Việc khởi nghiệp cùng người lạ sẽ giúp bạn đỡ cảm thấy mệt mỏi hơn so với việc hợp tác cùng người thân vì mọi thứ đều rõ ràng, mỗi bên sẽ phải tự giác làm việc nhiều hơn do không có sự cả nể, nhường nhịn. Họ sẵn sàng thực hiện những biện pháp mạnh nếu một trong hai bên gây ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh.
Startup đều bắt đầu từ những mục tiêu chưa thực sự rõ ràng, nguồn lực hạn chế, rủi ro cao khiến người sáng lập rất cô đơn trên con đường tìm kiếm bạn đồng hành, trong khi đó, bất cứ doanh nghiệp nào khi khởi nghiệp cũng đều muốn tiến xa. Vậy chúng ta sẽ tiến xa cùng với ai?
Trong bất kỳ mối quan hệ khăng khít nào, người ta thường cố gắng không làm mất lòng đối phương, kể cả mối quan hệ đồng sáng lập startup. Mỗi người cần có kỹ năng nhất định.
Có nên khởi nghiệp cùng bạn bè, người thân?
Nếu đi hai người, những câu hỏi, sự ngờ vực và cả áp lực từ công việc sẽ khiến cả hai không sớm thì muộn xảy ra mâu thuẫn. Người ta vẫn thường nói “Không sợ kẻ địch tấn công, chỉ sợ đồng đội phản bội”, sự mâu thuẫn sẽ khiến những người bạn đồng hành sớm hay muộn cũng phải chia hai ngả kể cả từng “vào sinh ra tử” cùng nhau.

Với quan điểm chỉ khởi nghiệp với người thân quen, trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp, ông Nguyễn Khắc Nhật, đồng sáng lập viên của CodeGym Việt Nam, cho rằng: Không có mối quan hệ nguyên nhân – hệ quả giữa việc lựa chọn người đồng hành với thành bại của một startup. Sự an tâm đối với người đi cùng mình rất quan trọng, do đã biết rõ nhau nên việc giao tiếp sẽ thuận lợi hơn.
“Tôi quan niệm địch ở đây là vấn đề chứ không phải là người đồng hành, khi khởi nghiệp với người quen sẽ ít rủi ro hơn”, ông Nhật chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Nhật cũng cho rằng, khó khăn khi khởi nghiệp với người thân quen là vấn đề năng lực, bởi, những người cùng khởi nghiệp thường có xu hướng đồng quan điểm với nhau nên nhiều trường hợp sẽ hùa theo nhau, điều đó là không tốt, nhất là trong kinh doanh.
Chia sẻ về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Bình Nguyên, Giám đốc công ty Marketing và Truyền thông Kawaii, cho rằng:
“Khởi nghiệp cùng người thân quen sẽ có nhiều khó xử, đặc biệt khi xảy ra xích mích dễ dẫn tới mất lòng nhau. Cùng với đó, sức ép không đủ lớn, đối với người quen do đã hiểu khả năng của họ đến đâu nên thường áp lực đặt lên không nhiều lắm. Trong khi, với một người lạ, mình hoàn toàn có thể đặt ra những yêu cầu đòi hỏi khắt khe để thử thách”.

Ông Nguyễn Thế Thắng, phụ trách phát triển Trading View Việt Nam, cũng khẳng định:
“Đối với người thân quen rất khó để nói thẳng có làm được hay không được, thậm chí khi xảy ra mâu thuẫn có thể đánh mất mối quan hệ trong gia đình”.
Khởi nghiệp với người lạ có dễ thành công hơn?
Với chủ đề này, đứng ở một chí tuyến khác, sau 2 lần trải nghiệm cay đắng khởi nghiệp cùng những người thân quen dẫn tới thất bại, ông Trần Hải Quang, Founder của Clingme nhận thấy “dĩ hòa vi quý” không thể áp dụng khi khởi nghiệp.
Theo ông Quang, nguy hiểm của việc làm với người thân quen là thường không nhìn họ ở con mắt khắt khe đủ để phát hiện ra những dấu hiệu của sự sai lầm lớn trước khi nó thành hậu họa cho công ty:
“Khởi nghiệp là tận dụng cơ hội, là tốc độ, cái mà chúng ta ít nhìn thấy là chi phí cơ hội bị mất. Thời gian của startup rất quý, nếu mình cho bạn mình cơ hội thì ai cho công ty mình cơ hội?”.

