Công ty công nghệ không gian SpaceX mang sứ mệnh đưa con người lên Sao Hỏa của tỷ phú Elon Musk đang 750 triệu USD trong một vòng gọi vốn mới, đưa định giá công ty này ở mức 137 tỷ USD.
Theo CNBC, Công ty SpaceX, đơn vị sản xuất tên lửa và vệ tinh Internet của Elon Musk, đang huy động 750 triệu USD trong vòng tài trợ mới. Hiện công ty được định giá ở mức 137 tỷ USD.
Trong tháng trước, Bloomberg đã đưa tin về việc SpaceX đang cho phép nhân viên nội bộ bán cổ phần với giá 77 USD/cổ phiếu. Động thái được cho là sẽ đưa mức định giá của công ty lên gần 140 tỷ USD.
Công ty đã huy động được hơn 2 tỷ USD vào năm 2022, bao gồm một vòng tài trợ trị giá 250 triệu USD vào tháng 7 và mức định giá 127 tỷ USD trong vòng gọi vốn vào tháng 5.
Theo một email được gửi tới các nhà đầu tư tiềm năng của SpaceX, quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, hay còn được biết đến với cái tên a16z, có thể sẽ dẫn đầu vòng cấp vốn mới. Các nhà đầu tư ban đầu của SpaceX có sự góp mặt của những cái tên như Founders Fund, Sequoia, Gigafund…
Năm ngoái, SpaceX đã đạt được nhiều cột mốc mới dù công ty phải đối mặt với những trục trặc trong chương trình Starship 0, một phần trong nỗ lực của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng.
Dự án Starlink, dịch vụ cung cấp Internet vệ tinh của công ty, đã vượt quá 1 triệu người đăng ký và đang là cứu tinh của người dùng Ukraine trong bối cảnh quốc gia này bị chiến tranh tàn phá hạ tầng mạng.
SpaceX cũng đã có hơn 60 lần phóng tên lửa có thể tái sử dụng trong một năm thông qua chương trình Falcon. Công ty đang tiếp tục phát triển các phương tiện phóng Starship và Super Heavy tại cơ sở Starbase ở Boca Chica, Texas.
Trong bối cảnh Elon Musk liên tục lên tiếng về các vấn đề địa chính trị trên Twitter, ông Gwynne Shotwell, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SpaceX, đã trấn an dư luận rằng nhà sáng lập của công ty sẽ không vì mối bận tâm với trang mạng xã hội trên mà bỏ mặc việc điều hành và thực hiện các dự án với những cơ quan vũ trụ.
Hồi tháng 7-2020, mức định giá của SpaceX chỉ là 52 tỷ USD. Không phải ngẫu nhiên mà mức định giá SpaceX tăng nhanh chóng lên mức gần 140 tỉ đô la chỉ trong vòng hơn 2 năm.
SpaceX, được Elon Musk thành lập vào năm 2002, có trụ sở tại Hawthorne, California, đang thống trị thị trường phóng vệ tinh thương mại toàn cầu. Công ty đã phóng vệ tinh và hàng hóa lên quỹ đạo cho các khách hàng thuộc khu vực tư nhân, NASA và các cơ quan chính phủ khác.
SpaceX cũng thực hiện các sứ mệnh phóng để đưa các phi hành gia đến và đi từ Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) cho NASA. Công ty cũng đã thực hiện vụ phóng tàu vũ trụ với mục đích du ngoạn không gian do tư nhân thực hiện đầu tiên dành cho 4 hành khách hồi năm 2021.
NASA đang xem xét liệu SpaceX có thể giúp giải cứu các phi hành gia đang bị mắc kẹt trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) hay không. Họ bao gồm một phi hành gia của NASA và hai phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscomos).
Tàu vũ trụ Soyuz của Nga trên trạm ISS, nơi 3 phi hành gia này đang làm việc, dự kiến quay trở về Trái đất vào cuối tháng 3-2023.
Tuy nhiên, trong tháng 12, tàu Soyuz bị rò rỉ chất làm mát và một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định xem liệu nó có thể đưa các phi hành gia trở về nhà một cách an toàn hay không hoặc liệu có cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp khác hay không
Starlink, mạng lưới hàng nghìn vệ tinh internet của SpaceX, đang tìm cách tạo ra doanh thu lớn với các ứng dụng được thương mại hóa, chẳng hạn như triển khai internet tốc độ cao cho các hãng hàng không dân sự.
SpaceX đã ký thỏa thuận với nhiều hãng hàng không khác nhau để cung cấp dịch vụ internet Starlink trên máy bay của họ. Starlink cũng sẽ cung cấp internet tốc độ cao trên toàn bộ đội du thuyền của Royal Caribbean Group, công ty kinh doanh du thuyền lớn thứ hai thế giới.
Tháng 8 năm ngoái, SpaceX đã ký một thỏa thuận với hãng viễn thông T-Mobile US (Mỹ) để cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink cho các khách thuê bao của hãng này.
Trước đây, Elon Musk nói rằng Starlink có thể được tách ra để niêm yết cổ phiếu và hoạt động độc lập một khi dòng tiền dễ dự đoán hơn. Ông cho biết SpaceX cần đầu tư thêm 20-30 tỉ đô la để duy trì vị thế cạnh tranh của Starlink.
SpaceX đang cạnh tranh với các đối thủ bao gồm Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos và Virgin Galactic của tỉ phú Richard Branson trong lĩnh vực du lịch không gian.
Điểm đến vũ trụ được quan tâm nhất năm 2023
Nhiều quốc gia và cả các công ty tư nhân sẽ tìm cách đưa tàu đổ bộ lên Mặt Trăng, và đưa “khách du lịch” vào vũ trụ trong 12 tháng tới.
