Nhắc đến Hetty Green, người ta nhớ ngay tới doanh nhân kiêm nhà đầu tư được mệnh danh là người phụ nữ giàu nhất lịch sử phố Wall ở Mỹ. Sách kỷ lục Guiness từng ghi nhận Hetty là tỷ phú kiệt xỉ nhất mọi thời đại.
Được mệnh danh là người phụ nữ giàu nhất nước Mỹ cuối thế kỷ 19, nhưng tỷ phú Hetty Green, hay còn được gọi là “phù thủy phố Wall”, lại kiệt xỉ đến mức không ai ngờ tới. Bà không chỉ gây ấn tượng khi là một trong những nhà nữ đầu tư xuất sắc hiếm hoi vào thời kỳ vẫn còn trọng nam khinh nữ mà còn để lại nhiều giai thoại với tính keo kiệt của mình. Sách kỷ lục Guiness từng ghi nhận Hetty là tỷ phú kiệt xỉ nhất mọi thời đại.
Không bao giờ lấy chồng nghèo
Hetty Green có tên khai sinh là Henrietta Howland Robinson, sinh năm 1834 tại bang Massachusetts trong một gia đình thương nhân giàu có. Ông nội của Hetty có một đội tàu săn cá cá voi khổng lồ cũng như có thương mại với những người Trung Quốc. Chính bởi vậy gia đình của Hetty kiếm được cả triệu USD.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm ăn như vậy, ngay từ bé Hetty đã được ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng sống tằn tiện, tiết kiệm và luôn quan tâm đến giá trị đồng tiền trên hết. Năm 2 tuổi, cô được gửi đến sống cùng ông bà nội. Do ông bà tuổi cao nên Hetty thường phải đọc báo cáo tài chính và giao dịch chứng khoán cho họ, qua đó làm quen với những thủ đoạn trong kinh doanh cũng như học hỏi dần về đầu tư.
Năm 10 tuổi, Hetty bắt đầu đi học nhưng cô cũng tham gia vào việc kinh doanh của gia đình khi người cha tiếp quản công ty từ ông nội. Cô làm những công việc khá đơn giản như tính toán hay phụ giúp các việc lặt vặt trong văn phòng. Vào thời gian này, Hetty bắt đầu tự đọc hiểu các báo cáo tài chính và tích lũy kinh nghiệm.
Do mẹ của Hetty thường đau ốm nên phần lớn công việc tính toán sổ sách của gia đình đè nặng lên vai của cô gái bé nhỏ. Năm 13 tuổi, Hetty chính thức trở thành tay hòm chìa khóa của cả gia đình khi tính toán sổ sách, hàng lưu kho, giá cổ phiếu của công ty… hoặc đọc những thông tin quan trọng trên báo cho cha mình.
Trong khoảng thời gian này, Hetty được theo học tại trường nữ sinh Quaker, nơi tụ hợp của cả nữ học sinh giàu lẫn nghèo. Tại đây học sinh được đối xử bình đẳng bất kể giàu nghèo và mục tiêu của nhà trường là giúp những nữ sinh nghèo có phong thái của giới thượng lưu, còn con nhà giàu thì học được lòng trắc ẩn.
Mặc dù vậy, môi trường tại đây lại đầy tranh chấp và phân biệt đối xử giữa 2 tầng lớp. Tất cả những gì Hetty học được là không bao giờ được để người khác coi thường và giá trị đồng tiền cao hơn những thứ hào nhoáng, sĩ diện rất nhiều.
Cha của Hetty thời điểm này muốn con gái mình trở nên sang chảnh, kết giao với tầng lớp thượng lưu và cưới được một gia đình giàu có nên đã cho cô 1.200 USD để sắm sửa quần áo. Tuy vậy Hetty lại gửi ngân hàng 1.000 USD và kiếm những bộ đồ cũ để mặc với khoản tiền 200 USD còn lại. Hệ quả là Hetty chẳng được gia đình giàu có nào để mắt tới trong những buổi tiệc của trường với giới thượng lưu.
Thậm chí chính những ảnh hưởng của sự vụ lợi trong giới thượng lưu mà Hetty rất sợ những kẻ đào mỏ. Bà tự hứa với bản thân mình rằng sẽ không bao giờ lấy một kẻ tầm thường không có tài sản gì.
