Thị trường lao dốc khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải gồng lương trả nợ cho nhân viên do dự án phải tạm ngừng vì thiếu vốn, còn nhiều môi giới bất động sản đã phải bỏ nghề. Người ở lại bám trụ lo cái Tết không thưởng.
“Thảm họa” là từ mà anh Đức Chí (22 tuổi, nhân viên môi giới tại Hà Nội) sử dụng để diễn tả tình hình công ty bất động sản của mình. “Từ đầu năm đến nay, cả công ty, gồm 17 người, chỉ bán được đúng 2 căn hộ”, anh Chí cho biết.
Lãnh đạo tạo áp lực, khách hàng không quan tâm, thị trường đang chững lại, những nhân viên kinh doanh bất động sản như anh Chí phải chật vật tìm đủ mọi cách để bán được sản phẩm. Từ “cắt máu”, hỗ trợ vay, chạy quảng cáo cho đến tặng voucher, nhiều giải pháp đã được các môi giới viên triển khai để tìm kiếm khách hàng.
Tìm khách như “mò kim đáy bể”
Theo anh Hữu Văn, môi giới tại một công ty bất động sản ở Hưng Yên, bắt đầu từ quý III năm nay, anh chấp nhận cắt 25% hoa hồng của mình để tăng quyền lợi cho khách mua nhà. Ví dụ, bán một căn hộ “1 phòng ngủ + 1” với giá 2 tỷ đồng, hoa hồng nhận được là 2%, tương đương 40 triệu đồng. Anh dành tới 10 triệu đồng để mua điện thoại tặng khách coi như quà khuyến mãi.
Đó cũng là cách mà giới môi giới bất động sản gọi là “cắt máu”. Ngoài ra, việc đưa ra các ưu đãi về vay vốn cũng là cách các nhân viên môi giới hay dùng để thuyết phục khách hàng. Tại một sàn giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng ở Thanh Hóa, môi giới cho biết công ty sẵn sàng hỗ trợ khách vay số tiền bằng 80% giá trị hợp đồng và miễn phí lãi suất trong 24 tháng.
Thậm chí, những nhân viên của công ty này còn “mách khéo” khách hàng vay tiền tại một số ngân hàng được cho là “dễ tính”, dễ chấp nhận “khẩu vị rủi ro cao”. Tuy nhiên, dù đưa ra nhiều hỗ trợ về vay vốn, sàn giao dịch này vẫn chưa bán được sản phẩm nào từ đầu quý IV năm nay.
“Khách sợ vay tiền và rót vốn vào căn hộ nghỉ dưỡng. Bây giờ chỉ biết hy vọng năm sau tình hình sẽ tốt hơn”, một môi giới viên của công ty than thở.
Tại văn phòng môi giới bất động sản của anh Đức Chí, công ty có chính sách hỗ trợ 80% chi phí chạy quảng cáo của nhân viên, ước tính khoảng 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ vậy, môi giới viên tại đây còn phải đăng trên mạng xã hội 50 bài chào bán căn hộ trong một tuần. Tuy nhiên, kết quả thu được không hề khả quan, từ đầu năm đến nay, cả văn phòng anh Chí chỉ bán được 2 căn hộ chung cư.
Mức phí hỗ trợ xăng xe, điện thoại mà công ty anh Chí dành cho nhân viên môi giới là 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ tháng sau, toàn bộ số tiền đó sẽ bị trừ hoàn toàn, nếu môi giới viên không thực hiện được bất cứ giao dịch nào.
“Công ty tôi có 17 người nhưng đã có 3 người nghỉ trong tháng này. Nhiều người phải làm thêm nghề tay trái để kiếm sống. Từ đầu năm tới nay, không hề có nhân viên mới vào làm dù bộ phận nhân sự liên tục đăng tuyển dụng”, anh Chí chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện nguồn cung thị trường khá yếu, dòng vốn bị siết lại, khách hàng ngày càng ít. Các sàn giao dịch đang đối mặt với gánh nặng vận hành bộ máy. Nhiều đơn vị buộc phải cắt giảm nhân sự, thậm chí là giải thể. Không ít môi giới viên đã nghỉ việc hoặc chuyển sang làm bán thời gian.
“Các giải pháp của cá nhân môi giới viên khó lòng thay đổi quyết định của khách hàng nếu ngân sách chi trả quá lớn, nguồn cung vẫn yếu và thiếu như hiện tại. Vì vậy, dẫu có giảm giá, người mua vẫn chưa chắc xuống tiền”, ông Đính nhận định.
Theo Bộ Xây dựng, lượng giao dịch bất động sản trong quý III đã giảm so với thời điểm đầu năm. Điều này dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch cùng số lượng môi giới viên cũng giảm theo.
Bên cạnh đó, thống kê trên trang Batdongsan chỉ ra rằng trong quý III năm 2022, mức độ quan tâm của người dân đối với thị trường nhà đất tiếp tục giảm mạnh. Xét riêng trong tháng 9, lượt tìm kiếm đất nền cả nước giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25% và biệt thự liền kề giảm 12% so với giai đoạn đầu năm nay.
Lựa chọn để tồn tại
Theo ông Vũ Bá Thức, Giám đốc Kinh doanh Công ty Bất động sản SGO Property, thị trường đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Động thái thắt chặt trong công tác quản lý đất đai của Nhà nước cùng với việc ngân hàng siết room tín dụng và liên tục tăng lãi suất đã khiến tình hình ngày càng ảm đạm.
