Tạo động lực cho nhân viên là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp sở hữu nguồn nhân sự chất lượng. Bài viết dưới đây sẽ đem đến cho bạn những cách tạo động lực cho nhân viên đơn giản, thực tế và dễ áp dụng.
10 cách thúc đẩy tạo đông lực cho nhân viên (ngoại trừ tiền)
1. Có được một công việc có ý nghĩa (mục đích cốt lõi phù hợp)
Bạn có thể giúp thúc đẩy động lực tại nơi làm việc bằng cách đảm bảo nhóm của bạn hiểu được mỗi nỗ lực của họ tác động đến tổ chức, khách hàng và cộng đồng như thế nào (Tầm nhìn, mục đích cốt lõi).
Trên thực tế, theo một báo cáo của Harvard Business Review cho thấy rằng hơn 9/10 người được khảo sát sẵn sàng kiếm ít tiền hơn để có cơ hội làm những công việc có ý nghĩa hơn – cho thấy mục đích của công việc thực sự quan trọng như thế nào đối với họ.

Hoàn thành một nhiệm vụ thường mang lại cảm giác hoàn thành rất nhỏ, nhưng biết được công việc đó đã giúp ích cho người khác như thế nào, mang lại giá trị gì cho tổ chức sẽ giúp nhân viên có thêm nhiều động lực để làm việc.
2. Được học hỏi, phát triển bản thân, và thăng tiến
Mọi người gặp khó khăn khi họ thực hiện cùng một nhiệm vụ công việc ngày này qua ngày khác. Khi nhân viên của bạn đang trong tình trạng này, họ rất dễ trở nên kém động lực, thiếu sáng tạo và không hài lòng với công việc của mình.
Bạn có thể thay đổi điều đó bằng cách thường xuyên tổ chức những buổi đào tạo về kỹ năng cho nhân viên, chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để giúp đỡ họ phát triển hơn trong công việc thông qua những buổi nói chuyện ngắn. Theo nghiên cứu từ LinkedIn 94% nhân viên cho biết họ sẽ ở lại công ty lâu hơn nếu tổ chức của họ tích cực giúp họ trong việc học tập và phát triển nghề nghiệp.
Bằng cách nâng cao kỹ năng cho nhân viên của mình, bạn đang cho họ thấy rằng họ quan trọng đối với doanh nghiệp, rằng bạn nhìn thấy tiềm năng của họ. Điều này góp phần giúp cho hiệu suất công việc ổn định hơn, nâng cao sự hài lòng trong công việc từ đó mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức.

3. Nhận được các phản hồi, ghi nhận thường xuyên
Hãy tưởng tượng bạn làm việc trong một môi trường mà bạn không biết mình đang hoạt động như thế nào, nơi bạn chỉ đơn giản là hoàn thành nhiệm vụ mà không hiểu bạn đang làm tốt ở điểm nào hoặc bạn cần cải thiện ở đâu.
Cung cấp phản hồi và ghi nhận cho nhân viên một cách thường xuyên và mang tính xây dựng, sẽ dễ dàng tạo ra động lực cho người lao động vì họ trở nên tự tin hơn trong một số khía cạnh của công việc và cam kết hơn để giải quyết những thiếu sót của họ.
Thông qua phản hồi, ghi nhận người nhân viên biết được rằng các nhà lãnh đạo nhìn thấy và đánh giá cao những nỗ lực của họ. Được công nhận xứng đáng mang lại cho họ cảm giác có giá trị ở nơi làm việc, làm tăng lòng tự trọng, sự nhiệt tình và nâng cao tinh thần – đây cũng chính chìa khóa để cải thiện hiệu suất và mức độ gắn kết.
Tuy nhiên văn hóa phản hồi và công nhận đôi khi khó được thực hiện tại các doanh nghiệp bởi vì thói quen ngại giao tiếp. Người quản lý và nhân viên luôn có khoảng cách và thường không có sự thẳng thắn hoàn toàn với nhau. Việc ghi nhận thành tích của người khác một cách công khai cũng rất khó để thực hiện.
Để thực hiện tốt việc ghi nhận, trước tiên doanh nghiệp cần có quá trình làm quen. Và cần có một công cụ chuyên biệt – giống như phần mềm GoalF để tạo thói quen phản hồi và công nhận trong tổ chức.

