Nhà giáo Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE mới đây đã có chia sẻ quan điểm về việc kiếm tiền và làm giàu.
Trò chuyện cùng host Thùy Minh tại Have A Sip EP. 113, thầy Giản Tư Trung đã chia sẻ câu chuyện về một lần tổ chức buổi giao lưu và kí tặng sách.
Theo đó, đã có một bạn trẻ thẳng thắn chia sẻ với thầy rằng tại buổi giao lưu rằng mình đã mua sách nhưng mình sẽ không đọc, vì sau khi đọc những dòng đầu bạn thấy cuốn sách quá “nhức đầu”, bạn chỉ muốn tiếp thu những thức đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ xài, dễ áp dụng và… dễ kiếm tiền.
Còn cuốn sách này khá “nhức đầu”, nên bạn quyết định không đọc nữa. Sau đó, thầy Giản Tư Trung đã hỏi và được bạn cho biết rằng tuy rất quan tâm đến chuyện “kiếm tiền” và đã ra trường 3 năm nhưng hiện tại bạn vẫn chưa có thu nhập tốt. Thầy chia sẻ cùng bạn như sau:
“Muốn kiếm tiền bằng con đường chính đạo thì chỉ có một cách thôi, đó là tạo ra những giá trị. Không có cách nào khác hết. Nếu không tạo ra được giá trị, làm sao người ta trả mình được nhiều tiền? Nhưng muốn tạo ra giá trị thì chỉ có một cách là sáng tạo lớn, muốn sáng tạo lớn thì phải xuất phát từ một cái đầu độc lập tự do. Không có một sáng tạo nào lớn và hay ho, mà nó không xuất phát từ một cái đầu độc lập tự do hết.
Nhưng mà khi nãy tôi có hỏi bạn có học đại học hay không vì tôi có một ý. Vì theo cách hiểu của tôi, đại học có nhiều loại, nhiều chức năng, nhiều vai trò. Mỗi đại học mang mỗi sứ mệnh khác nhau. Nhưng nhìn chung thì đại học phải khác với doanh nghiệp, nếu đại học mà giống doanh nghiệp thì phải gọi bằng công ty.
Đại học thì phải khác với trường nghề, vì nếu giống trường nghề thì phải gọi là trung tâm dạy nghề chứ không cần phải gọi là đại học. Nói tóm lại là đại học nó phải là đại học.
Cái năng lượng là một trong những chức năng quan trọng nhất của đại học, đó là không chỉ dạy cho ta một cái nghề ở trên chỗ cao mà còn là nơi để đào luyện tinh thần của con người. Nâng tầm văn hóa, tầm suy tư, tầm luyện vế của người ta lên một tầng cao hơn, mà nhiều khi những người không học đại học khó có.
Thế nhưng, khi nãy tôi lại thấy em không quan tâm những gì “nhức đầu”, không quan tâm những gì tôi suy nghĩ. Có nghĩa là em đã chối bỏ cơ hội đào luyện đời sống tinh thần của mình. Mà khi em đã chối bỏ cơ hội đào luyện tinh thần của mình thì em cũng không thể có cái đầu độc lập, không có cái đầu tự do.
Và do đó rất khó để có cái đầu sáng tạo. Mà không có cái đầu sáng tạo thì rất khó để tạo ra giá trị lớn. Mà không tạo ra giá trị lớn thì rất khó để làm giàu, để kiếm được nhiều tiền theo con đường chính đạo.”
Ông Giản Tư Trung hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Hiện Ông cũng là Ủy viên Hội đồng Điều hành của Hội Giáo dục So sánh Châu Á (CESA), Nhà nghiên cứu hợp tác của Đại học Giáo dục Hong Kong (EdUHK) và là Thành viên Hội Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia Hoa Kỳ (AERA).
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã vinh danh Ông là “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu” trong vai trò là một “Nhà hoạt động giáo dục” năm 2013.
Chuyên gia Giản Tư Trung: Doanh nhân khác ‘trọc phú, con buôn’ ở văn hóa
Cuộc trò chuyện diễn ra đã lâu, nhưng những điều Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung phân tích, kiến giải, dự báo đến giờ vẫn còn nguyên gia trị cảnh tỉnh với nền kinh thương, và cuộc khuynh đảo của những “trọc phú, con buôn” cũ, mới tiếp tục xoáy mòn niềm tin xã hội, thách thức các giá trị tử tế trong cộng đồng, như ông nhận định: “Đằng sau một gia tài khổng lồ có thể là một cống hiến lớn hay một tội ác lớn hay là cả hai…”
Là chuyên gia giáo dục luôn trăn trở với sự học của doanh nhân, khao khát hình thành thế hệ doanh nhân mới, theo ông, những phẩm chất, tố chất nào thế hệ doanh nhân mới cần phải có?
