Tỷ phú Warren Buffett được biết đến là một nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới. Ngoài sự nghiệp lừng lẫy thì ông còn có những ý tưởng đầu tư đầy ấn tượng.
Cho đến giờ, thiên tài đầu tư Warren Buffett đang sống trong ngôi nhà mà ông đã mua từ năm 1957 với giá 31.000 USD, không đi lại trên chuyên cơ riêng mà lựa chọn phương tiện công cộng và thường đánh bài khi rảnh rỗi thay vì những buổi tiệc tùng cho dù đang có khối tài sản 106 tỷ USD.
Warren Buffett không giống như những tỷ phú mà bạn thường biết đến. Với tài sản 106 tỷ USD (Tính đến tháng 6/2022), ông vẫn có lối sống giản dị đến kinh ngạc. Cho đến giờ Buffett đang sống trong ngôi nhà mà ông đã mua từ năm 1957 với giá 31.000 USD, không đi lại trên chuyên cơ riêng mà lựa chọn phương tiện công cộng và thường đánh bài khi rảnh rỗi thay vì những buổi tiệc tùng.
Chính sự giản dị khiêm nhường của người sở hữu khối lượng tài sản khổng lồ là điều khiến nhiều người ngưỡng mộ Buffett.
“Nhà tiên tri xứ Omaha” sinh năm 1930, tại Omaha, Nebraska, là con của Howard và Leila Buffett. Bố ông là một nghị sĩ trúng cử tới 4 lần và cũng là một nhà môi giới chứng khoán
Trong khi hầu hết những đứa trẻ trong khu phố thích chơi trò stickball (một kiểu bóng chày), Warren Buffett đã tiếp xúc với phố Wall
Năm 10 tuổi, trong một chuyến đi tới New York, ông theo bố đi ăn trưa cùng At Mol, một người đàn ông gốc Hà Lan là thành viên của sàn giao dịch chứng khoán New York.
Buffett nhớ lại rằng sau bữa trưa, một người bước tới với một khay đủ vị các loại sợi thuốc lá và sau đó cuốn cho ông Mol một điếu xì gà theo đúng lựa chọn của ông. Buffett đã có ấn tượng rất mạnh về việc này và đó cũng chính là thời điểm ông nhận ra rằng mình sẽ dành cả đời này để kiếm tiền.
Warren Buffett tiếp xúc với khái niệm đầu tư từ rất sớm, mua cổ phiếu đầu tiên khi 11 tuổi
Ông mua 3 cổ phiếu của Cities Services Preferred với giá 38 USD/cổ. Ông vẫn nắm giữ chúng dù sau đó giá rớt xuống mức 27 USD nhưng nhanh chóng bán ra khi giá tăng lên mức 40 USD.
Số tiền lãi có thể tăng lên nếu như ông đợi thêm một chút nữa, bởi cuối cùng thì giá lên tới 200 USD.
Kinh nghiệm này giúp Buffett nhận ra một bài học quan trọng đã định hình nên triết lý đầu tư nổi tiếng của ông: mua và giữ (buy and hold).
Warren Buffett ham kiếm tiền từ khi còn rất trẻ. Thời trung học, ông cùng 1 người bạn kinh doanh trò pinball
Ông đã “dụ dỗ” người bạn Don Danley cùng đầu tư với mình sau khi mua một chiếc máy pinball cũ với giá 25 USD như sau: “Tớ đã mua chiếc máy này với giá 25 USD và chúng ta có thể hợp tác. Việc của cậu là hãy sửa nó. Và sau đó chúng ta sẽ thuyết phục bác thợ cắt tóc Frank Erico đặt nó trong cửa tiệm để các khách hàng có thể chơi pinball khi chờ đợi. Chuyện này không có rủi ro nào với bác cả, chúng ta sẽ chia số tiền kiếm được”.
