Theo chuyên gia nhượng quyền, doanh nhân Nguyễn Phi Vân, hiện nay rất nhiều bạn trẻ đi làm hiện nay có 0% kỹ năng “quản trị sếp”, có thể vì không biết, có thể vì không quan tâm, cũng có thể vì không muốn.
Bà Nguyễn Phi Vân – thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia.
Là một người làm việc và trải nghiệm hơn 60 quốc gia, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân đau đáu trước những vấn đề mà bạn trẻ và cả bạn không còn trẻ tại Việt Nam hay mắc phải đã có những chia sẻ về hành trình quản trị của mình suốt chặng đường đã qua:
Rất nhiều bạn trẻ đi làm hiện nay có 0% kỹ năng “quản trị sếp”, có thể vì không biết, có thể vì không quan tâm, cũng có thể vì không muốn. Có điều, không đi làm thì thôi. Đã đi làm, nên bỏ chút tâm vào đó. Làm gì cũng vậy, chỉ cần bỏ tâm vào, sẽ nghĩ ra một vạn cách để trở nên xuất sắc.
Thời này, cách nào học tốt hơn là learning by doing – học qua thực hành, nên khuyến khích bạn teen nhà mình đi làm intern. Ngày đầu tiên bạn đi làm, mình dặn, đi làm quan trọng nhất là phải biết add value – tạo ra giá trị.
Chỉ có tạo ra giá trị, mình mới được người khác trân trọng. Cắm đầu đi làm mà chẳng tạo ra giá trị gì, toàn tạo ra vấn đề cho người khác, thì nghỉ ở nhà đi chứ làm vậy xấu hổ lắm. Đi làm, chuyện quan trọng thứ 2 là phải biết:
Managing Up – Quản trị sếp. Bản hỏi, quản trị sếp là làm sao, tưởng sếp mới quản trị nhân viên chớ.
Managing Up là kỹ năng tuyệt tác của kẻ đi làm chuyên nghiệp. Ai đi làm mà toàn để sếp suốt ngày đi nhắc nhở, la lối, quản lý mình là chưa biết cách đi làm. Xưa giờ tôi đi làm, chưa một lần để sếp phải nhắc một tiếng nào, toàn tự động ý kiến đề nghị này nọ để gánh việc thêm cho sếp. Giờ, nhân chia sẻ bài Managing Up cho bạn teen, sẵn chia sẻ luôn cho các bạn đang đi làm.
Managing Up đòi hỏi người đi làm có những khả năng sau:
1. Communicating your priority and seeking feedback: Thứ mình nghĩ và làm, cách mình đặt chế độ ưu tiên trong công việc chưa chắc đã hài hoà với cách nghĩ của sếp. Bạn thấy một góc vườn, sếp nhìn cả khu vườn.
Do đó, đừng có ngồi im tự nghĩ, tự làm mà chẳng nói gì với ai. Cho sếp biết cách mình sắp xếp công việc và lắng nghe phản hồi để công việc triển khai êm ả là điều cực kỳ quan trọng.
2. Anticipating needs – Đoán trước nhu cầu của sếp: Sếp sẽ rất trân trọng nếu bạn biết họ đang bận hay cần được giúp đỡ và chủ động đề nghị giúp đỡ. Người biết managing up quan sát, hiểu và sẵn sàng gánh vác mà không cần chờ ai lên tiếng.
Họ cũng không bao giờ ngồi không chờ mà luôn chủ động yêu cầu sếp giao việc cho mình khi thời gian còn trống. Họ luôn tự tìm kiếm cơ hội để tạo gi.á trị cho tổ chức.
3. Accommodating working style – Giao tiếp theo cách của sếp: Nếu biết quan sát, bạn sẽ hiểu sếp mình thích cách giao tiếp, làm việc thế nào. Có người hiệu quả nhất là gặp trực tiếp, có người qua tin nhắn, có người qua email, nền tảng. Biết sếp mình thích và sử dụng cách giao tiếp nào nhất thì chọn cách đó để giao tiếp.
Ví dụ, vì di chuyển nhiều, tôi làm việc qua điện thoại và vì vậy không thích phải bấm link download file phức tạp, chỉ cần nhận file độ phân giải nhỏ qua messenger, đủ xem để duyệt được chẳng hạn. Vậy mà vẫn nhận link download file cả chục Mb hoài.
4. Being the go-to person – trở thành người được tín nhiệm: Khi bạn luôn là người chủ động, xung phong, chìa tay ra giúp đỡ mà không cần sếp hỏi, sau một thời gian bạn trở thành người được tín nhiệm, người trợ thủ đắc lực mà sếp sẽ nhờ vả đến mỗi khi cần. Người đi làm, được tín nhiệm vì khả năng managing up của mình, là người đi làm thành công.