Các nhiệm vụ Mặt trăng chủ yếu dành cho các mục đích khoa học, thử nghiệm khả năng hạ cánh cũng như tìm kiếm nước đông đá có thể sử dụng làm nguồn nhiên liệu cho các nhiệm vụ khám phá vũ trụ sau này. Trong khi đó, các cuộc du lịch vũ trụ sẽ dành cho các tỷ phú chịu chi.
“Năm vừa qua, điểm nóng là Hỏa tinh, bây giờ tất cả sự chú ý đổ dồn về Mặt Trăng”, Jill Stuart, chuyên gia về chính sách vũ trụ từ Trường Kinh tế London ở Anh, cho biết.
Điểm đến hot trong năm 2023
Theo dự kiến, tàu đổ bộ Hakuto-R, do công ty ispace của Nhật phát triển và phóng bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX, sẽ hạ cánh xuống Mặt Trăng vào tháng 3/2023. Nếu hạ cánh đúng lịch, đây sẽ là nhiệm vụ tư nhân đầu tiên trong lịch sử đáp xuống Mặt Trăng.
Đó là nếu đúng lịch, bởi vì 2 tàu đổ bộ tư nhân khác từ Mỹ, Peregrine của hãng Astrobotic và Nova-C của hãng Intuitive Machines, có lịch hạ cánh cũng vào tháng 3, và có thể sẽ vượt mặt công ty Nhật Bản để ghi danh vào lịch sử.
Peregrine và Nova-C đều là các nhiệm vụ do NASA hậu thuẫn, với nhiều công cụ khác nhau để nghiên cứu môi trường Mặt Trăng. Các nhiệm vụ này một phần phục vụ tham vọng xa hơn của NASA, đưa con người trở lại Mặt Trăng vào cuối thập kỷ này, theo chương trình khám phá không gian Artemis.
Chuyến bay đầu tiên của chương trình, Artemis I, vừa hoàn thành cách đây vài tuần, khi tàu vũ trụ Orion đến Mặt Trăng và quay trở lại Trái Đất thành công. Các hình nộm trên tàu được bảo toàn nguyên vẹn, cho thấy tàu vũ trụ này có khả năng đưa con người đến Mặt Trăng một cách an toàn.
Chuyến bay tiếp theo thuộc chương trình Artemis sẽ thực hiện vào năm 2024, nhưng NASA cho biết 12 tháng tới là thời quan trọng để chuẩn bị sẵn sàng, cụ thể là nghiên cứu bề mặt Mặt Trăng và tìm kiếm nước đóng đá thông qua các nhiệm vụ mà NASA hậu thuẫn.
“Mặt Trăng đang được chú ý nhiều hơn so với nhiều năm qua”, Jon Cowart, cựu giám đốc phụ trách các chuyến bay vũ trụ có người của NASA, hiện làm việc tại Aerospace Corporation, cho biết.
Intuitive Machines thậm chí có kế hoạch sẽ hạ cánh 2 lần trên Mặt Trăng vào năm 2023. Ngoài ra, dự kiến có các cuộc đổ bộ Mặt Trăng từ các cơ quan vũ trụ của Ấn Độ và Nhật Bản, với các tàu Chandrayaan-3 và SLIM (Smart Lander for Investigating Moon) tương ứng.
Ấn Độ đang dự kiến phóng tàu vào tháng 8/2023. Đây là lần thứ hai nước này tìm cách khám phá Mặt Trăng, lần trước là vào năm 2019. Ngày phóng của SLIM, tàu phục vụ thử nghiệm hạ cánh chính xác trên Mặt Trăng, thì vẫn chưa được ấn định.
Nga được cho là cũng có kế hoạch lên Mặt Trăng vào năm 2023 với tàu đổ bộ Luna-25, nhưng vẫn chưa có thông tin cụ thể về tiến trình nhiệm vụ.
Du lịch vũ trụ
Du hành không gian tư nhân đã bắt đầu từ năm 2020, với tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX, nhưng năm 2023 ngành này sẽ có những bước tiến mới.
Ngoài các nhiệm vụ đưa tàu đổ bộ lên Mặt trăng, vào tháng 3 tới, SpaceX sẽ đưa 4 phi hành gia “nghiệp dư” lên vũ trụ, trong một nhiệm vụ có tên Dawn Polaris. 4 người này là những tỷ phú đã chi “đậm” để mua một chuyến du lịch vũ trụ.
Dawn Polaris sẽ đưa “khách tham quan” lên độ cao 1.200 km, cao hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào chở theo con người kể từ nhiệm vụ Apollo vào những năm 60. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên các phi hành gia nghiệp dư được mặc đồ bảo hộ, ra khỏi tàu vũ trụ và trải nghiệm môi trường trong không gian.
Cạnh tranh với SpaceX, Boeing cũng sẽ phóng tàu chở theo phi hành đoàn vào tháng 4/2023, sau nhiều lần trì hoãn.
Vẫn còn nhiều đồn đoán xung quanh việc Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos tiếp tục đưa con người vào không gian trong những tháng tới hay không. Công ty này đã ngừng hoạt động sau một vụ phóng thất bại vào tháng 9.
Một công ty khác từng tiên phong trong lĩnh vực du hành vũ trụ tư nhân, Virgin Galactic, cũng đã tương đối im ắng kể từ khi đưa người sáng lập Sir Richard Branson lên vũ trụ vào tháng 7/2021.
Theo CNBC, Bloomberg/Zingnews