Ai cũng mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ. Quy tắc PERMA chỉ ra cho bạn 5 yếu tố cần thiết để sống tích cực, cân bằng từ đó bạn sẽ hạnh phúc và thành công hơn trong công việc lẫn cuộc sống.
Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc. Khi hạnh phúc, chúng ta làm việc năng suất hơn, có những mối quan hệ tốt đẹp hơn với những người xung quanh mình và ai cũng cảm thấy rất tuyệt vời.
Tuy nhiên, hạnh phúc không phải là thứ muốn là có, cần là xuất hiện và dù đánh mất cũng dễ dàng lấy lại được. Nếu quá chú tâm vào hạnh phúc, bạn sẽ thấy vô cùng khó để đạt được nó và thậm chí là phải sống cả đời trong cảm giác không được thỏa mãn.
Martin Sligman – một trong những tác giả nổi tiếng nhất của tâm lý học hiện đại và nhà sáng lập của ngành tâm lý học tích cực (Positive psychology) đã phát triển một quy tắc có tên gọi PERMA và quy tắc này đã được công bố trong cuốn sách Flourish (Thành đạt) của ông – quyển sách có tầm ảnh hưởng lớn xuất bản năm 2011.
Theo đó, PERMA đề cập đến 5 yếu tố cần thiết để có một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn như mong muốn:
P – Positive Emotion
E – Engagement
R – Positive Relationship
M – Meaning
A – Accomplishment/Achievement
1. Cảm xúc tích cực (P – Positive Emotion)
Những cảm xúc tích cực có thể kế đến như cảm giác hài lòng, hạnh phúc, thỏa mãn, bình yên, vui vẻ, tràn đầy hứng khởi… Những cảm xúc này mang đến cho bạn một nguồn năng lượng tràn trề cho công việc lẫn cuộc sống.
Bất kỳ một cảm xúc tốt đẹp nào, chẳng hạn như yên bình, biết ơn, hài lòng, thỏa mãn, đầy cảm hứng, hy vọng, tò mò hay tình yêu đều được xếp vào “thư mục” tích cực này và thông điệp đó chính là: “Enjoy yourself”.
Trong điều kiện, các yếu tố “E”, “R”, “M” và “A” của quy tắc PERMA là lý tưởng thì “enjoy yourself” chính là việc trân trọng và thưởng thức cuộc sống hiện tại. Hãy sống hết mình, yêu bản thân, vui vẻ, cười nếu bạn thích, khóc nếu cảm thấy buồn và làm bất cứ điều gì miễn là chúng giúp bạn có được nụ cười rạng ngời nhất.
Vì vậy, nếu bạn thấy mình vẫn chưa nếm trải đủ những cảm xúc tích cực trong cuộc sống, hãy ngừng lại và tự hỏi tại sao.
Trước tiên, xét về khía cạnh nghề nghiệp. Bạn đã thực sự phát huy hết tài năng và thế mạnh của mình trong vai trò hiện tại chưa? Bạn chỉ có thể hài lòng và hạnh phúc với công việc khi làm đúng việc yêu thích và phù hợp.
Đồng thời, hãy dành đôi chút thời gian để xác định ai hay điều gì có thể đem lại niềm vui cho bạn.
Ví dụ bạn thích được ở ngoài trời và hòa mình vào thiên nhiên. Vậy sao bạn không thử mang một chút mảnh xanh vào văn phòng hay góc làm việc của mình để cảm nhận được sự bình yên?
Đơn giản là để thổi vào nếp sống thường nhật của bạn những luồng cảm xúc tích cực và những nguồn vui mới. Đừng trì hoãn những việc mang lại cho bạn khoảnh khắc hạnh phúc.
2. Sự gắn kết (E – Engagement)
Sự gắn kết ở đây được áp dụng với mỗi khía cạnh trong cuộc sống hiện tại của bạn. Xét về công việc, gắn kết nằm ở yếu tố bạn có yêu thích nghề nghiệp hiện tại hay không? Bạn yêu thích điều gì ở công việc hiện tại hay không?
Khi thực sự gắn kết với một công việc, dự án, hoạt động, sự kiện hoặc một tình huống bất kỳ thì chúng ta mới thực sự được “sống” trong khoảnh khắc đó: thời gian dường như dừng lại, không còn cảm nhận được con người vật lý của mình và tập trung cao độ vào hiện tại.
Đây thực sự là một điều vô cùng tuyệt vời! Bởi lẽ, càng gắn kết sâu với những gì bạn đang làm hay thứ khiến bạn vui vẻ thì bạn càng cảm thấy yêu mến, muốn cống hiến và nỗ lực cho nó nhiều hơn. Hiển nhiên, những suy nghĩ tiêu cực như căng thẳng, lo âu, phiền não… cũng không còn chỗ để xen ngang dòng suy nghĩ tích cực của bạn nữa.
Nếu đây không phải là công việc bạn yêu thích thì tìm ngay một thứ mà mình đam mê và phát huy hết khả năng của bản thân để làm việc. Mỗi ngày của bạn lúc này sẽ trở nên thú vị hơn bao giờ hết.
Sự gắn kết còn ở các yếu tố như sở thích giải trí, thư giãn. Bạn thích điều gì? Nếu muốn đọc sách, xem phim, nghe nhạc hay chơi thể thao, nhiếp ảnh, bạn hãy sắp xếp một ít thời gian trong ngày, trong tuần để thực hiện điều đó. Chính những sở thích này sẽ giúp bạn giảm stress và lấy lại cân bằng nhanh chóng.
