Khởi nghiệp là chiếc bánh cần làm từ bột, đường và công phu chế tác, đó không phải là “bánh vẽ” dành cho người có khiếu hội họa. Vì vậy, nếu bạn muốn khởi nghiệp, hãy cân nhắc xem mình là thợ làm bánh hay họa sĩ đầy mơ mộng?
Làm chủ, đó là điều ai cũng mong. Khởi nghiệp là một cách để thực hiện giấc mơ đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công, vì thực tế không như mơ. Do đó, để thực hiện giấc mơ này cần phải chuẩn bị thật kỹ, nếu không sẽ phải đánh đổi không hề nhỏ.
Từ tư duy học đại…
Có người vẫn nói đùa rằng, đại học là học đại một ngành hoặc một trường nào đó, rồi tính sau. Nghĩa là, cứ học đi đã, ra trường rồi tính, có bằng gì cũng được rồi từ từ xin việc, học nghề sau. Tư duy này ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ của không ít phụ huynh, học sinh. Nhiều bạn trẻ dù đã học tới lớp 12, sắp thi tốt nghiệp THPT nhưng có khi vẫn chưa có định hướng nghề nghiệp một cách đúng nghĩa, rõ ràng.
Tất nhiên, điều này có lỗi từ hệ thống giáo dục, nặng về dạy kiến thức mà chưa giúp học sinh khai phóng được bản thân, để tìm thấy chính họ trên con đường học vấn. Nếu có phương pháp giúp học trò hiểu họ (muốn gì, cần gì, có thể làm được gì) có lẽ họ đã không loay hoay trong chọn trường, chọn ngành, rồi chọn sai, phải trả giá. Từ đó, cũng sẽ không có tư tưởng học đại học là học đại một trường, một ngành nào đó.
Khi chọn sai ngành, người học có thể phí phạm thanh xuân, tiền bạc, sau đó lại phải làm lại từ đầu. Hoặc có theo ngành đó một cách miễn cưỡng cũng sẽ làm không tốt bằng chọn đúng ngành, có khi vẫn làm được công việc ấy mà không có niềm vui.
Thực tế, có nhiều bạn trẻ đến cơ quan thực tập nhưng không trả lời được vì sao tôi chọn ngành đó, chỉ là điểm thấp dễ vào. Một số chọn theo ý của ba mẹ, sau khi ra trường sẽ được sắp xếp một chỗ trong cơ quan của người lớn.
Nhiều lý do để người trẻ chọn không đúng con đường mình mơ ước hoặc ngành nghề mình có khả năng, nhưng có thể thấy đây là thói quen mang tính hệ thống, dẫn đến hệ lụy trong tương lai. Một trong những hệ lụy đó chính là tư duy khởi nghiệp: Thích là làm! Làm trước rồi rút kinh nghiệm sau.
… đến khởi nghiệp vội vàng
Muốn và nghĩ rằng mình thành công trong khởi nghiệp là yếu tố thôi thúc một thanh niên chọn startup làm sự nghiệp cho mình. Tuy nhiên, nếu có đọc và tìm hiểu về khởi nghiệp, lắng nghe các chuyên gia nói thì niềm tin và khát vọng thành công thôi chưa đủ. Hai yếu tố đó không thể mang đến thành công, nếu có chỉ là động lực để người ta đi đến thành công một cách dễ dàng hơn.
Còn thành công, phải đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nỗ lực học hỏi không ngừng. Đối với startup, chuẩn bị tài chính, ý tưởng, con người, vận dụng kỹ thuật thời đại… vào công việc là điều tối quan trọng.
“Gần đây tôi tham gia một vài diễn đàn và theo dõi thấy nhiều bạn trẻ chỉ có ít vốn và ước mơ đã bắt tay khởi nghiệp nhưng lại loay hoay vì hành chính không biết, luật và quản trị không biết, nhân sự và thị trường cũng không rõ nên sớm đổ vỡ, sinh ra mất lòng tin. Điều này rất nguy hiểm vì có thể làm thất bại chính sách khởi nghiệp của nước ta” , TS. Bùi Phương Việt Anh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam chia sẻ trong một bài phỏng vấn liên quan. Rõ ràng, điều vị Tiến sĩ chỉ ra rất đáng suy ngẫm. Khởi nghiệp không phải trò chơi dành cho những người vội vàng.
Theo ông Việt Anh, muốn khởi nghiệp, phải nhìn nhận việc đánh giá thị trường và khả năng của chính mình, đặc biệt tư duy về mặt quản trị và nguồn lực (có khả năng tập hợp được về nhân sự, có khả năng thích ứng với những thách thức không?).
“Nghe thì tưởng đơn giản nhưng khi bắt tay làm lại khác, dù một công ty nhỏ cũng cần trí tuệ lớn của người lãnh đạo”, TS.Việt Anh khẳng định.
Hiện nay, Chính phủ có chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho người trẻ vận dụng trí tuệ làm giàu bản thân, tạo công ăn việc làm và làm giàu cho xã hội. Có những nội dung mang tính hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp như Nghị định 13/2019/ND-CP quy định miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo, giảm 50% lãi suất vay cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đó là cơ hội để người trẻ thử sức với khởi nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế tốt mà không có tiềm lực thực sự thì cũng như có đất mà giống không đảm bảo chất lượng, canh tác sao thành công?
Nôn nóng chứng tỏ bản thân hay chỉ dựa vào những cơ chế khuyến khích mà thiếu sự chuẩn bị thì đó chỉ là khởi nghiệp kiểu phong trào.
Đừng biến “lợn lành thành lợn què”
Làm chủ, ai cũng muốn nhưng nếu không có học hành, chuẩn bị chu đáo cho khởi nghiệp có khi biến “lợn lành thành lợn què”, “tiền mất tật mang”.
Bên cạnh choáng ngợp trước những thành công nổi bật từ những tấm gương thì lắng nghe những thất bại cũng là một sự chuẩn bị. Người xưa nói, “thất bại là mẹ của thành công”, nếu hiểu câu này ở sự học hỏi kinh nghiệm từ thất bại của người khác thì các startup không phải đắng cay “kinh qua thất bại” rồi mới ngỡ ngàng nhận ra mình chưa thể làm chủ.
Suy cho cùng, khởi nghiệp là chiếc bánh cần làm từ bột, đường và công phu chế tác, đó không phải là “bánh vẽ” dành cho người có khiếu hội họa.
Vì vậy, bạn, nếu muốn khởi nghiệp hãy cân nhắc xem mình là thợ làm bánh hay là họa sĩ đầy mơ mộng?
Theo Báo quốc tế
Xem thêm bài liên quan
- Shark Việt nhắn nhủ giới trẻ Startup: “Tuổi khởi nghiệp từ 18 – 81 là đẹp nhất!”
- Có nên yêu khi đang khởi nghiệp không? Shark Hưng bảo “có”, Sếp lớn FPT Hoàng Nam Tiến bảo “khó”
- Chủ tịch Phú Thái – Phạm Đình Đoàn đưa lời khuyên 5 điều không nên làm khi khởi nghiệp: Đừng nghĩ mình giỏi, đừng chọn người giỏi nhất