Thế hệ doanh nhân “mới” sẽ có những đặc tính khác với thế hệ doanh nhân “cũ”.
Thế hệ doanh nhân mới là thế hệ của một nền kinh thương mới và chính thế hệ này cũng góp phần tạo nên nền kinh thương mới. Theo tôi, thế hệ doanh mới này cần có ba đặc tính cơ bản:
Khát vọng mới: Khát vọng đua tranh mạnh mẽ cùng thế giới, dù quy mô của doanh nghiệp là lớn hay chỉ nhỏ gọn trong phạm vi gia đình, dù đua tranh ở bên ngoài đất nước hay đua tranh với thế giới ngay trong “nhà” của mình, chứ không chỉ đua tranh giữa các doanh nhân Việt với nhau.
Đó còn là khát vọng dẹp bỏ những hình ảnh “doanh nhân Việt xấu xí” mà thay vào đó khát vọng xây dựng hình ảnh mới đẹp hơn cho cả cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Năng lực mới: Năng lực quản lý và lãnh đạo mới để có thể thực hiện được khát vọng mới nói trên. Đó là những doanh nhân: có khả năng nhìn xa (không chỉ 2 năm, 5 năm, mà có thể là 20 năm, 30 năm…, thậm chí xa hơn) và trông rộng (không chỉ giới hạn ở tầm nhìn Việt Nam, mà còn có khả năng nhìn thấy cơ hội ở khắp nơi trên thế giới); có khả năng sống một cách đàng hoàng và làm việc thành công cùng những con người với đủ màu da, quốc tịch, chủng tộc, cũng như tôn giáo…
Văn hóa mới: Nếu có khát vọng mới, có năng lực mới mà thiếu một nền tảng văn hóa mới cho doanh nhân, doanh nghiệp, cho nền kinh thương thì có thành công nhưng cũng không bền vững và dễ đổ vỡ.
Cái không bền đó là do kinh doanh của họ không dựa trên một nền tảng văn hóa vững chắc chứ không đơn giản là vì chiến lược. Mặc dù đầu óc chiến lược của họ rất giỏi nhưng họ lại dựa trên những giá trị không bền vững để làm ăn, chỉ cần một sai sót nhỏ toàn bộ cơ nghiệp có thể bị sụp đổ.
Ông có thể phân tích rõ hơn về văn hóa mới mà ông muốn nói đến?
Từ văn hóa ở đây đôi khi bị dư luận hiểu không đúng hay không đủ. Văn hóa không phải chỉ đơn giản là ứng xử lịch sự, là nói năng đúng lễ nghĩa… Văn hóa ở đây được hiểu như là “hệ điều hành” của con người, nó chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của con người, của doanh nghiệp, của cả nền kinh thương.
Một con người có nền tảng văn hóa là người: Có một cái đầu đã được khai sáng, khai minh để có khả năng phân biệt được ai là ai, cái gì là cái gì, mình là ai…, biết phân định đúng – sai, phải – trái, chân – giả, thiện – ác, chính – tà…, biết sống ở trên đời này vì cái gì…; Có một trái tim giàu lòng lòng trắc ẩn, biết rung động trước cái đẹp (của con người, của tự nhiên), biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, biết phẫn nộ trước cái sai, cái xấu và cái ác…
Một trong những biểu hiện rõ nhất của nền tảng văn hóa đó là hành xử tín thực, tức là, nói những gì mà mình thực sự nghĩ và thực sự làm những gì mình nói; đó là, luôn biết mình biết cái gì và đặc biệt biết rõ cái mình không biết để tránh đặt mình vào tình trạng ấu trĩ, vô minh mà mình lại không hề biết…
Đối với doanh nhân, văn hóa biểu hiện rõ nhất ở cách kiếm tiền và cách xài tiền của họ. Nếu anh kiếm tiền mà những đồng tiền đó là những đồng tiền tử tế, chân chính, không lừa ai, không hại ai, và đem lại lợi ích, giá trị cho người khác thì đó cũng được gọi là văn hóa. Nhưng nếu khi anh có nhiều tiền rồi, anh muốn dùng tiền, muốn tiêu tiền như làm đám cưới khủng cho con, hay mua chó triệu đô để ngắm… thì có thể bị xã hội còn nhiều người nghèo cho là lố bịch, hợm hĩnh.
