Học hỏi bí quyết kinh doanh từ câu chuyện bán bể cá: Người kinh doanh khôn ngoan là người biết tạo ra nhu cầu ở những nơi chưa có nhu cầu.
Bài học bán bể cá – Câu chuyện hay về bí quyết kinh doanh
Người kinh doanh khôn ngoan là người biết tạo ra nhu cầu ở những nơi chưa có nhu cầu.
Có một thương gia nọ chuyên buôn bán các loại bể nuôi cá cảnh, ông đã mở rất nhiều cửa hàng ở trong vùng và sắp tới ông quyết định sẽ mở rộng phạm vi kinh doanh sang vùng bên.
Người thương gia thuê một cửa hàng rất to đẹp ở giữa trung tâm thị trấn trong vùng đó, trưng bày rất nhiều bể cá các kiểu dáng, mẫu mã được làm tinh tế, chạm khắc cầu kỳ với giá cả cũng vừa phải.
Nhưng đã một tuần trôi qua, chẳng một ai đến hỏi mua. Kinh nghiệm buôn bán lâu năm khiến người thương gia hiểu rằng không phải do chất lượng hay mẫu mã sản phẩm của mình không tốt mà do người mua chưa thực sự có nhu cầu. Và ông đã biết mình phải làm gì.
Sáng hôm sau, người thương nhân cho người làm của mình ra chợ, đến cửa hàng bán cá cảnh và đặt mua 500 con cá vàng rồi mang lên thượng nguồn của con kênh đào chạy qua trung tâm thị trấn và đổ xuống. Người thương gia còn cho bọn trẻ con một túi xu lẻ để chúng đi rao tin về những con cá vàng.


Ngày hôm sau, một tin đồn lan truyền khắp vùng rằng ở trong con kênh đào chảy qua thị trấn có rất nhiều cá vàng rất đẹp khiến cho người dân trong vùng đổ xô tới kênh đào, tranh nhau xem. Nhiều người còn nhảy xuống kênh tìm cách bắt cá vàng. Những người bắt được cá vàng, liền hồ hởi đi mua bể cá.
Những người chưa bắt được cá, cũng lũ lượt kéo nhau đi mua bể cá. Mọi người đều có chung suy nghĩ: Trong kênh đào có cá vàng, hôm nay tuy mình không bắt được, nhưng sẽ có một ngày mình bắt được, bể cá sớm hay muộn cũng có lúc dùng đến.
Cửa hàng bán bể cá của người thương gia bỗng chốc người mua kéo đến ùn ùn, mấy nghìn chiếc bể cá xếp chật kho của ông bán sạch bách.
Bài học rút ra :
Trong kinh doanh, đôi khi không phải cứ sản phẩm hay dịch vụ của bạn tốt thì đương nhiên sẽ có người mua hay sử dụng chúng mà còn phải dựa vào nhu cầu người mua. Người kinh doanh khôn ngoan là người biết tạo ra nhu cầu ở những nơi chưa có nhu cầu.

Tháp Nhu Cầu Và Ứng Dụng Thực Tế Vào Hoạt Động Kinh Doanh
“Mọi thứ trên đời đều bắt nguồn từ nhu cầu” – Tháp nhu cầu Maslow là một trong những công cụ hữu hiệu giúp nhà quản lý điều hành và vận hành doanh nghiệp của mình. Thông qua các nhu cầu cơ bản của con người, các doanh nghiệp có thể ứng dụng vào việc tìm kiếm khách hàng và quản lý nguồn nhân lực.
Tháp nhu cầu và ứng dụng trong kinh doanh
Sự thay đổi trong định hướng kinh doanh tại các doanh nghiệp và thị trường hiện nay cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ của việc ứng dụng tháp nhu cầu Maslow. Trước đây vào giai đoạn nền kinh tế bao cấp, thị trường chỉ có các đơn vị quốc doanh độc quyền, vào lúc này khách hàng chỉ cần đáp ứng các nhu cầu ở tầng 1 của Maslow như ăn, mặc, đi lại.
Cụ thể khách hàng chỉ cần thực phẩm để ăn, phương tiện để đi lại, quần áo để mặc, họ không đòi hỏi nhiều về thái độ phục vụ hay sự khác biệt.

