“Thằng kỹ sư như mày, làm hì hục cả tháng không bằng tao cho thuê một căn nhà, làm cả đời không bằng tiền lời tao bán một miếng đất”.
Tôi là dân tỉnh lẻ, lên TP HCM học rồi ở lại định cư. Ra trường, đi làm đến nay đã được năm năm, mức lương thực nhận của tôi là 20 triệu đồng một tháng. Và tất nhiên, tôi vẫn đang ở nhà thuê.
Ông chủ nhà trọ của tôi là dân thành phố, không nghề nghiệp gì. Ông có 12 căn nhà cho thuê, thu nhập mỗi tháng khoảng trên dưới 250 triệu đồng (gấp hơn 12 lần cử nhân đại học như tôi).
Sáng hôm trước, hai chú cháu ngồi cà phê trước nhà, đang nói chuyện thì ông vui mồm phán: “Thằng kỹ sư như mày, làm hì hục cả tháng không bằng tao cho thuê một căn nhà, làm cả đời không bằng tiền lời tao bán một miếng đất”. Thú thật, nghe xong những lời ấy, tôi có chút chạnh lòng, nhưng quả thật ông nói đúng.

Tôi học ở một trường top tại TP HCM, có tới hai bằng đại học, một bằng Thạc sĩ, mà lương tháng cũng chỉ 20 triệu đồng, gọi là đủ ăn, đủ sống và có một ít tích lũy. Nhìn lên thì có thể tôi chẳng bằng ai, nhưng đó cũng tạm gọi là thành quả sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ.
Tôi chưa có vợ con, lối sống đơn giản, lành mạnh và tiết kiệm. Mỗi tháng nhận lương, sau khi trừ đi tiền ăn, tiền nhà, xăng xe, hiếu hỷ và chi tiêu lặt vặt, tôi để dư được khoảng 10 triệu đồng.
Làm một bài toán đơn giản thế này, nếu mỗi tháng tôi dư được 10 triệu đồng, thì một năm tôi có 120 triệu đồng. Sau 20 năm đi làm, nếu không đau ốm, bệnh tật gì, tôi sẽ dành dụm được khoảng 2,4 tỷ đồng.
Số tiền này ở thời điểm hiện tại, nếu chịu khó săn tìm, có lẽ tôi cũng sẽ mua được một căn nhà siêu nhỏ trong hẻm tại khu vực giáp ranh Sài Gòn – Bình Dương, hoặc một căn hộ hai phòng ngủ tận dưới Quận 9.
Còn với ông chủ nhà trọ của tôi, riêng dãy trọ tôi đang thuê, mỗi tháng mang về dòng tiền ổn định cho ông khoảng 40 triệu đồng. Còn các căn nhà khác cũng đâu đó từ 15 đến 60 triệu đồng một tháng (tùy căn lớn, nhỏ).
Như vậy, bình quân mỗi tháng, ông có thu nhập 250 triệu đồng. Thu nhập cao là thế nhưng ông chẳng phải đóng một đồng tiền thuế nào, còn khi nào có đoàn từ thiện về khu phố cho quà thì ông luôn là một trong những người xếp hàng đầu tiên.
Ông có một đứa con trai, hồi cậu ấy đi lấy vợ, ông đã cho hẳn một căn nhà để vợ chồng con ra ở riêng. Vợ ông mất sớm, giờ ông ở một mình trong chính dãy nhà trọ mà tôi đang thuê. Tính tình ông cũng hiền lành, ăn uống đơn giản, chỉ hút thuốc và uống trà, mỗi tháng ông chi tiêu chưa tới 3 triệu đồng.
Tiền thu được từ việc cho thuê nhà hằng tháng, ông để dồn lại, khi được một khoản kha khá, ông lại vay thêm chút ít để mua một căn nhà mới và tiếp tục mở rộng số bất động sản cho thuê.

Ông kể rằng, ngày xưa, trước khi mất, cha mẹ ông để lại cho ông 10 cây vàng và một căn nhà. Căn nhà thì ông ở, còn 10 cây vàng ông bán hết rồi lấy tiền ra khu Gò Vấp, Thủ Đức mua đất.
