Các cuốn sách Phó chủ tịch Hội đồng trường – Đại học FPT Hoàng Nam Tiến khuyên doanh nhân đọc chứa đựng nhiều bài học, triết lý cuộc sống và kinh doanh sâu sắc.
Ông Hoàng Nam Tiến (sinh năm 1969) từng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo tại tập đoàn FPT và đạt được những thành công đáng nể. Hiện, ông giữ vị trí Phó chủ tịch Hội đồng trường – Đại học FPT.
Trong một cuộc trò chuyện với Tri thức – Znews, khi nói về chủ đề đọc sách của các doanh nhân, ông Hoàng Nam Tiến gợi ý 3 tựa sách đáng đọc dành cho các nhà lãnh đạo để phát triển bản thân cũng như hỗ trợ điều hành doanh nghiệp mà bản thân ông cũng từng nghiền ngẫm qua.
Cuốn sách Nhà giả kim
Chia sẻ về tác phẩm, ông Hoàng Nam Tiến cho biết đây là cuốn sách đi đâu ông cũng mang theo, từ cho các bạn trẻ đến dạy chiến lược cho những doanh nghiệp lớn. Ông nhận xét đây là một cuốn sách dễ đọc.
Nhà giả kim của Paulo Coelho đã bán được hơn 150 triệu bản, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Tác phẩm lập Kỷ lục Guinness Thế giới cho sách được dịch nhiều nhất của một tác giả còn sống, hiện tổng số ngôn ngữ đã lên tới 80.

Cuốn sách như một câu chuyện cổ tích giản dị, nhân ái, giàu chất thơ, thấm đẫm những minh triết huyền bí của phương Đông.
“Nhưng nhà luyện kim đan không quan tâm mấy đến những điều ấy. Ông từng thấy nhiều người đến rồi đi, trong khi ốc đảo và sa mạc vẫn là ốc đảo và sa mạc. Ông đã thấy vua chúa và kẻ ăn xin đi qua biển cát này, cái biển cát thường xuyên thay hình đổi dạng vì gió thổi nhưng vẫn mãi mãi là biển cát mà ông đã biết từ thuở nhỏ.
Tuy vậy, tự đáy lòng mình, ông không thể không cảm thấy vui trước hạnh phúc của mỗi người lữ khách, sau bao ngày chỉ có cát vàng với trời xanh nay được thấy chà là xanh tươi hiện ra trước mắt. ‘Có thể Thượng đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quý trọng cây chà là,’ ông nghĩ.”, trích đoạn trong cuốn sách.
“Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được” là triết lý cốt lõi trong tác phẩm, cũng là câu được nhiều người đọc tâm đắc, trích dẫn lại.
Nhà lãnh đạo tương lai
Cuốn sách là những kết luận và gợi ý của tác giả Jacob Morgan dựa trên cuộc phỏng vấn 140 CEO, đại diện cho 7 triệu người từ 35 ngành nghề và 20 quốc gia trên thế giới cũng như những đánh giá của 140.000 người trên mạng xã hội LinkedIn về lãnh đạo của mình.
Ấn phẩm gồm 5 phần, mỗi phần có một số chương, bao gồm các nội dung và yêu cầu cốt lõi đối với các nhà lãnh đạo tương lai:
Phần 1 là định nghĩa về lãnh đạo. Phần 2 tập trung vào các xu hướng định hình tương lai lãnh đạo cùng các hàm ý về các xu hướng của lãnh đạo tương lai, chỉ ra những thách thức lớn nhất mà các nhà lãnh đạo tương lai sẽ phải đối mặt.
Phần 3 bàn về các kiểu mô thức tư duy thiết yếu nhất mà các nhà lãnh đạo tương lai cần sở hữu để dẫn dắt đội ngũ một cách hiệu quả. Phần 4 chỉ ra các kỹ năng nhà lãnh đạo tương lai cần có và những vấn đề cụ thể họ cần nắm rõ để thực hiện đúng. Phần 5 đề xuất cách trở thành nhà lãnh đạo tương lai xuất sắc và nên bắt đầu từ đâu.

