Theo nữ chuyên gia Nguyễn Phi Vân, “người toàn phát biểu kiểu “tôi rất quan tâm về vấn đề…”, mà không đưa ra được giải pháp nào hay cũng không hề có ý định suy nghĩ về giải pháp, chỉ bốc lửa thảy vào người khác là người vừa thiếu năng lực, vô trách nhiệm”.
Là thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia… chuyên gia Nguyễn Phi Vân từng phụ trách các thương hiệu quốc tế thuộc tập đoàn Unilever, Nestlé, Abbott, San Miguel, Mastercard, Johnson & Johnson, Gloria Jean’s… .

Bà cũng là tác giả của hàng loạt đầu sách bán chạy như: “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, “Nhượng quyền khởi nghiệp”, và “Con đường ngắn để bước ra thế giới”.
Mới đây, nữ chuyên gia đã thắng thẳn chia sẻ suy nghĩ của mình về
“Một vấn đề khi xảy ra không được giải quyết mà ngâm nó cả một tháng hay vài tháng thì nó có còn là vấn đề không? Thưa nó không còn là vấn đề. Nó đã được nuôi lớn bằng năng lượng tiêu cực để trở thành quái thú.
Tôi thấy bạn trẻ Việt Nam bị lâm vào tình trạng vậy, không phải không có kỹ năng giải quyết vấn đề, mà là thiếu trách nhiệm đối với công việc và thiếu trách nhiệm với bản thân.
Các bạn có thói quen tích góp vấn đề để có chuyện nói khi đi họp. Người không có gì để phát biểu trong một cuộc họp ngoài vài ba vấn đề cũ sì là người tự phơi ra mình thiếu khả năng.
Lý do tiếp theo các bạn thường đưa ra cho sự thiếu hành động của mình là không có hay không đủ thời gian. Lý do này chứng tỏ các bạn không có kỹ năng quản trị quỹ thời gian.

Và việc các bạn trình bày những vấn đề không phải là vấn đề, vơ vét vội trước khi chuẩn bị họp cho có cái để phát biểu chỉ chứng tỏ một điều, bạn không đủ năng lực cho vị trí hiện tại của mình và cũng không tỏ ra có sự cố gắng. Vậy, nghĩa là nên nghỉ đi, đừng làm.
Người Việt Nam có tính xấu là đổ cảm xúc thật có, giả có vào khi trình bày vấn đề. Khi cảm xúc, ví dụ thường gặp là có vẻ hết sức bức xúc, là cảm xúc thật, điều đó chứng tỏ bạn không có EQ – trí tuệ cảm xúc.
Ông bà ta đã có EQ lâu rồi, nên mới dạy giận mất khôn. Khi cảm xúc đổ vào, trí huệ bị che mờ, con người trở thành một con vật bị quản trị và kiểm soát bởi cảm xúc.
Bạn chỉ là chiếc xe. Còn ông chủ, người lái xe là cảm xúc. Còn khi cảm xúc đổ vào là diễn thì còn tệ hại hơn. Nó chứng tỏ bạn chơi trò chính trị để đạt được một mục tiêu không mình bạch. Người như thế không đi đâu được xa, không làm được chuyện lớn, và đương nhiên không đáng tin cậy.
Chuyện thứ ba tôi hay nhắc đi nhắc lại khi lắng nghe các bạn trẻ là đừng chỉ nêu vấn đề mà phải có tư duy, trình bày giải pháp, ngay cả khi giải pháp đó có phần phiến diện hay chưa hoàn thiện.
Người toàn phát biểu kiểu “tôi rất quan tâm về vấn đề…”, mà không đưa ra được giải pháp nào hay cũng không hề có ý định suy nghĩ về giải pháp, chỉ bốc lửa thảy vào người khác là người vừa thiếu năng lực, vô trách nhiệm.

Tôi rất ghét họp dài dòng, và ghét nhất là những cuộc túm tụm lại để cãi nhau về những thứ chẳng giúp gì cho ai, không giải quyết được vấn đề gì, và không có hành động cụ thể sau khi họp. Nghe có vẻ vô lý, nhưng lại là bệnh ung thư cấp tính tại Việt Nam.
Số lượng thời gian phí phạm vào những cuộc túm tụm kiểu này cộng lại chắc đã có thể giúp cho quốc gia trở thành cường quốc.
Khi bàn về trách nhiệm, việc bạn đến nơi làm việc không giúp gì được cho ai mà chỉ ngồi đó làm xiếc tung hứng vấn đề, bạn là người vô trách nhiệm với tổ chức.
Việc bạn làm mất thời gian của chính mình, trôi nổi theo ngày tháng lãnh lương, chẳng học được gì, chẳng tư duy thử nghiệm gì để vỡ ra và lớn lên, bạn vô trách nhiệm với bản thân. Chỉ qua hành vi bô lô ba la về vấn đề và vấn đề không phải là vấn đề, thật ra bạn đang biến mình thành kẻ vạch áo cho người xem lưng bằng một tuyên bố hùng hồn, “tôi vô dụng”.