Hồi đó đất nhiều, lại rẻ, mua đất tính bằng sào. Sau này người dân đổ về thành phố sinh sống nhiều, đất lên giá, ông chia nhỏ ra bán, tính theo mét vuông, nên lãi to. Đại khái là ông bán một căn, mua lại hai căn, rồi cứ thế cho thuê, lấy tiền, và lại tiếp tục đi mua nhà, cho thuê… Cứ thế, đến bây giờ, ông đã có hơn chục căn nhà.
Ông kể với vẻ mặt rạng ngời và giọng văn đầy tự hào. Ông cười khà khà và chốt lại bằng câu: “Chúng mày học cao hiểu rộng rồi cũng phải đi ở nhà thuê của tao”.
Ông giàu chẳng phải nhờ năng lực hay cố gắng gì cả. Ông được cha mẹ để lại tiền bạc và giàu lên nhờ hưởng lợi từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Nghĩ lại, tôi cảm thấy buồn cho những người trẻ thế hệ đầu và giữa 9X như chúng tôi. Chúng tôi đến thành phố học tập và làm việc khi mặt bằng giá nhà đất đã quá cao.
Trong số chúng tôi, trừ một số rất ít cá nhân có năng lực vượt trội, đủ khả năng mua được nhà, còn lại đối với đại đa số, ước mơ sở hữu một nơi an cư lạc nghiệp ở mảnh đất này dường như là quá xa vời.
Tác giả: Bình
Theo Vnexpress
“Làm nông cả đời không bằng tiền lời lô đất”
Cả đời gắn bó với đồng ruộng nhưng cuối cùng, nhiều người nông dân nhận ra, cuộc sống của họ chỉ thực sự thay đổi nhờ tiền lời của lô đất. Điều mà họ chưa từng nghĩ tới cho tới khi sốt đất xuất hiện ở chính quê hương mình.
Nếu giá đất không lên, gia đình bà Nguyễn Củng (Hải Dương) có lẽ vẫn vậy. Mỗi năm 2 mùa trồng lúa, lúc nào cũng chờ đợi thấp thỏm xem “năm này có được mùa”. Nhưng nghịch lý của nghề nông đó là năm nào được mùa thì giá thóc lại rẻ. Ngược lại, năm nào mất mùa thì giá thóc lại đắt.
Hơn 30 năm bán mặt cho ruộng đồng thì cũng từng ấy năm, bà Củng đều tất bật với việc cấy hái, thu hoạch. Bà nhẩm tính, trung bình mỗi vụ, bà thu được khoảng 11 triệu đồng (đã trừ đi công của bà và 2 thành viên khác trong gia đình, tiền giống, tiền thuê làm ruộng, thu hoạch).
Số tiền này, bà cũng chắt bóp chi tiêu lắm mới có thể nuôi được 2 đứa con học đại học. Cuối năm, bà còn tranh thủ trồng thêm các loại cây rau, cỏ vụ mùa.

Mức thu nhập ít ỏi khiến cho căn nhà cấp 4 nhà bà xây từ năm 1997 xập xệ mãi chưa thay nhà mới. Bà Củng từng nghĩ, căn nhà mà xây muốn xây mới chắc chờ đến khi con trai bà làm việc trên Hà Nội dư giả về cho bố mẹ tiền. Nghĩ là vậy, nhưng bà đoán chắc đó là khoảng thời gian rất dài và xa vì hiện tại cuộc sống của gia đình con trai bà còn nhiều khó khăn.
Chẳng ai nói được chữ ngờ. Cuối năm 2019, khi cơn sốt đất bùng lên ở nhiều địa phương, mảnh đất rộng được các cụ thân sinh để lại của gia đình bà Củng lại nằm sát dự án. Hơn 300m2 đất tưởng chỉ để trồng cây, lại hóa thành “tấc vàng”.
“Trước tôi còn bảo cho con trai một nửa mảnh để sau về xây nhà ở. Nhưng bọn nó chê và nói thích ở Hà Nội. Ai ngờ, nhờ có dự án nằm cạnh mà lô đất nhà tôi bán được hơn 2 tỷ đồng. Cả đời tôi chả nghĩ có được số tiền lớn như vậy. Làm bạc mặt với ruộng đồng chẳng bằng tiền lãi bán đất”, bà Củng chia sẻ.
