Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền: “Không nợ thì làm sao mà giàu! nợ thì chứng tỏ anh uy tín, anh đi vay được ngân hàng. người nợ càng nhiều càng uy tín, không có gì xấu hổ khi nợ.”
Không nợ làm sao mà giàu, càng nợ nhiều càng uy tín
Nhắc đến nợ nần, nhiều người thường cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu vay tiền đúng cách, vay để làm ăn thì không những trả được nợ mà còn giúp “tiền đẻ ra tiền”.
Đừng thấy một người suốt ngày đi vay mượn tiền bạc đã vội cho rằng họ “ham chơi, biếng làm”, mượn nợ cũng là một kĩ năng bởi nếu bạn không có được uy tín thì mượn ngân hàng cũng không được, mượn người quen cũng chẳng xong. Mới đây chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền đã có phát ngôn gây ra nhiều quan điểm trái chiều.

Trong một talk show gần đây, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho biết: “Không nợ làm sao mà giàu. Nợ thì chứng tỏ anh uy tín, anh đi vay được ngân hàng, người nợ càng nhiều càng uy tín, không có gì phải xấu hổ khi nợ”.
Ông có dẫn chứng những người trẻ mới đi làm muốn sở hữu một căn nhà riêng hay một chung cư nhưng ngặt nỗi lương chỉ 20 triệu đồng/tháng đành phải gác lại ước mơ mua nhà chờ đến khi có đủ tiền. Thế nhưng với kinh nghiệm của mình, ông Điền chia sẻ:
“5 năm là dư sức mua được! Ví dụ một căn hộ chung cư giá 2 tỷ cần có bao nhiêu tiền để mua được? Nếu chỉ tiết kiệm kiểu thì 20-30 năm sau mới đủ 2 tỷ để mua. Nếu nghĩ như vậy thì theo tôi không bao giờ mua được. Nhưng nếu tôi tiết kiệm được 300 triệu đồng thì tôi mua được chứ. Tôi đi vay thêm 1 ít”.
Và hiện tại, nhiều người trẻ vẫn áp dụng cách đó bởi giá nhà thì ngày càng leo thang, nếu cứ ki cóp tiền thì đến khi đủ căn nhà mơ ước của bạn đã bị bán cho người khác.

Vay nợ ở đây được xem là vay ở ngân hàng, không phải vay nóng và sắp xếp được nguồn tiền để trả. Những đối tượng được ngân hàng cho vay thường có năng lực, đảm bảo được khả năng trả nợ hoặc có tài sản để thế chấp. Lợi dụng điều đó, nhiều người đã đi vay tiền để thực hiện ước mơ mua nhà, làm giàu của mình.
Hơn thế nữa, việc mang nợ trên đầu sẽ giúp bạn có động lực để làm việc, kiếm tiền và trả nợ, nỗ lực gấp nhiều lần trong cuộc sống. Đừng nghĩ người giàu là nhiều tiền còn người nghèo là ít tiền, sự khác biệt của hai đối tượng này là làm thế nào để sử dụng tiền phục vụ cho mình, đặc biệt người giàu luôn biết cách dùng tiền của người khác để giúp bản thân trở nên giàu có hơn.

Quan niệm tiền bạc của người nghèo: Chăm chỉ làm việc – nhận lương – tiết kiệm – tiêu tiền. Tiền còn lại vẫn thường nằm một chỗ không “sinh sôi nảy nở”. Còn ngược lại người giàu thì: nỗ lực làm việc – có thu nhập – vay tiền – làm giàu – trả nợ – trở nên giàu có. Họ không ngại ngần đặt 2 chữ “nợ nần” trên đầu.
Vì thế, để thoát khỏi việc thu nhập “đủ ăn” thì người trẻ ngoài việc nỗ lực làm việc, tiết kiệm, mà cần phải can đảm vay nợ, nghiên cứu đầu tư thì cuộc sống mới thay đổi được.
Trước phát ngôn này của chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra, người thì tin rằng, có vay nợ ắt có thành công nhưng có người lại cho rằng mình đã quá thừa “uy tín” mà vẫn chưa thấy giàu đâu cả.


