Với chiêu thức tinh vi, lợi dụng lòng tin của khách hàng, Nguyễn Thái Luyện và địa ốc Alibaba đã tự vẽ ra dự án, tự phân lô, tách thừa đất nền, khiến hơn 4000 người sập bẫy.
Với chiêu thức tinh vi, lợi dụng lòng tin của khách hàng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Alibaba đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa đất nền trái phép, khiến hơn 4.000 người sập bẫy.
Không chỉ mua đất nông nghiệp vẽ dự án “ma”, Alibaba còn đưa ra nhiều chiêu thức để “ẵm” hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 khách hàng.
Lập hàng chục công ty con để vẽ dự án “ma” trên đất nông nghiệp
Theo cáo trạng, các cổ đông của Alibaba gồm: Nguyễn Thái Lĩnh giữ 49,5% cổ phần; Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện) giữ 49,5%; Nguyễn Thái Luyện (anh trai của Lĩnh) chỉ giữ 1% nhưng là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc điều hành tất cả các hoạt động của Công ty.
Luyện còn lập ra 22 công ty trực thuộc, hoạt động ở các lĩnh vực: bất động sản, truyền thông, vận tải để cùng góp vốn vào Alibaba và cùng “bẫy” nhà đầu tư như: Alibaba Law Firm, Công ty Vận tải Alibaba, Công ty Tia Chớp…
Trong đó, Luyện đứng tên Chủ tịch HĐQT Alibaba và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Ali; Võ Thị Thanh Mai đứng tên Tổng giám đốc Alibaba Law Firm và Công ty TNHH Xây dựng Maluna; Nguyễn Thái Lực đứng tên Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại địa ốc Xanh, Công ty cổ phần Địa ốc Long Thành Ali.
Các công ty còn lại do các cá nhân khác trong hệ thống Alibaba đứng tên giám đốc, đại diện pháp luật.
Sau đó, Luyện mua đất nông nghiệp, nhưng chỉ đạo cá nhân giám đốc các công ty con đứng quyền nhận chuyển nhượng, ủy quyền cho công ty, rồi chỉ đạo nhân viên vẽ dự án “ma”.
Điển hình, sau khi thành lập Công ty Tia Chớp và Chi nhánh Công ty Tia Chớp (năm 2018), Luyện mua đất nông nghiệp của các hộ dân ở huyện Long Thành (Đồng Nai), nhưng cho Trương Thị Hồng Ngọc, Bùi Minh Đức và Nguyễn Thái Lĩnh đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Sau đó, Luyện tiếp tục chỉ đạo 3 cá nhân trên ủy quyền cho Công ty Tia Chớp làm chủ đầu tư lập 4 dự án gồm: Alibaba Phước Bình Central Park, Alibaba Phước Bình Central Park 2, Alibaba Phước Thái Capital và Alibaba Long Phước Industry.
Hoàn tất khâu này, Luyện mới chỉ đạo nhân viên cấp dưới tự vẽ dự án “ma” bằng cách phân lô tách thửa đất nông nghiệp và tung bán bằng hình thức hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Cụ thể, nhân viên của Luyện đã vẽ Dự án Alibaba Phước Bình Central Park 2 (huyện Long Thành) bằng cách chia 2 thửa đất có tổng diện tích hơn 55.000 m2 trên thành 334 nền/lô đất (mỗi nền khoảng 100 m2) và lừa bán cho nhiều khách thông qua các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, Dự án Alibaba Phước Thái Capital cũng được “vẽ” trên 2 thửa đất thành 46 nền (mỗi nền khoảng 100 m2). Còn Dự án Alibaba Long Phước Industry được “tự vẽ’ trên 4 thửa đất bằng cách chia thành 316 nền/lô đất (mỗi nền 100 m2).
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty cổ phần Địa ốc Đầu tư và Phát triển Spartaland “vẽ” ra 2 dự án Alibaba Phú Mỹ Central City và Alibaba Phú Mỹ Central City 2 cũng bằng cách phân lô nền trên đất nông nghiệp và tung bán.
Tương tự, Công ty cổ phần Địa ốc đầu tư và phát triển TLLand “vẽ’ ra 2 dự án ma là Ali Venice City tại Bình Thuận và Alibaba Phú Mỹ Center City tại Bà Rịa – Vũng Tàu; Công ty cổ phần Địa ốc Chiến Binh Thép vẽ ra các dự án Alibaba Center Town (Đồng Nai), Alibaba Tân Thành Center City Alibaba, Alibaba Tân Thành Center City 6, Alibaba Tân Thành Homy City; Tóc Tiên Residence 3 (tại Bà Rịa – Vũng Tàu)…
Ngoài 22 công ty trực thuộc đã được thành lập để phục vụ việc “bẫy” khách hàng, Nguyễn Thái Luyện còn chỉ đạo thành lập 10 pháp nhân khác, nhưng các công ty này chưa hoạt động gì thì bị cơ quan điều tra phát hiện, khởi tố vụ án.
Năm bước “bẫy” nhà đầu tư
Theo cơ quan điều tra “đúc kết”, với các thủ thuật trên, Nguyễn Thái Luyện đã vạch ra và chỉ đạo các đồng phạm thực hiện 5 bước để các khách hàng tin tưởng mà nộp tiền cho Luyện thông qua các pháp nhân.
Bước 1: Nguyễn Thái Luyện dùng phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.
Bước 2: Những cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất như nêu trên lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập để các công ty này tự vẽ dự án không có thật theo chỉ đạo của Luyện.
Bước 3: Sau khi nhận ủy quyền, các pháp nhân nêu trên, với tư cách là chủ đầu tư các dự án tự vẽ, không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa từ 100 m2 đến dưới 400 m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài…) dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm.