Bà Củng chia sẻ, hơn 2 tỷ bà dành 800 triệu xây dựng lại ngôi nhà cho khang trang. Bà cho mỗi đứa con 300 triệu đồng. Số tiền còn lại bà gửi tiết kiệm để lấy lãi, an dưỡng tuổi già. Bà cũng dừng việc làm ruộng để lên ở cùng với đứa con trai cả.
“May mà nhờ giá đất lên, gia đình tôi mới khấm khá. Nếu không, chắc gần 60 tuổi, tôi vẫn phải quần quật đi cây hái”, bà Củng nói.

Cũng như bà Củng, nhờ nhà đầu tư, cò đất đổ về, gia đình chị Trần Đượm nhanh chóng kiếm tiền tỷ nhờ lô đất gần sát ven đường. Chị Đượm đi làm công nhân đã được 5 năm, còn chồng chị ở nhà làm hàn xì.
Chị kể, lương công nhân cày tăng ca sáng tối chỉ được 9 triệu đồng. Chưa kể dịch như hiện tại, chị còn phải nghỉ gián đoạn. Giả sử,không tính chi phí ăn, sinh hoạt hàng ngày hay tiền nuôi con, và sức lao động không đổi chị Đượm phải mất khoảng 9 năm mới có thể kiếm 1 tỷ đồng. “Tính toán là vậy nhưng làm công nhân được ngày nào biết ngày đó.
Lỡ ốm đau một chút là bay cả tiền tiết kiệm cả năm”. Gần 40 tuổi, sức khỏe suy giảm, chị Đượm từng thở dài khi nghĩ tới tương lai. Nhưng đầu năm 2020, gia đình chị quyết định bán đi lô đất ở gần sát đường lớn.
“Trước đất làng thì chẳng ai quan tâm. Chẳng hiểu sao tự dưng giá đất lên thế. Người dân ngoại tỉnh cứ về đây hỏi mua đất, càng khiến giá lên cao. May nhà tôi bán đất, có được tiền hơn 1 tỷ đồng”. Với số tiền này, chị Đượm bỏ ra khoản nhỏ sửa sang và mua sắm đồ dùng gia đình. Số tiền dư, chị tính gửi ngân hàng để kiếm lãi mỗi tháng.
“Bây giờ, tôi bớt căng thẳng khi đi làm vì đã có sẵn một khoản tiết kiệm ổn định. Nghĩ bao nhiêu năm làm công nhân cũng chẳng thể bằng tiền lời lô đất. May nhờ nhiều người đầu tư thích đất mà gia đình tôi mới có cơ hội đổi đời”, chị Đượm kể.
Câu chuyện của bà Củng và chị Đượm chỉ là 2 trong rất nhiều những “mảnh đời” bất ngờ thay đổi nhờ cơn sốt đất đi qua.
Những lô đất tưởng chừng chỉ để “dành” cho con cháu lập nghiệp ở quê, để trồng cây ăn quả… thì nay lại hóa “tấc vàng” mang về khoảng lời tiền tỷ cho các gia đình. Với họ, nhờ số tiền lời từ đất, căn nhà cũ được sửa sang khang trang. Với nhiều người nông dân, đó là khoản tích lũy dành cho tuổi già đủ để khiến họ tự tin “về hưu”.
Theo Vietnamnet
Xem thêm bài liên quan
- Shark Hưng khuyên người trẻ: Muốn thành công ở tuổi 30, đừng kết hôn quá sớm, hãy sống phụ thuộc vào cha mẹ lâu nhất có thể!
- Thấy rõ tư duy khác biệt giữa người giàu và người nghèo từ chuyện mua nhà: Tại sao có người nghèo vì mua nhà, lại có người sau khi mua nhà cuộc sống lại trở nên giàu có?
- Bàn chuyện: Có nên học đại học không khi thu nhập không bằng cô bán bún riêu hàng chục triệu/tháng?