Tiêu tiền cũng phải có văn hóa, mà muốn tiêu tiền có văn hóa thì đòi hỏi người tiêu tiền phải có văn hóa. Nếu có nhiều tiền mà lại thiếu văn hóa thì rất dễ rơi vào những chuyện không hay…
Ngày càng có nhiều hiện tượng kỳ quái thu hút sự chú ý của dư luận như: đại gia mượn máy bay chỉ để rước dâu cho oai, khoe tặng nhà trăm tỷ cho chú rể, nuôi chó triệu đô…và họ tự nhận họ là đại gia, là người thành đạt. Ông có nhận xét gì về cách chơi trội của những kẻ giàu mà chưa sang như thế?
Cái này lại phải quay về vấn đề văn hóa nền tảng. Nếu như nền văn hóa không vững, thì người ta kiếm tiền bằng cách không tốt sẽ dẫn đến tiêu tiền không tốt. Trên thực tế, đặc biệt là doanh nhân chỉ cần nhìn vào hai thứ: Cách người ta kiếm tiền và cách người ta tiêu tiền là có thể đánh giá được họ là ai. Những người có văn hóa người ta sẽ không hành xử như vậy, mà sẽ hành xử khôn ngoan hơn.
Người ta vẫn nói, “giàu có gắn liền với tội lỗi”, điều đó là không đúng. Đồng tiền không có lỗi gì hết, đồng tiền chỉ là vật trung tính, bản thân nó không tốt cũng không xấu gì cả. Tốt hay xấu chính là cách người ta kiếm tiền và cách người ta tiêu tiền. Đằng sau một gia tài khổng lồ có thể là một cống hiến lớn hay một tội ác lớn hay là cả hai.
Tiêu tiền là cách thể hiện của cả một trình độ văn hóa, không có trình độ văn hóa không thể biết cách tiêu tiền. Tại sao nhiều tỷ phú thế giới lại không để lại tài sản cho con của họ mà lại đem đi làm từ thiện?
Cách làm từ thiện của họ cũng hoàn toàn không giống mình, họ làm từ thiện cực kỳ thông minh. Nghĩa là khi kiếm được đồng tiền họ cũng đã rất khôn ngoan rồi nhưng khi họ tiêu tiền thì họ cũng tiêu rất khôn ngoan và có đẳng cấp. Đó là đầu tư vào văn hóa, khoa học, giáo dục, cho môi sinh và cho sức khỏe của con người (những thứ khá vô hình). Chứ người ta ít khi đem đồ ăn cho người khác, ít khi mua nhà cho họ ở (những thứ khá hữu hình).
Theo ông, đại gia tổ chức đám cưới siêu xe, mượn máy bay chỉ để rước dâu trên trời nhưng lại nợ dân cả trăm tỷ đồng. Đại gia tặng nhà trăm tỷ cho con để bù đắp tình cảm, vàng đeo gãy cổ nhưng vẫn không biết là làm nghề gì,… thì sẽ được xếp vào dạng nào? Trọc phú, con buôn hay doanh nhân?
Chỉ cần đặt câu hỏi: Nhiều tiền nhưng có phải là doanh nhân hay đại gia không? Nhiều tiền nhưng phải biết tiền đó kiếm được từ đâu ra, phải công khai minh bạch.
Trong giới làm ăn của quốc gia nào cũng có ba nhóm người: doanh nhân, trọc phú và con buôn. Trọc phú và con buôn đều giống nhau ở chỗ kiếm được tiền bằng cách lừa ai đó hoặc hại ai đó, chỉ khác nhau về quy mô. Con buôn thì quy mô nhỏ, còn trọc phú quy mô lớn. Để đánh giá là một doanh nhân hay con buôn, người ta không nhìn vào quy mô mà nhìn vào cách kiếm tiền của họ. Không thể lấy cái quy mô để đánh giá mà phải nhìn vào bản chất của vấn đề.
Chẳng hạn, bà bán trái cây dạo cũng có thể là doanh nhân (nếu bán trái cây tử tế, không có thuốc trừ sâu, không phun hóa chất để bảo quản trái cây), cũng có thể là con buôn (nếu trái cây của bà ấy mua từ những nguồn độc hại, và được bảo quản bằng hóa chất…).