Vì vậy, từ bây giờ, mỗi khi đi ra ngoài cùng bạn bè uống café, dạo phố, đọc sách, xem phim hay những lúc phải hoàn thành một dự án nào đó thì hãy tập trung hoàn toàn vào điều bạn đang làm. Đừng để bất cứ thứ gì xen ngang và bạn sẽ thấy sức mạnh của sự gắn kết sẽ vô cùng lớn đấy.
3. Mối quan hệ tích cực (R – Positive Relation)
Con người là “những thực thể xã hội”, và những mối quan hệ tốt chính là cốt lõi của sự thành công. Là con người, chúng ta đều thích được sống trong các cộng đồng, được giao tiếp, kết bạn với những người khác và không có gì ngạc nhiên khi những mối quan hệ tốt đẹp chính là yếu tố cốt lõi cho một cuộc sống viên mãn.
Bạn có những mối quan hệ tích cực trong cuộc sống không? Đó có thể là mối quan hệ gia đình, bạn bè, hay đồng nghiệp. Phần lớn thời gian của bạn tại nơi làm việc, mối quan hệ tốt với đồng nghiệp sẽ hỗ trợ bạn đắc lực trong công việc và giúp cân bằng cuộc sống nơi công sở.
Thông thường, những người có mối quan hệ tích cực và nhiều ý nghĩa thường hạnh phúc hơn những ai không có được điều đó.
Tiếp đến, hãy nhìn lại cuộc sống cá nhân của bạn. Đã bao lâu rồi bạn chưa gặp người bạn thân? Sinh nhật của cha/mẹ bạn là ngày nào và bạn đã chuẩn bị gì chưa?
Đôi khi cuộc sống bận rộn làm bạn xao lãng những mối quan hệ gia đình, bạn bè, những người luôn ở bên bạn dù bạn thành công hay thất bại.
Hãy cam kết sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và duy trì điều này thật đều đặn. Bạn không thể hạnh phúc khi không có họ trong cuộc đời này!
4. Ý nghĩa (M – Meaning)
Ý nghĩa cuộc sống đến từ việc phục vụ cho một mục đích lớn lao hơn chính bản thân mình. Cho dù đó là những việc làm nhỏ hay những hành động mang tính tổ chức, chỉ cần chúng mang đến cho bạn những cảm nhận tốt đẹp về cuộc sống thì mọi thứ đều có ý nghĩa.
Mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về ý nghĩa cuộc sống, đó có thể xuất phát từ tôn giáo hay từ mong muốn một cuộc sống tốt đẹp cho mọi người.
Ví dụ, công việc bạn đang làm phục vụ cho ai, và mang lại cho họ những gì? Đây chính là động lực giúp bạn làm tốt công việc với niềm tự hào.
Ngoài ra hãy dành thời gian bên gia đình, tham gia các hoạt động từ thiện… Tất cả điều này giúp bạn sống có ý nghĩa hơn, khi đó bạn sẽ cảm thấy thật sự hài lòng.
Từ hôm nay, hãy tìm kiếm mục đích sống cho mình bằng cách sẵn sàng giúp đỡ người khác, cho đi nhiều hơn bằng một trái tim chân thành, chắc chắn, cuộc sống của bạn sẽ có nhiều ý nghĩa.
5. Thành tích (A – Achievement)
Nhiều người trong chúng ta luôn phấn đấu để hoàn thiện bản thân theo một cách nào đó – có thể là phát triển một kỹ năng, thăng tiến trong công việc hay chiến thắng ở một cuộc thi. Không lời nào có thể diễn tả được niềm vui và niềm tự hào khi đạt được những thành tích trên.
Chính vì điều này mà thành tích cũng được xem là một yếu tố quan trọng cấu thành nên cuộc sống viên mãn.
Thành tích chính là những mục tiêu bạn luôn cố hết sức để đạt được trong công việc lẫn cuộc sống. Xác định điều bạn thực sự muốn và đạt được những điều này sẽ giúp cuộc sống thăng hoa.
Vậy đâu là những điều bạn muốn? Trả lời một số câu hỏi sau sẽ giúp bạn:
– 5 giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn là gì?
– 3 mục tiêu quan trọng nhất trong đời bạn, ngay lúc này là gì?
– Nếu hôm nay bạn biết rằng mình chỉ còn sống trong 6 tháng, bạn sẽ làm gì với khoảng thời gian còn lại?
– Bạn sẽ làm gì nếu ngày mai bạn trúng 1 triệu đô la tiền mặt?
– Bạn đã luôn muốn làm gì, nhưng lại ngại thử sức?
– Bạn thích làm gì nhất? Điều gì đem lại cho bạn cảm giác tự hào và hài lòng về bản thân nhất?
– Giả sử bạn biết mình sẽ không thất bại, thì điều vĩ đại nhất bạn từng dám ước mơ là gì?
Tuy nhiên, nếu quá thúc ép bản thân đạt được nhiều thành tích hơn, bạn sẽ cảm thấy áp lực và mệt mỏi dẫn đến mất cân bằng trong công việc và cuộc sống. Nếu bạn đang rơi vào trạng thái này thì đây có lẽ là thời điểm để nhìn lại và tập trung vào những yếu tố khác của quy tắc PERMA.
Theo Tiền Phong/ Quantrimang
Xem thêm bài liên quan
- Quy luật trí não – “Tư duy nghịch” là gì mà có thể giúp bạn giải quyết mọi vấn đề cuộc sống, bứt phá cuộc đời kì diệu
- Cha đẻ đế chế Honda: “Năng lực của một người trẻ nhìn thấy ở cái bếp lúc nào cũng sáng bóng”
- Nhà sáng lập Honda: Năng lực của một người trẻ nhìn thấy ở cái bếp lúc nào cũng sáng bóng