Biết đâu thất bại hiện tại chính là bàn đạp để bạn chạm tới thành công, thực hiện ước mơ của mình?
Napoleon – đại tướng quân của nước Pháp từng nói rằng: “Vinh quang của đời người vốn không nằm ở chỗ không thất bại, mà là ở chỗ thất bại bao nhiêu lần thì đứng dậy bấy nhiều lần, chỉ cần số lần đứng dậy nhiều hơn số lần ngã xuống một lần, đó chính là thành công”.
Những người thành công nổi tiếng trên thế giới chắc chắn không dễ dàng thành công, họ đã phải trải qua muôn vàn khó khăn và thử thách. Có những lúc tưởng chừng như thất bại đã dìm họ xuống đáy vực của cuộc sống, thế nhưng họ không dễ dàng bỏ cuộc, họ đã chiến thắng lại chính số phận và trở thành nguồn động lực cho rất nhiều người.
Câu chuyện gõ cửa 11 lần
Có một người đến ứng tuyển vị trí nhân viên nghiệp vụ. Vào ngày phỏng vấn, người ứng viên đi đến công ty tuyển dụng. Sau khi thư ký thông báo đến lượt phỏng vấn, anh liền bước đến trước cửa văn phòng tuyển dụng và nhẹ nhàng gõ cửa hai lần.
Từ bên trong có người yêu cầu: “Mời vào!”, người ứng tuyển chầm chậm đẩy cánh cửa ra và lịch sự: “Chào ông, ông là ….”. Nhưng anh vẫn còn chưa nói xong, vị giám đốc ngồi ở phía trong văn phòng liền chau mày, nói: “Mời anh đi ra ngoài, gõ cửa lại một lần nữa được không?”. Người ứng tuyển không hiểu chuyện gì, nhưng anh vẫn làm theo.
Anh đóng cửa lại, gõ một lần nữa, sau đó liền đẩy cửa đi vào, nhưng lần này vị giám đốc càng nhíu mày sâu hơn, ông lại yêu cầu: “Lần này càng không được, mời anh ra ngoài làm lại lần nữa!”. Người ứng tuyển cho rằng bản thân mình không đủ lễ phép, liền lui về phía sau cánh cửa, đóng cửa lại, thử lại một lần nữa.
Lần này, anh đã dùng thái độ mà mình cho là lịch sự lễ phép nhất để gõ cửa, hơn nữa lúc cửa còn chưa mở ra đã cất tiếng hỏi: “Thưa ông, tôi đã có thể vào được chưa ạ?”. Không ngờ rằng, sau khi cánh cửa mở ra, vị giám đốc vẫn giữ giọng điệu lạnh lùng đó nói với anh: “Vẫn chưa được, anh phải gõ thử lại một lần nữa”.
Người ứng tuyển bắt đầu cảm thấy mình bị hạ thấp danh dự, nhưng anh vẫn gắng kìm nén sự bất mãn trong lòng, thử lại một lần nữa. Anh gõ cửa lần nữa, sau khi cánh cửa mở ra, anh mới cẩn thận dè dặt hỏi rằng: “Thật là ngại quá, tôi đã làm phiền đến công việc của ông rồi, bây giờ đã tiện nói chuyện chưa ạ?”.
Vị giám đốc cuối cùng đã nở nụ cười, nói: “Lần này khá hơn rồi đó, nhưng làm lại một lần nữa sẽ tốt hơn!”.
“Đây đúng là ức hiếp người ta mà!”, anh nghĩ thầm trong lòng, nhưng sau khi anh đóng cánh cửa lại, liền thở một hơi thật dài, sau đó thả lỏng bản thân, làm theo yêu cầu của vị giám đốc. Chỉ có điều trong tâm trí anh lúc này đây, đã không phải là vì muốn có được công việc mà gõ cửa, mà là bởi tâm hiếu kỳ muốn biết rõ vị giám đốc này rốt cuộc đang làm gì, và liệu ông ta sẽ hành người ta đến bước nào đây.
Không ngờ rằng, sau lần thứ 11 anh gõ cửa, cánh cửa lại tự động mở ra, và người đứng ở phía sau cánh cửa, chính là vị giám đốc đã không ngừng yêu cầu anh gõ cửa.
Vị giám đốc nhiệt liệt bắt tay, chúc mừng anh đã trúng tuyển, ông nói: “Điều mà nhân viên nghiệp vụ thường gặp phải nhất chính là bị đóng sầm cửa ngay trước mặt. Cậu nhất định phải làm quen, hơn nữa tôi tin cậu cũng sẽ quen với điều này, bởi vì cậu là người duy nhất nhẫn nại, kiên trì làm theo lời tôi và gõ cửa vượt quá 11 lần trong tất cả các ứng viên”.
