Vào lúc 21h30 ngày 22/11 (theo giờ Anh), câu lạc bộ Manchester United (MU) đưa ra thông báo đầy bất ngờ, đó là gia đình tỷ phú Mỹ Glazer đang sở hữu MU, đã quyết định rao bán câu lạc bộ.
Tuyên bố từ đồng chủ tịch Avram và Joel Glazer có nội dung: “Sức mạnh của MU dựa trên niềm đam mê và lòng trung thành của cộng đồng toàn cầu gồm 1,1 tỷ người hâm mộ và người theo dõi của chúng tôi.

Khi chúng tôi tìm cách tiếp tục xây dựng dựa trên lịch sử thành công của câu lạc bộ, hội đồng quản trị đã cho phép đánh giá kỹ lưỡng các lựa chọn thay thế chiến lược.
Chúng tôi sẽ đánh giá tất cả các lựa chọn để đảm bảo rằng chúng tôi phục vụ người hâm mộ tốt nhất và MU tối đa hóa các cơ hội phát triển quan trọng có sẵn cho câu lạc bộ ngày hôm nay và trong tương lai”.
Raine Group và Rothschild and Co đã được chỉ định làm cố vấn tài chính độc quyền để giám sát quá trình này. Quỷ đỏ cho biết kế hoạch nhằm để tăng cường sự phát triển trong tương lai, nhưng nói thêm rằng câu lạc bộ “sẽ xem xét tất cả các lựa chọn thay thế chiến lược, bao gồm đầu tư mới vào câu lạc bộ, bán hoặc các giao dịch khác”.
Tin tức này chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm từ khắp nơi trên thế giới cũng như ở Vương quốc Anh. Jim Ratcliffe, người giàu nhất nước Anh và là một cổ động viên lâu năm của MU, từ lâu đã được cho là có ý định mua lại câu lạc bộ.
Sau khi tỷ phú này thất bại trong vụ mua lại Chelsea hồi tháng 5, người phát ngôn của ông xác nhận: “Nếu câu lạc bộ MU được rao bán, Jim chắc chắn là người mua tiềm năng”.
Chelsea đã được doanh nhân người Mỹ Todd Boehly mua lại với giá 4,25 tỷ bảng Anh. Đầu tháng này, có thông tin tiết lộ rằng chủ sở hữu người Mỹ của Liverpool là Fenway Sports Group sẵn sàng bán câu lạc bộ sau khi chỉ định Goldman Sachs và Morgan Stanley giám sát khoản đầu tư mới.
Giới chuyên gia nhận định, dự báo kinh tế ảm đạm ở Anh, thất bại của dự án Super League là những nguyên do khiến giới chủ nước ngoài liên tiếp rao bán các câu lạc bộ ở Premier League thời gian gần đây.

Nhà Glazer đã nắm quyền ở Old Trafford trong 17 năm kể từ khi mua lại câu lạc bộ nhờ đòn bẩy trị giá 790 triệu bảng vào năm 2005. Tin tức về việc nhà Glazer có thể bán MU được đa số người hâm mộ đội bóng ủng hộ.
Nhiều năm qua, nhà Glazer luôn hứng chịu chỉ trích vì đẩy MU chìm trong nợ nần. Người hâm mộ mong muốn, doanh thu của MU phải được tái đầu tư vào đội bóng như nâng cấp sân, học viện, thay vì việc phải trả lãi do những khoản nợ của nhà Glazer mang tới.
Cách đây 1 thập niên, nhà Glazer đã rao bán cổ phần trong câu lạc bộ nhưng đảm bảo họ vẫn giữ quyền kiểm soát tổng thể thông qua cơ cấu cổ phần. Gần đây hơn, họ đang tìm cách đưa ra một kế hoạch để mang lại cho những người ủng hộ quyền biểu quyết, nhưng điều đó vẫn chưa được thực hiện.
Nhà Glazer kiếm tiền từ MU như thế nào?
Các ông chủ Manchester United là những người thu lợi từ CLB của mình nhiều nhất ở Ngoại hạng Anh trong một thập niên qua.
Thống kê từ Deloitte chỉ ra trong 10 năm qua, nhà Glazer nhận được số tiền 154 triệu bảng nhờ việc sở hữu MU. Con số này bao gồm tiền chia cổ tức 133 triệu bảng và bán cổ phiếu 21 triệu bảng. MU là CLB Premier League duy nhất chi trả cổ tức cho các cổ đông của họ, chủ yếu rơi vào túi nhà Glazer.