Đôi bạn đã có được thỏa thuận với bác Erico và chiếc máy thật sự là một món hời. Họ quyết định lấy số tiền lãi để mua thêm máy. Chỉ trong vài tháng Buffett trở thành “ông vua pinball” với những chiếc máy được đặt tại khắp các cửa hàng cắt tóc trong thị trấn. Sau 1 năm ông bán hoạt động kinh doanh này, thu về 1.000 USD.
Ngoài ra ngay từ khi còn nhỏ Buffett đã kiếm tiền bằng những công việc như giao báo, bán kẹo và soda hay rửa xe.
Và đến năm 16 tuổi số tiền ông tích lũy đã lên tới 53.000 USD
Buffett tích lũy được số tiền lớn đến mức ông không nhìn thấy lợi ích nào từ việc được nhận vào Wharton, ngôi trường kinh doanh danh giá trực thuộc ĐH Pennsylvania.
Nhưng sau đó ông vẫn đưa hết tiền cho bố và đi học. 2 năm sau ông đã bỏ học và quay trở về quê nhà và theo học ở ĐH Nebraska.
Sau khi hoàn thành việc học, ông chuyển đến New York để đi học ở trường kinh doanh Columbia
Chất xúc tác để Buffett đưa ra quyết định chuyển đến “quả táo lớn” là cuốn sách nổi tiếng “Nhà đầu tư thông minh”. Buffett chia sẻ ông đọc cuốn sách này lần đầu tiên năm 19 tuổi và triết lý “đầu tư giá trị” đã thay đổi cuộc đời ông.
Ông chọn trường Columbia sau khi biết rằng Ben Graham, tác giả của cuốn Nhà đầu tư thông minh là một giáo sư tại đây. Mặc dù Buffett là sinh viên duy nhất đạt điểm A+ trong lớp học của Graham, ông vẫn bị từ chối khi nộp đơn xin việc vào công ty của thầy. Thậm chí Graham còn khuyên Buffett hoàn toàn không nên theo đuổi công việc ở phố Wall.
Học xong thạc sĩ năm 1951, Buffett quay về quê nhà và làm môi giới chứng khoán cho Buffett-Falk, công ty của bố ông ở Omaha trong 3 năm.
Warren Buffett kết hôn năm 1952
Khi còn đang làm việc cho công ty của bố, Buffett kết hôn với Susan “Susie” Thompson và có 3 người con: Susan, Howard và Peter.
Tuy nhiên cuộc sống của hai vợ chồng gặp khá nhiều khó khăn. Họ sống trong căn hộ đi thuê với giá 65 USD/tháng. Năm 1957, Buffett mua ngôi nhà 5 phòng ngủ mà ông vẫn gắn bó đến tận ngày nay với giá 31.500 USD.
Warren và Susie có một mối quan hệ phức tạp. Mặc dù vẫn là vợ chồng cho đến khi bà Susan qua đời năm 2004, họ không sống cùng nhau trong nửa thời gian. Vợ ông rời khỏi nhà khi 45 tuổi và tới San Francisco sinh sống dù hai người vẫn thân thiết, thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại và thậm chí còn đi nghỉ cùng nhau. Và chính Susie cũng là người giới thiệu Buffett với Astrid Menks, người hầu bàn đã chuyển đến sống cùng Buffett và kết hôn với ông sau khi bà qua đời.
Warren Buffett quay trở lại New York
Cuối cùng thì Graham đã thay đổi quyết định và nhận Buffett vào làm năm 1954. Gia đình Buffett gói ghém hành lý và chuyển đến New York. Buffett làm việc cho người thầy của mình 2 năm với vị trí chuyên gia phân tích tại Graham-Newman Corp., nơi ông kiếm được khoảng 105.000 USD mỗi năm nếu quy đổi theo tỷ giá ngày nay.
Khi Benjamin Graham đóng cửa công ty năm 1956, Warren Buffett mở công ty của riêng mình, ở Omaha: Buffett Partnership Ltd
Trở thành triệu phú năm 32 tuổi
Đến cuối những năm 1950, Buffett đã mở tới 7 công ty. Ông trở thành triệu phú năm 1962 nhờ số tiền kiếm được từ các công ty này.
