Cựu Phó chủ tịch SpaceX cảnh báo nhân viên Twitter nên cẩn thận, vì Elon Musk sẽ đóng “vai ác” và mắng chửi nhân viên thậm tệ khi làm việc.
“Làm việc cho Elon Musk như làm việc với hai người khác nhau. Một Elon Musk ác và một Elon Musk hiền. Và bạn sẽ chẳng bao giờ biết được mình sẽ gặp ai tiếp theo”, Jim Cantrell, cựu Phó chủ tịch SpaceX cho biết, trong bài viết cho Business Insider.

Elon Musk có thể đóng vai ác
Theo Jim Cantrell, Elon Musk có khả năng hấp dẫn người đối diện bằng những ý tưởng thiên tài của mình và rồi họ sẽ bị cuốn vào kế hoạch của ông.
Khi mới làm việc với Musk đầu năm 2001, Cantrell – khi đó là một kỹ sư hàng không vũ trụ tại Đại học bang Utah, đã quá chán ngán với những dự án vũ trụ của chính phủ. Do đó, ông cảm thấy rất hứng thú khi Musk đề xuất ý tưởng tự phát triển tên lửa.
Mọi người khi đó đều nghĩ đó là chuyện hoang đường, nhưng Musk lôi ra một bảng tính ông làm cùng với Tom Mueller và Chris Thompson, 2 kỹ sư đồng sáng lập SpaceX. Đây là kế hoạch phát triển Falcon 1, và Cantrell thừa nhận ông rất ấn tượng.
“Kế hoạch của Elon khiến tôi hứng thú, và tôi quyết định thử xem trong một năm, liệu mình có thể đi được tới đâu”, Cantrell kể lại.
Nhưng một khi đã hóa thành “Elon Musk ác”, Musk sẽ không ngại mắng thẳng vào mặt người khác và gây áp lực lên họ. “Chẳng ai là đủ tốt với cậu ấy”, Cantrell cho biết.
Cantrell nhớ có lần Musk đến văn phòng, và gọi ông lúc 3 giờ sáng để tra hỏi xem ông đang ở đâu. Cantrell trả lời rằng ông mới chỉ ngủ 3 tiếng và cần phải ngủ thêm. Thế nhưng, Elon Musk khi ấy vẫn nằng nặc đòi ông phải đến công ty vì vẫn chưa hoàn thành công việc.
Trên thực tế, vị tỷ phú giàu nhất hành tinh luôn tự đặt ra yêu cầu cao cho mình trước, nhưng những yêu cầu đó rất khác với thông thường. “Vì thế, tôi nghĩ rằng điều tương tự đang xảy ra với Twitter. Ông ấy sẽ siết chặt kỷ cương để đẩy nhanh hiệu quả công việc”, Cantrell nói.

Một điều khác mà cựu Phó chủ tịch SpaceX nhận ra trong quá trình làm việc với Elon Musk là vị tỷ phú luôn có tính toán với mọi thứ xung quanh mình. Ông đặt mục tiêu đưa con người lên Hỏa tinh cho SpaceX và yêu cầu cấp dưới của mình 100% tuân theo mục tiêu đó.
“Musk luôn có mục tiêu rất rõ ràng nhưng ông ấy lại chẳng bao giờ rõ ràng với nhân viên của mình. Bọn họ lúc nào cũng phải đoán ý ông ấy”, Cantrell chia sẻ.
Do đó, Phó Chủ tịch SpaceX cho rằng các nhân viên Twitter phải chắc chắn rằng họ luôn phải tuân theo nhiệm vụ Elon Musk đưa ra. Nếu có nhân viên bất đồng quan điểm, ông ấy sẽ không ngại chửi bới thậm tệ vào mặt họ vì ông ấy là kẻ có quyền nhất công ty.
Theo Cantrell, ông và Musk từng có tranh cãi khi bàn về bồn chứa xăng của tên lửa. Musk cho rằng đề xuất của Cantrell là quá đắt đỏ, và mắng thẳng vào mặt ông. Vị kỹ sư kỳ cựu bị bắt phải đi đến các nhà máy thép xung quanh để khảo giá, tìm phương án khác.
“Không phải cậu ta không tin tưởng tôi, chỉ là cậu ta tin rằng còn cách khác để giải quyết vấn đề”, Cantrell nhận định.
Chia sẻ với Business Insider, Cantrell nói rằng ông đã học hỏi rất nhiều khi ở dưới quyền Musk. “Nhưng tôi nghĩ mình không được trả lương chỉ để ăn mắng nên đã rời đi”, ông tâm sự.
Elon Musk mơ lớn từ khi còn trẻ
Theo Business Insider, Jim Cantrell từng là Phó chủ tịch mảng phát triển doanh nghiệp đầu tiên của SpaceX và đảm nhiệm chức vụ này trong giai đoạn đầu của công ty, 2001-2002. Trước khi làm ở SpaceX, ông đã tham gia vào một nhóm kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học bang Utah.
Vì thế, khi được mời về làm ở SpaceX, ông không hề biết Elon Musk là ai và cũng chưa từng nghe đến PayPal. Elon Musk đã gọi điện cho Jim Cantrell để chiêu mộ ông. Musk nói rằng ông là một vị tỷ phú rất nổi tiếng trên Internet và liên tục bàn về tham vọng muốn đưa con người du hành vũ trụ của mình.