Rất nhiều bạn trẻ đi làm hiện nay có 0% kỹ năng managing up, có thể vì không biết, có thể vì không quan tâm, cũng có thể vì không muốn. Có điều, không đi làm thì thôi. Đã đi làm, nên bỏ chút tâm vào đó. Làm gì cũng vậy, chỉ cần bỏ tâm vào, sẽ nghĩ ra một vạn cách để trở nên xuất sắc.
Hãy mang tâm lý làm chủ ngay cả khi đang làm thuê
Chị nghĩ sao về việc các bạn trẻ sớm chọn con đường startup hay làm freelance vì muốn “né” môi trường công sở?
Quan điểm của Phi Vân là: Ai thích làm gì trên đời này thì hãy làm điều đó một cách tốt nhất. Cho nên, startup cũng được, đi làm thuê cũng được, làm freelance cũng được… cái gì bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc nhất thì bạn làm thôi.
Tuy nhiên, khi bạn làm bất cứ thứ gì, điều kiện tiên quyết để thành công là bạn cần phải có kiến thức và kỹ năng.
Kiến thức và kỹ năng nếu chỉ học trong trường đại học hoặc học ở Việt Nam thôi thì hơi thiếu nên với những ai cảm thấy mình chưa đủ thì nên đi làm thuê cho những tập đoàn, công ty chuyên nghiệp để học hỏi, trau dồi. Học hỏi và trở thành người chuyên nghiệp thì chọn con đường startup, bạn sẽ đạt tỷ lệ thành công cao hơn.
Nếu startup ngay khi mới ra trường cũng được, nhưng bạn sẽ không có đủ nguồn lực để phát triển tốt nhất. Vậy thì bạn phải tìm những nhà sáng lập, những co-founder, những người có kinh nghiệm, trải nghiệm, kiến thức… để đồng hành, giúp bạn đi xa hơn.
Trước khi chọn con đường freelance, bạn cũng nên bắt đầu từ một tổ chức, một công ty nào đó, học cách làm việc chuyên nghiệp, học cách quản trị bản thân mình tốt nhất trước khi bạn bước ra làm một người tự do.
Theo chị, các bạn mới ra trường nên làm công ty nhỏ hay tập đoàn lớn để thu nạp được nhiều nhất kinh nghiệm và kỹ năng?
Thật ra làm tập đoàn lớn hay công ty nhỏ không quan trọng. Quan trọng người sếp của bạn là ai. Khi bạn mới ra đời, người sếp đầu tiên có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng.
Đó sẽ là mentor, là người thầy, người dẫn dắt mình cả cuộc đời. Tìm thầy mới quan trọng chứ tìm công ty không quan trọng.
Trong môi trường công sở, làm sao để được sếp quý trọng và tín nhiệm?
Trong cuộc đời làm quản trị, những người tôi quý trọng và tín nhiệm nhất là những người luôn mang tâm lý: “Không phải tôi đi làm thuê, mà tôi đang làm chủ”.
Bởi vì khi bạn mang tinh thần làm chủ thì không có mô tả công việc là gì, làm ngày nào – nghỉ ngày nào, làm như thế nào là vừa đủ…, trái lại luôn nghĩ ra những thứ tốt nhất, hay ho nhất, sáng tạo không ngừng, đặc biệt không chỉ làm việc ở mức tốt, mà luôn đạt mức xuất sắc, vượt xa sự trông đợi của người khác. Đó cũng là người luôn được cất nhắc, được đầu tư, được nhắm đến trở thành cộng sự của tôi trong các dự án mới.
Thái độ làm chủ ấy khiến những người cộng sự làm cùng bạn mong muốn biến bạn thành người làm chủ. Nếu làm được việc đó, con đường làm thuê của bạn sẽ ngắn lại, con đường làm chủ trở nên rộng rãi, thênh thang hơn.
Tác giả: Nguyễn Phi Vân
Xem thêm bài liên quan
- Nhân viên lấy Binh pháp Tôn Tử đấu thắng Sếp để được tăng lương gấp 4 lần: “Phàm việc tác chiến, dùng chính binh đối địch, kỳ binh thủ thắng”
- Tứ thư lãnh đạo: Nghệ thuật dùng người “Bậc thầy” của Sếp giỏi để nhân viên quèn cũng thành “chiến mã”
- Chuyên gia Nguyễn Phi Vân khuyên: Hãy mang tâm lý làm chủ ngay cả khi đang làm thuê