Warren Buffett gộp tất cả thành một và quyết định đầu tư vào một công ty dệt may, chính là Berkshire Hathaway
Ông bắt đầu mua cổ phiếu của Berkshire từ đầu những năm 1960 và cuối cùng dành quyền kiểm soát công ty này. Ngày nay, giá mỗi cổ phiếu Berkshire lên tới 245.600 USD.
Cuối những năm 1960, Warren Buffett chuyển hoạt động của Berkshire từ dệt may sang bảo hiểm
Đối với Warren Buffett, những năm 80 của thế kỷ trước là thời kỳ huy hoàng nhất
Năm 1982, ông có khối tài sản 376 triệu USD. Đến năm 1983 con số đã tăng gần gấp đôi, lên 620 USD. Và 3 năm sau, vào năm 1986, Buffett trở thành tỷ phú ở tuổi 56. Ông chỉ nhận mức lương 50.000 USD từ Berkshire.
Khoảng năm 1988, Warren Buffett sở hữu 7% cổ phần của Coca-Cola. Đây là một trong những khoản đầu tư tốt nhất của ông
Số tiền 1 tỷ USD đầu tư vào Coca-Cola đã tăng trưởng gần 16 lần trong 27 năm qua nếu tính cả cổ tức, tương đương mức lợi suất 11%/năm.
Năm 2008, Warren Buffett trở thành người giàu nhất thế giới
Theo tính toán của Forbes, ở thời điểm đó Buffett có trong tay 62 tỷ USD và vượt qua Bill Gates, người đã giữ vị trí quán quân trong suốt 13 năm. Tuy nhiên ngay sau đó Gates đã vượt lên.
Năm 2010, Warren Buffett và Bill Gates tạo ra Sáng kiến Giving Pledge
Sự tằn tiện đã trở thành thương hiệu của Buffett. Tỷ phú 89 tuổi không có điện thoại di động và thường xuyên di chuyển bằng phương tiện công cộng. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ông hà tiện.
Năm 2016, ông tự phá vỡ kỷ lục của mình khi hiến tặng 2,86 tỷ USD cổ phiếu Berkshire cho các tổ chức từ thiện, trong đó có quỹ Bill and Melinda Gates. Tổng cộng ông đã làm từ thiện hơn 28,5 tỷ USD.
Ngoài ra ông và Bill Gates đã tạo ra cam kết đem phần lớn tài sản (ít nhất là một nửa) đi làm từ thiện. Đến nay đã có hơn 150 người ký vào cam kết này, trong đó có nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg.
Năm 2011, Warren Buffett được cựu Tổng thống Obama trao Huân chương tự do
Warren Buffett đã mua vào 12 tỷ USD cổ phiếu kể từ khi Donald Trump đắc cử
Mặc dù nhiều lần công khai chỉ trích Tổng thống Trump, Buffett lại rất tin tưởng vào các chính sách kinh tế và năng lực của nội các mới. Trong bài phỏng vấn gần đây với Charlie Rose, Buffett tiết lộ Berkshire đã mua vào 12 tỷ USD cổ phiếu kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay.
Theo Investopedia, con số này nhiều hơn 200% so với tổng số cổ phiếu mà Berkshire đã mua vào trong 3 quý đầu năm 2016.
Theo Trí thức trẻ/Business Insider
Xem thêm bài liên quan
- Ly kỳ chuyện đời phi thường của tỷ phú huyền thoại Charlie Munger: Cả cuộc đời là tấn bi kịch, chưa bao giờ tỏ ra bi quan hay tuyệt vọng, vươn lên trở thành cái tên huyền thoại
- 3 nguyên tắc và phong cách kiếm tiền “bất khả chiến bại” của tỷ phú Lý Gia Thành: tích lũy, tiết kiệm, tìm kiếm tự do trong kinh doanh, cân bằng cuộc sống
- Luận “phong thủy” đằng sau chữ ký của những tỷ phú hàng đầu thế giới: Thấy được tại sao họ lại tài giỏi, giàu có đến vậy