Thường xuyên tụ tập bạn bè tại quán cà phê, nhiều bạn trẻ nhận thấy mức lợi nhuận của việc kinh doanh quán rất cao nên đã thử khởi nghiệp. Theo bạn, khởi nghiệp bằng kinh doanh quán cà phê: dễ hay khó?
Đối với người Việt Nam, cà phê là một thức uống quen thuộc, xuất hiện trên mọi loại menu, từ quán cóc vỉa hè cho đến nhà hàng sang trọng. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người lựa chọn kinh doanh quán cafe làm hình thức khởi nghiệp.
Chỉ cần lên Google và gõ cụm từ khóa “Kinh doanh quán cafe cần những gì?”, bạn sẽ thu về 12 triệu lượt kết quả tìm kiếm khác nhau. Con số này cho thấy nhu cầu kinh doanh quán cafe ở Việt Nam là khá lớn. Các quán cafe phủ sóng khắp mọi nơi trên đất nước, từ thành phố đến thôn quê, từ đường lớn đến ngõ ngách.
Mới đây, trên MXH đã xuất hiện ý kiến: “Tại sao khi khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ thường nghĩ đến mở quán cafe? – Vì tưởng dễ!”. Quan điểm này ngay lập tức trở thành đề tài tranh luận sôi nổi của cư dân mạng, thu hút hơn 11.000 lượt thích và 2.700 lượt bình luận trái chiều.
Nhiều người cho biết, tư tưởng “khởi nghiệp bằng việc mở quán cafe vì dễ” thực sự đang tồn tại trong một bộ phận những người mới làm kinh doanh. Họ chỉ nhìn thấy vẻ hào nhoáng bên ngoài của các quán cafe mà không biết mình sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì.
– “Không riêng gì bạn trẻ, ngay cả mẹ mình – người chưa từng kinh doanh mô hình quán xá – còn nghĩ đến là sẽ mở quán cà phê mà.”
– “Dễ bán, nhu cầu cao, vốn ít, hao hụt hàng hoá ít, cứ làm là tự động thắng.”
– “Vì đơn giản chi phí để tạo ra 1 ly sinh tố bơ thì cần trái bơ 7.000-10.000 VNĐ. Thêm 1.000-2.000 VNĐ sữa đặc. Chi phí tầm 12.000 VNĐ. Mà khi lên ly thanh toán thì 40.000-50.000 VNĐ.”
– “Vì nhìn nó sang, mác làm chủ, nghĩ nó nhàn và lãi dễ. Thấy quán cafe đông bán có tí được mấy triệu VNĐ.”
– “Vì rất nhiều người thành công với mô hình này, nhưng rất ít ai nói về sự thất bại trong mô hình. Các bạn trẻ luôn được truyền cảm hứng để mở và có rất nhiều thông tin về nó, nên có nhiều người bị ám thị về việc mở quán cafe.”
Bên cạnh đó, một số người nhận định rằng khởi nghiệp trong lĩnh vực nào cũng có cái khó riêng, nhưng mở quán cafe là hình thức dễ tiếp cận với người mới bắt đầu, lại không đòi hỏi số vốn lớn, khả năng thành công cũng cao hơn. Do đó, việc nhiều bạn trẻ mở quán cafe để “tập tành” kinh doanh cũng là điều dễ hiểu.
– “Không ai tưởng làm cafe dễ cả. Nhưng nó là ngành hàng dễ tiếp cận với người mới. Nó đại trà, 2-3 người cộng tác được, số vốn bỏ ra với người mới không nhiều. Mình từng chuyển nhượng 2 quán cafe, cũng chỉ mất công sức chứ vốn thu lại tính ra không lỗ, quan trọng là học được nhiều thứ để áp dụng sau này.”
– “Nghề nào cũng có cái khó, chả có nghề nào dễ. Làm cafe không dễ cũng không hề nhàn. Chẳng qua ngoài bán online ra thì đó là hình thức mà vốn đầu tư linh hoạt nhất, vừa sức và vừa với nhu cầu của người mới khởi nghiệp nhưng không có nhiều tiền. Làm vẫn quyết tâm nhưng nếu rủi ro còn trong phạm vi kiểm soát được thì người ta hay chọn. Thế thôi, chứ chả ai tưởng dễ cả.”
