Nhận thấy quê nhà có nguồn gỗ dồi dào, chàng trai Nguyễn Ngọc Ánh sinh năm 1991, ở Phú Thọ đã quyết tâm khởi nghiệp với sản phẩm đũa gỗ dùng 1 lần, xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sở hữu hai xưởng sản xuất cùng với hàng trăm nhân công, anh Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1990, ở khu 3, xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) hiện đang là người cung cấp đũa gỗ dùng 1 lần xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với số lượng lớn, lợi nhuận lên tới vài tỷ đồng mỗi năm.
Sau những khó khăn, thách thức thì giờ đây chàng trai trẻ sinh năm 1990 đã giúp hàng trăm lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, doanh thu của xưởng sản xuất hơn 2 tỷ mỗi năm.
Tốt nghiệp Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, sau đó trở về làm công nhân rồi thành ông chủ cửa hàng điện tử, điện lạnh với thu nhập khá nhưng Nguyễn Ngọc Ánh vẫn khao khát giấc mơ khởi nghiệp để giúp người dân nơi đây thay đổi cuộc sống.
Ngay từ khi còn là sinh viên, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Ánh đã có đam mê kinh doanh nên khi tốt nghiệp ra trường anh đã vay tiền người thân, bạn bè để đầu tư một cửa hàng kinh doanh đồ điện tử.
Trong một lần tình cờ bạn của Ánh đã nhờ Ánh đi tìm hiểu về nguồn nguyên liệu, thị trường của đũa gỗ dùng 1 lần. Đến năm 2016 thì niềm đam mê, yêu thích với đôi đũa gỗ đã thúc giục Ánh bỏ hẳn cửa hàng kinh doanh điện tử để theo đuổi đôi đũa gỗ.
“ Thời gian kinh doanh mặt hàng điện tử cũng khá ổn nhưng tôi nghĩ mình phải nỗ lực tạo ra nhiều giá trị khác cho xã hội. Sau đó nhờ quen biết một người bạn và biết đến mô hình sản xuất đũa dùng 1 lần tôi đã bàn với gia đình về việc chuyển hướng kinh doanh” Ánh nói.
Khi mới bắt tay vào lĩnh vực sản xuất đũa gỗ Ánh đã gặp nhiều khó khăn từ vốn, khuyên ngăn của gia đình nhưng trong bản thân Ánh luôn thôi thúc mình phải làm được nên Ánh đã vay mượn gần 3 tỷ đồng đầu tư dây chuyền sản xuất.
Với người bình thường thì chỉ đầu tư 1 dây chuyển để quen dần với công việc nhưng lúc này do đã có được khách hàng ở bên Nhật Bản nên Ánh đã đầu tư 2 dây chuyền để đáp ứng được sản lượng xuất khẩu.
Khi mới bắt đầu thì Ánh cũng tìm hiểu tiêu chí xuất khẩu sang Nhật và cũng biết tiêu chí khá khắt khe, nếu có bất kỳ dị vật gì như tóc, dây buộc, vết bẩn, côn trùng… thì sẽ bị trả lại và bên Nhật sẽ không thanh toán bất cứ khoản nào.
Chàng trai trẻ chia sẻ: “Với mong muốn mang đến thị trường sản phẩm có chất lượng tốt nhất, ngay từ ngày đầu bắt tay vào làm, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua dây chuyền sản xuất hiện đại.
Những ngày đầu làm thì vô cùng khí thế và nhiệt huyết nhưng ngay trong tháng đầu tiên tôi đã sốc vì đơn hàng đầu tiên thua lỗ lên đến 500 triệu đồng do chưa làm chuẩn quy trình.”
Nhìn thấy số tiền thua lỗ, gia đình và bạn bè Ngọc Ánh ai cũng khuyên rằng làm giàu từu nghè nàu không hề dễ, nên từ bỏ. Thế nhưng, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát vọng làm giàu, Ngọc Ánh vẫn quyết tâm và tự đặt cho mình mục tiêu là bằng mọi cách phải tiến lên, không thể thấy thua mà bỏ dở.