Doanh nhân là một từ cao quý và rất đẹp, nếu không có văn hóa và làm ăn không có văn hóa thì không được gọi là doanh nhân. Trong giới làm ăn không phải ai cũng là doanh nhân. Phải có văn hóa mới là doanh nhân nếu không thì nó lại thành “trọc phú” hoặc là “con buôn” rồi. Cũng như những người có học hàm, học vị cũng chưa chắc đã có giáo dục, nhiều người không có học hàm học vị gì cả nhưng lại rất có giáo dục.
Doanh nhân phải là những người kiếm tiền mà không làm hại đến ai, không lừa gạt ai và sản phẩm của họ có thể đem lại những giá trị cho người tiêu dùng. Nói ngắn gọn, doanh nhân là những người “kiếm” bằng cách “mang” và không “gây”.
Lại có những kẻ tự vỗ ngực khoe khoang kiếm 150 triệu đồng chỉ trong 3 ngày nhưng lại bêu riếu và trả dâu vì nghi mất trinh. Là chuyên gia giáo dục, ông nghĩ gì về cách ứng xử này?
Khoe có nhiều tiền thì cũng chẳng sao. Vấn đề là tiền đó ở đâu ra, có minh bạch và tử tế không. Vả lại cách “khoe” cũng rất quan trọng, khoe làm sao mà để người ta nể, chứ không để người ta chửi mới khó. Cái đó là cả một trình độ văn hóa. Nếu một hai trường hợp thì không sao, nếu sự khoe mẽ đó diễn ra phổ biến trong xã hội thì thành một hiện tượng, một vấn đề xã hội lớn rồi.
Vấn đề xã hội mà ông muốn nói đến là gì? Tại sao càng ngày những hiện tượng vô văn hóa và thiếu văn minh như vậy càng trở nên phổ biến? Nó biểu hiện hay dự báo điều gì trong xã hội?
Nếu văn hóa xã hội có vấn đề thì chắc hẳn giáo dục của ta cũng có vấn đề, vì giáo dục là một trong những “mẹ đẻ” quan trọng nhất của văn hóa. Có thể nhìn thấy ngay một điều mà những hiện tượng này đang phản ánh, đó chính là phản ánh hiện thực báo động “đỏ” của một xã hội.
Nếu chỉ một, hai hiện tượng thì nó là bình thường, nhưng nếu xuất hiện vô số những hiện tượng đó thì chúng ta phải xem lại cách giáo dục của chúng ta. Không phải giáo dục nào cũng tạo ra sản phẩm mà chúng ta có thể nhìn thấy được. Trước đây, xem một video clip học sinh đánh nhau, chúng ta thấy rất sốc nhưng không phải sốc vì học sinh đánh nhau, bởi chuyện học sinh đánh nhau đâu còn lạ và cổ – kim, Đông – Tây, ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Cái sốc ở đây là tình trạng đó diễn ra ngày càng nhiều và mang đặc sản riêng nên khiến người ta càng phải giật mình.
Đặc sản đó là gì? Là sự vô cảm của những người đứng nhìn xung quanh, bình thản với tội ác đó. Không chỉ có vậy, còn tán dương, vỗ tay, quay clip. Và khi hiện tượng đó xảy ra càng nhiều, từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến nông thôn thì nó lại phản ánh không phải sự vô cảm của một nhóm người nữa mà là sự vô cảm của cả một xã hội. Nó trở thành hiện tượng xã hội chứ không còn là chuyện bình thường nữa. Đó là một trong những biểu hiện của sự tha hóa về lối sống, sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
Chính vì vậy, mình phải sửa cái văn hóa, sửa cái nền giáo dục. Nhưng sửa như thế nào, thay đổi nó như thế nào? Muốn thay đổi được bản chất của xã hội thì không chỉ dựa nhà nước mà còn dựa vào bản thân mỗi người. Nghĩa là cần phải có sự thay đổi cả từ trên xuống và từ dưới lên.
Với những vụ ỷ có nhiều tiền hạ thấp nhân phẩm, nhân cách của người khác như đại gia trả dâu chỉ vì nghi mất trinh, khoe tặng nhà cho con hơn trăm tỷ trước mặt những người dân mà họ cho rằng ‘cả đời không biết đến một ngày vui sướng”… nghĩa là họ tự thị và cảm thấy hạnh phúc trên nỗi đau khổ đói nghèo của đồng loại… Theo ông, sự biến thái nhân cách này được hiểu hay nên hiểu như thế nào?