Sau này, đến giai đoạn nền kinh tế thị trường phát triển, cung nhiều hơn cầu, vạn người bán 1 người mua, nhu cầu của khách hàng cũng được dịch chuyển đến những cấp bậc cao hơn trong tháp nhu cầu. Sau khi thỏa mãn được nhu cầu về cơ bản, khách hàng cần đến sự an toàn cho bản thân và gia đình mình, an toàn về sức khỏe, cuộc sống, kinh tế và tương lai,…
Đây là thời kỳ của các dịch vụ bảo vệ, các công ty bảo hiểm nhân thọ, chăm sóc sức khỏe,… Không những thế tất cả các sản phẩm/dịch vụ trên thị trường cần đảm bảo yếu tố về chất lượng, mẫu mã cũng như độ an toàn cho người dùng.
Song song với đó các nhu cầu cao hơn về xã hội như muốn được tôn trọng, muốn thể hiện mình của khách hàng cũng được các doanh nghiệp quan tâm hơn. Thông qua việc nắm bắt tâm lý khách hàng, các doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng của mình, tăng uy tín và mở rộng thị trường.
Tháp nhu cầu và ứng dụng còn giúp các doanh nghiệp chăm sóc khách hàng tốt hơn, giúp tăng số lượng khách hàng thân thiết. Doanh nghiệp cũng có thể áp dụng thang bậc nhu cầu maslow nhằm tăng hiệu quả các chiến lược marketing.

Có thể nói, doanh nghiệp muốn tồn tại và sống sót trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, cần ứng dụng tháp nhu cầu của maslow một cách bài bản và thông minh. Tháp nhu cầu và ứng dụng đòi hỏi các doanh nghiệp cần không ngừng tư duy, cải tiến sản phẩm/dịch vụ nhằm thỏa mãn các nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.
Dùng đang kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nào, doanh nghiệp cần quan tâm toan diện đến nhu cầu của những đối tượng tiềm năng như khách hàng, đối tác, đối thủ, nhân sự,…
Tháp nhu cầu và ứng dụng trong marketing
Ứng dụng tháp nhu cầu maslow trong marketing mang đến nhiều ưu điểm và lợi ích dành cho các doanh nghiệp. Thông qua tháp nhu cầu doanh nghiệp có thể xây dựng và triển khai chiến lược marketing một cách bài bản, mang đến hiệu quả tối đa.

1. Xây dựng chân dung khách hàng
Để định hướng kinh doanh và hoạch định chiến lược marketing các doanh nghiệp cần xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu, khách hàng tiềm năng. Thông qua thuyết nhu cầu của maslow, doanh nghiệp có thể nắm bắt được mức nhu cầu của khách hàng, từ đó xây dựng các chiến lược phù hợp.
Cụ thể doanh nghiệp có thể xác định khách hàng của mình đang ở nhóm nào trong thang bậc nhu cầu maslow; Họ có nhu cầu cấp thiết nào, cấp bậc sản phẩm và dịch vụ mà họ hướng tới là gì?
2. Chọn kênh truyền thông phù hợp
Sau khi xây dựng được chân dung khách hàng, doanh nghiệp có thể lựa chọn kênh truyền thông phù hợp với các đối tượng khách hàng mục tiêu. Khảo sát thực tế cho thấy nếu đối với khách hàng mục tiêu nằm ở tầng 1 của tháp nhu cầu thì quảng cáo truyền thông là hình thức truyền thông mang đến hiệu quả tốt nhất. Đây được xem là nhu cầu đại chúng, được áp dụng cho tất cả mọi người, thường được dùng cho quảng cáo đồ gia dụng cũng như thực phẩm.

Ngược lại, chúng ta có thể thấy các thương hiệu cao cấp, có giá trị xa xỉ, dành cho khách hàng thượng lưu như: Lamborghini, Roll Royce, Vertu, Chanel, LV,… thường không xuất hiện trên quảng cáo truyền hình.
Bởi đối tượng khách hàng mục tiêu của những thương hiệu này thuộc cấp độ 5, cấp độ thể hiện bản thân trong tháp nhu cầu, nên các chiến lược quảng cáo trên truyền hình sẽ không mang đến hiệu quả thực tế. Thông thường với các nhóm khách hàng này doanh nghiệp thường mua lại data từ các ngân hàng lớn, xem ai là người có tiền gửi ngân hàng lớn hoặc số dư tài khoản và tiếp cận trực tiếp.
3. Chọn thông điệp truyền thông
Xây dựng chân dung khách hàng rõ ràng, giúp nhà quản lý lựa chọn được thông điệp truyền thông phù hợp nhằm thỏa mãn đối tượng mục tiêu theo tháp nhu cầu Maslow. Một ví dụ điển hình trong xây dựng thông điệp dựa trên tháp nhu cầu và ứng dụng thực tế chính là hãng Vietjet Air.
Hãng bay này hướng tới phân khúc khách hàng bình dân, có nhu cầu thỏa mãn nhu cầu đi lại với mức giá rẻ. Thông điệp truyền thông của hãng là “Hãng hàng không giá rẻ, mọi người cùng bay”. Đối với Vietnam Airline, lại hướng đến sự an toàn và chất lượng dịch vụ.