Ánh và các cộng sự của mình càng nỗ lực dành thời gian nghiên cứu lại và tìm ra công thức sản xuất chuẩn. Vừa làm, vừa mày mò hoàn thiện dần, mất đến khoảng 2 năm mới cho ra đời quy trình sản xuất cho sản phẩm.
Sự quyết tâm cùng với niềm tin vào công việc đã không phụ lòng anh. Hiện tại thì Ánh đã có cho mình 2 nhà xưởng hiện đại ở Phú Thọ và Tuyên Quang với 3 dây chuyền sản xuất, tạo việc làm cho hơn 100 công nhân chủ yếu là lao động tại địa phương.
Mỗi tháng 2 xưởng của Ánh sản xuất và tiêu thụ 10 container gỗ, mỗi container khoảng 5 triệu đôi đũa được xuất sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc mang về thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm.
Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, anh Ánh luôn tích cực tham gia ủng hộ các phong trào thi đua của khu, xã phát động; đặc biệt là quyên góp, ủng hộ các quỹ vì người nghèo, nhân đạo tại địa phương.
Nguyễn Ngọc Ánh nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.
Chia sẻ về kinh nghiệm của mình với cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là đối với những người trẻ, Ngọc Ánh cho rằng sẽ không có một công thức chung nào về cách thức khởi nghiệp hay cách làm giàu, bởi thị trường, xu hướng cũng như nhu cầu khách hàng liên tục thay đổi. Điều những bạn trẻ cần là kiên trì, sáng tạo không ngừng và biết nắm bắt thời cơ đúng lúc.
Chàng trai đưa ống hút tre Việt ra thế giới
Trước khi tham gia thị trường ống hút tre, Nguyễn Văn Mão đã là ông chủ của chuỗi thương hiệu sáo trúc gồm 28 cửa hàng trên khắp cả nước.
Mão chia sẻ, thực ra anh đã tìm hiểu và làm thử ống hút tre từ năm 2016, nhưng khi ấy anh chỉ làm nhỏ lẻ. ‘Cảm thấy chưa đâu vào đâu, người dùng chưa hưởng ứng lắm’ nên anh bỏ.
Đến tháng 9/2018 khi cảm thấy thời cơ đã đến, anh tập trung ‘đổ’ tiền vào các cơ sở sản xuất. Để quyết định mở xưởng sản xuất ở đâu, anh phải đi tìm hiểu xem địa phương đó có đủ nguồn nguyên liệu cung ứng hay không. Có những chuyến đi tìm hiểu thực tế dài cả tháng trời.
Đến nay, Mão đã có 5 cơ sở sản xuất ống hút tre đặt tại Đồng Nai, Gia Lai, Nghệ An, Hà Nội và Buôn Mê Thuột. Anh nói thêm: ‘Ở Hà Nội, nhà xưởng chỉ có quy mô nhỏ, sản xuất ít’.
‘Rất may mắn là khi quyết định làm lại ống hút tre thì một số nước châu Âu cấm dùng ống hút nhựa, nên khách hàng cứ thế tìm đến’.
Hiện tại, anh cho biết 98% hàng sản xuất ra được xuất khẩu sang Pháp, Đức, Ấn Độ, trong đó Ấn Độ chiếm 70%.
Các đơn hàng bắt đầu ‘bùng nổ’ từ tháng 3-4 năm nay. Doanh thu thấp điểm nhất là khoảng 5-6 tỷ đồng/ tháng, cao điểm nhất lên tới 13 tỷ đồng/ tháng. Hiện tại, mỗi tháng các xưởng sản xuất của Mão cho ra lò gần 10 triệu chiếc ống hút.
Năm 2016 khi Mão bắt đầu tìm hiểu về ống hút tre, anh nói, lúc ấy chưa ai làm sản phẩm này, nhưng đến năm 2018 khi anh quay trở lại thì đã rất nhiều người làm rồi, nhưng mới chỉ sản xuất ở quy mô nhỏ – khoảng 10-20 nghìn ống/ tháng và chưa ai ra được thị trường quốc tế. Ống hút tre của Mão là một trong số những thương hiệu đầu tiên làm được việc này.