Vào năm 1860, mẹ của Hetty qua đời để lại khối bất động sản trị giá 100.000 USD cho chồng và ngôi biệt thự trị giá 8.000 USD, tương đương 223.000 USD theo lạm phát tính đến năm 2018 cho Hetty. Điều thú vị là cha của Hetty bắt đầu cuộc tình mới không lâu sau khi vợ qua đời và Hetty đã rất dè chừng với những người tình của cha này. Bà đã chuyển theo cha mình lên New York vào năm 1861 để trông chừng tài sản cho gia đình khỏi những kẻ “đào mỏ”. Nhờ đó mà cha của Hetty đã không tái hôn và để lại toàn bộ gia tài 5 triệu USD cho bà khi qua đời vào năm 1865.
Sau này cũng nhờ kết hôn, Hetty được hưởng khối tài sản thừa kế 6 triệu USD (98,204 triệu USD theo lạm phát đến năm 2018) do người chồng để lại bao gồm khoảng 919.000 USD tiền mặt.
Trên thực tế, Hetty chẳng yêu thương mấy người chồng Edward Henry Green của mình. Ông lớn hơn bà 12 tuổi và là một đối tác giàu có của cha bà. Dẫu vậy Hetty chẳng thế chống lại định kiến xã hội về việc cưới xin cũng như phải sinh con.
Năm 1965, người dì của Hetty là Sulvia Ann Howland cũng thừa kế lại một nửa trong tổng số 2 triệu USD tài sản cho Hetty.
Với những khối tài sản khổng lồ như vậy, Hetty đã đầu tư khôn ngoan để mở rộng số tiền mình có. Bà đổ tiền vào chứng khoán, trái phiếu chính phủ, vàng hay bất cứ thứ gì mà Hetty cho rằng có thể sinh lời. Trên thực tế, việc làm của Hetty mang tính đầu cơ hơn là đầu tư và những quyết định của bà phần nào bị thúc đẩy bởi bản năng kinh doanh.
“Tôi mua vào khi giá rẻ và khi mọi người chẳng quan tâm đến những mặt hàng đó. Tôi giữ chúng đến khi giá đi lên và mọi người điên cuồng mua vào. Đó chính là bí quyết cho thành công của tôi”, Hetty chia sẻ.
Có những năm, lợi nhuận đầu tư của Hetty lên tới 1,25 triệu USD. Có những ngày, Hetty kiếm được tới 200.000 USD nhờ những quyết định đầu cơ thông minh.
Phần lớn những thương vụ sinh lời của Hetty đến từ việc mua rẻ bán đắt, ví dụ như việc mua lại trái phiếu chính phủ thời kỳ nội chiến Mỹ. Trong giai đoạn này, chiến tranh liên miên khiến nhà đầu cơ mất hy vọng về khả năng thanh toán trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên Hetty lại mua vào mặt hàng này và đúng như dự đoán, chiến tranh kết thúc và chính phủ Mỹ cam kết thanh toán trái phiếu quy đổi bằng vàng, qua đó đẩy giá mặt hàng này lên.
Ngoài những thương vụ đầu cơ, Hetty cũng cho vay lấy lãi và đến năm 1905, bà đã trở thành chủ nợ lớn nhất ở New York.
Tỷ phú keo kiệt nhất mọi thời đại
Bên cạnh danh tiếng là nữ tỷ phú giàu nhất nước Mỹ cuối thập niên 19, Hetty còn nổi tiếng với sự kiệt xỉ đến mức ngạc nhiên đối với người dân thời đó. Theo những lời đồn từ hầu gái, bà không bao giờ bật lò sưởi hay dùng nước nóng. Vị nữ tỷ phú này chỉ mặc một bộ váy đen cũ nhàu còn đồ lót thì chỉ chịu thay khi chúng đã sờn rách.
Thậm chí, người ta còn kháo nhau rằng Hetty chẳng mấy khi chịu rửa tay do sợ tốn xà phòng, bà sử dụng một chiếc xe ngựa cũ mèm và phần lớn dùng bữa bằng những chiếc bánh chỉ có giá 15 cent. Một vị nài xe ngựa từng cho biết bà Hetty đã tốn nửa đêm chỉ để tìm một chiếc tem thư đáng giá 2 cent đánh rơi trên xe ngựa. Trong khi đó một người hầu gái khác cho biết bà Hetty đã từng chỉ thị cho người hầu chỉ được giặt rửa phần bị bẩn của quần áo để tiết kiệm bột giặt.