“Cuốn sách này khá khó đọc nhưng các doanh nhân nên đọc. Tác giả đã phỏng vấn 140 CEO hàng đầu thế giới với câu hỏi: ‘Một nhà lãnh đạo trong tương lai cần có những tố chất gì?’.
Tố chất là do trời sinh, phẩm chất là do rèn luyện, kiến thức là do học tập, năng lực là do thử thách, kinh nghiệm phải có thời gian, đó là những điều tôi tổng kết ra từ khi đọc cuốn sách. Tác giả cũng giải quyết được một việc là làm sao để có được những điều đó cho những nhà lãnh đạo trong tương lai”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ về tác phẩm.
Think Again
Đây cũng là cuốn sách Phó chủ tịch Hội đồng trường – Đại học FPT – hay khuyên mọi người đọc, của tác giả Adam Grant.

“Nhiều doanh nhân khi đạt được những thành công liên tiếp có thể bắt đầu ảo tưởng rằng mình luôn đúng, khi đó, thảm họa thất bại đã ngay trước mắt.
Think Again cho phép chúng ta dừng lại suy nghĩ, về những gì chúng ta đã và đang làm, chúng ta sẽ có một tâm thế mới để nhìn ra những thị trường, sản phẩm, dịch vụ mới, con đường mới, cơ hội mới và rất có thể tránh được những thảm họa, sai lầm có thể gặp phải trong tương lai gần”, ông Hoàng Nam Tiến nói.
Trong cuốn sách, tác giả Adam Grant khuyên mọi người hãy loại bỏ những kiến thức và quan điểm không còn hữu ích, hướng tới xây dựng nhận thức bản thân bằng việc tái tư duy. Đó là suy nghĩ lại, cân nhắc lại những định kiến, quan điểm cũng như kiến thức của bản thân để thoát ra khỏi lối mòn tư duy định định sẵn.
Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ thành công hơn trong công việc và hạnh phúc hơn cuộc sống.

Cuốn sách tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói rất tâm đắc, nhiều lần tặng và giảng cho nhân viên

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ trên báo chí về sở thích đọc sách và những cuốn sách mà ông tâm đắc.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu chia sẻ cách đọc sách
Theo Tuổi Trẻ, là một người bận rộn, tỷ phú đô la của Việt Nam Phạm Nhật Vượng cho biết, cách đọc sách của ông cũng rất khác. Ông không đọc toàn bộ cuốn sách mà xem mục lục, chọn mục hay để đọc. Chỗ nào không hiểu hoặc thấy quan trọng ông có thể đọc đi đọc lại vài ba lần.
Ông Vượng tiết lộ, một trong những cuốn sách mà ông đã từng tặng cho các cán bộ của mình đọc, cũng như đã mang ra giảng nhiều lần cho nhân viên, là cuốn “Từ tốt đến vĩ đại” (Good to Great) của tác giả Jim Collins, một chuyên gia tư vấn quản lý tài năng và từng giảng dạy tại trường Stanford Business School.
Sở dĩ cuốn sách này được ông Vượng yêu thích là bởi trong đó có tinh thần kỷ luật, tư tưởng kỷ luật, đây gần như trở thành văn hóa của Vingroup.

Ông Vượng là người đọc sách rất nhiều nhưng sở thích thay đổi theo thời gian. Khi còn nhỏ, ông thích đọc sách lịch sử và thuộc hết sử sách nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê. Lên đại học, ông thích đọc tiểu thuyết.
Giờ đây, khi đã vào top 300 người giàu nhất hành tinh, ông thích đọc sách về quản trị, công nghệ, những cuốn sách tổng kết về công nghệ, xu hướng công nghệ…
Từ tốt đến vĩ đại
“Từ tốt đến vĩ đại” (Good to Great) là cuốn sách kinh doanh thuộc hàng kinh điển được giới doanh nhân thế giới ưa thích, được viết bởi Jim Collins, một chuyên gia tư vấn quản lý tài năng và từng giảng dạy tại trường kinh doanh Stanford trứ danh.