Chia sẻ về chiến lược kinh doanh, ông chủ 32 tuổi cho biết, anh muốn phủ rộng thị trường và giảm giá bán thấp nhất có thể để càng nhiều người được dùng sản phẩm càng tốt.
‘Muốn người ta bỏ ống hút nhựa thì ống hút tre phải rẻ để nhiều người có thể dùng được. Lợi nhuận thấp nhưng nhiều khách hàng thì vẫn có thể kiếm được tiền’.
Hiện tại, số lượng công nhân, nhân viên ở 5 nhà xưởng và các bộ phận khác lên tới khoảng gần 200 người. Để giảm giá bán xuống thấp nhất có thể, anh đầu tư hơn 3 tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất, máy móc. Hướng đi của Mão là giảm số lượng nhân công và đưa các quy trình đi vào sản xuất tự động.
‘Nếu nói làm ống hút tre chỉ để bảo vệ môi trường là không đúng. Mình làm kinh doanh thì phải có tiền. Nhưng mục đích kinh doanh cũng tương đồng với mục đích bảo vệ môi trường. Để bảo vệ môi trường thì phải càng nhiều người dùng ống hút tre càng tốt. Để nhiều người dùng được thì phải bán rẻ. Nếu bán rẻ mà có nhiều người mua thì lợi nhuận vẫn cao’.
So sánh lợi nhuận giữa làm ống hút tre và làm sáo, anh cho biết, làm sáo lợi nhuận khoảng 60% vì bán sáo là bán cả chất xám, phải hiểu về âm thanh mới làm được một cây sáo tốt. Còn lợi nhuận của ống hút tre chỉ có 10%.
3 tiêu chí quan trọng nhất mà Mão cho rằng cần phải có để trở thành số 1 trong thị trường của mình, đó là: chất lượng, số lượng và giá cả.
Anh cho biết, hiện tại 98% sản phẩm của anh được xuất ra thị trường nước ngoài. ‘Mình là chủ của thương hiệu ống hút tre lớn như thế nhưng nhiều khi ra quán cafe ngồi vẫn phải ngậm ống hút nhựa’ – anh cười nói.
Tuy nhiên, Mão thừa nhận rằng thị trường trong nước đang có những thay đổi tích cực với dòng sản phẩm ống hút thân thiện với môi trường. Anh nhìn thấy những thay đổi cụ thể nhất từ số lượng đặt hàng ngày một tăng lên của các cửa hàng cafe.
Anh cho rằng, thị trường tiềm năng này sẽ ngày càng phát triển khi ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày càng được nâng cao, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Chia sẻ về kế hoạch tương lai, anh cho biết chỉ khoảng 1 tháng nữa là anh bắt tay vào dự án sản xuất các đồ dùng bằng tre để xuất khẩu như thìa, bát, dao, dĩa… ‘Mọi thứ đã sẵn sàng, đầu ra cũng đã có, chỉ còn đợi máy móc xong là mình sẽ bắt đầu đi vào sản xuất với cơ sở đặt ở Nghệ An’.
Mục tiêu của Mão là trong 5-10 năm nữa sẽ nắm trong tay khoảng 10 nghìn nhân công, còn sang năm với những kế hoạch hiện tại sẽ đạt tới con số 1.000 nhân công.
Cựu sinh viên ĐH Kiến Trúc Hà Nội chia sẻ, nếu được tư vấn cho các bạn sinh viên về khởi nghiệp, anh sẽ khuyên các bạn trước tiên cần học và tập đọc sách. Sau đó thì thích gì làm đấy và sẵn sàng chấp nhận làm sai, làm hỏng. ‘Đây là tuổi các bạn được phép sai và hỏng, là lúc các bạn cần học hỏi, chứ chưa cần phải kiếm được tiền ngay’.
Theo Ictvietnam, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Tùn Barber Shop – Nơi đào tạo những “Barber chuyên nghiệp” trong làng tạo kiểu tóc nghệ thuật hàng đầu Việt Nam
- Một thế hệ người trẻ Việt ra trường không đi xin việc mà muốn “làm chủ” tự mở công ty riêng
- Cô gái Mường khởi nghiệp thịt chua được đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022