Từng lên Shark Tank Việt Nam để tìm startup tiềm năng rót vốn, nhưng giờ đây chính Shark Thủy lại đang đi tìm các nhà đầu tư để cứu mình.
Số phận những startup qua tay ông Nguyễn Ngọc Thủy
Trước khi dính vào hàng loạt lùm xùm tài chính, ông Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Egroup kiêm Apax Holdings (công ty mẹ của chuỗi trung tâm anh ngữ Apax Leader) – từng nổi tiếng với vai trò nhà đầu tư khách mời trong Shark Tank Việt Nam.
Ngay mùa đầu tiên, Shark Thủy trở thành cá mập chi tiền nhiều thứ 4 trong số 7 nhà đầu tư khách mời với số vốn cam kết lên tới 19,2 tỷ đồng. Tổng cộng trong 3 mùa tham gia (2017-2019), Shark Thủy đồng ý rót tiền vào 9 startup với số vốn lên tới hàng chục tỷ đồng.
Dù để lại không ít dấu ấn trên thị trường, hầu hết dự án nhận vốn từ Shark Thủy đều sớm nở chóng tàn. Bên cạnh vấn đề về chiến lược kinh doanh, một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án thất bại là Covid-19.
Rót 100 tỷ đồng vào Soya Garden
Soya Garden được coi là “con cưng” của Shark Thủy khi nhận được số vốn lên tới 15 tỷ đồng, bao gồm quyền kiểm soát tài chính của doanh nghiệp lẫn sở hữu 45% cổ phần với 4 tỷ đồng và 11 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu.
Ngoài ra, chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ được cam kết tiếp cận tệp khách hàng hiện có của hệ thống giáo dục Apax English và các trung tâm làm đẹp.
Trước đó, 2 đồng sáng lập là Hoàng Anh Tuấn và Hoàng Thu Thủy đề nghị 15 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần với tham vọng đẩy mạnh Nam tiến nhờ 5 cửa hàng đầu tiên tại thị trường 13 triệu dân của TP.HCM.
Trên thực tế, Shark Thủy đầu tư 20 tỷ đồng vào dự án. Đến đầu năm 2019, tập đoàn Egroup tiếp tục rót 45 tỷ đồng và có thêm một đợt nâng tổng mức đầu tư lên 100 tỷ đồng.
Công ty CP Soya Garden được thành lập vào tháng 10/2015, tiền thân là công ty TNHH Omotenashi, đăng ký địa chỉ tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hiện người đại diện công ty là bà Nguyễn Thị Dung.
Trước khi gọi vốn trên sóng truyền hình, 2 cửa hàng trong năm đầu tiên vận hành của Soya Garden thu về 3,6 tỷ đồng. Doanh số hàng tháng của 10 cửa hàng vào năm 2017 dao động 250-300 triệu đồng, tức trung bình 8-10 triệu đồng/ngày. Song lợi nhuận doanh nghiệp gần như bằng 0.
Được Shark Thủy hậu thuẫn, chuỗi này liên tục mở mới, vận hành khoảng 50 cửa hàng vào cuối năm 2019 cũng như tham vọng mở rộng lên 300 cửa hàng trong năm 2020 và đánh sang thị trường quốc tế.
Hai năm 2017 và 2018, Soya Garden thu về vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng và 20 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tương ứng 375 triệu đồng và 13 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các loại chi phí, doanh nghiệp đều ghi nhận mức lỗ thuần.
Tới năm 2019, chuỗi này bùng nổ doanh số và thu về 96 tỷ đồng, tăng 486%, tương đương gần 77 tỷ đồng so với năm 2018. Doanh thu gần 100 tỷ giúp lợi nhuận gộp của công ty tăng trưởng gấp 5 lần, đạt 13 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Soya Garden vẫn lỗ sau thuế tới 62 tỷ đồng. Bình quân trong năm 2019, chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ lỗ 170 triệu đồng/ngày.
Giai đoạn cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, Soya Garden đóng cửa hàng loạt chi nhánh. Theo CEO Hoàng Anh Tuấn, chuỗi là một nạn nhân của đại dịch Covid-19. Shark Thủy cũng từng lý giải Soya Garden vẫn trong quá trình tối ưu hóa mô hình.
Soya Garden đến nay vẫn hoạt động. Song theo thông tin trên website, chuỗi đồ uống chỉ còn 4 chi nhánh đều ở Hà Nội, trong đó có một chi nhánh nhượng quyền. Điều này đồng nghĩa quy mô của Soya Garden đã bị thu hẹp hơn 12 lần.