Có khi, thay vì chăm chăm bình phẩm về lương thưởng ngày cuối năm thì bản thân mỗi người chúng ta nên phản tư về năm cũ, về hành vi và những vở diễn xuất sắc của mình.
Người giỏi chưa bao giờ là người than phiền và bị dẫn dắt bởi vấn đề. Họ chủ động đi tìm vấn đề để tư duy sáng tạo, hăng hái tìm ra giải pháp, thử nghiệm và liên tục cải tiến. Họ không xây chuồng nuôi quái thú mà tích cực chuyển vấn đề thành cơ hội.”
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: Hãy mang tâm lý làm chủ ngay cả khi đang làm thuê
Chị nghĩ sao về việc các bạn trẻ sớm chọn con đường startup hay làm freelance vì muốn “né” môi trường công sở?
Quan điểm của Phi Vân là: Ai thích làm gì trên đời này thì hãy làm điều đó một cách tốt nhất. Cho nên, startup cũng được, đi làm thuê cũng được, làm freelance cũng được… cái gì bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc nhất thì bạn làm thôi.
Tuy nhiên, khi bạn làm bất cứ thứ gì, điều kiện tiên quyết để thành công là bạn cần phải có kiến thức và kỹ năng.
Kiến thức và kỹ năng nếu chỉ học trong trường đại học hoặc học ở Việt Nam thôi thì hơi thiếu nên với những ai cảm thấy mình chưa đủ thì nên đi làm thuê cho những tập đoàn, công ty chuyên nghiệp để học hỏi, trau dồi. Học hỏi và trở thành người chuyên nghiệp thì chọn con đường startup, bạn sẽ đạt tỷ lệ thành công cao hơn.
Nếu startup ngay khi mới ra trường cũng được, nhưng bạn sẽ không có đủ nguồn lực để phát triển tốt nhất. Vậy thì bạn phải tìm những nhà sáng lập, những co-founder, những người có kinh nghiệm, trải nghiệm, kiến thức… để đồng hành, giúp bạn đi xa hơn.
Trước khi chọn con đường freelance, bạn cũng nên bắt đầu từ một tổ chức, một công ty nào đó, học cách làm việc chuyên nghiệp, học cách quản trị bản thân mình tốt nhất trước khi bạn bước ra làm một người tự do.
Theo chị, các bạn mới ra trường nên làm công ty nhỏ hay tập đoàn lớn để thu nạp được nhiều nhất kinh nghiệm và kỹ năng?
Thật ra làm tập đoàn lớn hay công ty nhỏ không quan trọng. Quan trọng người sếp của bạn là ai. Khi bạn mới ra đời, người sếp đầu tiên có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng.
Đó sẽ là mentor, là người thầy, người dẫn dắt mình cả cuộc đời. Tìm thầy mới quan trọng chứ tìm công ty không quan trọng.

Trong môi trường công sở, làm sao để được sếp quý trọng và tín nhiệm?
Trong cuộc đời làm quản trị, những người tôi quý trọng và tín nhiệm nhất là những người luôn mang tâm lý: “Không phải tôi đi làm thuê, mà tôi đang làm chủ”.
Bởi vì khi bạn mang tinh thần làm chủ thì không có mô tả công việc là gì, làm ngày nào – nghỉ ngày nào, làm như thế nào là vừa đủ…, trái lại luôn nghĩ ra những thứ tốt nhất, hay ho nhất, sáng tạo không ngừng, đặc biệt không chỉ làm việc ở mức tốt, mà luôn đạt mức xuất sắc, vượt xa sự trông đợi của người khác. Đó cũng là người luôn được cất nhắc, được đầu tư, được nhắm đến trở thành cộng sự của tôi trong các dự án mới.
Thái độ làm chủ ấy khiến những người cộng sự làm cùng bạn mong muốn biến bạn thành người làm chủ. Nếu làm được việc đó, con đường làm thuê của bạn sẽ ngắn lại, con đường làm chủ trở nên rộng rãi, thênh thang hơn.
Theo Trí thức trẻ, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Chuyên gia Nguyễn Phi Vân: “Sếp có tâm sẽ tiễn ngay khi nhân viên thật lòng muốn ra đi”
- “Nữ hoàng trang sức” PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Là lãnh đạo, đừng bao giờ nghĩ mình đang nuôi nhân viên, mà chính họ mới là người nuôi mình
- Tỷ phú Richard Branson: “Với tôi, khách hàng không phải thượng đế, nhân viên mới là thượng đế. Nhân viên phải hạnh phúc trước thì khi đó khách hàng mới hài lòng”