Hoàng Anh Gia Lai dự kiến trồng thêm 2.000 ha bắp vào tháng 4 tới cũng như tổ chức trồng 60 loại rau củ quả ôn đới để bán vào chuỗi cửa hàng Bapi.
Trong buổi gặp mặt với nhà đầu tư mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức đã có nhiều chia sẻ tổng quan về kế hoạch kinh doanh năm 2023 cũng như kế hoạch trả nợ của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Cụ thể, với mảng cây ăn trái, bầu Đức cho biết giá chuối đang tăng khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Giá chuối hiện tại là 11 USD/thùng và sắp tới có thể tăng lên 13 USD/thùng, tức cao hơn 30-40% so với cùng kỳ.
Vị doanh nhân nói thêm đang triển khai trồng chuối theo mô hình gối đầu, tức là trồng năm 2021 sẽ thu hoạch vào năm 2022 và trồng năm 2022 sẽ thu hoạch vào năm 2023. Do đó, doanh nghiệp không chỉ hưởng lợi từ giá chuối tăng mà sản lượng cũng tăng.
Giá sầu riêng cũng đang tăng nóng trên 200.000 đồng/kg, dù vậy, do diện tích thu hoạch năm 2023 chưa nhiều, doanh nghiệp sẽ chưa ghi nhận doanh thu cho mảng này.
Người đứng đầu HAGL còn tiết lộ sẽ trồng thêm 2.000 ha bắp trong năm nay tại Lào. Công ty dự kiến trồng 2 vụ mỗi năm, xuống giống vào tháng 4 và đến tháng 7 sẽ thu hoạch, tiếp tục xuống giống tháng 7 và thu hoạch vào tháng 11.
Tập đoàn cũng đang tổ chức trồng các loại rau củ quả tại Đà Lạt. Nhờ lợi thế sở hữu các vùng đất ôn đới nên HAGL dự kiến trồng đến 60 loại rau củ quả cung ứng cho chuỗi bán lẻ Bapi, cũng như trồng thêm các sản phẩm đặc trưng như súp lơ, bắp cải…
Theo tính toán bầu Đức, chi phí đầu tư các sản phẩm này khá thấp nhưng lợi nhuận kỳ vọng tăng cao. Việc trồng thêm rau củ được xem là bước đệm để trở thành công ty sản xuất hàng tiêu dùng.
Với mảng chăn nuôi, công ty của bầu Đức lại đang đối diện với nhiều khó khăn. Tình hình chăn nuôi thuận lợi trong nửa đầu năm vừa qua nhưng thay đổi phức tạp vào cuối năm, dẫn đến kết quả không như kỳ vọng.
“HAGL cũng may mắn hơn các doanh nghiệp khác là tận dụng chuối thải để nuôi heo, nên không những không lỗ mà vẫn có lãi. Nếu không có chuối, heo của HAGL chắc chắn lỗ”, ông Đức thông tin.
Ngành heo hiện vẫn ở trong tình trạng giá thấp dẫn đến nhiều nông dân bỏ chuồng, trong khi 70% cung heo trên thị trường đến từ các hộ nông dân. Bầu Đức dự báo chu kỳ tăng giá sau do thiếu cung sẽ trở lại vào tháng 4-5.
Vị này cũng thận trọng khi cho rằng thị trường rất khó đoán, do đó HAGL sẽ xây dựng kế hoạch duy trì mảng heo “không lãi không lỗ” hay nói cách khác là không có lợi nhuận cho mảng nuôi heo.
Đối với kế hoạch trả nợ, HAGL dự kiến giảm 1.000 tỷ đồng số dư nợ tại ngân hàng trong năm nay.
Nguồn tiền đến từ thu hồi nợ 500 tỷ đồng từ HAGL Agrico (công ty của tỷ phú Trần Bá Dương) và 500 tỷ đồng còn lại từ hoạt động kinh doanh, bán tài sản không hiệu quả…
Theo báo cáo tài chính mới nhất, tổng nợ vay của HAGL ở mức gần 8.300 tỷ đồng tại cuối năm 2022. Do vậy, nếu trả được 1.000 tỷ trong năm nay, dư nợ dự kiến của công ty sẽ giảm xuống dưới mức 7.300 tỷ đồng.