Sau đó, Cantrell đã có cơ hội cùng Musk đến Moscow trong một chuyến tham quan tên lửa Nga cùng với Mike Griffin, lãnh đạo của NASA sau này. Vào thời điểm đó, Elon Musk mới chỉ 30 tuổi. “Cậu ấy không biết cách ăn mặc và khá rụt rè, nhút nhát”, Jim Cantrell nhận xét.
Ổng kể Elon Musk thời trẻ rất tươi sáng và tràn đầy quyết tâm với mục tiêu của mình. Nhưng những người xung quanh đều cho rằng ông chỉ là một tỷ phú “vô công rỗi nghề”, học đòi tham gia vào ngành vũ trụ.
Trong chuyến bay trở về, Elon Musk đột nhiên nói với Cantrell rằng: “Tôi nghĩ chúng ta có thể tự tạo ra tên lửa này đấy”. Ban đầu, Cantrell đã tỏ ra ngờ vực về ý tưởng này. Nhưng Musk đã nói rằng ông đang hợp tác với kỹ sư Tom Mueller và Chris Thompson, đồng sáng lập SpaceX.
Họ đang bàn tính việc phát triển tên lửa Falcon 1 và cựu Phó chủ tịch SpaceX nói rằng ông thật sự ấn tượng với ý tưởng điên rồ này. “Khi đó, tôi rất mệt mỏi với sự chậm chạp của chính phủ trong lĩnh vực vũ trụ nên kế hoạch Elon Musk vạch ra khiến tôi rất hứng thú”, ông nhớ lại.
Cantrell sau đó đã đồng ý hợp tác và trở thành Phó chủ tịch mảng phát triển doanh nghiệp từ tháng 12/2001 đến tháng 9/2002. Nguyên nhân rời đi là vì ông có quá nhiều mâu thuẫn với Elon Musk.
“Nếu bạn có cùng quan điểm và tầm nhìn với Musk, có khả năng chịu đựng một vị sếp luôn đòi hỏi rất nhiều cả về thời gian và sự chú ý của bạn, thì làm việc cùng cậu ta sẽ rất vui. Hành trình này phụ thuộc vào mục tiêu của bạn trong cuộc đời, bởi không phải ai cũng thấy sự nghiệp là thứ quan trọng nhất”, Cantrell kết luận.
Elon Musk khiến thung lũng Silicon phải chia phe
Bên cạnh làn sóng phản đối quyết định sa thải hàng loạt của vị tỷ phú 51 tuổi, nhiều người cho rằng hành động này là bước đệm cho kỷ nguyên mới dưới thời Elon Musk.

Sau khi hoàn tất thương vụ, Elon Musk bắt đầu cuộc thanh trừng diện rộng với kế hoạch sa thải 50% nhân viên của Twitter.
“Trong nỗ lực nhằm đưa Twitter đi trên con đường lành mạnh, chúng tôi sẽ vượt qua một quy trình khó khăn để giảm nhân lực trên toàn cầu của công ty vào ngày 4/11.
Chúng tôi nhận thấy rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến một số cá nhân đã có những đóng góp có giá trị cho Twitter, nhưng rất tiếc hành động này là cần thiết để đảm bảo sự thành công của công ty trong tương lai”, nội dung trong một email được gửi vào hôm 3/11.
Việc sa thải hàng loạt đã cho thấy một số khía cạnh của sự phân chia văn hóa ở Thung lũng Silicon. Một số nhân viên công nghệ theo phe Musk hoan nghênh việc vị tỷ phú mua lại “chú chim xanh”, trong khi những người khác bày tỏ sự bất bình trước cách mà Musk đang thay đổi gã khổng lồ mạng xã hội.

Giới công nghệ chia phe
Elon Musk đang có ý định làm cho Twitter ít bị giám sát hơn, đồng thời khôi phục quyền sử dụng của những người dùng bị cấm, bao gồm cả Donald Trump, người từng bị xóa tài khoản vì phát tán thông tin sai lệch.
Theo nghiên cứu từ Đại học bang Montclair, những phát ngôn căm thù tăng vọt kể khi Musk tiếp quản Twitter. Điều này một phần là do nhiều nhân viên chịu trách nhiệm giám sát nội dung đã bị đuổi việc.
Theo Fortune, quyết định sa thải ồ ạt của vị tỷ phú đã chia Thung lũng Silicon thành ít nhất hai nhóm: ủng hộ và chống lại Musk.
Đối với một bộ phận nhỏ ở Thung lũng Silicon, hành động đuổi việc và khả năng lãnh đạo của Musk thể hiện niềm tin chiến thắng.
“Twitter là một biểu tượng của cuộc chiến văn hóa ở khía cạnh ‘thức tỉnh’ đối với nhiều người và Elon đang chống lại điều đó”, một nhân viên Amazon giải thích trên Blind, mạng xã hội ẩn danh dành cho dân công nghệ.
Theo một nhân viên Meta, mạng xã hội “chú chim xanh” đã có một kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ trong suốt thập kỷ trước cho đến khi ngừng thảo luận về các chủ đề hợp lệ.

“Musk bước vào và xử lý mớ rác hỗn độn ở Twitter. Mọi người đang trở nên điên cuồng khi họ giống như những chú hề kêu gào sự bất công”, người này chia sẻ.
Một số khác cho rằng các meme cắt ghép hình ảnh của Musk với Thanos, nhân vật phản diện từ Vũ trụ Marvel, không hề nhạy cảm trong thời điểm hiện tại.
“Nếu không tập trung vào việc kiểm duyệt và hủy hoại nền tảng thì nhiều người sẽ có thiện cảm hơn với Twitter”, một nhân viên Google bày tỏ.
Đối với phe còn lại, nhóm chống đối tỷ phú giàu nhất thế giới, sự tiếp quản của Musk và việc tái tổ chức công ty sau đó là biểu tượng của một tương lai mang tính đe dọa.
Nhiều lao động thuộc Twitter cảm thấy khó hiểu vì các đồng nghiệp vui mừng khi chứng kiến sự xáo trộn của một trong những tập đoàn cuối cùng cung cấp khả năng cân bằng giữa công việc, cuộc sống và trả lương cao.
Thế nhưng, những nhân viên Amazon lại cho rằng bạn bè của họ làm việc ở đây đều nói môi trường công sở ở Twitter độc hại hơn so với tưởng tượng.
Nhóm nhân sự của Media.net đã thề sẽ không bao giờ ứng tuyển hoặc sử dụng sản phẩm thuộc hệ sinh thái của Elon Musk.
Twitter hỗn loạn
Kushal Dave, cựu giám đốc kỹ thuật của Twitter, cho biết anh thấy nhẹ nhõm khi được thoát khỏi sự thay đổi rõ ràng trong văn hóa dưới phong cách lãnh đạo của Musk.
“Tôi rất vui khi được cho nghỉ việc nhưng bức màn công lý của ông ấy đã bị xuyên thủng. Cũng lộn xộn như Twitter trước thời Elon, nó là một ‘thành phố’ thực sự của chính trị, chủ nghĩa lừa đảo và lạm dụng tâm lý như bây giờ ”, Dave viết trong một tweet đã bị xóa.
Một số chủ đề trên Blind cũng đang giới thiệu các cơ hội việc làm khác trong lĩnh vực công nghệ cho những nhân viên Twitter thất nghiệp gần đây.
Theo một nguồn tin tiết lộ với Business Insider, những người đã từng chỉ trích vị tỷ phú 51 tuổi sẽ sớm bị sa thải. Không ít người gọi hành động của Musk là “liều lĩnh, làm suy yếu niềm tin vào nền tảng, đồng thời đe dọa nhân công”.

“Cho đến tuần trước, tôi vẫn nghĩ hầu hết mọi người trong công ty đều cảm thấy như tôi. Thật tức cười khi thấy một nhóm nhỏ đang cố gắng làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe”, một cựu nhân viên chia sẻ.
Những người thuộc nhóm bị cho thôi việc đã sử dụng hashtag #OneTeam để bày tỏ sự phẫn nộ. Trong ngày 3/11, một đơn kiện tập thể đã được đệ trình lên tòa án liên bang San Francisco. Trong đó ghi rằng công ty này sa thải hàng loạt mà không thông báo trước 60 ngày như quy định của bang California.
Còn với nhóm người lao động may mắn không nằm trong đợt cắt giảm 50% nhân sự, họ phải làm việc 12 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần (tương đương với 84 tiếng/tuần) với hy vọng có thể đáp ứng tiến độ mà ông chủ mới Musk đưa ra.
Một số khác chủ động từ chức với mong muốn có thể giúp các đồng nghiệp “giữ công việc của họ”.
Theo Zingnews