Iceland đã làm được điều mà người lao động trên toàn thế giới mơ ước: số giờ làm việc ít hơn nhưng tiền lương không thay đổi…
Kết quả từ hai cuộc thử nghiệm giảm giờ làm ở Iceland cho thấy không hề có sự mất mát năng suất hay suy giảm chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, người lao động nói họ bị căng thẳng (stress) ít hơn và có được sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống – các nhà nghiên cứu đến từ tổ chức nghiên cứu Autonomy có trụ sở ở Anh và Hiệp hội Dân chủ bền vững (ASD) của Iceland cho biết trong một báo cáo được hãng tin Bloomberg trích dẫn.
Báo cáo nói rằng chìa khoá để có được số giờ làm việc ít hơn mà vẫn duy trì được năng suất và chất lượng dịch vụ nằm ở việc tư duy lại cách thức xử lý các tác vụ. Việc này bao gồm rút ngắn các cuộc họp hoặc thay thế họp hành bằng email, cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết và sắp xếp lại ca làm việc.
Cuộc thử nghiệm trên được tiến hành từ năm 2015-2019, giảm số giờ làm việc còn khoảng 35 giờ mỗi tuần từ 40 giờ mỗi tuần mà không giảm lương. Chương trình thử nghiệm có sự tham gia của khoảng 2.500 người lao động, tương đương hơn 1% lực lượng lao động của Iceland. Theo các nhà nghiên cứu, kết quả cho thấy thể chất và tinh thần của người lao động được “cải thiện mạnh mẽ”.
Cuộc thử nghiệm đã rất thành công, và từ khi thử nghiệm hoàn tất, 86% lực lượng lao động của Iceland đã chuyển sang làm việc ở chế độ giảm giờ làm hoặc có quyền đàm phán với chủ sử dụng lao động để rút ngắn thời gian làm việc – báo cáo cho biết.
Tại Phần Lan – một quốc gia khác thuộc vùng Scandinavia – Thủ tướng Sanna Marin, 35 tuổi, cũng cho rằng chế độ làm việc 4 ngày một tuần là một điều đáng xem xét. Bà Marin cho rằng người lao động xứng đáng được hưởng một phần lợi ích của sự cải thiện năng suất. Tuy nhiên, hiện Chính phủ Hà Lan hiện chưa lên kế hoạch cho một chính sách như vậy.
Theo vneconomy
Xem thêm bài liên quan
- Chuyên gia: Làm việc 4 ngày/tuần có quá nhiều lợi ích cho người lao động, từ đó công ty hưởng lợi theo
- Theo bạn, yếu tố nào để nhân viên hào hứng đến công ty làm việc mỗi ngày? – Có đơn thuần chỉ là vấn đề tiền lương?
- Cựu CEO Pepsi Indra Nooyi: Nhân viên xin tăng lương là điều đáng xấu hổ, tôi 12 năm chưa từng yêu cầu tăng lương cho mình