Những năm trước, môi giới bất động sản là một ngành nghề “ngon ăn” với những khoản hoa hồng khổng lồ. Từ thu nhập 1 tháng ăn cả năm, giờ đây môi giới hết thời người chạy grab, người lại làm shipper.
Sau Tết vẫn “đói” khách
Những năm trước đây, vào dịp trước hoặc sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản thường sôi động, giá liên tục tăng, nhân viên môi giới bận rộn. Nhưng năm nay, khác biệt thể hiện rõ ở sự trầm lắng chung của toàn thị trường, giao dịch giảm sút mạnh khiến các văn phòng môi giới và đội ngũ môi giới lâm vào cảnh hết sức khó khăn.
Hai năm trước, chị Bùi Thị Kim Huệ (29 tuổi) quyết định dừng công việc kế toán, từ Bắc vào Nam bán đất nền cho một số dự án ở Đông Nam Bộ như: The Fusion (Vũng Tàu), Mega Royal City (Bình Phước)… với hy vọng có thêm thu nhập để lo cho gia đình.
Chị Huệ liên tục đăng bài rao bán quảng cáo, dẫn khách không biết mệt mỏi, nhiệt tình tư vấn, chăm sóc khách hàng. Nhưng một năm qua, mọi thứ không còn như kỳ vọng, giao dịch quá ít, thị trường ảm đạm trong khi người bán quá đông, chị Huệ không thể tiếp tục công việc.

“Thực sự thị trường bất động sản cạnh tranh rất khốc liệt, khác hẳn màu hồng mình đã nghĩ ra khi mới bước chân vào nghề. Số tiền kiếm được không đủ chi phí trang trải cuộc sống trong nhiều tháng nên mình phải chuyển sang một công việc khác có lương cứng. Mình theo dõi facebook, zalo của nhiều đồng nghiệp cũ thấy họ chuyển nghề rất nhiều phải tìm một công việc khác ổn định hơn”, chị Huệ chia sẻ.
Hành nghề môi giới nhà đất được 6 năm, chị Nguyễn Hương Thảo (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chuyên bán các nhà thổ cư, chung cư tại một số quận trên địa bàn TP.HCM.
Đến năm 2022, giá nhà đất tăng, ngân hàng hạn chế room tín dụng, nhà nước siết chặt phân lô tách thửa, lãi suất ngân hàng tăng cao… khiến lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh, khách của chị ít đi rất nhiều.
“Khách hàng giảm, do nhu cầu vay ngân hàng không được nên người ta không mua nhà. Một số người dư tiền lắm mới mua cho thuê để giữ tiền an toàn. Mà cho thuê thì phải nhà nhiều phòng, giá rẻ chứ bây giờ có nhà nào rẻ đâu. Còn số người làm ăn thì người ta tính toán gửi ngân hàng, còn cho thuê nếu chỉ được 10 triệu/tháng thì còn không đủ đóng lãi ngân hàng”, chị Nguyễn Hương Thảo nói.
Nếu những năm trước, mỗi tháng ít nhất chị cũng bán được một căn nhà, thu về được 15-20 triệu đồng/giao dịch thì một năm qua rất ít người mua nhà, chị phải chuyển sang làm mảng cho thuê. Tuy nhiên, thu nhập từ môi giới cho thuê bất động sản chỉ đem lại cho chị khoảng 5-7 triệu đồng/ tháng. Bởi vậy, ngoài môi giới cho thuê nhà, chị bán hàng online để có tiền trang trải sinh hoạt gia đình.

Thời hoàng kim nay còn đâu
Chị Linh Chi (30 tuổi), 1 môi giới bất động sản có tiếng chia sẻ, từ đầu năm 2022, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, không có dự án nào được ra mắt. “Công ty tôi không có dự án mới để triển khai, các phân khúc đất nền, đất thổ cư đều không có lấy 1 giao dịch thành công”, chị Chi cho biết.
Thị trường bất động sản đã và đang chững lại khi nguồn cung ngày càng hạn chế cùng mức giá bán cao và thanh khoản kém,…Điều này đã khiến thị trường sẽ ngày càng khó khăn, đẩy những người môi giới vào tình cảnh bỏ nghề.
“Thời hoàng kim nay còn đâu, thậm chí mức lương cứng của tôi còn bị cắt giảm. Khoảng hơn 60% nhân viên môi giới đã xin nghỉ việc”, anh Minh Quân (40 tuổi) ngậm ngùi bày tỏ về tình cảnh tại công ty mình.
Trước kia, sàn bất động sản của công ty anh rất “hút khách”, thậm chí có những thời điểm nhân viên phải làm việc xuyên trưa để tư vấn cho khách. Với tình cảnh này, có lẽ công ty sẽ phải chuyển hướng kinh doanh.
Thị trường chững lại ảnh hưởng trực tiếp đến cả người môi giới và sự phát triển của mỗi sàn giao dịch. Nghĩ đến những tháng có mức thu nhập khủng đủ ăn cả năm, cả chị Chi và anh Quân đều không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối.