Vay tiền để đầu tư, làm ăn là một hướng đi mà nhiều người trẻ chấp nhận dấn thân. Họ đặt cược để đổi lấy cuộc sống dư dả hơn.
Hiện tại, đối với nhiều người tiền là mục tiêu phấn đấu vì vậy, họ ít khi dám đầu tư mạo hiểm hay chi cho một việc gì đó mà đa phần là cất, gửi ngân hàng để “mua lại” cảm giác yên tâm. Họ sợ mỗi khi nhắc đến nợ nần, cảm thấy xấu hổ khi cả đời mang nợ và luôn trong tâm trạng lo lắng, khó chịu.
Thế nhưng, nếu có đầu óc làm giàu, bạn có thể thông qua các khoản vay để kiếm tiền và chính những khoản vay cũng là nguồn vốn để họ xây dựng ước mơ của bản thân.
Tại sao người càng thành đạt càng thích “vay mượn” người khác?
Đại đa số mọi người đều nghĩ rằng chỉ ai không có tiền, túng thiếu mới hay đi vay mượn. Còn những người giàu có, nhiều tài sản thì sẽ gửi tiết kiệm hoặc đầu tư, tội gì phải vay mượn trả lãi cho cực. Song, thực tế lại cho thấy, người càng giàu có, càng thành đạt thì lại càng tiêu tiền mượn từ ngân hàng, chủ động biến mình thành con nợ.
Đơn cử như Mark Zuckerberg – tỷ phú nắm trùm “đế chế” Facebook với khối tài sản đứng top thế giới cũng là một dân thích vay mượn. Năm 2012, khi mua căn hộ 6 triệu đô ở California, vị đại gia này đã chọn hình thức vay thế chấp trong 30 năm để thanh toán.
Với số tài sản gấp trăm ngàn lần giá trị căn nhà, búng tay một phát là mua đứt được ngay, tại sao Mark Zuckerberg phải chọn ôm nợ 30 năm? Song, thật ra đây lại là “mánh khóe” giúp cho Mark Zuckerberg ngày càng giàu hơn.
Mượn nợ cách nào mới “tiền đẻ ra tiền”?
Trước tiên, cần phải phân biệt rõ ràng 2 loại nợ là nợ tốt và nợ xấu. Nợ xấu có thể hiểu là những khoản vay vượt quá khả năng thanh toán, không tạo ra giá trị hay đẻ ra tiền mà còn khiến người mượn khổ sở thắt eo buộc bụng gồng lãi. Còn khoản nợ xấu hay gặp nhất là nợ mua sắm, nợ tín dụng, nợ chi tiêu cá nhân…
Về phần nợ tốt, đây cũng là tiền vay mượn phải trả lãi nhưng là loại có thể đẻ ra tiền, giúp bạn nhân số dư tài khoản lên nhanh chóng. Các khoản nợ tốt thông dụng nhất có thể kể đến nợ mua nhà, nợ đầu tư, nợ đòn bẩy cho việc kinh doanh…
Về bản chất, dù là nợ tốt hay nợ xấu thì đều là tiền vay mượn, có lãi suất. Sự khác biệt của 2 loại nợ này không nằm ở bản chất của chúng mà là ở tư duy người vay tiền.

Nếu những người mắc phải nợ xấu thường là các con nghiện mua sắm, tiêu nhiều hơn kiếm và luôn trong tình trạng túng thiếu, vay bên này đắp bên kia để qua bữa thì những người có nợ tốt lại thuộc đối tượng ngược lại.
Họ đa phần đều là người giàu có, tài sản tích lũy khổng lồ và có việc làm ăn, kinh doanh, đầu tư vững chắc. Việc vay với lãi suất thấp để sở hữu một tài sản nào đó sẽ có lợi hơn rất nhiều so với việc mua ngay và phải trả thuế cho nó. Không giống như tiền lương và tiền công, các khoản vay đều không bị đánh thuế.
Người giàu sẽ tận dụng ưu điểm này để có thể sử dụng khoản tiền đó mua những thứ mình. Bên cạnh đó, họ sử dụng tài sản của mình để kiếm được lãi nhiều hơn để trải cho khoản nợ lãi suất thấp. Như vậy, khoản nợ đó sẽ trở thành “bàn đạp” đạp để kiếm được nhiều hơn.
Còn về lý do chọn thời hạn vay lâu, gồng lãi hàng chục năm là vì người giàu luôn muốn vay được càng nhiều tiền càng tốt và muốn trả các khoản vay càng chậm càng tốt. Điều đó giúp cho số tài sản họ đang có được dùng vào nhiều mục đích hơn như kinh doanh, mua thêm bất động sản, đầu tư mở rộng sản xuất…
Cứ thế, dòng tiền của họ hình thành một chu kì khép kín và không ngừng tạo ra của cải. Lãi ngân hàng lúc này chẳng còn đáng là bao so với số dư liên tục tăng lên gấp nhiều lần của họ.

Sau cùng, nợ nần không phải là điều xấu. Ngược lại nếu bạn có tư duy đầu tư, có trách nhiệm với tài chính cá nhân của mình, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu vay mượn để tạo ra nhiều của cải, tiến dần đến tự do tài chính. Còn nếu bạn không có kiến thức, chỉ muốn có tiền thỏa mãn các thú vui hay sĩ diện của bản thân, hãy cẩn trọng với các khoản nợ.
Theo Betie, Finance Yahoo!, BBC News
Xem thêm bài liên quan
- Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền: Không nợ thì làm sao mà giàu, người nợ càng nhiều càng uy tín!
- Ông Đặng Lê Nguyên Vũ vay 200 triệu trả suốt 23 năm và bài học từ cách “trả nợ”: Có thể nghèo nhưng không thể bội tín
- Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ vay 200 triệu rồi trả suốt 23 năm và bài học từ cách “trả nợ”: Có thể nghèo nhưng không thể bội tín!