Miếng bánh thị trường bán lẻ ở Việt Nam được đánh giá sẽ trở nên sôi động và thú vị khi xuất hiện nhân tố mới mẻ với kế hoạch mở rộng quy mô ấn tượng, mạnh tay đầu tư công nghệ phục vụ người tiêu dùng.
Các đại gia bán lẻ đua nhau mở rộng quy mô
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 năm 2022 trên cả nước ước đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Chuẩn bị kế hoạch phát triển sau dịch, nhiều đại gia bán lẻ đưa ra các kế hoạch phát triển quy mô toàn quốc.
Một ông lớn nước ngoài từ Thái Lan sở hữu các thương hiệu bán lẻ quy mô lớn tại Việt Nam vừa mới công bố kế hoạch đầu tư hơn 30 tỉ baht (tương đương 20.000 tỉ đồng) trong 5 năm tới (2022 – 2026), hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng đa kênh số 1 trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại.
Trong khi đó, một chuỗi bán lẻ lớn trong nước cũng cho biết, từ nay đến cuối 2022 sẽ có kế hoạch mở mới hơn 700 cửa hàng và khoảng hơn 20 siêu thị/đại siêu thị. Một số DN bán lẻ nội địa khác cũng dồn sức thúc đẩy, tái cơ cấu và gia tăng sự hiện diện ở phân khúc cửa hàng.
Thị trường cũng xuất hiện điểm sáng mới như Nova Commerce – một thành viên của Nova Service trực thuộc tập đoàn NovaGroup. Với bước đi bài bản, chỉ trong thời gian ngắn, doanh nghiệp đã ra mắt hơn 30 cửa hàng Nova Market tại TP.HCM, Phan Thiết, Hồ Tràm.
Vừa qua, đơn vị này cũng đã khai trương siêu thị Nova Supermarket rộng 2.000m2 đầu tiên tại TP.HCM, tiếp nối cho kế hoạch phát triển chuỗi bán lẻ quy mô toàn quốc với kế hoạch mở rộng hơn 2.000 điểm bán đến năm 2025.
Các doanh nghiệp nội mạnh tay đầu tư công nghệ
Một điểm đáng chú ý nữa của thị trường bán lẻ là sự nổi trội của các thương hiệu Việt Nam. Nếu như ở thời điểm năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ của nội địa thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, thì đến nay doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70 – 80% số điểm bán trên cả nước.
Một trong những lý do giúp các doanh nghiệp nội dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong nước chính là sự đầu tư để gia tăng trải nghiệm cho người dùng, bao gồm không gian mua sắm, công nghệ và yếu tố sức khỏe.
Theo đại diện của Worldpanel Division Vietnam (thuộc Tập đoàn Kantar), người tiêu dùng đã dần bỏ chợ truyền thống và tìm đến các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi là những nơi có thể đáp ứng hầu hết các nhu cầu của họ, bao gồm cả thực phẩm tươi sống, cũng như đem lại cho họ những trải nghiệm mua sắm tiện ích hơn.
Đơn cử như chuỗi cửa hàng Nova Market và siêu thị Nova Supermarket của Nova Commerce với sự đầu tư bài bản và chỉn chu đã đem đến trải nghiệm mua sắm thoải mái, tiện lợi cho người dùng từ không gian hiện đại, hàng hóa đa dạng, nguồn gốc rõ ràng đến chất lượng dịch vụ.
Đơn vị này cũng chú ý đến những quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng là yếu tố sức khỏe, nên tập trung vào phân phối các sản phẩm nông sản tươi ngon, xanh sạch, chất lượng cao, đặc biệt là các dòng sản phẩm thịt mát, được sản xuất theo tiêu chuẩn khép kín từ trang trại đến bàn ăn Feed-Farm-Food.
“Chuẩn bị cho việc phát triển với quy mô toàn quốc, chúng tôi đã có kế hoạch đầu tư mạnh về con người và dịch vụ. Chúng tôi đã đầu tư hơn 1 triệu USD cho hệ thống SAP, nâng cao chất lượng dịch vụ qua việc tăng cường đào tạo theo theo tinh thần cốt lõi Omotenashi – phục vụ từ tâm.
Với những bước đi bài bản và quyết liệt, chúng tôi mong muốn mang đến trải nghiệm mua sắm đầy mới mẻ, hiện đại và uy tín cho người dân, qua đó góp phần kích cầu tiêu dùng, mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước”, đại diện Nova Commerce – một thành viên của Nova Service chia sẻ.
Với những bước đi bài bản, khôn ngoan của các doanh nghiệp, thị trường bán lẻ hứa hẹn sôi động, thú vị hơn, và sau cùng, người tiêu dùng sẽ có thêm những lựa chọn mua sắm hiện đại, tiện lợi và tốt hơn cho sức khỏe.
Theo Vietnamnet