Ai cũng muốn thành công, nhưng không phải ai cũng đủ nhẫn nại
Thành công là điều ai cũng hướng đến, còn thất bại, tất nhiên chẳng ai muốn. Nhưng người chạm tới thành công đếm trên đầu ngón tay, còn kẻ chấp nhận đầu hàng số phận và đón nhận thất bại là vô kể.
Phần lớn những kẻ thất bại đều chấp nhận đầu hàng số phận ngay cái thời khắc thành công gần kề đó, chỉ cần một nỗ lực cuối cùng thì sẽ chạm tới thành quả nhưng lại mau chóng đầu hàng. Thất bại như vậy, chính là bản thân lại đầu hàng chính mình.
Có nhiều người khi thành công nghĩ rằng mình ở trên đỉnh cao và sẽ mãi mãi trên đỉnh cao, khinh thường người khác rồi sẽ đến một ngày bị những người đẩy xuống vì quá ngạo mạn và lỗi thời. Còn có nhiều người vì thất bại quá nhiều nên sợ hãi, suy sụp, không dám bước thêm rồi sẽ đến một ngày những bất an sẽ dìm xuống vì không dám đứng lên sau cú vấp ngã.
Nhưng lại có nhiều người thất bại đến cả nghìn lần, đến mức những người xung quanh khuyên ngăn, nhưng vẫn miệt mài làm lại, đi theo tiếng nói trái tim và rồi có ngày rạng danh, được nhiều người biết đến. Thất bại là cơ hội và kinh nghiệm không ngừng tích lũy cho thành công sau này, nếu như từ bỏ nỗ lực phấn đấu, đó mới là thất bại thật sự.
Soichiro Honda từng tâm sự rằng, “đối với tôi, thành công có thể chỉ đạt được khi đã trải qua nhiều thất bại và nghiền ngẫm. Trên thực tế, trong tất cả những việc ta làm, thành công chỉ chiếm 1%, 99% khác là thất bại”. Tinh thần làm việc, nghị lực và lòng say mê với khoa học là chìa khoá đưa Honda đến thành công.
Trước khi hãng xe Ford có được một cơ ngơi như ngày nay, người sáng lập Henry Ford đã từng lập ra ba công ty nhưng đều phá sản hết. Công ty thứ nhất mang tên Detroit nhưng nhanh chóng phá sản do Henry Ford chỉ tập trung thiết kế xe mà không kinh doanh. Công ty thứ hai mang tên ông chuyên về xe đua, nhưng sau đó chính Henry Ford bị các nhà đầu tư buộc rời khỏi công ty. Công ty thứ ba thì bị phá sản do doanh thu đi xuống.
Con đường tới thành công không hề dễ dàng
Nếu như chúng ta phải gõ cửa 10 lần, mới có thể mở ra cánh cửa thành công, thế thì hãy làm 10 lần; nếu như là 100 lần, thế thì hãy kiên trì gõ đúng 100 lần. Duy chỉ có thực thi từng bước một đến nơi đến chốn, chúng ta mới có thể mở ra cánh cửa thành công.
Lòng kiên nhẫn là một loại tài sản vô hình, cũng là thực lực mềm để giải quyết các vấn đề trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Đối với những người vừa mới bước ra xã hội, nếu đã không có kinh nghiệm cũng không có quan hệ xã hội, tài sản duy nhất có được chính là lòng kiên nhẫn.
Con đường dẫn tới thành công không bao giờ dễ dàng vì dám bước đi trên thảm gai, dám để cho gai đâm thì mới có gan nắm lấy thành công. Trời không cho không ai cái gì, càng cái gì quý thì càng phải khó khăn mới có được. Nhưng phải trải qua khó khăn, gian khổ thì chúng ta mới biết cố gắng, nỗ lực và hơn hết là biết trân trọng những gì mình đã trải qua.
Trước khi chạm tới thành công, thất bại chắc chắn sẽ đến trước và đến rất nhiều!
Tỷ phú Jack Ma thành công nhờ… bị từ chối 30 lần
Chủ tịch Alibaba – tỷ phú Jack Ma tin rằng nếu có sự thay đổi sắp diễn ra, tốt nhất là chuẩn bị sớm cho điều đó.
Triết lý đó đã giúp Alibaba cạnh tranh tốt với eBay trong giai đoạn mới thành lập.
Jack Ma nói với CNBC: “Khi chúng ta nhìn thấy cái gì đang đến, chúng ta phải chuẩn bị ngay bây giờ. Bạn phải sửa mái nhà trong khi trời vẫn còn nắng”.
