Thông báo mới nhất trên Twitter của mình, tỷ phú Elon Musk vừa cho biết, ông sẽ từ chức vị trí CEO Twitter sau gần 2 tháng đảm nhiệm.
Sáng ngày 21/12, tỷ phú giàu thứ hai thế giới Elon Musk đã tuyên bố sẽ từ chức Giám đốc điều hành mạng xã hội Twitter.
Tỷ phú Elon Musk cho biết, ông sẽ từ chức Giám đốc điều hành Twitter sau khi tìm được người thay thế. Ông sẽ chỉ điều hành nhóm phần mềm và máy chủ của mạng xã hội này.
Đây là lần đầu tiên Elon Musk nhắc đến việc từ chức CEO mạng xã hội. Trước đó, Musk từng nói vị trí CEO tại Twitter chỉ là tạm thời. Hồi tháng 11, ông cho biết sẽ giảm dần thời gian ở mạng xã hội và tìm ai đó điều hành “Chim xanh”. Dù vậy, trong tweet đăng ngày 18/12, ông chủ Twitter chia sẻ “vẫn chưa có người kế nhiệm”.
CEO của Tesla lần đầu viết trên Twitter, sau khi hơn 10 triệu người bỏ phiếu cho rằng ông Musk nên từ chức lãnh đạo mạng xã hội này.
“Tôi sẽ từ chức CEO ngay khi tìm thấy ai đó đủ dại khờ để đảm nhận công việc này. Sau đó, tôi sẽ chỉ điều hành nhóm phần mềm và máy chủ”, Elon Musk vừa cho biết trong một đoạn tweet.
Tuyên bố được Musk đưa ra sau khi vị tỷ phú này thực hiện cuộc thăm dò ý kiến trên mạng xã hội về việc ông có nên từ chức CEO Twitter. Kết quả, có tới 57,5% trong số 17,5 triệu tài khoản tham gia chọn đồng ý. Musk sau đó cho biết sẽ ‘tuân thủ kết quả của cuộc thăm dò’. Tuy nhiên, vị tỷ phú cũng ám chỉ cuộc khảo sát bị bot thao túng.
“Vấn đề không chỉ là tìm CEO, mà là tìm CEO có thể giúp Twitter tồn tại”, Musk tweet hôm 18/12.
Trong nhiệm kỳ 7 tuần với tư cách là ‘Chief Twit’, Musk đã cho thấy lý do vì sao mà những kỹ năng mà ông tận dụng để thành công tại Tesla và SpaceX đã không thể giúp điều hành có hiệu quả một nền tảng mạng xã hội tồn tại dựa vào tiền quảng cáo, Barron’s bình luận.
Dẫn lời trên Barron’s, giám đốc tiếp thị kỳ cựu Lou Paskalis cho hay, Twitter, người dùng và các nhà quảng cáo sẽ có lợi nhất nếu có một ‘CEO chuyên nghiệp, có năng lực, được trao quyền để bỏ qua những ý tưởng bất chợt của Musk và xây dựng lại nền tảng mạng xã hội này’.
“Họ phải được hưởng ưu đãi ‘khủng’ và Musk phải đảm bảo chắc chắn rằng sẽ cho họ toàn quyền làm bất cứ điều gì họ cảm thấy là vì lợi ích tốt nhất của công ty”, Paskalis nói.
Ai sẽ làm CEO Twitter thay Musk?
Theo Lou Paskalis, một số ứng viên có thể phù hợp làm CEO Twitter, kể như: Dick Costolo hoặc Adam Bain (cựu sếp Twitter); Carolyn Everson (Giám đốc Coca-Cola); John Battelle (doanh nhân trong lĩnh vực truyền thông); Lisa Utzschneider (CEO Integral Ad Science).
Trong khi đó, Dan Ives – chuyên gia phân tích của Wedbush – đề xuất Sheryl Sandberg (cựu COO Meta) và Marissa Mayer (cựu CEO Yahoo!).
Theo CNN, các ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí CEO Twitter được cho là các cộng sự của Musk – những người đã giúp đỡ vị tỷ phú điều hành Twitter. Danh sách này bao gồm: Jason Calacanis; David Sacks; và Sriram Krishnan.
Jason Calacanis nổi lên trong vai trò của một phóng viên hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thời kỳ ‘bong bóng’ dotcom. Ông cũng là một nhà đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ các công ty nổi tiếng như Uber và Robinhood. Ngay sau khi Musk gửi lời đề nghị mua Twitter vào tháng 4/2022, Calacanis đã nói với tỷ phú này rằng “CEO Twitter là công việc mơ ước của tôi”.
David Sacks là người đồng hành cũng Musk trong nhóm sáng lập PayPal và có một số kinh nghiệm trong quản lý mạng xã hội. Sacks là nhà sáng lập và điều hành nền tảng truyền thông doanh nghiệp Yammer trước khi bán lại cho Microsoft với giá 1,2 tỉ USD vào năm 2012.