Trong cuốn sách này, tác giả Jim Collins đã quan sát rất nhiều các công ty vĩ đại và nhận thấy rằng: Họ đều hành động dựa trên một nguyên tắc nhất quán, tôn trọng kỷ luật và không bao giờ thỏa hiệp hay hạ thấp tiêu chuẩn của mình.
Đây cũng là cuốn sách mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup lấy làm tâm đắc nhất, và ưu ái lựa chọn đem tặng cho các nhân sự của Tập đoàn ông lãnh đạo. Theo đó, nguyên tắc nhất quán và kỷ luật là điều được doanh nhân này ứng dụng triệt để vào thực tế xây dựng văn hoá Vingroup.
7 nguyên tắc xây dựng một công ty vĩ đại từ cuốn sách Từ Tốt Đến Vĩ Đại
Jim Collins cùng nhóm nghiên cứu đã miệt mài nghiên cứu những công ty có bước nhảy vọt và bền vững để rút ra những kết luận sát sườn, những yếu tố cần kíp để đưa công ty từ tốt đến vĩ đại. Đó là những yếu tố khả năng lãnh đạo, con người, văn hóa, kỷ luật, công nghệ…
Những yếu tố này được nhóm nghiên cứu xem xét tỉ mỉ và kiểm chứng cụ thể qua 11 công ty nhảy vọt lên vĩ đại.
Mỗi kết luận của nhóm nghiên cứu đều hữu ích, vượt thời gian, ý nghĩa vô cùng to lớn đối với mọi lãnh đạo và quản lý ở mọi loại hình công ty (từ công ty có nền tảng và xuất phát tốt đến những công ty mới khởi nghiệp), và mọi lĩnh vực ngành nghề. Đây là cuốn sách nên đọc đối với bất kỳ lãnh đạo hay quản lý nào!
Jim Collins đã đưa ra 7 nguyên tắc xây dựng một công ty vĩ đại.
1. Hãy cố gắng để trở thành một vị lãnh đạo cấp độ 5
Người lãnh đạo ở cấp độ này bắt tay vào công cuộc kinh doanh không phải bằng thành tích cá nhân mà bằng việc đạt được mục tiêu chung cho công ty – tạo dựng một công ty vĩ đại.
2. Hành động theo nguyên tắc: đầu tiên là “ai” …sau đó là “cái gì”
Nghĩa là bất cứ một cuộc cải tổ nào cũng nên được bắt đầu bằng việc tuyển chọn nhân sự để tìm ra đúng người đúng việc và loại bỏ những cá nhân không cần thiết.
3. Hãy biết nhìn thẳng vào sự thật trần trụi, nhưng đừng đánh mất niềm tin vào sự thành công
4. Hãy luôn duy trì khái niệm con nhím
Những người thuộc nhóm “Nhím” nhìn thế giới xung quanh theo cách đơn giản, theo một khái niệm đơn giản và thống nhất, xuyên suốt mọi hoạt động của mình.
5. Tạo dựng môi trường văn hóa công ty với kỷ luật cao
Quan trọng là phải biết tuyển chọn đúng người đúng việc với trách nhiệm và kỷ luật cao. Bạn không cần phải mất thì giờ kiểm soát những người như vậy. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức để làm những công việc quan trọng hơn.
6. Hãy xem các công nghệ mới như là bàn đạp để phát triển kinh doanh chứ không nên trông chờ vào nó
Các công ty vĩ đại thường là những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới và tiên tiến. Tuy nhiên, họ biết cách chọn lựa công nghệ phù hợp và không quá phụ thuộc hay kỳ vọng vào những công nghệ mới đó.
7. Hãy chia sẻ với các cộng sự của mình kể cả những kết quả khiêm tốn nhất
Quá trình chuyển đổi từ “tốt” đến “vĩ đại” là một con đường dài và cam go. Nó giống với việc bạn đang cầm lái một con tàu nặng nề. Ban đầu, con tàu ì ạch chuyển động, nhưng rồi cũng đến lúc con tàu rẽ sóng đi băng băng.
Theo Znews, Nhịp sống kinh tế