Con đường làm giàu của dân Á Đông đa phần rất bí hiểm, không ai biết làm sao họ giàu vì họ không chia sẻ, giấu nhẹm bí quyết làm ăn. Vì cái khôn của người các nước Á Đông là “cho bạc cho vàng, không ai trỏ đàng đi buôn”.
Bao nhiêu tỷ phú thế giới lúc họ chia gia tài, chỉ để lại cho con vài đồng gọi là, còn tất cả đều đưa vào quỹ từ thiện, trong khi bên ta thì ngược lại. Nhà thường thường bậc trung có hai đứa con thì ông cha bà mẹ cũng cày gần chết để có hai cái nhà cho chúng nó làm của.
Còn rất nhiều doanh nhân ở ta thì HẸP NGƯỜI NHƯNG RỘNG MÌNH, bản thân hay con cháu thì phung phí, mua siêu xe, đốt tiền nhưng với đối tác hay người làm thì o ép, kỳ kèo từng đồng, từng xu.
Rộng rãi chuyện tiền bạc với con cái, thương hay không thương? Tụi Tây nói vậy là không thương. Vì làm cho nó hỏng. Con cháu Hòa Thân, công tử Bạc Liêu… giờ liêu xiêu đói rách, dù cha ông họ từng tuyên bố là tiền tôi ăn 5 đời chưa hết. Nhưng sao đời thứ 3 lại đã phải chạy xe ôm?
Lúc thảo luận, mình có ngồi chung nhóm có hai bạn Trung Quốc. Thấy các bạn nói là bên đó, vẫn có khái niệm “không ai giàu ba họ”, tức giàu cho lắm, ba thế hệ sau thì cũng hết giàu.
Nhưng ở phương Tây, họ giàu đến cả chục thế hệ, cụ thể trong nhóm vẫn có một anh người Ý là thế hệ thứ năm của một tập đoàn sản xuất các sản phẩm cà chua. Vậy Âu, Á có gì khác biệt.
Mình bèn đi tìm hiểu tiếp, vô thư viện tìm tài liệu đọc, rồi phỏng vấn bao nhiêu người. Cuối cùng cũng tạm rút ra được nguyên nhân trong một cổ thư Trung Quốc thế kỷ 15, họ làm thống kê trong cả mấy ngàn năm lịch sử Trung Quốc và châu Á.
Cuốn sách nói về sức mạnh của sự chia sẻ “ the power of giving”. Một người sinh ra, để thành đạt, có 1 PHẦN TÀI, 2 PHẦN ĐỨC VÀ 7 PHẦN PHÚC. Nôm na cái phúc này là cái may mắn, phúc phần của gia đình tổ tiên để lại. Sinh ra có phúc, nó đẹp đẽ khôi ngô lành lặn, nói một hiểu mười.
Cái đó sẽ quyết định 70% sự thành đạt. Vấn đề là con người mình không biết cái phúc của mình bao nhiêu, nên con người muốn thành đạt phải tích đức, tức tăng tỷ lệ trong cái room* 20% đó. Phải luyện tài, để đạt tối đa trong cái room 10%.

Có ví dụ ông Trương ở Hàng Châu, một nhà buôn nổi tiếng thời Đường. Số phận của ông là thương gia, nên thang đo sự thành công là số tiền có được. Phúc của ông là được 100,000 lượng vàng, đó là tới điểm cực đại của đồ thị sự nghiệp của ông.
Tức ông nếu chỉ có 50,000 lượng, thì công việc cứ vẫn phát đạt, vì đồ thị vẫn còn đi lên. Nhưng khi ông có 100,000 lượng rồi mà vẫn cứ tích lũy tiếp, thì sự nghiệp bắt đầu xuống dốc theo parabol. Rủi ro xui xẻo, rồi đau ốm bệnh tật, đủ thứ chuyện cho nó mất dần mất dần, rồi xuống con số 0. Đó là thế hệ thứ ba của ông sẽ phải gánh chịu.
Người phương Tây họ nắm bắt cái này sớm, họ đưa ra giải pháp. Đó là bí mật của nhà giàu phương Tây. Họ chỉ nuôi con nuôi cháu đến 18 tuổi. Rồi tùy đứa trẻ quyết định. Muốn học nữa thì đi vay, của chính phủ hay của gia đình, có hợp đồng luật sư đàng hoàng.
Xong ra trường, tụi này cũng cày quần quật như bao nhiêu người khác để trả nợ. Sau một thời gian dài mới vô công ty của gia đình làm, rồi leo dần lên như người ngoài. Nên tụi nó quý trọng đồng tiền, mua siêu xe thì cũng tự làm mà mua, không bao giờ nhục nhã lấy tiền từ cha mẹ.