Mặc dù là một nhà đầu tư thành công nhưng Hetty lại chẳng có nổi một văn phòng làm việc tử tế. Nói cho đúng hơn, bà không muốn tốn tiền thuê văn phòng mà tận dụng luôn phòng họp của ngân hàng Seaboard National Bank, nơi bà có cổ phần đầu tư.
Hiện vẫn chưa rõ những lời đồn trên là có thật hay không bởi xét đến những thành công mà Hetty làm được trong một xã hội trọng nam khinh nữ thời đó, nhiều khả năng những tin đồn nhảm bị chính những đối thủ của bà tung ra.
Dẫu vậy, việc Hetty có suy nghĩ bảo thủ và cứng rắn là điều chắc chắn và nó dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Ví dụ như khi con trai Ned của Hetty bị gãy chân khi còn nhỏ, bà không đưa cậu đến phòng khám tử tế mà là một trung tâm y tế công dành cho người nghèo. Việc không chịu chữa trị tử tế khiến đôi chân của Ned bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ.
Trong khi đó, người con gái Sylvia của Hetty cũng chịu ảnh hưởng bởi tính keo kiệt của bà. Sylvia phải sống với Hetty đến tận năm 30 tuổi mà chẳng lấy được chồng bởi mẹ cô từ chối mọi cuộc hôn nhân, bà cho rằng đàn ông chỉ ham muốn số tài sản thừa kế của Sylvia mà thôi.
Phải đến tận năm 1909, Sylvia mới lấy được Matthew Astor Wilks sau 2 năm thuyết phục. Anh này là một trong những người thừa kế của dòng họ Astor và phải góp 2 triệu USD để chứng minh mình không màng đến tài sản của Sylvia thì mới được Hetty đồng ý cho cưới. Tuy nhiên, 2 người vẫn phải làm hợp đồng tiền hôn nhân để đảm bảo rằng Matthew không được động vào tài sản của Sylvia.
Vào những năm cuối đời, Hetty bị thoát vị đĩa đệm nhưng bà từ chối đi phẫu thuật vì lo sợ bị “hãm hại”. Thay vì chữa trị tử tế, Hetty sử dụng những thanh nẹp để cố định xương sống. Giai đoạn này Hetty ngày càng bị ám ảnh bởi ý tưởng có người muốn mưu hại bà vì tài sản thừa kế. Bà chuyển nơi làm việc sang văn phòng của ngân hàng National Park Bank vì cho rằng mình mắc bệnh là do bị “đầu độc”.
Sau khi qua đời vào năm 1916, Hetty để lại khối tài sản trị giá khoảng 100-200 triệu USD, tương đương 2,3-4,6 tỷ USD theo lạm phát tính đến năm 2019. Con số chính xác không được công bố do những người con của bà không chịu tiết lộ. Nếu những con số này là chính xác, Hetty có thể được coi là nữ doanh nhân giàu nhất mọi thời đại trên thế giới.
Trái ngược với lối sống kiệt xỉ của Hetty, những người con của bà lại sống khá giả và hưởng thụ nhờ khối tài sản thừa kế của mẹ để lại. Cả 2 đều vượt qua được cuộc đại khủng hoảng năm 1930 nhờ khối tài sản khổng lồ được thừa kế cũng như thấm nhuần triết lý dự trữ tiền mặt, cẩn trọng trong đầu tư từ người mẹ.
Người con trai Ned mặc dù bị cưa chân nhưng sẵn sàng chi tiền sưu tầm xe đua hay những vật phẩm “nghệ thuật” mà ông cho là thú vị. Có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến tổng tài sản của Ned dù được thừa kế hàng triệu USD từ mẹ nhưng lại chỉ còn 44 triệu USD khi qua đời vào năm 1937. Trong khi đó, người con gái Sylvia lại sống giàu có và sang chảnh cùng người chồng Matthew đúng với tiêu chuẩn của giới thượng lưu.