Phần mềm GoalF thiết lập một môi trường để mọi người có thể dễ dàng trao đổi, phản hồi và ghi nhận lẫn nhau một cách công khai. Dần dần thói quen ngại giao tiếp sẽ được xóa bỏ và thay vào đó là một văn hóa trao đổi mạnh mẽ rộng khắp tổ chức.
4. Được người khác lắng nghe
Việc lắng nghe nhân viên không có nghĩa là bạn có thể khắc phục mọi vấn đề, không nhất thiết phải đồng ý với nhân viên của mình (về bất cứ điều gì họ đang nói) hoặc không có nghĩa là bạn phải thực hiện một đề xuất của họ. Nhưng bạn cần có sự lắng nghe một cách chân thành để hiểu được cảm xúc của nhân viên.
Trong một nghiên cứu của Salesforce Research đã khảo sát hơn 1.500 chuyên gia kinh doanh về khả năng lãnh đạo dựa trên giá trị và bình đẳng tại nơi làm việc. Trong số những phát hiện khác, họ phát hiện ra rằng khi một nhân viên cảm thấy được lắng nghe, người đó có khả năng cảm thấy được trao quyền để thực hiện hết khả năng của họ cao hơn 4.6 lần.
Tất cả chúng ta đều có nhu cầu được người khác lắng nghe, điều đó giúp cho chúng ta cảm thấy mình được tôn trọng và ý kiến của chúng ta có giá trị. Khi mọi người của bạn cảm thấy được lắng nghe, họ cảm thấy có động lực và làm tốt công việc của mình hơn.

5. Được đóng góp vào mục tiêu chung
Các doanh nghiệp tiến lên bằng cách đặt ra các mục tiêu và sau đó nỗ lực để đạt được chúng. Tuy nhiên, tại phần lớn các công ty chỉ có một số ít thành viên hiểu về mục tiêu chung của tổ chức, số còn lại hoàn toàn không hiểu được ý nghĩa của công việc mình đang làm. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới động lực làm việc của nhân viên.
Thiết lập mục tiêu chung cho cả tổ chức là một quá trình cần thiết để thu hút sự tham gia của nhân viên và giúp họ thành công. Tập hợp mọi người lại với nhau để theo đuổi các mục tiêu chung là điều quan trọng để tiến lên phía trước, duy trì và phát triển doanh nghiệp trong thời gian dài.
Hiểu và được tham gia vào các mục tiêu chung của tổ chức giúp nhân viên có động lực và cảm thấy công việc của mình có giá trị. Những nhân viên tài năng sẽ được thể hiện và vượt lên trên những gì bạn mong đợi ở họ.
Trong chuyến thăm trung tâm vũ trụ NASA vào năm 1962, Tổng thống John Kennedy nhìn thấy một người gác cổng mang theo một cây chổi. Ông ta cắt ngang chuyến tham quan của mình, bước tới người đàn ông và nói, “Xin chào, tôi là Jack Kennedy. Bạn đang làm gì thế?”

Người gác cổng trả lời, “Tôi đang giúp đưa một người lên mặt trăng, thưa Tổng thống.”
Rõ ràng, người gác cổng hiểu được tầm quan trọng của sự đóng góp của mình. Anh ta thực sự cảm thấy mình là một phần có giá trị của tổ chức, và điều này đã giúp anh ta tự tin vào nhiệm vụ của mình. Anh ấy không chỉ đơn thuần là một người gác cổng, anh ấy còn là một thành viên của Đội Vũ trụ NASA năm 1962!
6. Thực hiện các mục tiêu thách thức
Theo lý thuyết Goal Settings của Locke từ năm 1968, một mục tiêu đầy thách thức và phù hợp sẽ thúc đẩy động lực nội vi, mang lại cho một cá nhân cảm giác tự hào và chiến thắng khi họ đạt được chúng, và giúp họ có động lực để đạt được mục tiêu tiếp theo lớn lao hơn.
“Mục tiêu càng thách thức (và được chấp nhận) thì sự thỏa mãn và niềm đam mê đạt được nó càng lớn“
Vì vậy hãy khuyến khích nhân viên của bạn đặt ra những mục tiêu thách thức. Đảm bảo rằng những mục tiêu này được vạch ra rõ ràng cho nhân viên của bạn, cho họ biết lý do họ cần thực hiện và những kỳ vọng của bạn. Và lưu ý một điều hãy tạo ra một môi trường “an toàn” để đặt ra các mục tiêu thách thức, điều đó đồng nghĩa với việc “Không trừng phạt những thất bại”.

7. Cùng chung giá trị văn hóa, niềm tin với tổ chức
Văn hoá của một doanh nghiệp là toàn bộ giá trị, niềm tin được gây dựng lên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, từ đó trở thành quy tắc, tập quán quen thuộc ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp đồng thời chi phối tình cảm, cách suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục tiêu.
Một tổ chức có văn hóa tốt là một tổ chức có những hành vi và cách cư xử đồng nhất. Nhân viên của bạn sẽ cảm thấy có động lực và niềm tin vào tổ chức khi họ được làm việc cùng những người có chung giá trị niềm tin.
Người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc duy trì một nền văn hóa mạnh mẽ, bắt đầu bằng việc tuyển dụng và lựa chọn những ứng viên có cùng chung niềm tin. Ngoài ra người lãnh đạo cũng cần phát triển các chương trình định hướng, đào tạo và quản lý hiệu suất nhằm vạch ra và củng cố các giá trị cốt lõi của tổ chức, đảm bảo rằng tất cả thành viên luôn hướng tới những giá trị văn hóa của tổ chức.