– “Startup vừa ra đời 1 ngày bán không được 300.000 VNĐ. Hiện tại connect hợp tác tốt 1 ngày gần 1000 ly. Buôn bán không bán cho người quen, không giới thiệu bạn bè, nếu chịu được khoảng thời gian chờ thì sẽ bật lại gấp bội. Không gì là dễ và cũng không gì là khó nếu chịu làm, chịu khổ và kiên nhẫn.”
Trong kinh doanh luôn có người thắng và kẻ thua: chẳng phải ai kinh doanh quán cafe cũng thành công; ngay cả người trụ được cũng phải trải qua vô vàn gian khó.
Chưa kể, 2 năm dịch bệnh triền miên càng khiến cho các ngành dịch vụ điêu đứng. Ở phần bình luận, không ít chủ quán cafe đã vào chia sẻ “kinh nghiệm xương máu” của mình.
– “Phải gồng mấy tháng đầu chứ từ từ mới có mối chứ. Mới đầu bán đừng ham lời nhiều chất lượng trước, người ta uống thấy ngon là quay lại.”
– “Thôi xin. Nếu cho chọn lại, không bao giờ dấn thân vào ngành này. Thề luôn. Quá mệt mỏi. Người ngoài nhìn vào nghĩ mình sướng lắm. […] Được ít mà chi phí thì nhiều. Mình phải nấu rồi pha, nhiều lúc mặt hàng lên giá cũng không dám tăng nhiều vì sợ khách nghĩ”.
– “Dậy từ 6h làm đến 11h. Hôm nào có đá bóng khách ngồi lại xem thì còn muộn hơn. Làm tất cả các việc nếu nhân viên không đủ. Nhiều lúc thì vắng như chùa bà đanh.”
– “Mở được 3 năm rồi đúng 3 năm dịch. Cũng đang hơi chán rồi.”
– “Bản thân khi mở cũng đã tính toán rủi ro là bao nhiêu. […] Kinh doanh lên kế hoạch tốt, nhân sự ổn, menu ngon nhưng không may mắn thì vẫn toang như thường. Nhất là các thương hiệu mua lại kiểu franchise thì vốn lớn, ngã cái là quỵ ngay vì chi phí vô hình lớn. Mở cafe cũng phải tâm huyết, không phải cà phê nào pha cũng ngon. Nói chung ti tỉ thứ, bắt tay vào thì biết ngay. Mình từng tìm hiểu mở quán A, may mà dịch bùng sớm không thì mất một khoản to đùng.”
Dù vậy, đa số mọi người đều đồng tình rằng một khi đã dấn thân vào kinh doanh ngành dịch vụ thì phải tìm hiểu kỹ lưỡng, chấp nhận rủi ro và đặt chữ “tâm” lên đầu. Chỉ khi đó, bạn mới có thể duy trì công việc lâu dài.
– “Quan trọng nhất trong ngành dịch vụ ăn uống là đặt chữ ‘tâm’ lên đầu.Vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo, đồ uống không cần quá ngon. Nhân viên quan tâm chu đáo tới khách hàng, để ý đến sở thích của các khách, thường xuyên giao tiếp tạo không gian thoải mái cho khách. Lúc ấy giàu có thì chưa biết nhưng kiếm miếng cơm qua ngày cũng đủ.”
– “Thường thường người ta sẽ khởi nghiệp với thứ mình thích. Chỉ có đam mê và niềm vui mới giúp những người khởi nghiệp vượt qua được những khó khăn. Nhưng đa số đều chết vì quá tự tin vào điều mình nghĩ là đúng.”
– “Thực ra khởi nghiệp từ ngành gì, buôn bán cái gì cũng phải chuẩn bị thật kỹ. Ngoài chuẩn bị kỹ về mọi mặt ra còn phải xác định đầu tiên mình phải xắn tay vào làm, làm và làm. Lấy công làm lãi, dần dần mới có chuyên môn. Chứ một phát mà muốn lên ông chủ, bà chủ ngay thì không có chuyện đó đâu. Trải qua biết bao chông gai mới có thành quả nhé các em ạ”.
