Chuyên gia cho rằng bất động sản du lịch và đất nền tại Việt Nam sẽ vẫn gặp khó khăn trong năm 2023. Ngược lại, các phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu thực sẽ lên ngôi.
Tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” do Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chức sáng 14/12, các chuyên gia tập trung thảo luận nhiều về vấn đề thị trường vốn và bất động sản. Nhiều quan điểm và kiến nghị đã được đưa ra nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản, vốn đã ảm đạm trong nhiều tháng nay.
Toàn ngành vẫn trong thế khó
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường nhà đất trong năm 2022 đã gặp rất nhiều khó khăn, sang năm 2023, những thách thức vẫn sẽ còn tiếp tục tồn tại.
Hiện toàn ngành bất động sản phải chật vật giải “bài toán” nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp điêu đứng, không thể phát triển sản phẩm mới và buộc phải sa thải lượng lớn nhân viên.
Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM, cho biết các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, nhà ở đô thị sẽ là trọng tâm phát triển của thị trường bất động sản vào năm sau.
Ngoài ra, ông cũng nhận định “sóng gió” trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2023.
“Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang trong giai đoạn ‘ngủ đông’, phải cắt giảm chi phí hoạt động và nhân sự. Năm 2023 sẽ khó chứng kiến một đà bật tức thì. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để thị trường thanh lọc các doanh nghiệp bất động sản chưa có thực lực”, bà Nguyễn Thùy Dung, Chủ tịch của Phú Hưng Property, chia sẻ với Zing tại bên lề hội thảo.
Nhận định về tình hình thị trường trong năm 2023, bà Nguyễn Thùy Dung cho rằng các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực sẽ tiếp tục “lên ngôi” vào năm sau. Bên cạnh đó, những dự án bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì mạch phát triển bền vững. Tuy nhiên, phân khúc đất nền khó lòng “sốt” trở lại như các năm.
Đi tìm lực đẩy
“Cần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bất động sản an toàn, an sinh xã hội với trọng tâm ở 3 chủ thể, bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, ông Nguyễn Văn Khôi chia sẻ tại hội thảo.
Chủ tịch VNREA đề xuất Chính phủ giao tổ công tác của Thủ tướng về bất động sản, chính quyền địa phương thống kê những khó khăn, vướng mắc tại các dự án. Từ đó, các đơn vị này sẽ báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội để các cơ quan nhanh chóng “vào cuộc” tháo gỡ.
Bên cạnh đó, để dự án được nhanh chóng đưa vào triển khai, các yếu tố như mặt bằng, hệ thống cơ sở hạ tầng cần được các cơ quan chức năng chú trọng, giám sát. Các thủ tục thực hiện đầu tư cũng cần phải được rút ngắn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
“Phía chính quyền địa phương cần xem xét, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian, xây dựng chương trình phát triển, quản lý hệ thống nhà ở trên thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở công nhân”, ông Nguyễn Văn Khôi bình luận tại hội thảo.
Ngoài ra, phía doanh nghiệp phải chủ động, thích ứng linh hoạt, giảm chi phí đầu vào để hạ giá bán, tăng cường tiếp cận thêm nhiều đối tượng để gia tăng doanh thu. Với bối cảnh và nhu cầu của xã hội, ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng các chủ đầu tư nên tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp.
Theo ông Lê Viết Hải, toàn cảnh thị trường đang chứng kiến sự mất cân đối về cung cầu. Vì vậy, cựu Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đề xuất giải pháp về việc cung cấp thông tin công khai, minh bạch về thị trường xây dựng.
Cụ thể, Nhà nước cần tạo lập một trang chính thống cung cấp các dữ liệu về quy hoạch, giao dịch bất động sản, các dự án đang xem xét và đã được cấp phép…
Điều này sẽ giúp các chủ đầu tư có thể đưa ra quyết định phù hợp hơn khi tung ra các sản phẩm trên thị trường, đem lại hiệu quả cao trong thị trường xây dựng nói chung và bất động sản nói riêng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ vào cuộc gỡ khó cho thị trường bất động sản
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi, đề nghị các bộ, ngành, doanh nghiệp… chung sức hợp lực để vượt qua khó khăn, thách thức phát triển thị trường bất động sản đúng quy luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện đề nghị các bộ ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.
Cụ thể, ông yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, tích cực rà soát khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản.
Đồng thời Bộ này phải hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; tổng hợp kết quả làm việc của tổ công tác, xử lý theo thẩm quyền và đề xuất giải pháp cụ thể vượt thẩm quyền, nhất là các giải pháp cần thiết, cấp bách.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế; cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Bộ trưởng Tài chính được giao rà soát việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung kịp thời quy định, pháp luật về đầu tư, đấu thầu; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường chủ động rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý theo thẩm quyền để đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn thuộc lĩnh vực đất đai…
Với các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có liên quan tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán… phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.
Cuối cùng, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung sức, đồng tâm, hợp lực để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản đúng quy luật, hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo Zingnews