Trong khi đó, ưu điểm của việc khởi nghiệp cùng người lạ là hoàn toàn đánh giá nhau trên công việc và thường có xu hướng minh bạch hơn với nhau. Ngoài ra, những người không quen sẽ có khả năng giỏi hơn và hỗ trợ ta nhiều hơn. Mâu thuẫn giữa những người đồng sáng lập là luôn luôn có, nhưng tuyệt đối không thể dùng tình thân để giải quyết mâu thuẫn trong khởi nghiệp.
“Cái chắc chắn sẽ có trong kinh doanh là mâu thuẫn, tốt nhất là nên thân với người mình làm cùng, sau đó biến người đó thành người thân quen với mình. Niềm tin trong khởi nghiệp đối với người lạ hay người quen là đặt lợi ích công ty lên cao nhất, nếu không có niềm tin đấy thì đừng làm”, ông Quang khẳng định.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn Viz-Start:
“Cần phải rõ ràng ngay từ đầu, đặt trách nhiệm đi cùng với quyền lợi, trách nhiệm nhiều hơn thì quyền lợi sẽ nhiều hơn”.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, trưởng phòng pháp chế Up Co-working Space cũng cho biết:
“Đối với các startup thì quan trọng là những hợp đồng tiền công ty, rạch ròi trong việc vốn, phân bậc quyền hạn, trách nhiệm của các nhà đầu tư đối với nhau như thể nào cũng cần phải thể hiện trong hợp đồng này”.

Có thể thấy, trong câu chuyện “Nên khởi nghiệp với người quen hay người lạ?” thì quan trọng là phải có những cách thức làm việc thực sự minh bạch, rành mạch và xác định rõ vai trò để khi xảy ra bất cứ mâu thuẫn nào thì chúng ta đã có những nguyên tắc để làm việc và giải quyết những mâu thuẫn ấy. Hãy hợp tác với những người có tiềm năng và thực sự có thể cùng bạn làm nên thành công.
Thiếu nguồn lực khởi nghiệp, có nên kêu gọi người thân, bạn bè góp vốn và tham gia điều hành công ty?
Khi khởi sự kinh doanh, người làm chủ với uy tín đã có với người thân, bạn bè dễ dàng vay vốn kinh doanh. Tuy nhiên sẽ dễ nhầm lẫn hay đánh đồng việc vay vốn kinh doanh và góp vốn kinh doanh, dẫn đến lãnh đạo hay mở lời chia cổ phần, quyền điều hành công ty cho người thân, bạn bè. Điều này có thực sự tốt và chúng ta cần hành động như thế nào.
1. Chọn đối tác có thái độ tốt và năng lực hơn là trung thành
Lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ khi khởi sự thường lo sợ bí quyết kinh doanh bị cộng sự ăn cắp, bị lừa gạt về tiền bạc, bị đánh cắp thông tin khách hàng, mất nguồn hàng độc quyền. Vì nhiều nỗi sợ đó khiến cho lãnh đạo kêu gọi người thân, bạn bè tham gia góp vốn và điều hành doanh nghiệp.

Sự thật thì trong kinh doanh vì lợi ích ngắn hạn dễ khiến người ta mềm lòng làm điều sai trái. Điều đúng đắn là nhanh chóng đưa doanh nghiệp vào vận hành hiệu quả. Làm được điều này chỉ có những đối tác thái độ tốt với công việc và chuyên môn cao mới đủ khả năng đảm nhận.
2. Vay tiền là vay tiền, góp vốn là góp vốn
Với doanh nghiệp nhỏ chuyện thiếu vốn kinh doanh, chênh lệch dòng tiền vào-ra là chuyện bình thường. Trong những lúc khó khăn đó, tránh việc công ty phá sản, lãnh đạo tìm biện pháp huy động dòng tiền vượt qua khó khăn.
Việc tìm đến người thân, bạn bè vay tiền là dễ dàng do không cần thế chấp tài sản mà dựa vào uy tín cá nhân để quyết định. Sai lầm nhiều lãnh đạo gặp phải là đánh đồng hành động vay tiền và góp vốn kinh doanh.
Lãnh đạo nên tách biệt rõ hành động vay tiền (tiền gốc, lãi và có thời gian trả tiền vay) và hoạt động góp vốn kinh doanh (tăng vốn điều lệ, tiền chuyển thành cổ phần tương ứng, hưởng lãi theo tỷ lệ vốn góp) để xác định rõ nhu cầu thực sự doanh nghiệp và đàm phán tốt nhất tránh hành động bán cổ phần để giải quyết vấn đề tài chính ngắn hạn.