Trong vòng một thập niên qua, không ông chủ nào ở Ngoại hạng Anh kiếm tiền từ CLB của mình nhiều như nhà Glazer. Phần lớn các ông chủ còn lại của Premier League đều chi số tiền lớn cho CLB họ sở hữu.

Các ông chủ của Man City bỏ ra 684 triệu bảng đầu tư cho CLB. Với Chelsea, con số này ở mức 516 triệu bảng. Các ông chủ Aston Villa xếp thứ ba với mức 506 triệu bảng. Trong thời gian tới, nếu MU không cải thiện thành tích trên sân cỏ, doanh thu của họ sẽ tiếp tục giảm và khiến vị thế CLB sa sút.

Trong 12 năm qua, MU phải trả khoản lãi suất do vay nợ lên tới 517 triệu bảng cho nhà Glazer, cao gần gấp 3 đội xếp tiếp theo ở Ngoại hạng Anh là Arsenal. Ngoài MU, 19 đội còn lại của Premier League chỉ phải trả khoản lãi ở mức 536 triệu bảng.
Trong trường hợp doanh thu của MU sa sút, đội bóng chỉ có thể tiếp tục chi tiêu mạnh trên thị trường chuyển nhượng nếu nhà Glazer chấp nhận bỏ tiền túi ra đầu tư, điều nhiều ông chủ khác tại Premier League đã làm.

Trong 12 năm qua, “Pháo thủ” phải trả khoản lãi 174 triệu bảng cho việc vay nợ xây dựng sân Emirates từ hai thập niên trước. Vào năm ngoái, nhà Kroenke, chủ sở hữu Arsenal, đã mua lại một phần khoản nợ của CLB, giúp đội chủ sân Emirates dễ thở hơn trong việc trả lãi và cân đối tài chính.

Đây là một phần nguyên nhân giúp Arsenal dù không được dự Champions League 2022/23 vẫn trở thành đội Premier League mua sắm nhiều thứ hai ở phiên chợ hè 2022 với 118,86 triệu bảng, kém Chelsea (167,93 triệu bảng).

MU đang gánh khoản nợ 592 triệu bảng do nhà Glazer vay để mua chính CLB trong quá khứ. Chỉ Tottenham (854 triệu bảng) và Chelsea (1,5 tỷ bảng) có khoản nợ nhiều hơn “Quỷ đỏ” tại Premier League.
Tuy nhiên, Tottenham nợ do xây sân vận động mới trong khi khoản vay (không lãi) của Chelsea vừa được tỷ phú Roman Abramovich xóa vào mùa hè này.

Những người ủng hộ nhà Glazer chỉ ra con số tiền chuyển nhượng khổng lồ (1,4 tỷ bảng) của MU trong một thập niên qua. Tuy nhiên, đây chủ yếu là tiền từ doanh thu của CLB, không phải do nhà Glazer trực tiếp bỏ ra. Đây là sự khác biệt lớn giữa MU với Man City hay Chelsea trên thị trường chuyển nhượng.

Kể từ năm 2017, doanh thu của đội chủ sân Old Trafford sụt giảm 15% (87 triệu bảng), tệ nhất trong top 6 Ngoại hạng Anh. Năm ngoái, doanh thu của MU ở mức 494 triệu bảng. Họ chính thức bị Man City (570 triệu bảng) vượt mặt.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nửa đỏ thành Manchester làm ăn kém hơn kình địch cùng thành phố. Doanh thu của Liverpool, một đội cũng do người Mỹ nắm quyền sở hữu, bám sát MU với mức 487 triệu bảng.

Man Utd – ví dụ kinh điển của thiếu thành công vẫn kiếm bộn tiền
Trong 27 năm Alex Ferguson trị vì, Man Utd đã giành 38 danh hiệu và vươn lên trở thành đội bóng số một nước Anh. Cũng thời gian này, CLB đạt độ phủ khổng lồ để từ chỗ là một đội hạng khá, khi Ferguson mới đến, trở thành một đế chế thực sự về thương mại.
Sau khi Sir Alex nghỉ hưu năm 2013, Man Utd biết rõ sẽ rất khó để duy trì thành tích thi đấu như trước. Và họ đã cố tách bạch câu chuyện trong và ngoài sân cỏ theo cách tốt nhất có thể.
Từ 2013 đến nay, Man Utd chưa một lần chạm tay vào Cup Ngoại hạng Anh và Champions League. Thậm chí… đến gần thôi cũng là quá khó. Nhưng trên bảng thứ tự các CLB thể thao kiếm tiền giỏi nhất, “Quỷ Đỏ” vẫn phăng phăng tiến lên.
Doanh thu thường niên của họ năm 2013 là 475 triệu đôla (khoảng 363,2 triệu bảng), đến năm 2018 đã là 770 triệu đôla (590 triệu bảng), chỉ kém Real và Barca. Những người điều hành Man Utd, cả hiện tại lẫn trước đây, đều thống nhất gọi đấy là một nghịch lý: một CLB thể thao, vậy mà doanh thu lại không phụ thuộc vào thành tích… thể thao.
Tất nhiên, Man Utd vẫn luôn đối mặt với câu hỏi: họ sẽ duy trì được vị trí trên bảng thứ bậc kiếm tiền trong bao lâu nếu kết quả thi đấu cứ lẹt đẹt như ít năm qua?

