Khi mảng vận tải lỗ 3 năm liên tiếp, tập đoàn Mai Linh đã vừa đưa vào vận hành Mai Linh Food – bước đi tiếp theo sau cái bắt tay với Nestle để bán các sản phẩm đồ uống ngay trên xe taxi từ năm 2019.
Hôm 1/12, Tập đoàn Mai Linh đã khai trương siêu thị thực phẩm đầu tiên của mình mang tên Mai Linh Food tại Vinhomes Central Park – quận Bình Thạnh.
Theo lời giới thiệu trên Fanpage của Tập đoàn này: Mai Linh Food thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Mai Linh, chuyên bán các mặt hàng tươi sống được chọn lọc từ những thương hiệu uy tín, hải sản tươi ngon từ vùng biển Côn Đảo, rau thủy canh, trái cây tươi được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn Global Gap.
Để quảng bá cho ‘đứa con mới’, Mai Linh đã cho in hình và thương hiệu lên các xe taxi trong hệ thống hơn 15.000 xe của mình. Hiện Mai Linh có khoảng 15.179 xe tính đến cuối năm 2020.
Có lẽ, ý định làm siêu thị thực phẩm này của Mai Linh manh nha từ năm 2019, khi họ hợp tác với Nestle, cho phép các tài xế của họ bán các sản phẩm của Tập đoàn này trên xe.
Cụ thể: vào năm 2019, Mai Linh đã đặt các sản phẩm đồ uống của Nestle trong túi treo giữ lạnh, bán bằng giá tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay tạp hóa. Khách hàng chỉ cần lựa chọn sản phẩm trên tablet và tự phục vụ sau đó, mà không cần đến sự hỗ trợ từ tài xế.
Có thể thấy, trong 2 năm 2020 và 2021, Việt Nam chứng kiến ‘nhà nhà người người’ mở bán thực phẩm. Grab và Be ra mắt dịch vụ ‘đi chợ hộ’, các sàn thương mại như Tiki, Shopee và Lazada lần đầu tập trung vào ngành hàng tươi sống. Đặc biệt, trong những tháng cao trào đại dịch vừa qua, thực phẩm là ngành duy nhất có thể sống sót tại TP.HCM và Hà Nội.
Có thể nói, Covid-19 khiến tình hình của taxi Mai Linh – doanh nghiệp đình đám 1 thời, đã khó càng thêm khó. Trước Covid-19, họ bị lép vế và ngày càng đi thụt lùi do không cạnh tranh được với các ‘kỳ lân’ gọi xe công nghệ như Grab hay GoJek. Covid-19 xuất hiện càng làm cho tình hình kinh doanh Mai Linh bi đát hơn. Việc Tập đoàn này ra mắt Mai Linh Food cũng không có gì khó hiểu.
Trong Báo cáo tài chính năm 2020 của Mai Linh cho thấy: doanh thu của họ đạt 1.574 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2019. Giá vốn bán hàng giảm 25%, về gần 1.279 tỷ đồng đã kéo biên lãi gộp giảm 42%, còn 295 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2020, Mai Linh báo lỗ ròng hơn 173 tỷ đồng. Như vậy, tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng lỗ lũy kế của hãng taxi truyền thống này lên đến 1.210 tỷ đồng. Với thực tế khốc liệt của năm 2021, dự đoán khoản lỗ này chắc chắn sẽ được cộng thêm trong thời gian tới.
Báo cáo thường niên năm 2020 của Mai Linh cũng cho hay, tính đến cuối năm 2020, tổng số cán bộ nhân viên của Mai Linh đạt 23.099 người – chiếm tỷ trọng 86,9% là lao động lái xe taxi với 20.077 người. Tập đoàn này hiện có 59 công ty con (tăng 8 công ty so với cuối năm 2019) và 3 công ty liên kết.
“Mai Linh nay không chỉ là taxi, mà là một hệ sinh thái đa dạng, bao gồm: taxi truyền thống, taxi công nghệ, xe cho thuê, xe bus, xe đường dài, dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa xe ô tô, tàu cao tốc, logistic đầu cuối (chuyển phát nhanh, vận chuyển hàng hóa), du lịch, bảo hiểm, thương mại…“, ông Hồ Huy – Chủ tịch HĐQT Mai Linh thông tin thêm.
Tuy nhiên, mở siêu thị thực phẩm không phải là giải pháp xoay xở để sinh tồn duy nhất của Mai Linh trong Covid-19.
Vào tháng 7/2021, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Tập đoàn Mai Linh đã ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền và hợp tác chiến lược toàn diện.
Theo nội dung thỏa thuận, PTI là đối tác độc quyền của Mai Linh, được khai thác các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ đối với xe ô tô, tài sản kỹ thuật, cháy nổ… liên quan đến cán bộ, nhân viên và đối tác của Tập đoàn Mai Linh.
Đồng thời, PTI sẽ đầu tư tài chính ban đầu để xây dựng hạ tầng, công nghệ thông tin và cơ chế chính sách hợp tác tốt nhất để Mai Linh trở thành đại lý phân phối độc quyền các sản phẩm của PTI trên toàn hệ thống của Mai Linh. Thời hạn hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền là 10 năm với kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị