Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn: “Rất nhiều người biết ước mơ, nhưng thành công chỉ đến với người bền chí, nhanh nhạy, biết nắm bắt cơ hội để hiện thực hóa mơ ước”.
Là khách mời đặc biệt tại Lễ khai giảng Khóa 48 Đại học chính quy UEH, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), một người Việt Nam có tầm ảnh hưởng với thế hệ trẻ trong nước và quốc tế đã mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ sinh viên kỷ nguyên số với chủ đề “Always Ready For Next – Sẵn sàng chủ động tương lai”.
Dưới đây là bài chia sẽ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG):
“Các em sinh viên thân mến!
Hôm nay là ngày đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời của các em – tương lai các em chắc chắn sẽ là những chuyên gia kinh tế giỏi, nhà quản lý tài ba, những doanh nhân thế hệ mới phục vụ cho sự phát triển và thịnh vượng của đất nước. Và chỉ có chính bản thân các em mới “quyết định” cho “tương lai” cuộc đời của mình.
Do vậy, các em phải không ngừng học hỏi, tự bồi dưỡng trong môi trường mới để làm phong phú thêm vốn kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân. Thời đại hôm nay là thế kỷ của nền kinh tế tri thức, học để khẳng định mình, học trong cuộc sống là công việc của cả đời người chúng ta.
Thành công chỉ đến với người bền chí, nhanh nhạy, biết nắm bắt cơ hội để hiện thực hóa mơ ước
Nhiều người biết đến tôi là một doanh nhân thành đạt, nhưng có lẽ ít ai biết, để chạm tới vị trí này, tôi phải trải qua những ngày tháng khó khăn, gian khổ thời sinh viên, đi rửa xe, làm thuê giữa trời tuyết băng giá ở Mỹ để kiếm tiền ăn học và để thực hiện cho bằng được ước mơ là phải tốt nghiệp cao học tại Mỹ.
Đến khi ra trường, tôi phải cạnh tranh khốc liệt với cả trăm ứng viên cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ là người bản xứ và quốc tế, cùng quyết chí nắm bắt được một việc làm hấp dẫn – đó là vị trí thanh tra tài chính Boeing subcontractor của Mỹ.
Để vượt qua được buổi phỏng vấn cực kỳ khó khăn và cạnh tranh cả trăm ứng viên, tôi đã phải tìm hiểu thật kỹ “Người Mỹ chọn ứng viên như thế nào?”. Ngoài các tiêu chí chuyên môn phải có, đa số sẽ được thêm điểm khi có các thư giới thiệu do các công ty hoặc những người nổi tiếng gửi đến.
Vì vậy, qua sự giao tiếp và quen biết, tôi đã xin họ được các giấy giới thiệu, xác nhận sự nhiệt tình, cũng như năng lực của tôi để đính kèm các giấy này vào hồ sơ phỏng vấn. Sau đó bằng sự tập trung cao độ và nghiệp vụ tài chính nhạy bén, tôi đã chỉ ra lỗ hổng trong hệ thống báo cáo thuế, gây ấn tượng mạnh với ban Tổng Giám đốc và tôi đã được nhận vào làm việc ngay.
Điều tôi muốn chia sẻ với các bạn là: “Rất nhiều người biết ước mơ, nhưng thành công chỉ đến với người bền chí, nhanh nhạy, biết suy nghĩ lên kế hoạch chuẩn bị để nắm bắt cơ hội hiện thực hóa mơ ước đó”.
Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc
Vào năm 1985, khi tôi đang có cuộc sống ổn định với mức lương rất cao ở Mỹ, nhưng khi nhìn thấy đất nước còn quá khó khăn và rất nhiều người Việt Nam vượt biên bị cướp bóc, bị thiệt mạng trên biển, tôi đứng ngồi không yên, lòng yêu nước sâu sắc và tinh thần muốn cống hiến giúp Việt Nam thoát khỏi thế “cấm vận kinh tế” đã thôi thúc tôi quyết định đem cả gia đình trở về Việt Nam, và mạnh dạn bước vào phủ Tổng thống Philippines, xin Tổng thống Marcos phê duyệt cấp phép mở đường bay từ Việt Nam đến Manila.
Ngày 9/9/1985 chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã chính thức đáp xuống sân bay Manila, đây là bước ngoặc lớn và là tiền đề của lịch sử phát triển ngành hàng không Việt Nam, kết nối Việt Nam với thế giới, góp phần mở cửa và phát triển kinh tế Việt Nam.
Với tôi, đây là nhiệm vụ của một người con yêu nước mang sứ mệnh “Người mở đường bay” và là niềm tự hào cá nhân to lớn, vì tôi đã cống hiến hết mình cho đồng bào và tổ quốc thân yêu. Tôi luôn tâm đắc câu nói: “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc”.
Sống, làm người và làm việc tử tế
Sau khi thực hiện kết nối thành công đường bay lịch sử Việt Nam – Phillipines, tôi được bác Phạm Văn Đồng là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ mời ra Hà Nội gặp mặt để cảm ơn, khi ra về tôi có ghé chào bác Trần Quỳnh – Phó Chủ Tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ Tướng) lúc bấy giờ, bác đã nắm tay tôi dặn dò: “Thứ nhất, khi làm ăn ở Việt Nam con phải kiên nhẫn, kiên trì. Thứ hai, con phải làm đúng pháp luật, đúng quy định thì Đảng, Nhà Nước, Chính Quyền và Nhân Dân sẽ bảo vệ con”.
Tôi luôn thực hiện đúng lời bác Trần Quỳnh dặn dò. Thời gian đầu, môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều rủi ro, chưa có khung pháp lý rõ ràng nên việc đầu tư hoặc thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, dù có lúc thất bại nhưng bằng sự kiên trì không sợ khó khăn, tôi luôn định hướng: đầu tư lâu dài “không đầu cơ” chạy theo lợi nhuận trước mắt, làm ăn kinh doanh minh bạch, tuân thủ luật pháp.
Với quyết tâm này, tôi đã tạo dựng được một Tập đoàn IPP như ngày hôm nay, được sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo, tạo được uy tín và thương hiệu trên thương trường trong nước và quốc tế.
Tôi năm nay đã 72 tuổi, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, 6 năm với cuộc sống sinh viên (04 năm học tại Trường Quản trị Kinh doanh – Đại học Đà Lạt, 02 năm học Thạc sỹ tại Mỹ) và 45 năm làm một Doanh nhân tử tế.
Tôi thích dùng từ tử tế hơn thành công, bạn có thể là một doanh nhân thành công nhưng nếu không tử tế, không có tâm và tuân thủ đạo đức kinh doanh, tuân thủ pháp luật thì sự thành công sẽ chỉ trong một giai đoạn và không bền vững.
Qua sự trải nghiệm của chính bản thân, tôi muốn nói với các em rằng:
– Nếu có quyết tâm và đam mê, hãy bỏ ngoài tai những lời phản đối, hãy tin tưởng vào bản thân, phá vỡ mọi quy tắc lỗi thời và đừng sợ thất bại.
– Đừng để mất nhiều thời gian đợi chờ cơ hội hoàn hảo và bỏ lỡ cơ hội thích hợp, hãy bắt tay vào những “việc nhỏ” và tập trung bằng cả con tim, khối óc để biến nó thành những việc lớn.
– Đừng an phận và dễ dàng đầu hàng những việc khó, hãy suy nghĩ phương án tốt nhất để cải thiện tình hình, và đừng để những khó khăn thực tế hiện tại nhấn chìm khát vọng của mình.
– Tỷ phú Jack Ma có nói: “Hôm nay khó khăn, ngày mai còn khó khăn hơn, nhưng ngày hôm kia sẽ là ngày tuyệt vời”. Nhưng theo tôi, nếu nhụt chí trước khó khăn, ngồi khoanh tay chờ ngày kia thì chắc chắn sẽ không có cái ngày hôm kia tươi sáng!
Tinh thần khởi nghiệp – Hành trang chuẩn bị cho tương lai
Để chuẩn bị hành trang cho tương lai các em sinh viên phải có một Tinh thần khởi nghiệp. Các em đừng nghĩ rằng khi ra trường rồi, hoặc khi có điều kiện rồi chúng ta mới thực hiện khởi nghiệp; mà ngay từ khi đang ngồi ghế nhà trường, đang là sinh viên thì hãy suy nghĩ tích cực.
Làm thế nào, trong điều kiện hiện có của mình phải thực hiện được giấc mơ bắt tay vào khởi nghiệp để trải nghiệm sự quý giá của việc cọ xát thực tế cuộc sống, sự sáng tạo cho ước mơ và hoài bão của mình; cho dù có thất bại cũng là bài học tốt để các em vững bước làm lại và đi tiếp bằng chính đôi tay, trí óc của mình để gặt hái thành công trong tương lai.
Tôi có 2 lời khuyên về các bước khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Trường hợp thứ nhất, nếu gia đình có điều kiện, đã có công ty thì vừa học, vừa đi làm thực tập từ những vị trí nhỏ nhất rồi dần dần vươn lên.
Từ kinh nghiệm kinh doanh hơn 40 năm của mình, tôi cho rằng gia đình là môi trường tốt để dạy cho các bạn. Trường hợp thứ 2, nếu gia đình chưa có “điều kiện” thì cần chịu khó đi tìm việc làm song song với việc cố gắng chú tâm học thật tốt.
Phải làm một việc nhỏ gì đó khi ra trường để mình có được một ít kinh nghiệm cọ xát thực tế để dễ xin việc, làm toàn tâm với bất cứ vị trí ngành nghề gì mà mình “có duyên” nhận được vì bất cứ vị trí nào, công việc nào cũng đều cho bạn kinh nghiệm, kiến thức sau này.
Không phí thời gian vào các việc “giải trí không mang lại giá trị tri thức”, từng bước tự phát triển bản thân, chứng minh khả năng của mình trong tổ chức để thăng tiến trong sự nghiệp. Khi đã vững vàng về kiến thức và kinh nghiệm, bạn có thể lựa chọn “tiếp tục làm thuê” hay “tự xây dựng một con đường riêng cho bản thân và gia đình.”
Bên cạnh đó, các em đang học tập trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc hội nhập sâu rộng với quốc tế, nhưng cũng đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc cạnh tranh ngay tại sân nhà.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt và khó khăn sẽ tạo ra sức ép thay đổi cho chúng ta về tư duy tiếp cận toàn cầu để hoàn thiện và phát triển hơn. Với tình hình này, các em đừng lãng phí thời gian, hãy tìm tòi học hỏi cập nhật kiến thức và tin tức trên Internet – một kho dữ liệu kiến thức miễn phí khổng lồ, nhưng cần chọn lọc thông tin uy tín và có giá trị.
Các em may mắn trúng tuyển vào trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, là một trong những trường đại học đào tạo kinh tế, kinh doanh quản lý thuộc top đầu Việt Nam nói chung và khu vực phía Nam nói riêng.
Đây là một trụ cột trong hệ thống giáo dục bậc cao của Việt Nam và cũng là trung tâm nghiên cứu các chính sách kinh tế, quản lý cho chính phủ và các doanh nghiệp lớn.
Do vậy, các em hãy làm tốt nhất ở mọi vai trò được xã hội và đất nước giao phó: Trong gia đình thì hiếu thảo với Cha mẹ, hòa thuận với anh chị em; Trên trường lớp thì kính trọng với Thầy/Cô, thân thiện với bạn bè; Trong công việc thì luôn biết học hỏi, có tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với quốc gia – dân tộc để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Và cuối cùng, một thông điệp tôi muốn chia sẻ đến tất cả các em là: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Chiến thắng không có nghĩa là về đích đầu tiên.
Điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là thắng cuộc đua, mà là giúp người khác cùng vươn lên. Có rất nhiều cách để chiến thắng và có rất nhiều người đã chiến thắng dù họ không là người cán đích trước tiên.
Muốn kinh tế phát triển, đất nước hùng cường thì không chỉ dựa vào một vài doanh nghiệp xuất sắc để làm nên, mà cần phải có tinh thần hỗ trợ nhau giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ.
Việt Nam chúng ta cần có một chiến lược nâng tầm cả một thế hệ doanh nghiệp tinh tú, vững mạnh và thế hệ trẻ các em sẽ là một thế hệ doanh nhân vàng mà chúng tôi rất mong đợi.
Mến chúc các em sinh viên nhiều sức khoẻ và thành công!”
Theo UEH University
Lời khuyên đầu tiên của ‘vua hàng hiệu’ Hạnh Nguyễn cho sinh viên sắp ra trường: Coi lại nhà anh là ai cái đã!
Vốn là cựu sinh viên của trường Đại học Đà Lạt, ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn suốt nhiều năm đóng vai trò là thành viên Hội động trường. Vị doanh nhân này không chỉ đóng góp nhiều cho quá trình xây dựng, chính sách chiến lược của Đại học Đà Lạt mà còn sẵn sàng chia sẻ nhiều điều từ kinh nghiệm thương trường với cùng các sinh viên.