Khi thương mại điện tử ở Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, eBay là một trong những công ty gia nhập thị trường sớm nhất. Hãng này tạo ra một nền tảng thương mại điện tử C2C (người dùng mua bán với nhau) gọi là EachNet, tính phí người dùng trên mỗi giao dịch. Vào thời điểm đó, Alibaba vẫn tập trung vào việc giúp các công ty nhỏ và vừa ở Trung Quốc mở cửa hàng trực tuyến. Ma đã “nhận ra rằng sớm hay muộn thì eBay cũng sẽ bắt đầu tiếp cận khách hàng của Alibaba”, Porter Erisman – cựu Phó chủ tịch Alibaba – nói với chương trình The Brave Ones của CNBC.
Để chống lại mối đe dọa tiềm ẩn từ eBay, Ma đã tập hợp một nhóm nhỏ các nhân viên của Alibaba và giao cho họ một dự án bí mật: một sàn thương mại điện tử có thể cạnh tranh trực tiếp với những gì mà eBay đang cung cấp. Đó là cách Alibaba xây dựng nền tảng thương mại Taobao nổi tiếng của Hãng, hiện đang xử lý một khối lượng giao dịch khổng lồ mỗi ngày.
Erisman cho biết Taobao cho khách hàng giao dịch miễn phí trong 3 năm đầu và điều này gây áp lực lên mô hình tính phí cho mỗi lần giao dịch của eBay. Phản ứng của eBay là “đưa ra một thông cáo báo chí và nói rằng miễn phí không phải là một mô hình kinh doanh”. Nhưng khi nhiều người mua và người bán bắt đầu chuyển sang Taobao, Alibaba biết rằng cuối cùng Hãng cũng có thể kiếm tiền.
Sau gần 2 thập kỷ kể từ khi Jack Ma sáng lập Alibaba tại căn hộ chung cư của ông ở Hàng Châu, Alibaba đã trở thành một trụ cột trong làng công nghệ thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 473 tỷ USD.
Lúc mới khởi nghiệp, Jack Ma liên tục bị từ chối – điều mà ông cho rằng đã giúp mình trở thành một doanh nhân thực sự. “Là một doanh nhân, một trong những phẩm chất tôi có là khi tôi bị mọi người chối bỏ, tôi thấy mình sẽ quen dần với việc này”, Ma nói.
Quá trình phát triển của Alibaba từ một doanh nghiệp non trẻ sang một trong những công ty có giá trị nhất Trung Quốc đi kèm với khá nhiều thăng trầm. Ban đầu, công ty gặp nhiều khó khăn trong việc gọi vốn đầu tư mạo hiểm.
Một nhà đầu tư mạo hiểm gần đây nói với CNBC rằng ông đã từng từ chối cơ hội đầu tư vào Alibaba vì ông không cảm thấy thuyết phục về mô hình kinh doanh B2B (giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau) của Hãng. Jack Ma cũng từng nói rằng Alibaba đã bị khoảng 30 nhà đầu tư mạo hiểm từ chối, trước khi tìm thấy một nhà đầu tư có tầm nhìn lớn: CEO Masayoshi Son của SoftBank .
Sau đó bong bóng dotcom xảy ra, và Ma đã buộc phải sa thải nhân viên khắp thế giới. “Alibaba đã đi từ lạc quan đến thất vọng não nề khi phải thu hẹp hoạt động”, Erisman nói. “Đó là lần duy nhất tôi nhìn thấy Jack Ma nghi ngờ chính mình, khi anh ấy sa thải nhân viên, và tôi nghĩ anh ấy có lúc còn tự hỏi liệu công ty có thể tồn tại hay không”.
Theo Erisman, khi đó Ma đã học được rằng làm CEO rất khác so với việc làm giáo viên tiếng Anh. Ông nói: “Trở thành CEO có nghĩa là đưa ra những quyết định khó khăn và đôi khi phải thu hẹp hoạt động để cho phép công ty tồn tại”.
Trong bối cảnh đang có nhiều thay đổi về công nghệ và mô hình kinh doanh, Ma đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về tương lai của Alibaba. Ông nói: “Trong 30 năm tới, công nghệ sẽ có thế lấy đi nhiều cơ hội việc làm. Nhiều người đã bất bình vì công nghệ máy học và trí thông minh nhân tạo đang lấy đi rất nhiều việc làm”. Theo Ma, đây là sự đánh đổi phải có cho việc cải thiện cuộc sống của mọi người thông qua công nghệ mới.
Để chuẩn bị cho sự thay đổi không thể tránh được một khi các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và máy học trở thành phổ biến, đầu tuần này, Alibaba cho biết sẽ đầu tư hơn 15 tỷ USD trong 3 năm tới để nghiên cứu và phát triển công nghệ. “Những gì Alibaba muốn làm trong 10 – 20 năm tới là đổi mới phương pháp kinh doanh truyền thống”, Chủ tịch Alibaba nói.
Theo Trí Thức Trẻ/ DNSG