Chỉ 4/9 dự án còn hoạt động
Ngoài Soya Garden, một startup đình đám khác được Shark Thủy đầu tư là We Escape. Đây là mô hình trò chơi giải đố, vượt chướng ngại vật trong không gian kín.
Shark Thủy đi ngược quan điểm của các nhà đầu tư khác và quyết định rót 5 tỷ đồng nhằm sở hữu 36% cổ phần. Tương tự Soya Garden, vốn đầu tư thực tế cho We Escape cao gấp nhiều lần và lên tới hơn 30 tỷ đồng.
Đến năm 2021, We Escape sở hữu 8 cơ sở và trở thành hệ thống Escape Game lớn nhất cả nước. Dẫu vậy, cuối năm này, dự án chính thức tuyên bố đóng cửa do dịch bệnh hoành hành.
Theo CEO Nhân Vương, sau 2 năm gồng gánh, We Escape đã làm hết những gì có thể. Dẫu vậy, chi phí mặt bằng quá lớn kèm tình trạng các cơ sở giải trí chưa được mở khiến dự án hệ thống lao đao. Bản thân ban lãnh đạo tại công ty cũng chịu cắt lương trong vòng 2 năm dịch.
Một startup khác cũng từ giã cuộc chơi vì dịch bệnh là nhà hàng chay Pema. Trước đó, Shark Thủy từng bỏ ra 3 tỷ đồng để đổi lấy 80% cổ phần nhà hàng này.
Thông báo trên fanpage hồi tháng 6/2021, chủ nhà hàng chay Pema Lâm Thị Hoài cho biết phải lại đóng cửa nhà hàng trên đường Lý Tự Trọng, TP Yên Bái.
Hay việc đầu tư gần 6 tỷ đồng để đổi lấy 15% cổ phần của nền tảng Umbala do ông Nguyễn Minh Thảo sáng lập cũng không thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Startup này được kỳ vọng tiên phong cho trào lưu quay và chia sẻ video của giới trẻ trước TikTok. Tuy nhiên dự án nhanh chóng im hơi lặng tiếng sau sự xuất hiện của các đối thủ nước ngoài và chuyển hướng kinh doanh sang Blockchain và tiền mã hóa.
Ngoài các dự án kể trên, một số startup khác được Shark Thủy hậu thuẫn như Xe lăn đa đăng VH (cùng góp vốn với 2 nhà đầu tư khác để đổi 1 tỷ đồng cho 36% cổ phần), Magic Book (đầu tư 550.000 USD cho 30% cổ phần) cũng sớm biến mất.
Trong khi đó các dự án như Volunteer For Education (cùng góp vốn với 2 nhà đầu tư khác để đổi 2,7 tỷ đồng cho 36% cổ phần), Chè bưởi Bống nấu (góp vốn cùng một nhà đầu tư khác để đổi 300 triệu đồng cho 30% cổ phần), Talks Café 100% English (5 tỷ đồng cho 45% cổ phần) vẫn hoạt động.
Shark Thủy gọi vốn cho mình
Thời gian gần đây, Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax – công ty con của Apax Holdings vướng nhiều lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên…
Nhiều phụ huynh đã đề nghị Apax English hoàn trả hàng tỷ đồng tiền học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy thừa nhận những vấn đề trên đang là những tồn tại của Apax English và lãnh đạo của Apax English cũng đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.
Shark Thủy nói gì?
Liên quan tới việc bị tố nợ lương, hàng loạt phụ huynh đòi tiền học ngoại ngữ, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Apax Holdings.
Cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng trong hệ thống trung tâm anh ngữ Apax Leaders, diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Ông giải thích như thế nào về lùm xùm hàng loạt phụ huynh đòi tiền, nhân viên tố nợ lương?
Đại dịch COVID-19 ập đến với rất nhiều khó khăn bủa vây, các trung tâm phải đóng cửa trong thời gian dài để phòng dịch, nguồn thu hạn chế . Khi đó, với tinh thần trách nhiệm luôn sẵn sàng để đón học sinh quay trở lại bất cứ thời điểm nào, Apax đã dành mọi nguồn lực và khả năng để giữ vững hệ thống, giữ vững lớp học và giữ đúng cam kết với phụ huynh, học viên.
Tuy nhiên, đại dịch kéo dài, diễn biến phức tạp hơn dự kiến nên Apax phải chịu những gánh nặng rất lớn về chi phí mặt bằng, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên… Sau khi mở cửa trở lại, khó khăn cũ chưa hết khó khăn mới đã phát sinh khiến một số trung tâm bị gián đoạn về hoạt động. Đây là nguyên nhân gây ra sự bức xúc cho phụ huynh ở một số địa phương.