“Ra trường giờ làm cái gì?” là câu hỏi ông Hạnh Nguyễn nhận được khi giao lưu cùng các sinh viên ra trường. Đây cũng là nỗi băn khoăn không riêng gì với sinh viên Đà Lạt. “Trước hết coi lại nhà anh là ai cái đã”, câu trả lời bất ngờ của vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn.
Theo ông nếu gia đình có điều kiện, đã có công ty thì hãy nối dõi tông đường, “đừng có tự động đi ra xin tiền làm công ty khác. Mất thời gian”. Từ kinh nghiệm kinh doanh hơn 30 năm của mình, ông Hạnh Nguyễn cho rằng gia đình là môi trường đủ để dạy cho họ (những sinh viên ra trường), huấn luyện từ A tới Z. “Cha con, mẹ con không bao giờ giấu giếm nhau điều gì hết”, ông chủ tập đoàn kinh doanh hàng hiệu IPP nhấn mạnh.
Nếu nhìn vào thực tế hiện nay tại Việt Nam, không hiếm trường hợp các doanh nhân trẻ kế nghiệp gia đình ứng với lời khuyên của ông vua hàng hiệu. Họ không những dựa trên kinh nghiệm, nền tảng kinh doanh sẵn có mà còn áp dụng những điều học hỏi được từ trường lớp nước ngoài, từ đó cải tổ doanh nghiệp gia đình theo hướng mới.
Một số tên tuổi những người kế nghiệp thành công tới hiện tại có thể kể tên như CEO Tập đoàn Trung Thủy Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Hùng Huy, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Seabank Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công Đặng Huỳnh Ức My, CEO tập đoàn Mường Thanh Lê Thị Hoàng Yến.
Trường hợp thứ 2 nếu gia đình nghèo quá thì theo ông Hạnh Nguyễn phải chấp nhận 2 phương án. Một là đi học. “Cố mà học đừng có ra trường rồi đi làm, ngồi ngoài đường ba thứ cà phê, mất cơ hội cho mình học hỏi”, doanh nhân này khuyên nhủ các sinh viên sắp ra trường.
Phương án thứ hai là khi ra trường, điểm cao thì kiếm một startup hoặc một công ty nào đó và sử dụng đầu óc của mình, làm những điều chưa ai làm, không đụng chạm đến ai.
Tất nhiên ông Hạnh Nguyễn cũng không phải là người “ghét” các dự án khởi nghiệp, startup nhưng theo ông đây là lĩnh vực dễ thất bại và dễ bị cuốn theo phong trào. “Trong mớ xổ số 1000 số cũng có 1 số trúng thì cũng có 1 anh thành công khởi nghiệp. Công nghệ là lĩnh vực dễ thành công bởi nó đa dạng lắm.
Mấy ông tỷ phú Mỹ thành công phần lớn từ công nghệ. Nhưng cái đó cũng khó nuốt lắm”, vua hàng hiệu nhận xét về khả năng thành công của startup.
Ông cũng dành lời khuyên cho những người trẻ mong muốn khởi nghiệp là không thể nóng vội cũng như không nên theo phong trào, làm cái gì mới mà chưa ai làm. Ví dụ ý tưởng ông từng ấp ủ triển khai là việc xử lý rác từ bìa carton. Theo ông, từng có nhiều tỷ phú thành công nhờ làm điều này.
Bởi những nước phát triển như Mỹ, Úc mỗi năm thải hàng ngàn tấn và phải bỏ chi phí xử lý phế thải. Trong khi đây là nguồn rác sạch, có thể kinh doanh nguyên liệu thay thế gỗ tại Việt Nam với giá thành cao hơn.
Xem thêm bài liên quan
- 7 bài học kết tinh một đời của “Ông tiên khởi nghiệp” giáo sư Phan Văn Trường: Hãy để cho linh tính, lương tri và trái tim hướng dẫn mình
- Shark Việt nhắn nhủ giới trẻ Startup: “Tuổi khởi nghiệp từ 18 – 81 là đẹp nhất!”
- Shark Việt: Nếu chán đi làm đúng giờ, ghét mấy ông sếp “khó ở” thì nên bỏ việc ổn định mà đi khởi nghiệp