Central Group, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, có kế hoạch đầu tư 30 tỷ Baht (gần 828 triệu USD) vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư này sẽ được giải ngân trong vòng 5 năm nhằm hướng đến mục tiêu doanh thu 65.000 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng từ các nền tảng đa kênh đạt mức 15%.
Ngày 11-7, ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho biết năm 2012 tập đoàn chính thức đầu tư vào Việt Nam khi nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển kinh doanh mạnh mẽ tại thị trường này.
“Chúng tôi nhìn nhận Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược trọng điểm. Với sự tăng trưởng nhảy vọt qua từng năm, chúng tôi đạt doanh thu hơn 25.000 tỷ đồng trong vòng 10 năm qua”- ông Olivier Langlet nói.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu và phân tích chiến lược Euromonitor, tập đoàn Central Retail đã trở thành nhà bán lẻ chiếm thị phần hàng tiêu dùng cao nhất trong mảng đại siêu thị và là một trong những công ty hàng đầu trong thị phần trung tâm thương mại.
Theo đại diện tập đoàn này, kế thừa thành công của mô hình bán lẻ đa kênh đã áp dụng thành công tại thị trường Thái Lan, Central Retail xây dựng hiệu quả nền tảng bán hàng đa kênh cho mảng kinh doanh thực phẩm, mang lại doanh số chiếm hơn 8% tổng doanh số tại Việt Nam.
Tập đoàn đã xây dựng nền tảng vững chắc trong lĩnh vực thực phẩm giúp Central Retail hiện nắm giữ 62% thị phần ở phân khúc đại siêu thị tại Việt Nam.
Ngoài ra, kế hoạch mở rộng trong mảng kinh doanh phi thực phẩm và trung tâm thương mại, bất động sản được xem là trọng tâm chính giúp Central Retail được công nhận là doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.
Giai đoạn 2022-2026 Central Retail Việt Nam có kế hoạch đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng hướng đến bốn mục tiêu là trở thành nền tảng đa kênh số một trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Cạnh đó, doanh nghiệp này cũng có mục tiêu thúc đẩy kết quả kinh doanh đạt tương đương 65.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi tỷ lệ doanh thu từ các nền tảng bán hàng đa kênh đạt mức 15%; phát triển mở rộng trên 55 tỉnh thành Việt Nam trên tổng số 63 tỉnh thành.
Theo ông Langlet, Central sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số tại Việt Nam bằng ba chiến lược: mở rộng và củng cố các hoạt động kinh doanh cốt lõi trên toàn quốc, bao gồm mở rộng các cửa hàng thực phẩm và trung tâm thương mại GO!; tung ra các sản phẩm mang thương hiệu riêng phục vụ nhóm khách hàng quan tâm tới giá trị; phát triển các dự án hỗn hợp để tăng cường kinh doanh bất động sản.
Thêm vào đó, Central cũng hướng tới xây dựng các nền tảng bán lẻ đa kênh mạnh mẽ để mang lại các trải nghiệm mua sắm liền mạch ở một cấp độ mới cho khách hàng.
Ông Langlet khẳng định, Central muốn nắm bắt các cơ hội mua lại và sáp nhập để đẩy nhanh việc mở rộng kinh doanh, coi Việt Nam là một điểm chiến lược về nguồn nguyên liệu thô và sản phẩm cho Central Retail ở Thái Lan.
Giám đốc điều hành Central Retail Vietnam nhận định rằng, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đã giúp Central liên tục mở rộng kinh doanh và lưu ý rằng Việt Nam dự kiến sẽ hồi phục mạnh trở lại vào năm 2022, trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%.
Ông Olivier Langlet đánh giá, xu hướng đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng và nó có tác động tới ngành bán lẻ, đặc biệt là các khu vực tỉnh lẻ, nơi Central có thể mang tới hệ sinh thái với các mô hình trung tâm thương mại và đại siêu thị.
Doanh nhân này cũng cho rằng, tại Việt Nam, các hoạt động thương mại truyền thống với các chợ bán đồ tươi và cửa hàng đường phố vẫn là một kênh phân phối chính, sự hiện diện của các mô hình thương mại hiện đại mới chỉ chiếm 11%. Bởi vậy, đây là một động lực chính để Central mở rộng hoạt động của mình.
Ngoài ra, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng được cho là có tốc độ gia tăng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Theo dự báo của World Data Lab, các hộ gia đình trung lưu ở Việt Nam chi tiêu khoảng từ 11-110 USD mỗi ngày. Người tiêu dùng trong độ tuổi từ 45-65 ở Việt Nam cũng sẽ đóng góp gần 25% chi tiêu tiêu dùng ở Việt Nam so với mức 20% hiện nay.
Tập đoàn Central Group bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2012 thông qua công ty con về bán lẻ CRC. Việt Nam hiện là một trong những thị trường chiến lược quan trọng của CRC, chiếm 22% tổng doanh số của CRC.
Central Retail Việt Nam đã trở thành công ty dẫn đầu về siêu thị bán lẻ và trung tâm thương mại ở Việt Nam, với hệ thống trung tâm thương mại và cửa hàng tại 40 tỉnh, thành và lượng khách hàng trên 12 triệu người.
Tổng hợp