“Ngậm đắng nuốt cay” làm shipper, chạy grab
Không còn những bộ quần áo bóng bẩy hay những ngày ngồi café đắt tiền, nhiều môi giới đã quyết định đi làm shipper hoặc chạy grab. Giữa thời buổi khó xin việc như hiện nay, kể cả phải “dãi nắng dầm mưa” làm việc bên ngoài thì chắc chắn nhiều người cũng sẽ đều chấp nhận.
Anh Vũ Minh (35 tuổi) sau khi nghỉ công việc môi giới đã xin đăng ký đi làm shipper cho cửa hàng hoa gần nhà. “Hết thời quần là áo lượt rồi, từ sáng đến tối lúc nào tôi cũng ở ngoài đường. Có những hôm mưa to nhưng vẫn phải đi để kịp giao đơn cho khách”, anh Minh nghẹn ngào chia sẻ.

Vất vả là thế nhưng mức thu nhập của những shipper hay xe ôm công nghệ cao nhất cũng chỉ tầm 10 – 15 triệu đồng/ tháng. Ở thời điểm hoàng kim, mỗi người môi giới thậm chí có thể kiếm đến hàng chục triệu mỗi ngày.
Sự chênh lệch quá lớn về thu nhập đã khiến nhiều người rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi đã quen với lối tiêu xài hoang phí trước kia. Việc thay đổi từ 1 ly café 100.000VNĐ thành một bữa ăn cho cả gia đình không phải là câu chuyện “nói được là làm được ngay”.
Anh Minh cho biết: “Trước kia tôi tiêu xài phung phí lắm, quần áo thì phải hàng hiệu còn điện thoại thì cứ ra mắt là mua luôn. Còn bây giờ tiêu gì cũng phải tính toán, không chỉ tiền ăn, tiền học cho các con mà còn phải để dành tiền tiết kiệm cho những lúc đau ốm”.
Theo chia sẻ từ Tiến sĩ Jay Zigmont, người sáng lập công ty về lập kế hoạch tài chính Live, Learn, Plan tại Mississippi thì việc cải thiện tài chính gia đình là điều hoàn toàn có thể. Vị chuyên gia tài chính này khuyên rằng điều đầu tiên bạn cần làm là lập kế hoạch chi tiêu cụ thể.

Khi đã có kế hoạch rõ ràng, các bạn sẽ cân đối được các khoản chi tiêu một cách hợp lý. Cùng với đó, việc kiểm soát được việc chi tiêu cũng sẽ diễn ra dễ dàng.
Tiến sĩ Jay cũng nhấn mạnh rằng hãy chia thành những mục tiêu nhỏ để dễ dàng thực hiện hơn trong thời gian đầu. Đối với những khoản ngân sách dành cho giải trí, ăn uống bên ngoài thì các bạn cũng nên hạn chế để dành vào khoản tiết kiệm.
Khi nào thị trường “ấm” trở lại?
Sau thời gian dài đóng băng, nhiều người đang chờ đợi thị trường bất động sản ấm trở lại. Giới chuyên gia nhận định, với sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong chỉ đạo, điều hành hỗ trợ, thị trường bất động sản (BĐS) có thể phục hồi trong năm nay.

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia – cho rằng, cuối quý III/2023, thị trường mới “ấm” trở lại.
Lý do là các vụ việc rắc rối có thể được giải quyết xong, các đề xuất về sửa đổi nghị định, góp ý dự thảo luật rõ hơn. Thời điểm cuối quý III, nhiều khả năng là hai gói tín dụng đã triển khai và phát huy hiệu quả.
Đồng quan điểm PGS. TS Trần Đình Thiên – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam kiêm thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ – cho rằng, hiện nay, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về giãn thời hạn nộp các loại thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất… Và BĐS cũng dự kiến sẽ đón hai gói tín dụng hỗ trợ phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
“Với những động thái quyết liệt đó, trước mắt các chính sách về phát triển nhà ở xã hội sẽ triển khai nhanh. Dự báo thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại vào quý III/2023”- TS Thiên chia sẻ.