Động thái cảnh báo từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) về một số dự án kinh doanh đa cấp trái phép trên nền tảng thương mại điện tử là điều mà những khách hàng đầu tư cần lưu tâm và rút ra bài học về sau để không tái diễn cảnh “tiền mất tật mang”.
Ngày 29/6, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã phát đi cảnh báo một số dự án hay mô hình hoạt động có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Có thể kể đến các địa chỉ website: Onelinknetwork.com, ChiliMall.net, Vitae.co, Crowd1.com, Tcapital.org, Winvest.io… đang mời gọi người tham gia kinh doanh và đầu tư mua cổ phiếu nội bộ với những nguồn thu nhập cực kỳ hấp dẫn.
“Bẫy” lợi nhuận kếch xù
Theo nguồn tin từ Phòng Điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng), mô hình hoạt động của các dự án nêu trên có dấu hiệu là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Điều đáng nói, những dự án này hướng đến các đối tượng trẻ như sinh viên tìm việc làm thêm và mong muốn khởi nghiệp, các dự án, mô hình hoạt động thường được giới thiệu có quy mô mang tầm quốc tế, mang sứ mệnh thời đại 4.0, lấy lợi ích cộng đồng làm động lực phát triển.
Bên cạnh đó, những dự án này còn quảng cáo và đưa ra rất nhiều lợi ích khi hợp tác đầu tư với hoa hồng, thu nhập cao ngất ngưởng, người tham gia không cần tính toán nhiều cũng có thể thấy là lợi ích đủ đường và có thể đổi đời nhanh chóng.
“Những lời lẽ quảng cáo cho các dự án, mô hình này đều hướng về việc những nhà đầu tư dự án hiện nay là những người đi tiên phong, những người làm cách mạng trong thời đại mới và như thúc giục cần nhanh chóng bỏ tiền tham gia đầu tư phát triển dự án”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý.
Qua trao đổi xoay quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng nếu cơ quan nhà nước không quản lý lĩnh vực kinh doanh đa cấp chặt chẽ hơn nữa từ các dự án nêu trên thì hệ luỵ sẽ còn rất lớn đối với những người đầu tư ham muốn “lợi nhuận kếch xù tức thời”.
Thứ nhất, cần thấy đây là những dự án đa cấp trên nền tảng trực tuyến (online) như vậy chưa được cấp phép theo quy định. Thứ hai, cần làm rõ tính chất pháp lý đối với những khoản đầu tư mà khách hàng đã bỏ ra.
“Do vấn đề pháp lý không rõ ràng nên những rủi ro dành cho các khách hàng đầu tư vào các dự án đa cấp trên nền tảng TMĐT là điều tất yếu có thể xảy ra, nhất là khi người bán hàng đa cấp có ý định lừa gạt ngay từ đầu”, ông Dũng nói.
Có 2 rủi ro cơ bản mà các khách hàng đầu tư có thể gặp phải khi “dây dưa” với các dự án kinh doanh đa cấp trên nền tảng TMĐT. Thứ nhất là các địa chỉ website: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Tcapital.org; Winvest.io… có thể do trục trặc kỹ thuật nên sẽ “sập mạng” bất cứ lúc nào. Khi ấy, các nhà đầu tư sẽ hoảng loạn, mất phương hướng, không biết bấu víu vào đâu.
Tránh “tiền mất tật mang”
Thứ hai, bản thân người bán hàng đa cấp trên các website này nếu như chủ động lừa gạt thì dòng vốn đầu tư của khách hàng sẽ không đến đúng địa chỉ và dẫn đến tình trạng đầu tư không hiệu quả, có thể mất vốn. Khi đó, việc mất khả năng thanh toán cho người đầu tư sẽ xảy ra.
Theo ông Dũng, vấn đề là những người lỡ rót vốn vào các dự án này khi bị mất tiền thì khả năng đòi lại được tiền là rất khó khăn vì dấu tích giao dịch trên hệ thống TMĐT có thể sẽ bị xoá sạch.
Khi ấy, người tham gia, người đầu tư không được cấp giấy chứng nhận hay xác nhận chính thức nào từ một pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam. Do đó, người tham gia đầu tư sẽ không có căn cứ để yêu cầu đòi quyền lợi khi có vấn đề trục trặc kỹ thuật trên hệ thống hoặc những chủ dự án hay người giới thiệu tuyến trên cố ý thoái thác trách nhiệm.
Điều đáng nói, do “bẫy” lợi nhuận kếch xù tức thời trong ngắn hạn từ kinh doanh đa cấp trên nền tảng TMĐT là quá hấp dẫn với nhiều người đầu tư, nên những người này tìm mọi cách huy động các nguồn vốn (vốn tự có hoặc vốn vay của gia đình, người thân, thậm chí là vay nặng lãi) để đầu tư. Do đó, những hệ luỵ dây chuyền sẽ phát sinh khi mọi chuyện vỡ lở.
Như lưu ý của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thành quả kinh doanh hay kết quả đầu tư của người tham gia lại không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiện thị trên giao diện website.
Do đó, cơ quan này nhấn mạnh để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, người dân không tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh vào các dự án nêu trên.
Như cảnh báo của chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, có những người trẻ ham muốn khởi nghiệp đã lỡ “dính” vào đầu tư kinh doanh đa cấp trên nền tảng TMĐT và trở thành nạn nhân từ sự mù quáng, cả tin của mình.
Vì vậy, để rút ra bài học và tránh “tiền mất tật mang” cho những người có nguy cơ trở thành nạn nhân tiếp theo thì rất cần tìm hiểu kỹ càng cơ sở pháp lý của những dự án, website kinh doanh đa cấp trên nền tảng TMĐT tương tự như những gì mà Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã cảnh báo, cũng như nắm rõ những lĩnh vực mà mình muốn đầu tư.
Theo: Thời báo kinh doanh