Nhiều chủ đầu tư đã đưa ra các chính sách chiết khấu rất cao, khoảng 30-50%, với mong muốn đẩy bán nhanh sản phẩm, nhanh chóng thu hồi tiền mặt. Nhận định về vấn đề trên, ông Vũ Bá Thức cho rằng động thái này đang vô tình khiến những nhà đầu tư trước đó gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thanh khoản mặt hàng.
Bên cạnh đó, nhiều môi giới viên bất động sản cũng đã tìm đến giải pháp “cắt máu” để tạo ra ưu thế cạnh tranh về giá của sản phẩm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính không đồng tình với cách làm trên.
“Phí hoa hồng là sự ghi nhận công sức lao động chính đáng của nhân viên môi giới. Vì vậy, việc ‘cắt máu’ là một hành động không nên. Không chỉ vậy, đây còn là một ứng xử xấu trong ngành. Việc làm này khiến cho mức giá trên thị trường không có sự đồng nhất, tình hình sẽ càng bát nháo, hỗn loạn hơn”, ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ với Zing.
Chủ tịch VARS cùng Giám đốc Kinh doanh Công ty SGO Property đều có chung nhận định rằng những sản phẩm bất động sản dành cho khách hàng có nhu cầu ở thực luôn là “ngôi sao” ở bất cứ thời điểm nào.
Các loại hình như chung cư, nhà thổ cư, mặt bằng cho thuê vẫn có lượng giao dịch đều, đặc biệt là tại các thành phố lớn vì tỷ lệ gia tăng dân số cơ học tại những khu vực này rất cao.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, bà Phạm Phương Linh, Tổng giám đốc Công ty Bất Động Sản Sany Home, cho biết các loại hình bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực và tạo ra dòng tiền từ việc cho thuê đang được doanh nghiệp của bà tập trung kinh doanh.
“Chung cư mini cho thuê là loại hình mà Sany Home đang kinh doanh tốt nhất. Các sản phẩm này có thể tạo dòng tiền đều đặn cho chủ sở hữu, khoảng 8-11%/năm. Hơn nữa, các căn chung cư mini này vẫn có khả năng gia tăng lãi vốn từ 10-15% và là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ lạm phát cao”, bà Phạm Phương Linh chia sẻ với Zing.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, Chủ tịch của VARS cho rằng các doanh nghiệp bất động sản không nên sa thải ồ ạt nhân viên vì khi thị trường hồi phục, việc xây dựng và vận hành lại bộ máy sẽ rất khó khăn.
“Các công ty nên có một khoản trợ cấp cho nhân viên để duy trì quân số. Ngoài ra, ban lãnh đạo có thể tạo điều kiện cho mọi người đi làm bán thời gian, giúp họ tận dụng thời điểm này để đi học thêm, nâng cao trình độ nghiệp vụ”, ông Đính chia sẻ.
Theo số liệu của VARS, cả nước hiện có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng chuyên viên môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ 35.000 người. Đa số các nhân viên trong ngành chỉ được đào tạo ngắn hạn về thông tin dự án cùng các kỹ năng bán hàng cơ bản.
Đánh giá về sự suy giảm nhân sự ngành môi giới bất động sản trong thời điểm hiện tại, ông Vũ Bá Thức nhận định đây là thời điểm “vàng” để thị trường có sự sàng lọc về chất lượng.
“Sau giai đoạn này, thị trường sẽ chọn lọc được những doanh nghiệp đầu tư và doanh nghiệp môi giới có cơ chế vận hành hiệu quả, tiềm lực tài chính mạnh và khả năng thích ứng nhanh”, Giám đốc Kinh doanh Công ty SGO Property cho biết.
Tết không thưởng
Ghi nhận thị trường, nhiều công ty môi giới, bộ phận kinh doanh của chủ đầu tư cắt giảm mạnh đội ngũ môi giới. Tại TP.HCM, một doanh nghiệp cắt giảm hơn 70% nhân sự sale. Sắp tới, các bộ phận khác tiếp tục bị cắt giảm vì không còn khả năng trả lương.
Một công ty bất động sản có quy mô hàng nghìn người công bố cắt giảm 50% trong số 2.000 nhân sự sale. Nếu nhân viên ở lại làm việc, không nhận lương, công ty đóng bảo hiểm xã hội. Tình trạng cắt giảm nhân sự có xu hướng lan rộng.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lực lượng môi giới giảm ít nhất 30% trong hơn một năm qua. Nhiều môi giới mất việc bị động do các sàn phải đóng cửa. Còn lại, họ chủ động bỏ nghề, đổi việc vì không còn phù hợp. Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động.
Gần Tết, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” lại càng tăng lên. Anh Trần Tuấn Hải có thâm niên gần chục năm trong nghề môi giới bất động sản. Khi đề cập về vấn đề thưởng Tết, anh thở dài “chắc là không có”. Công ty chỉ giữ lại nhân sự chủ chốt, còn các nhân viên môi giới tự nghỉ vì không có lương.
“Mọi năm thời điểm này, nếu bán được nhà, tôi nhận hoa hồng vài chục triệu đồng. Giờ cả tháng không ai hỏi mua hay dẫn đi xem đất, Tết này xác định không có gì”, anh Hải nói.
Thời gian qua, không ít đơn vị môi giới đóng cửa vì không thể cầm cự nổi. Nhiều nhân viên môi giới khác cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Ông Sơn, giám đốc một sàn bất động sản tại Hà Nội, cho hay, doanh nghiệp vừa cắt giảm 50% nhân sự vì tình hình kinh tế khó khăn, dự án bán không được hàng.
“Giờ tiền trả lương để duy trì nhân viên còn lại cũng khó chứ chưa nghĩ đến việc thưởng Tết”, ông nói.
Theo Zingnews, Vietnamnet