.
Tự do tài chính là gì?
“Tự do tài chính” hiện đang là từ khóa nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là với các bạn trẻ, vì đây là mục đích mà nhiều người đang hướng tới.
Có thể hiểu một cách nôm na, tự do tài chính là nắm quyền làm chủ tài chính của bản thân. Cụ thể hơn, tự do tài chính là trạng thái mà con người có đủ tiền để chi trả cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày hay đưa ra các quyết định mà không bị chi phối bởi tài chính.
Có một dòng tiền ổn định, được sống cuộc sống trong mơ, không phải lo lắng những hoá đơn và không phải gánh các khoản nợ,… đó là những biểu hiện của một người có tự do tài chính.
7 cấp độ tự do tài chính
Cấp độ 1: Rõ ràng
Như Sabatier đã từng nói: “Bạn không thể đến nơi mình muốn nếu không biết mình bắt đầu từ đâu.” Vì vậy, ở cấp độ thứ nhất này, bạn cần nắm rõ về tình hình tài chính cá nhân của bản thân. Cụ thể là xem xét bản thân có bao nhiêu tiền, nợ bao nhiêu, mục tiêu là gì,…
Cấp độ 2: Tự túc
Ở cấp độ này, bạn phải tự bước đi trên đôi chân của mình về mặt tài chính. Để làm được điều này, bạn phải kiếm đủ số tiền để trang trải chi phí sinh hoạt mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Tuy nhiên, số tiền đó có thể đến từ lương hoặc những khoản vay khác của bạn.
Cấp độ 3: Thoải mái
Vượt qua cấp độ 2 tức là bạn hoàn toàn đã tạo cho mình được một khoản kha khá để dành cho các mục tiêu như lập quỹ khẩn cấp và đầu tư cho hưu trí.
Sabatier nhấn mạnh rằng việc bạn có nhiều tiền không đồng nghĩa với việc bạn thực sự tiết kiệm được số tiền đó. Ông chỉ ra một thực tế là hầu hết người Mỹ đều sống bằng nợ.
Cấp độ 4: Ổn định
Để đạt được mức 4, bạn phải đảm bảo trả được nợ lãi suất cao và tích lũy đủ 6 tháng phí sinh hoạt vào quỹ khẩn cấp. Việc tiết kiệm vào quỹ khẩn cấp giúp đảm bảo tài chính của bạn sẽ không bị lung lay trước những trường hợp bất ngờ.
Cấp độ 5: Linh hoạt
Một người đã tiết kiệm được ít nhất 02 năm chi phí sinh hoạt, thì chắc chắn là đang ở mức độ 5 của tự do tài chính. Đó không chỉ tính riêng tiền mặt mà còn có thể là tổng số tiền từ các tài khoản tiết kiệm và đầu tư, miễn là bạn có thể sử dụng chúng khi cần. Ở mức độ này, bạn có thể nghỉ công việc nhàm chán của mình mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều.
Cấp độ 6: Độc lập tài chính
Để đến được đây, đòi hỏi bạn phải có sự thay đổi trong suy nghĩ để thoát khỏi những khuôn mẫu truyền thống về tài chính cá nhân. Bạn sẽ phải đầu tư phần lớn trong thu nhập của bạn hoặc có thể chuyển sang lối sống tối giản hơn để giảm đáng kể chi phí sinh hoạt.
Sabatier cho rằng những người đã đạt được sự độc lập về tài chính có thể sống hoàn toàn bằng thu nhập được tạo ra từ các khoản đầu tư của họ.
Cấp độ 7: Của cải dồi dào
Trong khi những người ở cấp độ 6 vẫn cần theo dõi sự thay đổi trong danh mục đầu tư để đảm bảo kế hoạch tài chính thì những người ở cấp độ 7 không cần suy nghĩ nhiều về điều này. Sabatier cho rằng bạn đang ở cấp độ 7 khi bạn có nhiều tiền hơn những gì bạn cần. Tiền bạc không còn là sự lo lắng và không phải là điều cần thiết cho sự tồn tại của bạn.
Theo Doanh nghiệp tiếp thị, Timo
Xem thêm bài liên quan
- Shark Bình: Ở Việt Nam ai có tài sản tầm 230 tỷ là không cần nghĩ gì đến tiền nữa rồi
- Shark Bình: Đời người có 2 việc nhất định không thể bỏ lỡ, 1 là Khởi nghiệp khi còn trẻ, 2 là tự do kép khi về già
- Shark Bình nói về khát vọng tỷ phú Đô-la: Mình không có số thì muốn cũng không được, mình có số chẳng nghĩ đến thì tiền cũng “rơi vào đầu”!