Lần đầu đặt chân đến Việt Nam vào năm 2014, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn nhất trên thế giới McDonald’s dù từng được chào đón nhiệt tình nhưng đến thời điểm hiện tại không dành được vị thế mong muốn.
Mới đây, trên fanpage của McDonald’s Việt Nam đã có dòng thông báo sẽ chính thức ngừng bán toàn bộ dòng burger của mình trong thời gian sắp tới.
Hai ngày gần đây, thương hiệu này cũng liên tiếp gửi lời “cảm ơn” và “tưởng nhớ” tới những món burger mang tính biểu tượng như Big Mac hay Cheeseburger.
Hiện chưa rõ McDonald’s Việt Nam sẽ dừng hẳn, không bán burger nữa hay chỉ thay đổi toàn bộ menu hiện tại, cũng như thời gian áp dụng là từ khi nào. Nhưng nếu thực sự McDonald’s dừng bán burger, cộng đồng mạng cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến quyết định này.
Đầu tiên, những chiếc burger của McDonald’s không hề rẻ. Thực đơn của McDonald’s Việt Nam hiện có 12 sản phẩm burger, chia làm 4 dòng Bò, Gà, Cá, Heo, với giá dao động từ 32.000 – 89.000 đồng/chiếc. Trong đó, chiếc Big Mac là burger biểu tượng của McDonald’s được bán với giá 74.000 đồng/chiếc.
Nếu so với giá của những chiếc bánh mì truyền thống, giá burger của McDonald’s có giá cao hơn từ 1,5 – 4 lần. Với số tiền này hoặc thậm chí ít hơn, chúng ta vẫn có rất nhiều sự lựa chọn phong phú khác về món ăn.
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu ăn uống có thể đã ảnh hưởng lớn tới doanh số của những chiếc burger này.
Nguyên nhân thứ hai được đưa ra có thể là cách phục vụ đồ ăn của McDonald’s không phù hợp với người Việt.
Chẳng hạn, nếu như ở Mỹ, các vị khách sẽ vào cửa hàng, chọn món mà họ thích từ thực đơn và tự đặt hàng thì ở Việt Nam thiên về gia đình nhiều hơn.
Burger khó có thể bán chạy vì đây là món ăn khó chia phần. Những quán ăn nhanh như McDonald’s thường chỉ là điểm dừng chân với các bạn trẻ đi một mình hoặc những người có thói quen ăn uống phương Tây, trong khi với nhóm bạn bè và gia đình, những quán ăn nhà hàng, buffet thường được ưu tiên hơn.
McDonald’s vào Việt Nam khá muộn, từ năm 2014, nếu so với những thương hiệu đồ ăn nhanh khác như Lotteria (1998), KFC (2005) hay Burger King (2012). Theo cập nhật đến tháng 2/2023, McDonald’s đã có mặt tại 4 tỉnh thành như TPHCM, Hà Nội, Nha Trang và Bình Dương với 28 cửa hàng, trong đó có 3 cửa hàng có dịch vụ mua hàng không cần đậu xe Drive-thru.
Xét về giá cả, McDonald’s và Burger King là những chuỗi đồ ăn nhanh nằm trong nhóm có giá cao nhất. KFC hay Lotteria có mức giá dễ tiếp cận hơn nhiều, và những chuỗi này cũng liên tục có những thay đổi về thực đơn để phù hợp với khẩu vị của người Việt.
McDonald’s từng thử nghiệm với “burger vị phở” vào năm 2020, nhưng không thực sự thành công và nhanh chóng dừng bán.
4 lý do giải thích tại sao McDonald’s khó thành công ở Việt Nam
Thực đơn của McDonald’s không phù hợp với văn hóa chia sẻ đồ ăn ở Việt Nam
Lý do Starbucks thất bại ở Úc và KFC thất bại ở Israel đều do không phù hợp với văn hóa địa phương.
Mặc dù người dân địa phương thích ăn phở, nhưng đó không phải là thứ họ luôn ăn thường xuyên. Theo truyền thống của người Việt, họ quen với việc cả gia đình (hoặc một nhóm bạn) ngồi cùng và chia sẻ thức ăn với nhau.
Trước hết, bánh mì kẹp thường không thể chia sẻ, chỉ trừ khi bạn không ngại những dấu răng trên bánh. Nói tóm lại, bánh mì kẹp thịt chẳng phải là loại thực phẩm mà hầu hết mọi người muốn chia sẻ.