Hiện HAGL Agrico còn nợ công ty của bầu Đức khoảng 1.500 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, HAGL Agrico sẽ trả tiếp 400 tỷ trong quý II, trả thêm 100 tỷ trong quý III năm nay và số còn lại sẽ được trả trong năm sau.
HAGL sắp mất quyền công ty mẹ tại Bapi HAGL
Tập đoàn của bầu Đức chỉ góp thêm một phần trong kế hoạch tăng vốn của Bapi HAGL, qua đó mất quyền hợp nhất báo cáo tài chính về sau.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa thông qua việc đăng ký mua 650.000 cổ phần trong tổng số 5 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành thêm của Công ty cổ phần Bapi Hoàng Anh Gia Lai, tổng giá trị theo mệnh giá là 6,5 tỷ đồng.
Sau khi Bapi HAGL hoàn tất việc phát hành và tăng vốn, tập đoàn HAGL sẽ còn sở hữu 3,4 triệu cổ phần, tương đương 34% vốn và sẽ không còn là công ty mẹ để hợp nhất kết quả kinh doanh của Bapi HAGL.
Công ty Bapi HAGL được thành lập vào tháng 5/2022 sau khi tập đoàn của bầu Đức ra mắt thương hiệu heo ăn chuối.
Thời điểm này, HAGL đóng góp 27,5 tỷ đồng, tương đương 55% vốn điều lệ. Các đối tác còn lại là Thương mại Dược phẩm Đông Á chiếm 40% cổ phần và bà Hoàng Thị Kim Nhung góp 5% vốn.
Hoạt động của Bapi HAGL trong hệ sinh thái là bán buôn thực phẩm, bao gồm các thương hiệu thịt của HAGL. Tổng giám đốc Đinh Văn Lộc chịu trách nhiệm về bài toán vận hành, kinh doanh của chuỗi hiện nay.
Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức từng chia sẻ mục tiêu bán một triệu con so với tổng quy mô tiêu thụ 35 triệu con heo trong nước mỗi năm.
Lãnh đạo HAGL tự tin công ty Bapi có thể đạt doanh số đến 10.000 tỷ đồng và xây dựng lộ trình phát triển 5.000 cửa hàng bán lẻ.
Sau một năm thực hiện chiến lược mới, kết quả kinh doanh của HAGL đã có những cải thiện mạnh. Doanh thu thuần của tập đoàn năm ngoái cao gấp 2,2 lần cùng kỳ đạt 4.574 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế 1.181 tỷ đồng, gấp 9,2 lần năm 2021 và trở lại thời hoàng kim gần một thập kỷ trước.
Theo cơ cấu, ngành cây ăn trái mang về doanh thu lớn nhất với 2.277 tỷ đồng, tương ứng sản lượng 281.275 tấn (trong đó dành 57% sản lượng chuối cho xuất khẩu và còn lại tiêu thụ nội bộ cho nuôi heo gà).
Ngành chăn nuôi đem về doanh số 1.620 tỷ đồng, tương ứng số lượng heo thịt tiêu thụ là 292.847 con. Ngành phụ trợ tạo ra 677 tỷ đồng doanh thu còn lại.
Tập đoàn của bầu Đức cũng đang lên lại kế hoạch huy động vốn khi được UBCKNN chấp thuận phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tổng giá trị gần 1.700 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu.
Trong đó, HAGL dự kiến nâng vốn lưu động bổ sung cho Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai lên gần 800 tỷ đồng cho các hoạt động kinh doanh và ngược lại hạ số vốn góp vào Gia súc Lơ Pang xuống 400 tỷ đồng để đầu tư các dự án trồng cây ăn trái tại Gia Lai.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- “Long mạch” giúp Bầu Đức tự tin đối đầu nhiều đối thủ lớn trong cơn sốt sầu riêng: Sở hữu vườn sầu riêng lớn nhất thế giới!
- HAGL của Bầu Đức lãi hàng trăm tỷ đồng từ trồng chuối nhưng bán gần 83.000 con heo gần như không có lãi trong 2 tháng đầu năm
- Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức đạt đạt gần 100 tỷ lợi nhuận trong tháng 1/2023: Sẽ trồng thêm rau củ để bù đắp sự sụt giảm giá heo