Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú đã tóm tắt quá trình khởi nghiệp đầy gian khó của mình như sau: “Tôi vừa làm bốc vác, vừa làm sale, vừa làm giám đốc”.
Câu nói quen thuộc của Shark Phú trong chương trình Shark Tank Việt Nam là “Nếu dự án thất bại, em có đồng ý về làm thuê cho anh không?”. Từ một chương trình truyền hình ăn khách, công chúng bắt đầu tìm hiểu cuộc sống hàng ngày của các “cá mập”.
Và những thông tin về Shark Phú – cá mập ngồi ghế trung tâm, chủ tịch tập đoàn SunHouse bỗng được quan tâm hơn bao giờ hết.
Chủ tịch Sunhouse là ai?
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phú sinh năm 1971 trong một gia đình không được khá giả nhưng có truyền thống hiếu học tại Hà Đông, Hà Nội. Ông là nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT tập đoàn SUNHOUSE và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng hải Sài Gòn.
Cha ông là người gốc xứ Nghệ nên chủ tịch Xuân Phú đã được giáo dục một cách nghiêm khắc và truyền thống hiếu học ngay từ tấm bé. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông thi đỗ và theo học ngành tài chính kế toán tại trường Đại học Kinh tế quốc dân với tấm bằng loại khá.
Ngay từ khi còn ngồi trong giảng đường đại học, ông đã được tiếp xúc và làm quen với công việc kinh doanh buôn bán từ việc phú giúp mẹ bán hàng tại khu vực Ngã tư sở, tích lũy được cho bản thân không ít trải nghiệm và sự hiểu biết về con đường kinh doanh mà mình lựa chọn.
Từ thùng hàng của người anh trai gửi từ nước ngoài về, ông Nguyễn Xuân Phú bắt đầu bộc lộ năng khiếu cũng như niềm đam mê kinh doanh của mình.
Đó là nền móng cơ bản, là những bước đi đầu tiên của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse hôm nay. Tuy đam mê kinh doanh nhưng ông Phú đã quyết định xin vào làm cho Tổng công ty xăng dầu Petrolimex ngay sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên công việc ở phòng tổ chức có phần lặp lại khiến ông sớm chán ngán và quyết định thôi việc sau đó ít lâu.
Sau khi liên tục trau dồi kinh nghiệm bằng cách đi làm tại cách doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế, ông bắt đầu khởi nghiệp với số vốn 2.000 USD, tiền thân là công ty TNHH Phú Thắng được thành lập năm 2000 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng như Xoong, nồi, chảo…
Sau khi liên doanh với Công ty TNHH Sunhouse Hàn Quốc thì đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse.
Shark Phú – linh hồn của tập đoàn Sunhouse
Tập đoàn Sunhouse được chủ tịch Nguyễn Xuân Phú gây dựng với số vốn ít ỏi đồng thời lại vừa đúng thời điểm nước ta mở cửa và bắt đầu hội nhập nền kinh tế thế giới nên đã xuất hiện không ít thách thức nhưng song song với nó là cơ hội rộng mở.
Từ một doanh nghiệp kinh doanh đủ các mặt hàng khác nhau để kiếm lời, nay Sunhouse đã vươn lên trở thành một thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng.
Trên thị trường hiện nay, các sản phẩm của Sunhouse được người tiêu dùng tin dùng với sự đa dạng trong mẫu mã và đảm bảo chất lượng cho người sử dụng.
Trong những ngày đầu gian khó, chủ tịch Xuân Phú đã tóm tắt quá trình khởi nghiệp của mình như sau: “Tôi vừa làm bốc vác, vừa làm sales, vừa làm giám đốc”. Những dự án sản xuất đầu tiên không đem lại thành công như ông mong đợi và giải pháp khi đó của Sunhouse là bán giá sản phẩm thấp hơn chi phí sản xuất để cầm cự.
Cơ hội chỉ tới với vị chủ tịch sinh năm 1971 khi ông ký hợp đồng phân phối bếp gas của Hàn Quốc giá ưu đãi cộng với tiếp thị sản phẩm do chính công ty sản xuất với giá thấp. Đây là chiến lược mang về hiệu quả lớn trong việc phát triển thương hiệu của Sunhouse tại Việt Nam.
Sau đó, trong quá trình làm việc với tập đoàn Sunhouse Hàn Quốc, ông nhận được đề nghị chuyển giao công nghệ và các đặc quyền kinh doanh của Sunhouse tại Việt Nam. Từ đó Sunhouse Việt Nam ra đời.