Thứ hai, văn hóa “ăn nhanh và nhường chỗ cho khách hàng” của các chuỗi ăn nhanh không thực sự phù hợp với văn hóa “ngồi lại, thư giãn và chia sẻ thức ăn” của người Việt Nam.
Cạnh tranh khó khăn
Tính đến năm 2018, đã có khoảng 540.000 hàng ăn tại Việt Nam, gần 430.000 trong số đó là các nhà cung cấp địa phương.
Trong nhiều thập kỷ, nền văn hóa ẩm thực đường phố phát triển ở Việt Nam. Thực phẩm luôn sẵn có dù ở bất kỳ khu vực địa lý nào. Bạn có thể mua đồ ăn ở những “cửa hàng” trên các chợ ở vùng sông nước.
So sánh điều này với McDonald’s, một nhà hàng thức ăn nhanh có thực đơn chủ yếu bao gồm bánh mì kẹp và đồ uống.
Người dân Việt Nam không muốn những lựa chọn hạn chế bởi vì họ có rất nhiều lựa chọn – rất nhiều các lựa chọn rẻ và truyền thống hơn.
McDonald’s sử dụng chiến lược giá phương Tây ở phương Đông
Hiện nay, một chiếc Big Mac được bán ở Việt Nam với giá 2,82 USD. Nó có vẻ hợp lý nếu bạn sống ở phương Tây và hưởng mức thu nhập ở đây.
Tuy nhiên, với dân Việt, đây là mức giá cao cấp và đây là thứ họ chỉ chi tiêu “lâu lâu một lần”.
Theo Numbeo, một bữa ăn ở quán ăn địa phương có giá khoảng 50.000 đồng trong khi một bữa ăn ở McDonald’s có giá khoảng gấp đôi. Tức là khoảng 100.000 đồng.
Ý tưởng phải trả gấp đôi cho chiếc bánh kẹp, cốc Coca và chút khoai tây chiên có vẻ không hấp dẫn khách hàng Việt.
Mặc dù cũng đã thay đổi thực đơn để phù hợp với địa phương như các món cơm gà hay thịt heo nướng với trứng, đại đa số khách hàng không có đủ tiền để đến McDonald’s thường xuyên.
Dịch vụ của McDonald’s không nhanh bằng ẩm thực Việt Nam
Ở Việt Nam, khái niệm thức ăn nhanh đã tồn tại từ lâu. Dù là phở hay bánh mì kẹp, khách hàng có rất nhiều lựa chọn ở khắp mọi nơi
Phở là một món ăn Việt Nam mà các quán ăn địa phương có thể chuẩn bị chỉ tính theo giây. Những gì họ cần làm là cho các thành phẩm đã chín vào một cái bát, sau đó là nước dùng.
Bánh mì là một loại đồ ăn không mất nhiều thời gian để cắt và đặt thực phẩm vào bên trong.
Vì vậy, điểm độc đáo của McDonald’s là cung cấp dịch vụ nhanh chóng không tạo ra đột phá lớn bởi vì người dân địa phương có thể nhận được dịch vụ nhanh hơn từ các cửa hàng thực phẩm truyền thống.
Vài chục cửa hàng McDonald’s đang phải cạnh tranh với hàng trăm ngàn doanh nghiệp địa phương. Họ sẽ không phải rút khỏi Việt Nam như đã rời bỏ Iceland, nhưng sự thiếu tăng trưởng không phải là một dấu hiệu tốt cho tương lai của thương hiệu này.
Theo Vnreview, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Ngã tư đường – 4 cây xăng: Câu chuyện về 2 kiểu tư duy cạnh tranh điển hình trong kinh doanh mà ai làm ăn cũng nên nắm rõ
- 4 bài học Kinh doanh kinh điển đáng giá “ngàn vàng” từ các thương hiệu hàng đầu McDonald’s, Nike, Apple, Starbucks: Bất cứ doanh nghiệp lớn nhỏ nào cũng nên học hỏi để thành công
- “Nguyên lý thùng gỗ” trong kinh doanh từ ông vua gà rán KFC Harland Sanders: Ai muốn kinh doanh, mở cửa hàng đều cần nắm rõ