Tháp nhu cầu và ứng dụng trong quản trị nhân sự
Một trong những ứng dụng của tháp nhu cầu maslow dành cho các doanh nghiệp chính là sử dụng trong quản trị nhân sự. Thông qua các phân tích về tầng nhu cầu, nhà quản lý có thể nắm bắt được tâm lý nhân viên, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý tốt hơn.
1. Nhu cầu cơ bản của nhân viên
Doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản như ăn, ở, đi lại, quần áo, trang phục của nhân sự thông qua chế độ lương thưởng, xe đưa đón, ký túc xá nhân viên, du lịch,…
Tùy theo yêu cầu về công việc cũng như điều kiện thực tế mà các công ty, doanh nghiệp có thể đáp ứng các nhu cầu của nhân sự. Việc thỏa mãn về tiền lương cũng như các nhu cầu về cơ bản sẽ giúp nhân viên tập trung tinh thần, có sức khỏe nhằm làm việc hiệu quả hơn.
2. Nhu cầu an toàn của nhân viên
Sau nhu cầu cơ bản, doanh nghiệp cần đảm bảo về nhu cầu an toàn cho nhân viên thông qua các chính sách bảo hiểm như: BHNT, BHXH,…

Cùng với đó doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, đảm bảo tính an toàn về thể chất lẫn tinh thần. Chế độ bảo hộ lao động tối ưu dành cho các nhân viên tham gia sản xuất, nhân viên công trường.
3. Nhu cầu xã hội của nhân viên
Nhà quản lý cần tạo ra môi trường làm việc thân thiện, cởi mở và hòa đồng dành cho nhân viên của mình. Tạo ra tập thể có sự gắn kết, tương tác giữa ban lãnh đạo, nhân viên, đồng nghiệp với nhau, nhằm tạo cảm giác thoải mái, thỏa mãn nhu cầu về xã hội của nhân viên.
Tổ chức các hoạt động vui chơi, các sự kiện, các chế độ thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và đời sống, sẽ giúp tăng tinh thần đoàn kết và tăng khả năng gắn bó của nhân sự.
4. Nhu cầu được tôn trọng của nhân viên
Nhu cầu thứ 4 trong tháp Maslow chính là mong muốn được tôn trọng, từ đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới,… những người trong cùng tập thể. Nhà quản lý cần ghi nhận những cố gắng của nhân sự, tôn trọng cuộc sống riêng tư và các sở thích cá nhân của nhân viên.

Có chế độ khen thưởng, khiển trách minh bạch, công bằng đối với tất cả các nhân sự trong tổ chức. Có cơ chế tăng lương, thăng chức,… phù hợp với năng lực và cống hiến của nhân sự.
5. Nhu cầu thể hiện mình của nhân viên
Cuối cùng nhà quản lý cần đáp ứng các nhu cầu thể hiện bản thân và phát triển của nhân viên. Thông qua việc trao quyền cũng như tin tưởng nhân viên, nhà quản lý có thể phát triển nhân viên cả về năng lực lẫn kỹ năng. Điều này sẽ giúp nhân viên thêm tin tưởng vào doanh nghiệp, tăng sự gắn bó và mong muốn cống hiến cho doanh nghiệp.
Trên đây là thông tin về tháp nhu cầu và ứng dụng thực tế vào hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp. Thông qua ứng dụng và ý nghĩa của tháp nhu cầu maslow nhà quản lý có thể tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng hiệu quả quản lý, giúp doanh nghiệp phát triển.
Tổng hợp, Fastwork
Xem thêm bài liên quan
- 9 câu chuyện và bài học kinh doanh “Thấm tận tâm can”: Bỏ đi sĩ diện, cơ hội sẽ đến, thành công chỉ còn là thời gian
- Kinh doanh muốn gặt hái nhiều thành tựu nhất định phải nắm rõ “Tháp nhu cầu Maslow”: Hiệu quả hay không đều dựa trên nguyên lý này
- Câu chuyện kinh doanh: Làm cách nào bán được cái áo cũ rách với giá cao ngất ngưởng? – Bạn bán hàng gì không quan trọng, quan trọng là bạn bán như thế nào