Khi đồng tiền là của mình thì mình có quyền được dùng nó. Nhưng dùng tiền đôi khi là đúng luật nhưng lại trái đạo. Dùng tiền không chỉ dựa vào pháp lý mà còn phải dựa vào đạo lý.
Chúng ta không thản nhiên trước nỗi đau đồng loại của mình được. Anh hoàn toàn có quyền được sống xa hoa giữa một ngôi làng đầy nghèo đói, về mặt pháp lý anh không sai nhưng nếu nói về đạo lý thì anh không thể thấy hạnh phúc, vui sướng trên nỗi đau của người khác. Vấn đề xã hội đang nói đến không phải pháp lý, mà là đạo lý. Không phải chuyện đúng hay không đúng mà là chuyện nên hay không nên.
Chúng ta phải quay lại câu hỏi “thế nào là một con người”? Trước khi là một doanh nhân thì cũng là một con người. Doanh nhân nào thì họ cũng là một con người. Một thực tế cho thấy, cha mẹ nào cũng nói với con mình “mẹ mong sao sau này lớn lên con sẽ thành người”. Cô giáo nào cũng nói với học trò của mình “cô mong sao sau này lớn lên con sẽ thành người”. Nhưng vấn đề ở chỗ không ai dạy cho con trẻ thế nào là một “con người”.
Nghĩa là chúng ta đang mong muốn một thứ mà chính chúng ta cũng không biết. Bản thân từ “con người” nó là cái gì ta không biết thì làm sao thành người được. Không thể trở thành một thứ mà bản thân mình cũng không biết là cái gì.
Dân tộc ta có truyền thống nhân ái lễ nghĩa, có cả một ngàn năm văn hiến nên các cụ vẫn dạy phải giàu sang, giàu phải đi với sang mới quý; giàu mà ỷ thế làm càn thì bao giờ cũng bị lên án. Trong thời đại hiện nay, theo ông, đạo lý ấy có cần phải thay đổi để thích hợp với xu hướng hội nhập toàn cầu hóa?
Theo tôi, giàu mà sang như thời xưa các cụ hiểu như vậy là không đúng. Giàu nghĩa là có nhiều tiền. Có nghĩa là thước đo của giàu là tiền bạc, nhưng thước đo của sự sang trọng thì lại ít ai để ý.
Giàu sang không nhìn vào túi tiền của họ, cách xài tiền của họ mà hãy nhìn cách kiếm tiền và xài tiền của họ.
Một con cá mà ướp muối thì nó tươi, một người mà được ướp đậm bởi sự hiểu biết, bởi giáo dục thì sẽ sang. Bởi vậy, sang nó không nằm ở tiền bạc, mà nó nằm ở nền tảng văn hóa giáo dục, một bề dày văn hóa – giáo dục. Nếu muốn nhìn vào cái giàu của họ thì hãy nhìn vào túi tiền của họ. Còn nếu muốn nhìn vào cái sang của họ thì hãy nhìn vào trình độ và nhìn bề dày văn hóa, giáo dục.
Có nghĩa theo ông đạo lý xưa ấy không còn phù hợp?
Nhiều đạo lý của cha ông từ ngàn xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhưng có những cái cũng cần phải hiểu khác cho phù hợp với thời cuộc. Vì nền tảng văn hóa, xã hội của cha ông ngày xưa khác với nền tảng văn hóa, xã hội của chúng ta bây giờ.
Cái sang mà các cụ nói là nói đến cái sang trọng bề ngoài. Tôi ví dụ như một số người vàng đeo lủng lẳng, kim cương đeo lủng lẳng nhưng nhìn vẫn thấy rất là lố. Bởi vì bên trong con người họ không thể hiện được sự sang trọng nhưng ngược lại có thể nói vui là những người chỉ cần mặc quần “tà lỏn”, đi dép lê mà lại vẫn toát lên được cái sang.
Sự sang hay không không nằm ở vẻ ngoài. Một người học giả, một người đức cao vọng trọng một lời nói triệu người nghe họ rất sang trọng nhưng họ lại không giàu dù họ cũng không nghèo. Bởi, người giàu nhất hiện nay có phải là người có nhiều tiền nhất đâu. Người giàu nhất phải là người cho đi nhiều nhất.
Trước những sự việc lố bịch như đã nêu, chúng ta có cảm giác rằng đồng tiền đang thay thế hoặc nó đang đại diện cho vị thế xã hội, nhân cách, giá trị… đáng thèm muốn của chính chủ nhân của nó. Theo ông, hiện tượng này phản ánh điều gì? Phải chăng thế hệ doanh nhân trẻ có tiền một cách quá nhanh đang xác lập một hệ giá trị hay bộ tiêu chuẩn của riêng họ?