“Chúng tôi phải sớm giành lại các danh hiệu,” Cliff Baty – Giám đốc tài chính Man Utd – nói. “Đấy không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn là tôn chỉ hoạt động của đội bóng này”.
Khát vọng ấy đang khiến Man Utd trải qua những ngày bận rộn. Các nhân vật điều hành đang cố mở rộng những kênh thương mại, sử dụng dữ liệu điện tử để tiếp cận với những CĐV trẻ hơn và thảo ra những chiến dịch tài trợ.
Mục đích là kiếm thêm tiền để làm giàu ngân sách dành cho chuyển nhượng. Những nhân sự chủ chốt đang được bổ nhiệm, và họ cũng đang tìm một HLV chính thức.
“Văn hóa chiến thắng phải được áp lên cả trong và ngoài sân cỏ,” Richard Arnold – Giám đốc điều hành nhóm của Man Utd và là một trong những kiến trúc sư chủ chốt cho mô hình kinh doanh của đội bóng – nói. “Sir Alex từng nói: Chúng tôi chưa bao giờ bị đánh bại, chúng tôi chỉ sợ hết thời gian mà thôi. Văn hóa ấy đã và đang được duy trì xuyên suốt”.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh khiến cho mọi thứ ngày càng khó khăn hơn. Năm gần nhất, Real, Barca và Bayern Munich cũng có những kết quả doanh thu tương tự như Man Utd. Những thế lực mới nổi như PSG và Man City cũng đang đi vào ổn định và doanh thu đang tăng trưởng theo từng năm. Trong khi đó, Liverpool và Tottenham lại đang vượt mặt Man Utd trên sân cỏ, nhờ những lựa chọn khôn ngoan về mặt nhân sự, cả HLV đến các cầu thủ.
Nigel Currie, người sáng lập công ty tư vấn thể thao NC Partnership, cảnh báo trên New York Times: “Không có nhiều đội bóng có thể kiếm tiền khủng dù thi đấu bết bát. Nhưng rõ ràng việc ấy cũng chẳng thể kéo dài mãi mãi”.
Đế chế kinh doanh của Man Utd khởi nguồn từ năm 1992, khi Ngoại hạng Anh ra đời. Việc bán bản quyền truyền hình giải đấu ra nước ngoài bắt đầu tăng độ nhận diện cho Man Utd và các CLB Anh khác.
Việc có được Sir Alex Ferguson, một người có tầm nhìn và khả năng quản trị tài ba, đã giúp Man Utd trở thành đội bóng Anh nổi tiếng nhất thế giới. Hình ảnh và logo của Man Utd đã đi đến hang cùng ngõ hẻm của mọi quốc gia.

