Là một trong những vị tỷ phú có sức ảnh hưởng nhất thế giới và là người đàn ông được ngưỡng mộ nhất châu Âu, cuộc đời của tỷ phú Richard Branson là những thước phim sống động và không kém phần kịch tính.
Trải qua thời thiếu niên ngông cuồng với nhiều hoài bão, sớm bỏ học vì chứng khó đọc và thành tích học rất kém nhưng nhờ vào nghị lực phi thường của bản thân và sự ủng hộ, khích lệ của gia đình mà cậu bé bị bạn bè cười nhạo ngày nào giờ đã trở thành ông chủ của tập đoàn Virgin danh tiếng được hàng triệu người trên thế giới không ngừng dõi theo.
Richard Branson sinh ngày 18/7/1950 trong một gia đình không hề giàu có. Ngay từ khi còn nhỏ, Richard Branson đã mắc chứng bệnh khó đọc (dyslexia), đây là một căn bệnh hiếm gặp gây trở ngại đến việc đọc và viết nên không có gì đáng ngạc nhiên khi thành tích học tập của ông thường xuyên bị xếp cuối lớp. Tuy nhiên, tất cả những điều đó không thể ngăn cản cậu bé Richard Branson thực hiện những ý tưởng táo bạo của mình.
Trong những năm tháng học cấp 3 tại trường Stowe, Richard Branson đã từng viết một lá thư thật dài đến thầy hiệu trưởng Robert Drayson, chỉ rõ những vấn đề bất cập trong cách điều hành trường học và đưa ra lời khuyên cần phải nhanh chóng thay đổi. Chẳng những vậy, ông còn khẳng định một cách chắc chắn rằng nếu như làm theo các đề nghị này, trường Stowe sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ và với số tiền ấy, thầy hiệu trưởng có thể dùng để đầu tư vào những dự án mà ông đang theo đuổi.
Có lẽ nhờ sự kiện này mà Branson đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng vị hiệu trưởng vì khi biết tin ông sẽ nghỉ học ở độ tuổi 16 để theo đuổi con đường khởi nghiệp, chính thầy Drayson đã gửi lời nhắn nhủ đến ông rằng: “Chúc mừng cậu nhé, Branson. Tôi đoán rằng mai này hoặc là cậu sẽ ngồi tù, hoặc là sẽ trở thành triệu phú.”
Từ một kẻ “nếm mùi tù tội” trở thành triệu phú trong mơ
Năm 17 tuổi, dưới sự giúp đỡ của một người bạn, Richard Branson thành lập tờ tạp chí đầu tiên cho riêng mình, đặt tên là The Student và duy trì hoạt động trong một tầng hầm tại thành phố London. Nhờ vào tài thuyết phục của Richard Branson mà The Student đã nhận được nhiều lời đồng ý phỏng vấn từ những nhân vật nổi tiếng bấy giờ như huyền thoại âm nhạc John Lennon, Mick Jagger và thậm chí còn mời được cả triết gia Jean-Paul Sartre chắp bút.
Được đánh giá cao về mặt nội dung dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng The Student lại không đạt được nhiều lợi nhuận như mong muốn. Tệ hơn nữa, Richard Branson suýt chút đã phải vào tù vì cho đăng phương thuốc chữa bệnh hoa liễu trên tạp chí.
Với tầm nhìn xa trông rộng, Branson quyết định sẽ dùng uy tín của tờ tạp chí để đăng bán những đĩa nhạc và ý tưởng này đem lại thành công không tưởng, đĩa bán chạy tới mức Branson phải thành lập riêng một cửa hiệu băng đĩa của riêng mình. “Virgin” với ý nghĩa “trong trắng”, ý chỉ ông và những đồng nghiệp đều là những người mới trong ngành kinh doanh, là cái tên được chọn.
Bằng đôi mắt tinh tường và tư duy nhạy bén, Branson nhanh chóng nhận ra sự chênh lệch trong ngành công nghiệp âm nhạc khi mà những sản phầm sản xuất trong nước phải chịu mức thuế 33% trong khi cùng sản phẩm đó mang xuất khẩu ra nước ngoài thì lại không phải chịu thuế suất nào, Branson đã lợi dụng kẻ hở này để kiếm lợi cho Virgin. Bằng cách khai báo với hải quan sẽ xuất khẩu sản phẩm ngay tại cảng nhưng thực chất lại chở ngược về đem bán trong nước, Virgin Records vừa tránh được khoản thuế 33% không hề nhỏ, lại vừa dẫn đầu thị trường nhờ chính sách cạnh tranh giá rẻ.
Tất nhiên, “mánh khóe” kinh doanh này không thể lọt khỏi tầm ngắm của hải quản Anh, Branson bị cảnh sát bắt giữ, nhận được trát hầu tòa và lãnh án phạt 60.000 bảng Anh (hoặc ngồi tù thay thế nếu không có tiền nộp phạt). May mắn thay, chỉ sau một đêm ngồi sau song sắt, ông đã được tại ngoại nhờ số tiền nộp phạt mà bố mẹ ông có được từ việc thế chấp căn nhà.
Sau bài học kinh nghiệm khó quên đó, Richard Branson nhận ra rằng, không có thành công nào vững vàng nếu cứ đi mãi một con đường tắt. “Tôi đã thề với bản thân rằng sẽ không bao giờ làm điều gì khiến mình phải ngồi tù một lần nữa hoặc làm bất kỳ thương vụ kinh doanh nào làm tôi bẽ mặt.”