4 bài học tài chính đắt giá mà ta có thể tiếp nhận từ Hetty Green
Với những kinh nghiệm đầu tư xuất sắc, bà thường được các nhà đầu tư tìm tới hỏi ý kiến. Dưới đây là 4 bài học đắt giá mà ta có thể tiếp nhận từ Hetty Green:
Tiết kiệm cực độ
Tuy sở hữu khối tài sản kếch xù, Hetty Green lại là một người sống vô cùng tiết kiệm. Trên thực tế, bà khá là tằn tiện đến keo kiệt, thậm chí còn bị nói là “tỷ phú kiệt xỉ nhất mọi thời đại”.
Người ta kể rằng, khi bị ốm, Hetty sẽ cải trang và đến phòng khám miễn phí. Khi trời có tuyết, bà đi bộ thay vì thuê xe riêng. Thậm chí, bà từng mất hàng giờ đồng hồ để tìm kiếm một con tem 2 xu đã bị đặt nhầm chỗ sau một chuyến xe dài. Con trai bà, Ned từng bị gãy chân khi còn nhỏ, nhưng lại chỉ được đi khám ở trung tâm y tế công cho người nghèo. Chính điuề này đã khiến đôi chân của Ned bị hoại tử và phải cắt bỏ.
Tuy tằn tiện là thế, đây dường như chính là “may mắn” tài chính của Hetty, Bà hiểu rằng, đồng tiền rất có giá trị, và bà rất quý trọng những gì mình kiếm được. Nếu ta không thể tiết kiệm tiền, lợi nhuận từ đầu tư sẽ không còn ý nghĩa.
Đầu tư thận trọng
Hetyt đầu tư rất thận trọng, chủ yếu là mua trái phiếu và bất động sản. Bà đã mua trái phiếu Hoa Kỳ từ năm 1865 – 1867, thời điểm mà Nội chiến vẫn đang gây những khủng hoảng trong kinh tế. Thậm chí, bà còn cho người khác vay tiền, rồi giữ đất của họ như là tài sản thế chấp.
Nhờ đầu tư khôn ngoan, người phụ nữ này có thể vượt qua những đợt khủng hoảng. Chưa kể, bà còn có đủ ngân sách để mua thêm bât động sản, trong khi nhiều người khác phải cầm cố.
Đầu tư dựa trên nguồn lực
Dù thời điểm đó vẫn còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, Hetty vẫn sống cuộc sống theo ý của mình. Bà từng nói: “Tôi luôn cố gắng để đối xử công bằng với tất cả mọi người, nhưng nếu ai đó chống lại tôi, tôi sẽ cho anh ta tất cả ‘cuộc chiến’ anh ta muốn”.
Tất nhiên, điều đó khiến nữ doanh nhân này không được yêu thích cho lắm, nhưng bà chẳng mấy khi quan tâm. Hetty Green không để ai thúc ép hoặc tác động tới quyết định tài chính của mình. Hãy nhớ rằng, mục tiêu tài chính của ta là duy nhất, không có lý do gì khiến chúng phải giống bất kỳ ai.
Quyên góp lặng lẽ
Dù nổi tiếng là một người yêu tiền quá độ và keo kiệt, nhưng thực ra Hetty rất hào phóng. Bà được biết đến với việc cho vay tiền dưới lãi suất thị trường để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Bà không muốn được công nhận cho việc tốt của mình, mà chỉ làm nó một cách lặng thầm. Đôi khi quyên góp lặng lẽ cũng là cách cống hiến cho đời sau những khoản đầu tư hiệu quả.
Tham khảo: Nhịp sống kinh tế, Business Insider
Xem thêm bài liên quan
- Người khổng lồ trong giới kinh doanh: #1 Andrew Carnegie – Kẻ nhập cư nghèo khó đã trở thành người giàu nhất thế giới
- Tỷ phú Elon Musk trở thành người “không thể đụng đến” kể cả chính phủ Mỹ: Sở hữu hàng loạt công ty trên khắp các lĩnh vực với tầm ảnh hưởng quá lớn
- Chuyện đời phi thường Chu Quần Phi: Từ cô bé chăn vịt, công nhân lương chỉ 1 USD/ngày đến nữ tỷ phú giàu nhất thế giới