Độc giả Băng Tâm (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận định, suy nghĩ đó chỉ phần nổi của tảng băng. Phần chìm của tảng bằng lúc nào cũng nhiều hơn. Ví dụ như phần lớn những người mở quán cà phê đều thất bại. Chủ quán sang nhượng liên tục cho nhau.
Hơn nữa, từ kinh nghiệm bản thân, chi phí chị Tâm phải bỏ ra lớn hơn con số tham khảo từ bạn bè. Không những vậy, chị phải từ bỏ công việc làm 8 tiếng/ngày để làm 16 tiếng/ngày từ khi mở quán.
Chưa kể về đến nhà chị Tâm còn phải đếm tiền, kết sổ, và đi chợ cho ngày hôm sau. Ngoài làm chủ, chị còn phải làm trông xe, pha chế, bưng bê, cọ nhà vệ sinh, thông cống và bồn cầu, lau nhà, rửa cốc…
“Các ngày thứ 7, chủ nhật hay ngày lễ nhìn người ta xúng xính váy đẹp đi chơi tôi lại chạnh lòng vì mở quán không lúc nào được nghỉ”, chị Tâm cho hay.
Từng thất bại khi khởi nghiệp với quán cà phê, anh Đinh Xuân Tùng (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, mở quán cà phê gặp nhiều rủi ro. Bởi chủ quán không thể lường trước việc một cái lô cốt hay cột điện to bỗng dưng được dựng trước cửa quán. Người chủ cũng không tính toán được con đường hai chiều trước quán bỗng dưng đổi thành một chiều.
“Mùa mưa cả con đường bị lụt nặng, tắc cống trước cửa quán… là một trong những khuyết điểm của mặt bằng mà phải “cưới” về ở chung mới biết được”, anh Tùng nói và chia sẻ thêm một khó khăn với những người mở quán cà phê là hợp đồng thuê nhà quá ngắn hạn. Trung bình hợp đồng thuê từ 3-5 năm không đủ để thu hồi vốn và sinh lời.
Chưa kể tới những rủi ro như an toàn vệ sinh thực phẩm; thái độ của nhân viên; bị khách hàng “bóc phốt” nếu vô tình làm sai… anh Tùng hay chủ các quán cà phê rất dễ phá sản nếu trở thành hiện tượng mạng với những lý do trên.
Tuy nhiên, các lý do trên chỉ là phụ. Theo những người đã từng kinh doanh quán cà phê, nguyên nhân chính dẫn tới thất bại vẫn là do không thu hút được khách và chịu áp lực lớn từ giá thuê mặt bằng. Các quán nước mới mở ra liên tục để cạnh tranh cũng khiến việc kinh doanh đi vào bế tắc.
Hàng loạt nguyên nhân cho sự thất bại khi chọn khởi nghiệp là mở quán cà phê. Song theo một tài khoản có nickname Chu Hưng, nghề nào cũng có cái khó riêng. Ngoài bán hàng online thì mở quán cà phê có hình thức đầu tư vốn linh hoạt, chủ quán có thể điều chỉnh phù hợp với năng lực tài chính cá nhân. Do đó, nếu rủi ro trong tầm kiểm soát thì nhiều người vẫn lựa chọn khởi nghiệp theo hình thức này.
Dù vậy, theo độc giả Thái Hà, tranh luận không phải để làm nhụt chí khởi nghiệp của các bạn trẻ, mà chỉ muốn nói lên một điều: có những ngành tưởng như ngon ăn nhưng thực tế rất “khó nuốt” cho người mới bắt đầu bước chân vào nghề.
Độc giả này cũng khẳng định, số người thất bại nhiều nhưng thành công cũng không ít. Cộng đồng mạng không nên có sự mỉa mai với những ý tưởng kinh doanh quán cà phê.
Hơn 2 năm qua, dịch bệnh cũng đã khiến các quán cà phê rơi vào tình trạng phá sản liên tục. Thế nhưng hiện tại khi cuộc sống dần trở lại bình thường thì các loại hình kinh doanh vui chơi giải trí đang có cơ hội phục hồi.
Theo Trí thức trẻ, Tổng hợp