Bước 4: Nguyễn Thái Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án (tự vẽ) với Alibaba để Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án. Đồng thời, tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng.
Bước 5: Sau khi khách hàng đồng ý mua, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.
Theo cơ quan chức năng, Nguyễn Thái Luyện còn đánh vào lòng tham con người với các thủ đoạn bán hàng như: cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Luyện còn chỉ đạo lập các tài khoản gồm: tài khoản trên trang web www.youtube.com có tên là “Thời sự Ali24h”; fanpage có tên là “Địa ốc Alibaba” trên mạng xã hội Facebook; các website www.diaocalibaba.com và www.diaocalibaba.vn… cũng với mục đích quảng cáo gian dối về các dự án không có thật, tuyên truyền về tính quy mô trong hoạt động, kinh doanh của Alibaba, để khách hàng tin tưởng đầu tư.
“Ẵm” gọn hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 khách hàng
Theo cơ quan điều tra, Nguyễn Thái Luyện mua đất nông nghiệp bằng chính nguồn tiền huy động từ các khách hàng rồi chiếm đoạt tiền cũng từ nguồn này. Có nhiều nơi, chỉ mới đặt cọc mua thửa đất nông nghiệp, chưa thực hiện giao dịch chuyển nhượng công chứng, chưa có quyền sở hữu lô đất, nhưng các bị can vẫn đặt tên dự án hấp dẫn, kêu gọi khách hàng đầu tư (Dự án Ali Vienice City…).
Thậm chí, có trường hợp, dù không ký hợp đồng đặt cọc hoặc nhận chuyển nhượng, lô đất nông nghiệp thuộc sở hữu của người dân đang sử dụng, nhưng các bị can vẫn tự đặt tên dự án, phân lô, chia nền, để thu hút nguồn tiền từ khách hàng.
Trong trường hợp các dự án tự vẽ ra không bán hết, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo đổi tên hoặc yêu cầu sáp nhập tạo dự án mới để khách hàng tin tưởng Alibaba lớn mạnh, có nhiều sản phẩm mà tham gia đầu tư vào Công ty. Tổng cộng, theo cáo trạng, Alibaba đã “ẵm gọn” hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 khách hàng từ các dự án “tự vẽ” trên đất nông nghiệp.
Dù thừa nhận mình là người chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Công ty Alibaba, chỉ đạo các nhân viên dưới quyền đi mua đất nông nghiệp, chỉ đạo bộ phận thiết kế vẽ đồ họa, người duyệt khi lên sơ đồ lô, thửa đất, giá cả hàng hóa, nhưng Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội.
Luyện cho rằng, mình không quảng cáo gian dối, không chiếm đoạt tiền của ai; không phân lô trái pháp luật. Toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều có quy hoạch rõ ràng; việc phân lô bán nền được bị can chỉ đạo các nhân viên thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hiện bị can sở hữu hơn 430 ha đất, nên quy kết bị can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không có căn cứ pháp luật.
Vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba là vụ án “kỷ lục” trong lịch sử tố tụng. Số lượng bị hại lên đến 4.361 người, khoảng 200 người được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Hồ sơ vụ án được đựng trong 140 rương (thùng) với khoảng 1 triệu bút lục. Cáo trạng vụ án dài 500 trang.
“Nguyễn Thái Luyện rao bán cái mình không có”
Sáng 19/12, sau 10 ngày xét hỏi các bị cáo và hơn 4.000 bị hại, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm.
Trong vụ án này, Luyện cùng Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 đồng phạm bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa ốc Xanh, em ruột Luyện) bị truy tố về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị truy tố tội Rửa tiền.
Theo đại diện VKS, bị cáo Nguyễn Thái Luyện với vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba. Luyện là người chỉ đạo xuyên suốt, toàn bộ hoạt động của Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc.
Quá trình điều tra, bị cáo thừa nhận mình là người chỉ đạo toàn bộ hoạt động của công ty, chỉ đạo các nhân viên dưới quyền đi mua đất nông nghiệp, giá mua theo khung giá, vị trí đất do Luyện định hướng, chỉ khi bị cáo đồng ý thì Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) mới yêu cầu nhân viên lập phiếu chi hoặc chuyển khoản tùy theo yêu cầu.
Bị cáo cũng là người yêu cầu, chỉ đạo bộ phận thiết kế vẽ đồ họa, người duyệt khi lên sơ đồ lô, thửa đất, giá cả hàng hóa khi bán cho khách hàng.
Tại tòa, trả lời thẩm vấn HĐXX, bị cáo Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo cho rằng mình không quảng cáo gian dối, không chiếm đoạt tiền của ai, không phân lô trái pháp luật. Toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều có quy hoạch rõ ràng, việc phân lô bán nền thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nguyễn Thái Luyện đã sử dụng hệ thống công ty trực thuộc tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Nguồn tiền mua đất nông nghiệp được huy động từ chính khách hàng bằng cách dùng pháp nhân của Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống, tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật nhằm lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư trái pháp luật.
“Nguyễn Thái Luyện rao bán cái mình không có, lừa dối người mua hàng bằng thủ đoạn lập hệ thống các tổ chức công ty để che giấu hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 2.400 tỷ đồng của hơn 4.500 bị hại”, VKS nêu quan điểm và khẳng định thủ đoạn của Nguyễn Thái Luyện tinh vi, bị cáo tận dụng sự nhiệt huyết của các bị cáo đồng phạm có tuổi đời còn rất trẻ để phục vụ cho mục đích của mình, trong đó có những bị cáo sinh năm 1998, 1999…
Theo kiểm sát viên, bị cáo đã vi phạm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ mưu nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe.
Theo Báo đầu tư, Zingnews