Hãy đặt câu hỏi, mình khoe để làm gì và sẽ nhận lại được gì từ sự khoe mẽ đó? Khi mình khoe cái gì đó thì thường mình muốn nhận lại từ người khác sự quý mến, lòng tin, sự nể trọng. Nhưng có mấy khi khoe ra cái này, cái nọ mà lại nhận được những thứ mà mình muốn đâu.
Vì sự quý mến, lòng tin, sư nể trọng là những thứ không bao giờ có thể mua được, bán được, xin được, cho được… Chỉ có một cách duy nhất để có nó đó là phải hành động trung thực, thuyết phục và dài lâu để tạo ra những thành quả thực sự có ý nghĩa cho xã hội.
Chẳng hạn, cái mà người nghệ sỹ cần khoe nhất đó là những thành tựu nghệ thuật mà họ đã cống hiến cho đời, chứ không phải khoe nhà, xe, hay hàng hiệu. Cái mà một doanh nhân cần khoe có lẽ đó chính là những sản phẩm, dịch vụ mà mình tạo ra đã làm thay đổi xã hội như thế nào…
Vì sao ông đặt niềm tin và kỳ vọng vào doanh nhân trẻ? Với hiện thực đang xảy ra, niềm tin ấy có bị lung lay?
Không chỉ là doanh nhân trẻ và cả thế hệ doanh nhân hiện nay cũng thế. Những người khôn ngoan họ luôn biết phải làm gì. Những người làm doanh nhân là những người làm lãnh đạo. Và khi làm lãnh đạo thì họ sẽ phải chọn giữa một trong hai con đường:
Một là, hãy để xã hội nhào nặn họ, tạo ra họ, xã hội ra sao thì họ sẽ như vậy, xã hội xuống cấp họ cũng xuống cấp theo… Hai là, họ phải góp phần tạo ra xã hội, nhào nặn nên xã hội này và làm cho nó tốt đẹp lên. Có người có niềm tin vào khả năng, vào trình độ của họ nhưng có người lại nói “một con én không thể làm nên mùa xuân”. Điều này cũng đúng, nhưng một con én có thể “không làm nên mùa xuân” nhưng lại có thể “báo hiệu mùa xuân đến”, tại sao mình lại không làm con én đó?
Điều này rõ ràng là khó, nhưng nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng” thì “gian khổ biết nhường phần ai”. Để xã hội tốt lên, mỗi người sẽ tự gánh vác cái phần trách nhiệm của mình, khi ai cũng làm vậy cả thì xã hội sẽ tốt lên. Và để ý thức được sâu sắc điều đó thì cần phải giáo dục ngay từ bé. Tất cả những xã hội văn minh và những con người văn minh (con người sang trọng) đều hiểu và làm như vậy cả.
Đã có nhiều doanh nhân than thở với tôi, trước nền kinh thương khó khăn và trong một nền kinh thương còn nhiều lộn xộn, nếu làm ăn nghiêm túc thì khó có thể tồn tại được. Nhưng một câu hỏi đặt ra: Các bạn muốn làm ra xã hội hay muốn xã hội làm ra các bạn? Và tôi thấy không ít doanh nhân đã lựa chọn làm theo cách của mình, lựa chọn một cách làm ăn đàng hoàng. Với tôi, đó đã là cơ sở để có niềm tin ở họ.
Còn nếu nghĩ rằng, người ta sao mình cũng phải vậy thì nói làm gì. Tôi cho rằng những người có tài năng, có bản lĩnh, có văn hóa thì họ vẫn là họ thôi, họ không những không bị xã hội cuốn đi, mà còn góp phần cải tạo xã hội thông qua công việc làm ăn, cũng như cuộc sống hàng ngày của họ.
Theo Have A Sip, Người Đô Thị
Xem thêm bài liên quan
- 15 lời khuyên từ tỷ phú Lý Gia Thành giúp thoát nghèo trước tuổi 40: “Đây là xã hội thực dụng, tình cảm không thể biến thành Cơm”
- “Kim tứ đồ” trong kinh doanh của bậc thầy Robert Kiyosaki: Bàn đạp cho sự giàu có và thịnh vượng của bất cứ ai
- Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang: “Người thành công thì không nên để mình nghèo, nhưng đừng gói gọn ước mơ của mình chỉ trong 2 chữ làm giàu”