Virgin Records liên tiếp nhận được nhiều thành công sau đó và bắt đầu mở rộng hoạt động sang trực tiếp thu âm và phát hành băng đĩa cho những nhóm nhạc nổi tiếng như Sex Pistols, Culture Club và Rolling Stones. Không chỉ dừng lại ở đó, Branson đã nhân rộng số tiền đầu tư ban đầu lên một con số khổng lồ bằng việc đầu tư vào những ngành nghề khác.
Đến năm 1983, Richard Branson đã xây dựng được một đế chế hùng mạnh với khoảng 50 công ty vừa và nhỏ với tổng doanh thu 17 triệu USD mỗi năm và chính thức trở thành triệu phú. Đâu ai ngờ rằng, những “lời tiên tri” năm nào của thầy hiệu trưởng đã vận vào chính cuộc đời của Richard Branson.
“Kẻ điên rồ” mặc kệ tất cả, chỉ thích làm tới cùng…
Xuất phát từ sự bức xúc vì chất lượng dịch vụ của hãng hàng không British Airways quá tệ, không tương xứng với chi phí mà mình bỏ ra, Richard Branson nhen nhóm ý tưởng thành lập riêng một hãng hàng không và quyết tâm đánh bại “con sói già” ngạo mạn này. Năm 1984, ý tưởng biến thành hiện thực, hãng hàng không Virgin Atlantic chính thức đi vào hoạt động với chuyến bay đầu tiên nối giữa sân bay Gatwick (London) và sân bay Newark (New York).
Từ những cảm nhận tiêu cực đã nhận được trong quá khứ, Branson biết cách làm hài lòng tất cả những kì vọng của khách hàng bằng chất lượng phục vụ vượt trội và đưa Virgin Atlantic trở thành thương hiệu được yêu thích tại Anh, chính thức trở thành đối thủ đáng gờm của British Airways.
Năm 1986, mặc nhiều lời can ngăn, Branson vẫn thực hiện kế hoạch “không giống bất kỳ ai”: đi thuyền vượt Đại Tây Dương để quảng cáo thay vì áp dụng những phương thức quảng cáo thông thường, chính lối suy nghĩ sáng tạo đó đã đưa tên tuổi của Virgin Atlantic lên một tầm cao mới. Ông chia sẻ: “Nếu bạn thực sự muốn làm gì đó thì cứ làm đi. Bạn sẽ không bao giờ thành công nếu không vượt qua được nỗi sợ hãi và bắt tay vào làm”.
Tiếp sau đó 1 năm, ông trở thành người đầu tiên vượt đại dương này bằng khinh khí cầu. Tuy nhiên, đầu những năm 1990, đối mặt với sức ép cạnh tranh, suy thoái kinh tế và những thủ đoạn xấu xa từ phía British Airways, Richard Branson buộc phải bán lại công ty đầu tiên của mình là Virgin Records cho một công ty khác để có vốn tiếp tục duy trì hoạt động của Virgin Atlantic. Ông đã bật khóc sau khi thương vụ hoàn thành.
Những hành động “dị thường” có chủ đích của một bộ óc thiên tài
Năm 1994, lần đầu tiên cho ra mắt sản phẩm nước giải khát Virgin Cola, Branson đã lái xe tăng ra Quảng trường thời đại của New York và cán hàng loạt các lon Coca Cola như một lời khiêu chiến với tên khổng lồ nước Mỹ. Năm 2004, ông dùng xe hơi lội nước Aquada nhằm quảng cáo cho Virgin Airlines và năm 2007, Branson lại khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên khi buộc cáp treo vào người rồi nhảy xuống từ trên nóc khách sạn Palms Casino Hotel ở Las Vegas để giới thiệu hãng hàng không Virgin America.
Có thể nhận ra rằng, vị tỷ phú này dường như chưa bao giờ cạn kiệt những ý tưởng “quái chiêu” và là một người đàn ông chưa bao giờ biết sợ hãi và lùi bước. Cùng với SpaceX của Elon Musk, Virgin Galactic của Richard Branson đang là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực du hành vũ trụ, đưa con người vào không gian. Tính đến thời điểm hiện tại, Virgin Galactic đã có hơn 700 lượt đăng kí trước giữ chỗ trên mỗi chuyến bay, với vô số những tên tuổi nổi tiếng như: nhà khoa học Stephen Hawking, ca sĩ Lady Gaga, Justin Bieber…
Đã bước vào độ tuổi 70 nhưng Richard Branson dường như vẫn chưa có ý định dừng lại công việc kinh doanh dù mục tiêu kinh doanh của ông chưa bao giờ vì lợi nhuận mà chỉ là để thử thách trong cuộc sống. Dù cho đã hơn 50 năm trôi qua kể từ giây phút Richard Branson bỏ học để tự bước đi trên chính đôi chân của mình thì trong đôi mắt của người đàn ông này vẫn chưa bao giờ ngừng ánh lên khát khao vươn tới những chân trời mới.
Chất Ăng-lê cùng câu nói cửa miệng “Mặc kệ nó, làm tới đi” chắc chắn sẽ còn tạo nên những câu chuyện huyền thoại bất diệt khiến người ta không thể nào ngừng nhắc đến cái tên Richard Branson.
Xem thêm bài liên quan
- Những bóng hồng đằng sau Top doanh nhân quyền lực nhất thế giới
- Giải mã bí thuật làm giàu của “Vua dầu mỏ” John D. Rockefeller: Trước và sau này vẫn không có người nào trên thế giới giàu bằng ông!
- Ly kỳ chuyện đời phi thường của tỷ phú huyền thoại Charlie Munger: Cả cuộc đời là tấn bi kịch, chưa bao giờ tỏ ra bi quan hay tuyệt vọng, vươn lên trở thành cái tên huyền thoại