Sriram Krishnan được cho là ứng viên tiềm năng nhất khi từng có kinh nghiệm trực tiếp phát triển các sản phẩm cho Twitter. Krishnan cũng từng phát triển các sản phẩm quảng cáo di động cho Snap và Facebook.
Gần nhất, Krishnan đã đầu tư vào startup tiền mã hóa Andreessen Horowitz. Điều này có thể mang lại cho Krishnan những kinh nghiệm hữu ích để hoàn thành tham vọng của Musk là xây dựng khả năng thanh toán cho Twitter.
Dù ai đảm nhiệm ‘ghế nóng’ ở Twitter, một điều gần như chắc chắn sẽ không thay đổi: Elon Musk vẫn phải chịu trách nhiệm rất lớn đối với kết quả hoạt động của mạng xã hội này./.
Mớ hỗn độn của Elon Musk tại Twitter
Theo Bloomberg, bên cạnh các cuộc điều tra của cơ quan chức năng, tỷ phú điều hành Twitter cũng tốn nhiều thời gian vào những vấn đề khác. Ông đang tích cực tìm kiếm ứng viên thay thế mình ở vị trí CEO Twitter – cương vị được Musk nhận định “không ai muốn ngồi vào”.
Trước đó, hơn 10 triệu tài khoản bỏ phiếu ủng hộ ông từ chức trong cuộc khảo sát ngày 19/12. “Tôi có nên từ chức người đứng đầu Twitter không?”, Musk viết. Khi cuộc bình chọn kết thúc, hơn 17,5 triệu tài khoản tham gia, với 57,5% lựa chọn “Có”, và 42,5% còn lại chọn “Không”.
Musk khẳng định sẽ tuân theo kết quả bỏ phiếu. Nguồn tin của CNBC cho biết vị tỷ phú thực chất đã tìm kiếm CEO mới cho Twitter trước khi đăng bài khảo sát.
Việc Musk theo đuổi thương vụ và cuối cùng mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD tạo áp lực lớn lên cổ phiếu Tesla, làm hao hụt khối tài sản của ông, đánh bật tỷ phú này khỏi vị trí người giàu nhất thế giới. Điều này khiến cho một nhà đầu tư của Tesla nóng mặt, công khai chỉ trích Elon Musk. Cuối cùng, 2 bên đã công khai đấu khẩu trên mạng xã hội.
Chưa rõ kết quả tìm kiếm CEO mới sẽ đi đến đâu. Trước mắt, Musk phải đối mặt với áp lực pháp lý ngày càng tăng từ phía FTC. Cơ quan này đang mở rộng điều tra về các hoạt động bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của Twitter kể từ sau khi Musk tiếp quản.
Tháng trước, luật sư của FTC chất vấn 2 cựu lãnh đạo cấp cao về việc tuân thủ quy định sau giai đoạn Twitter trở thành công ty tư nhân của tỷ phú giàu thứ 2 thế giới. Thương vụ diễn ra cuối tháng 10 kéo theo đợt từ chức hàng loạt của nhân sự quản lý mảng pháp lý, quyền riêng tư, tạo tiền đề cho một cuộc điều tra sâu rộng hơn.
FTC cũng mở một cuộc điều tra mới đối với Twitter sau khi cựu Giám đốc an ninh mạng, Peiter Zatko, nộp đơn tố giác. Zatko làm chứng tại quốc hội Mỹ vào tháng 9, cáo buộc nền tảng này là một “quả bom hẹn giờ chứa đầy lỗ hổng bảo mật”.
Khoảng 5.000 trong số 7.500 nhân viên của Twitter đã rời công ty kể từ khi Musk nắm quyền kiểm soát, bao gồm cả cố vấn cấp cao và Giám đốc quyền riêng tư.
Trong khi đó, cảnh sát ở thành phố South Pasadena tìm cách thẩm vấn đội an ninh của tỷ phú về một sự cố mà Musk cho rằng “đe dọa đối với sự an toàn” của gia đình ông. Nó cũng là nguyên cớ được CEO Twitter đưa ra để trừng phạt người dùng.
Tuần trước, Musk đã tweet về một sự cố xảy ra cùng thời điểm. Ông nói rằng một “kẻ theo dõi điên rồ” đã chặn một chiếc ôtô và trèo lên mui xe. Musk nghi ngờ vụ việc có liên hệ với một tài khoản Twitter chuyên theo dõi vị trí chiếc máy bay riêng của ông.
Sau sự cố, Elon Musk tuyên bố sẽ khóa tất cả tài khoản tiết lộ vị trí riêng tư và kiện chủ nhân tài khoản @ElonJet, người chuyên theo dõi máy bay riêng của ông.
Nguồn tham khảo: Barron’s, CNN, Bloomberg