Các tỷ phú phương Tây vì không biết cực đại của cuộc đời mình là bao nhiêu, nên họ chủ động bỏ bớt, từ thiện liên tục, tháng nào cũng gửi tiền cho các quỹ từ thiện nào đó. Giả sử tháng này, thu nhập mình đến con số 99,000 lượng, họ mạnh dạn cho 90,000 lượng vào quỹ từ thiện, chỉ còn 9,000.
Số phận của họ lại được tiếp tục 91,000 lượng nữa, nên làm ăn cứ lại phát đạt. Chưa kể khi cho đi, sức mạnh của sự chia sẻ, PHÚC LẠI TĂNG LÊN, cực đại của họ cao hơn, mức cực đại lần sau sẽ là 150,000 lượng chứ không phải 100,000 lượng.
Nếu các bạn cần 1 địa chỉ cho đi, thì đây là một nơi uy tín. Những nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa…họ không có cơ hội, chúng ta tập trung từ thiện ở đó như xây trường học, trạm xá, hệ thống nước sinh hoạt, tặng điện thoại di động, thuốc men, làm đường, làm cầu, làm sân phơi, nhà sinh hoạt cộng đồng, hạt giống, con giống, dụng cụ sản xuất như máy cày, máy bơm, ống nước, bình phun,…chứ không nên gửi mì tôm và quần áo như cách làm xưa cũ.
Và cho đi là liên tục chứ không phải làm 1 lần cho xong nghĩa vụ, và định cho 5 triệu nhưng ngồi nghĩ lại, thấy vậy cao quá, chuyển 2 triệu thôi. Nếu còn đầu óc tiếc tiền là còn tham nhỏ, người vậy thì khó mà làm ăn lớn được vì thiếu sự hào sảng, nghĩa tình.
Cứ cho đi, trời cao ghi sổ cả.
Tác giả: Tony Buổi Sáng
Cho nhau vàng không bằng trỏ đàng đi buôn
Không chỉ nói với người khác, bản thân bạn cũng nên nhớ kỹ 4 câu nói này để điều chỉnh tinh thần, mở rộng tâm trí, rèn luyện bản lĩnh cá nhân.
Từ xa xưa, ông bà ta đã dạy rằng: “Cho nhau vàng không bằng trỏ đàng đi buôn.”
Khi một người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, dù chúng ta tốt bụng đến mấy cũng chỉ có thể giúp đỡ lần một, lần hai, không thể luôn sẵn sàng bên cạnh để trợ giúp trong một trường hợp.
Chưa kể, hành vi này còn khiến họ sinh ra tính ỷ lại, không chủ động thay đổi chính mình mà chỉ trông chờ vào trợ lực từ bên ngoài. Đây là thói quen tai hại nhất đối với một người, làm thui chột ý chí và hủy hoại tương lai của họ.

Do đó, nếu chân thành quan tâm tới một người, hãy tiếp thêm cho họ năng lượng và sức mạnh, để họ dũng cảm tự đối mặt với khó khăn của mình. Đồng thời, giúp họ vạch ra những lối tư duy đúng đắn, không rơi vào suy sụp dù có thất bại bằng 4 câu nói quan trọng sau đây.
[01] Tức giận là tự trừng phạt mình vì lỗi của người khác
Ai cũng sẽ mắc sai lầm, dù cố ý hay vô tình.
Bất cứ ai cũng vậy, khi rơi vào tình trạng bị kích động, chúng ta dễ làm ra những hành động dại dột, nói những lời vô lý, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” vì vài nguyên do vớ vẩn.
Hậu quả để lại là những mối quan hệ rạn nứt, những thiệt hại về tài chính. Có trường hợp nghiêm trọng còn đưa nhau ra tòa hoặc mất đi tính mạng chỉ vì sự giận dữ.
Cảm xúc bực bội, phẫn nộ nhất thời là thứ chúng ta không kiểm soát được. Khi bị hiểu lầm, bị phản bội hay bị bắt nạt, chỉ có thánh nhân mới không tức giận. Tuy nhiên, nếu cứ giữ sự tức giận đó trong lòng, để nó ngày một lớn lên, để sự tiêu cực chiếm hết tư duy và tình cảm của mình, thì không khác gì bạn đang trừng phạt bản thân vì lỗi lầm của người khác.
Chẳng hạn như, bạn từng bị nhục mạ một lần trong quá khứ. Nếu sau đó bạn quên đi, trải nghiệm sẽ dần rơi vào dĩ vãng. Ngược lại, bạn không thể quên đi thì cứ mỗi lần nhớ lại, bạn sẽ phải trải nghiệm sự nhục nhã đó thêm một lần nữa. Trong khi, chính người từng nhục mạ mình trước kia đã quên bẵng, bạn vẫn đang suy sụp trong mớ cảm xúc tiêu cực.
Shakespeare từng nói: “Một cơ thể khỏe mạnh và một trí nhớ không tốt thường khiến bạn hạnh phúc hơn”.
90% cuộc sống không như ý nguyện con người. Cho nên, những gì đã qua hãy cứ để nó qua đi. Quên đi không phải bao dung người khác, mà đang bao dung chính bạn.
[02] Hẹp hòi với người khác là do năng lực bản thân chưa đủ
Tục ngữ có câu: “Nghìn người nghìn tư tưởng, vạn người vạn hình dáng.”
Đến cây cối còn có to có nhỏ, có mỏng có dày, có lúc này lúc khác, vậy thì sự khác biệt giữa người với người lại càng hiển nhiên. Chúng ta không chỉ khác nhau về hình dạng bên ngoài, mà còn khác nhau về tư duy và lối suy nghĩ. Sự khác biệt sẽ trở thành bất đồng và xung đột trong mọi cuộc tranh luận.
Có người luôn cảm thấy mình đúng nhất, giỏi nhất, và bỏ mặc ý kiến mọi người ngoài tai. Hành vi này không thể hiện sự giỏi giang, mà ngược lại, gián tiếp phô bày lòng dạ hẹp hòi của họ. Vì quá hẹp hòi nên họ không thể bao dung sự khác biệt hiển nhiên giữa người với người.
Ngược lại, “quân tử thường bình thản, tiểu nhân hay lo âu.” Khi bạn có đủ năng lực, bạn sẽ dùng bản lĩnh để thuyết phục người khác, cũng dùng bản lĩnh để tiếp thu ý kiến và không ngừng phát triển.

[03] Đời người chỉ sống một lần, hãy sống để yêu thương bản thân
Cuộc đời là một chuyến tàu đi dần về phía tử vong. Tất cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp, người quen đều là khách qua đường trong nhân sinh. Không ai có thể đồng hành cùng bạn từ đầu đến cuối, ngoại trừ chính bạn.
Do đó, hãy trân trọng và quan tâm cơ thể của mình, cố gắng tránh xa những nguy cơ tổn hại, giúp duy trì “hạn sử dụng” của cơ thể càng lâu càng tốt.
Công nghệ tiến bộ không ngừng nhưng con người ngày càng lười vận động, kéo theo thể lực giảm sút, khả năng tư duy cũng ảnh hưởng. Nhiều người trẻ tuổi chỉ muốn thấu chi tiền bạc, sức khỏe và vận may mà không quan tâm tương lai.
Họ tưởng chừng chuỗi ngày an nhàn hưởng thụ sẽ kéo dài vô tận, mà không biết thời gian tử vong đang đến ngày một gần.
Sống không mang đến, chết không mang đi. Tiền tài cũng vậy, cảm xúc cũng thế. Ở thời điểm đối mặt với dấu chấm hết, đừng để bản thân hối tiếc vì đã lãng phí quá nhiều, lại chưa thể phấn đấu hết sức mình.

[04] Người biết thỏa mãn là người hạnh phúc nhất
Nhu cầu của chúng ta không nhiều, nhưng dục vọng của chúng ta lại rất lớn. Không kiểm soát được dục vọng, nhiều người rơi vào cảnh không ngừng so sánh, không ngừng cạnh tranh, từ sự nghiệp, công chức, tới nhà cửa, xe cộ, thậm chí là gia đình, người thân… Muốn một rồi lại muốn hai, họ không bao giờ biết đủ, cho nên sẽ tự vắt kiệt sức lực bản thân.
Kỳ thực, chúng ta vốn không cần phải ghen tị với phong cảnh của người khác. Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống cũng nhiều người không bằng mình.
Lại nói, “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, dù ngốc cũng có phúc của người ngốc. Trong khi người giỏi giang phải gồng gánh nhiều lo toan, người có kỹ thuật thì dễ mệt nhọc, người có trí tuệ thì thường sầu lo, chỉ có người vô ưu vô lo, vô dục vô cầu lại bình thản hưởng thụ cuộc đời hạnh phúc.
Mỗi người trên thế giới đều là một sự tồn tại phép màu, là những cá thể độc lập duy nhất giữa vũ trụ. Mỗi người đều có năng lực, trí tuệ, phúc khí và thọ mệnh khác nhau. Do đó, nếu biết cách hài lòng và trân trọng thực tại, bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc của cuộc sống. Nếu không, bạn chỉ có thể nhốt bản thân trong sự ganh đua, tị nạnh.
Muốn có ngày lành, phải thay đổi tâm thái. Hãy áp dụng 4 câu nói trên đây để có thể sống như câu nói về Phật Di Lặc như sau, ai cũng sẽ có đủ năng lượng tích cực để vượt qua khó khăn bằng chính sức mình:
“Bụng lớn có thể dung, dung thứ cho những điều khó có thể chịu đựng trên đời; hé miệng có thể cười, cười vui trước những kẻ thật sự nực cười trên đời”.
Theo Trí thức trẻ