Chúng tôi hiểu rằng, điều này đã làm ảnh hưởng lòng tin của phụ huynh đối với thương hiệu mà tập thể Apax Leaders đã tâm huyết gây dựng suốt 7 năm qua.
Là người “cầm tiền” của phụ huynh nhưng ông không đảm bảo được quyền lợi, trách nhiệm đào tạo cho con em họ. Trong bối cảnh niềm tin đã bị lung lay, hệ thống Apax và cá nhân ông làm gì để giải quyết những vấn đề bức xúc?
Chúng tôi thực sự khó khăn. Với áp lực của các phụ huynh như đã xảy ra ở một số địa phương, khó khăn và áp lực càng tăng thêm.
Trong thời gian qua, tôi đã trực tiếp gặp gỡ phụ huynh, học sinh ở một số trung tâm để các phụ huynh thông cảm, cho thêm thời gian để tái cấu trúc toàn hệ thống, đảm bảo được chất lượng giảng dạy chất lượng như chúng tôi từng có.
Tôi cũng đã đối thoại với các nhà đầu tư, cổ đông, đối tác để hoãn, giãn thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận để Apax tập trung nguồn lực cho việc tái cấu trúc. Ngoài các trung tâm hoạt động ổn định, đến nay, một số trung tâm gây nhiều bức xúc như Lào Cai, Đà Nẵng… đã hoạt động trở lại. Một số trung tâm đã tái khai trương sau tái cấu trúc thành công trong 2 tuần vừa rồi.
Hệ thống đình trệ hoạt động đã tác động rất lớn đến người học. Không thể nói suông về vấn đề tài chính, càng không thể củng cố được niềm tin của phụ huynh và học sinh bằng những hứa hẹn sáo rỗng. Hỏi thẳng, trách nhiệm của ông là gì?
Trong những ngày qua, tôi hết sức trăn trở vì việc một số trung tâm bị gián đoạn về hoạt động đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập của học viên và gây ra sự bức xúc cho một số phụ huynh đã ảnh hưởng tới lòng tin và thương hiệu của Apax Leaders.
Trước thực tại đó, chúng tôi đã có kế hoạch tái cấu trúc và đang quyết tâm thực hiện cao nhất các cam kết nhằm nâng cao hiệu quả quá trình tái cấu trúc để tối ưu hóa chi phí, đảm bảo cam kết về chất lượng và quyền lợi đối với phụ huynh, học viên cũng như các đối tác và cán bộ, nhân viên.
Kế hoạch tái cấu trúc trong thời gian tới của chúng tôi cụ thể như: Apax sẽ tiếp tục duy trì hoạt động bình thường tại nhóm các trung tâm đủ điều kiện vận hành, đồng thời tiếp tục đầu tư nguồn lực tài chính, nhân sự để hoàn thiện dần các mặt còn thiếu và yếu như sách, phần mềm, giáo viên và các vấn đề về vận hành khác nhằm đưa chất lượng đào tạo tiến dần với mức tiêu chuẩn đã cam kết sau đợt tái cấu trúc.
Với nhóm các trung tâm chưa đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn về vận hành, Apax sẽ bắt buộc phải tiến hành tái cấu trúc toàn diện trung tâm nhằm đảm bảo các trung tâm này đáp ứng tất cả tiêu chuẩn hoạt động trước khi tái khai trương và quay trở lại hoạt động. Trong thời gian tái cấu trúc, các trung tâm nhóm này sẽ triển khai kế hoạch hoạt động.
Trường hợp phụ huynh không thể sắp xếp cho học viên học tập theo phương án chuyển sang các trung tâm lân cận hoặc học online, Apax sẽ bảo lưu các buổi học cho học viên trên hệ thống.
Trong trường hợp phụ huynh chưa đồng ý với các phương án của trung tâm trong thời gian tái cấu trúc và có các yêu cầu khác, Ban Lãnh đạo Apax cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng của học viên và phụ huynh.
Đối với cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Apax, chúng tôi sẽ đảm bảo các chế độ đãi ngộ phù hợp. Đối với các cán bộ, nhân viên đã nghỉ việc, chúng tôi sẽ có các kế hoạch xử lý hồ sơ và chế độ sau khi Apax kết thúc quá trình tái cấu trúc hệ thống.
Ông Thủy cho biết, ông đang làm việc với các Quỹ đầu tư nhưng việc này không thể nhanh được. Một số nhà đầu tư thỏa thuận mở trung tâm, phía ông Thủy tham gia vận hành.
“Dịch Covid-19 xảy ra là cú nặng nhất trong cuộc đời khởi nghiệp kinh doanh của chúng tôi. Đáng nhẽ, chúng tôi phải phản ứng tốt hơn”, ông Thủy nói.
Tham khảo Zingnews, Tiền phong