Từ khi rơi vào tay những ông chủ người Mỹ, tình hình kinh doanh của Man Utd càng khả quan hơn. Ed Woodward, ngồi ghế Phó Chủ tịch phụ trách điều hành CLB từ 2013 đến nay, cho biết: “Thành tích trên sân không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả làm việc của bộ phận kinh doanh. Nhiệm vụ của Ban huấn luyện là giành thành tích cao, nhiệm vụ của kinh doanh là mang về những lợi tức lớn”.
Năm nay, doanh thu của Man Utd dự kiến sẽ dao động từ 803 triệu đôla đến 822,6 triệu đôla, tức gấp đôi con số của một thập kỷ trước. Một phần ba số này đến từ bản quyền truyền hình. Doanh thu bán áo đấu và vật phẩm lưu niệm của Man Utd tăng 18% vào những ngày diễn ra trận đấu. Sân Old Trafford có 75.000 chỗ, và gần như trận nào cũng bán sạch vé.
Nhưng thế mạnh lớn nhất của Man Utd là sức hút với những nhà tài trợ. Tiền này chiếm khoảng nửa doanh thu. Họ ký hợp đồng tài trợ trang phục đến 10 năm với Adidas, trị giá 980 triệu đôla. Nhà tài trợ chính trên áo đấu, hãng Chevrolet Motor, ký hợp đồng 7 năm trị giá 559 triệu đôla. Chevrolet tự tin vào độ phủ của Man Utd tại thị trường Trung Quốc, nơi CLB có khoảng 100 triệu CĐV.
Cách thức ký kết thương mại của Man Utd đang thay đổi. Họ chuyển từ ký với nhiều nhãn hàng sang ký ít hơn, nhưng lấy nhiều tiền hơn. Đội săn tài trợ của Man Utd có tầm 100 người, nhiều nhất trong các CLB bóng đá trên thế giới.
Đa số họ là những nhà phân tích dữ liệu bậc thầy để đi thương thảo với đối tác. Nhờ nguồn tin sâu rộng mà nhóm này đã mang về cho Man Utd hợp đồng Chi – một hãng thức uống từ… Nigeria, hay Manda Fermentation – thực phẩm bổ sung dinh dưỡng từ Nhật Bản.

Man Utd bán mọi thứ có thể, chẳng hạn như tay áo bây giờ có thêm Kohler – tập đoàn chuyên thiết kế phòng tắm và nhà bếp. Họ bán cả công nghệ khi tháng 8 vừa qua, CLB cho ra đời một ứng dụng chính thức, cho phép người hâm mộ cập nhật tất tần tật thông tin mới nhất về CLB. Man Utd cho biết ứng dụng này trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất tại 70 quốc gia.
Một lĩnh vực mà Man Utd chưa thể kiếm được nhiều là từ Champions League. Mùa này, các CLB tham gia giải sẽ cùng nhau chia miếng bánh trị giá 2,54 tỷ đôla. Trong khi Man Utd chơi lẹt đẹt, Real và Barca kiếm bộn từ đấu trường này nhờ vô địch liên tục suốt một thập kỷ qua.
Thế nên, khi Man Utd trở lại Top 4 và lọt vào tứ kết Champions League một cách thần kỳ, Ole Gunnar Solskjaer đang được tôn lên như một vị cứu tinh. Gary Neville thậm chí còn bảo bây giờ đã có thể dựng tượng cựu tiền đạo người Na Uy.
Solskjaer cũng cho thấy ông không phải cấp tập mua sắm để có thể thành công. Trong sáu mùa bóng trước khi Sir Alex nghỉ hưu, Man Utd chỉ có quỹ lương cao thứ ba tại Ngoại hạng Anh, nhưng vô địch Anh đến ba lần và vào chung kết Champions League ba lần (trong đó có một lần vô địch). Đấy là thành quả phi thường, nhất là khi các nghiên cứu chỉ ra: cách tốt nhất để dự đoán một nhà vô địch là nhìn vào… quỹ lương của họ.
Những năm sau thời Sir Alex, họ đã mua sắm tấp cập, trở thành CLB có quỹ lương lớn nhất nước Anh. Nhưng việc lọt vào Top 4 thôi cũng đã khó khăn. Với Solskjaer, Man Utd dường như đã tìm ra một người có thể phát huy những nguồn lực mà đội bóng hiện có.

Man Utd là một CLB lạ kỳ. Thông thường một đội bóng phải thi đấu thành công, như Real hay Barca, mới có thể kiếm được nhiều tiền. Man Utd thì đi con đường kiếm thật nhiều tiền trước, rồi mới lấy tiền ấy đi tìm thành công.
Nhưng nếu một ngày nào đó, CLB này lấy lại được sức mạnh như thời Sir Alex, thì họ sẽ thực sự là bá chủ của khâu kiếm tiền. Điều thú vị chính ở chỗ đó.
Theo Bnews, New York Times, Zingnews, Vnexpress
Xem thêm bài liên quan
- “Gã khổng lồ” công nghệ Apple muốn thâu tóm “quỷ đỏ” Manchester United? – Sự thật hay lại chiêu trò?
- Ít ai ngờ “Quê mẹ” của linh vật World Cup 2022 lại cách chủ nhà Qatar hơn 6 nghìn cây số
- Những “Đế chế” kinh doanh của Cristiano Ronaldo bên ngoài sân cỏ: Siêu lợi nhuận, treo giày tiền bạc vẫn cứ “xông xênh”