8. Có một người sếp tốt (lắng nghe, thấu hiểu, dẫn dắt, đồng hành, tin tưởng)
Mối quan hệ giữa người quản lý và nhân viên được xây dựng dựa trên sự tin tưởng và cam kết. Được làm việc với một người người quản lý tốt, luôn sẵn sàng hỗ trợ là yếu tố quan trọng để khiến cho nhân viên cảm thấy gắn bó với tổ chức và có thêm động lực để làm tốt công việc của mình.
Những nhân viên tin rằng người quản lý của họ quan tâm đến họ sẽ hoạt động tốt hơn. Khi nhân viên cảm thấy được hỗ trợ bởi người quản lý của họ, niềm hạnh phúc của họ trong công việc sẽ tăng mạnh, điều này cũng góp phần vào thành công của công ty.
Xây dựng một mối quan hệ lành mạnh đòi hỏi nỗ lực của cả người quản lý và nhân viên. Và khi mối quan hệ này trở nên bền chặt thì kết quả là niềm hạnh phúc và sự hài lòng trong công việc, tác động tích cực đến năng suất, hiệu suất, chính sách và cả văn hóa làm việc.
9. Nhận được mức lương xứng đáng với đóng góp, chứ không phải vị trí công việc

Trong cuốn Work Rule của Laszlo Bock nói rằng tại Google nguyên tắc để giữ chân được những người giỏi nhất đó là “Trả lương không công bằng”. Điều này có nghĩa rằng bạn không nên trả lương đồng đều cho tất cả nhân viên ở cùng một vị trí, thay vào đó hãy nhìn vào năng lực, sự đóng góp của mỗi người để đưa ra một mức lương phù hợp.
Phần lớn các công ty đều nhầm lẫn giữa khái niệm “Trả lương đồng đều” và “Trả lương công bằng”. Công bằng là khi tiền lương tương xứng với đóng góp của họ, và phải có sự chênh lệch lớn giữa những người giỏi nhất và những người tệ nhất. Những người giỏi làm việc vượt trội hơn những người kém rất nhiều lần vì vậy tiền lương của họ cũng phải cao gấp nhiều lần.
Việc được hưởng mức lương đúng với năng lực của mình sẽ đảm bảo sự công bằng và giúp cho những nhân viên giỏi của bạn có thêm động lực để làm việc và gắn bó lâu dài với tổ chức.
Đơn giản là vì họ biết rằng tổ chức nhận ra giá trị và đánh giá cao năng lực của họ. Nếu bạn không có khả năng trả lương hoặc tăng lương cạnh tranh, hãy nghĩ đến các khoản thưởng dựa trên hiệu suất cho từng nhân viên hoặc nhóm.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về tính lương thưởng đúng cách tại đây
10. Được tôn trong, tin tưởng và trao quyền

Trao quyền là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của bất kỳ công ty nào. Ủy quyền hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích cho việc tăng năng suất ngay lập tức mà còn cho phép bạn phát triển nhân sự để họ có thể sẵn sàng thăng tiến vào các vai trò cao hơn trong tương lai.
Khi được trao quyền, các thành viên trong nhóm sẽ hoạt động hiệu quả hơn vì họ nhận được sự tin cậy, được đối xử một cách đàng hoàng và tôn trọng từ người quản lý. Theo như tháp nhu cầu của Maslow “Được tôn trọng” là nhu cầu cao thứ hai chỉ sau “Khẳng định bản thân”. Điều này cho thấy rằng khi một người được tin tưởng và trao quyền, họ sẽ có động lực làm việc mạnh mẽ để thực hiện bất kỳ nhiệm vụ thách thức nào.
Theo John Academy
Xem thêm bài liên quan
- Theo bạn, yếu tố nào để nhân viên hào hứng đến công ty làm việc mỗi ngày? – Có đơn thuần chỉ là vấn đề tiền lương?
- Tại sao người làm chủ ai cũng khó tính, cầu toàn từng li từng tí: Một lỗ thủng nhỏ có thể làm đắm cả con tàu lớn!
- Bài học thành công kinh điển của tỷ phú Jack Ma: “Tôi chỉ thuê người thông minh hơn mình về làm cho tôi!”