3. Quản trị nhóm cổ đông người thân, bạn bè khó khăn
Chúng ta yêu thương và kính trọng người thân, bạn bè giúp đỡ chúng ta khi khởi nghiệp. Trong doanh nghiệp lãnh đạo là người uy tín nhất, có quyền quyết định mọi việc. Người thân, bạn bè tham gia điều hành doanh nghiệp dễ có chuyện “trăm cái lý không bằng tý cái tình” lãnh đạo khó xử phạt hơn.
Trường hợp người thân có vị trí cao trong gia đình như bố mẹ, chú bác sẽ sử dụng áp lực gia đình lên các quyết định của lãnh đạo khiến việc điều hành công ty. không đúng đắn.
Người thân, bạn bè có thể tham gia góp vốn cổ đông với tư cách nhà đầu tư tài chính và tổng giá trị cổ phần nhóm người này nhỏ hơn 35% để không thể có quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng trong doanh nghiệp.
4. Mâu thuẫn tình cảm gia đình, bạn bè
Không ai muốn mâu thuẫn xảy ra trong gia đình, trong công ty nhỏ với nhiều yếu tố như hệ thống quản trị vận hành doanh nghiệp chưa tốt, doanh thu chưa ổn định, chưa phân công việc rõ ràng làm tiền đề cho những xung đột trong doanh nghiệp.

Người thân, bạn bè tham gia điều hành công ty, nhiều khả năng chuyển vấn đề xung đột trong vận hành doanh nghiệp trở thành mâu thuẫn trong gia đình, xã hội. Điều này không chỉ làm tổn hại cho mối quan hệ cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến phát triển công ty.
5. Mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông bên ngoài và nhóm cổ đông người thân
Mâu thuẫn này khó giải quyết nhất, lãnh đạo công ty khó dung hòa vì một bên đại diện cho quyền lợi của các đối tác tin tưởng vào lãnh đạo, doanh nghiệp, một bên là đại diện quyền lợi những người thân của lãnh đạo. Cách tốt nhất để dung hòa là tách rõ quyền điều hành và quyền sở hữu doanh nghiệp.
Đảm bảo cho thành viên trong hai nhóm không có năng lực thực thi chỉ nên giữ vai trò nhà đầu tư tài chính, công ty chỉ chấp nhận thành viên cổ đông có năng lực tham gia điều hành doanh nghiệp. Hoặc tất cả cổ đông tham gia ban quản trị, hoạt động điều hành doanh nghiệp thuê ngoài.

Cuối cùng, không có câu trả lời đúng-sai cho sự lựa chọn người thân và bạn bè có nên tham gia góp vốn và điều hành công ty hay không. Lãnh đạo doanh nghiệp cần căn cứ vào vấn đề thực tế của công ty để đưa ra giải pháp quản trị tốt nhất. Chúc bạn khởi sự kinh doanh thành công.
Theo BDT/ Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- Shark Linh hiến kế đỉnh cho Startup để “Vốn kinh doanh có chút mà vẫn hút được người siêu”
- Tay trắng khởi nghiệp: Đây là 8 nơi bạn có thể tìm nguồn vốn đâu tư giúp bắt đầu dấn thân vào con đường kinh doanh
- Nghệ thuật xoay chuyển vòng vốn khởi nghiệp: Ít vốn chưa chắc đã thất bại nhưng biết xoay chuyển vốn thì chắc chắn thành công!