Nhờ liên doanh và áp dụng công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc, các sản phẩm của Sunhouse tiên phong cho ra hàng ngàn chiếc chảo chống dính vừa an toàn lại bền đẹp, phù hợp với nhu cầu sử dụng của phần đông người tiêu dùng Việt. Đây cũng là sản phẩm tạo nên thương hiệu của Sunhouse và biệt danh “vua chảo” cho chủ tịch Phú.
Sau đó, năm 2005, Sunhouse tiếp tục đưa dây chuyền công nghệ Anod lạnh tiên tiến nhất Đông Nam Á về Việt Nam, cho ra những chiếc nồi nhôm bền cứng và bắt mắt hơn rất nhiều so với nồi nhôm truyền thống. Đây là vật dụng quen thuộc nhất trong căn bếp gia định Việt thời bấy giờ.
Năm 2010, công ty đồ gia dụng của chủ tịch Nguyễn Xuân Phú chính thức được lấy tên là Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse, đầu tư vào nhiều lĩnh vực đa dạng.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, Sunhouse đã gia nhập vào nhóm những doanh nghiệp nghìn tỷ, với 7 công ty thành viên và 8 cụm nhà máy, tổng diện tích hơn 100 ha. Tổng số cán bộ nhân viên làm việc tại tập đoàn lên đến hơn 2.000 người.
Để tiến xa hơn trong hành trình sản xuất đồ gia dụng Việt cho người Việt, trong chiến lược phát triển mới của Sunhouse không thể không nhắc tới nhà máy vi mạch Narae Sunhouse System và nhà máy Sunhouse Lighting.
Trong đó, nhà máy Narae Sunhouse System có tổng vốn đầu tư 7 triệu USD được xây dựng và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của các hãng điện tử lớn như Samsung, LG… Narae Sunhouse System được Sunhouse phát triển qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: 5 line SMT với công suất 210.000 sản phẩm/tháng; Giai đoạn 2: 10 line SMT với công suất 500.000 sản phẩm/tháng.
Việc sở hữu nhà máy vi mạch giúp doanh nghiệp làm chủ công nghệ lõi, từ đó chủ động hơn trong khâu xây dựng tiêu chuẩn và giám sát tiêu chuẩn sản phẩm.
Sunhouse đã vàng đang hướng tới nâng tầm thương hiệu trong thị trường nội địa và vươn ra thị trường quốc tế, xuất khẩu được sản phẩm đến những thị trường khó tính với chất lượng sản phẩm tốt đi kèm giá thành cạnh tranh.
Còn với nhà máy sản xuất bóng đèn Lighting, Sunhouse đã trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị từ các phòng lab uy tín nhất thế giới để kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra (test muối, test chống nước, test quang thông, tiếp điện, dòng rò….).
Đối với chủ tịch Nguyễn Xuân Phú, đây mới chỉ là những bước đầu tiên trong hành trình dài chinh phục thị trường ngành hàng điện dân dụng đầy cơ hội và thách thức. Bên cạnh việc mở rộng sản xuất, doanh nghiệp Việt cũng chứng tỏ sự đầu tư mạnh mẽ trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Chủ tịch Sunhouse đã mạnh tay đầu tư “máy phá đồ” để kiểm tra chất lượng đồ gia dụng. “Tác dụng của máy này là kiểm tra chất lượng của các thiết bị gia dụng. Chẳng hạn như nồi cơm điện sẽ đóng mở hàng nghìn lần để kiểm tra độ bền, hay chảo chống dính sẽ bị cà hàng nghìn lần để kiểm tra độ chống dính…”, đại diện Sunhouse lý giải.
Sunhouse vốn rất kín tiếng về kết quả kinh doanh, nên thông tin về doanh thu của hãng cũng rất hạn chế. Theo một số thông tin không chính thức cho biết, năm 2017, doanh thu Sunhouse của ông Nguyễn Xuân Phú đạt khoảng 1.800 tỉ đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng một năm, tăng trưởng doanh thu của Sunhouse đạt hơn 65% và được tiếp tục kì vọng làm nên chuyện trong hai năm tới.
Mục tiêu của Sunhouse trong năm tới là tăng được thêm 2.000 tỉ đồng, bất chấp những dự báo khó khăn của thị trường điện máy, điện lạnh.
Tham khảo: Doanh nhân Việt Nam