Sự thật thì những chú linh vật La’eeb – biểu tượng của World Cup 2022 tại Qatar lại được chế tạo tại “Công xưởng của cả thế giới” trong một nhà máy ở thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, Đông Nam Trung Quốc.
Chen Leigang, người sáng lập kiêm CEO công ty Phát triển Văn hóa Xa Xa cho biết công ty đã đánh bại hàng chục nhà cung cấp khắp thế giới để giành được hợp đồng trị giá hàng chục triệu nhân dân tệ, để tạo ra những sản phẩm xoay quanh linh vật La’eeb của World Cup 2022.
“Đông Quản là trung tâm sản xuất nổi tiếng. Ở đây có đội ngũ công nhân lành nghề. Chúng tôi sử dụng các máy móc tiên tiến như máy thêu tự động để nâng cao năng suất và hiệu quả”, ông Chen nói.
Được biết phần lớn công việc sản xuất La’eeb được làm bằng tay do tính độc đáo trong thiết kế của sản phẩm. Zhou Senya, Giám đốc dự án của công ty Xa Xa, cho biết đã làm việc nhiều đêm để tạo ra 8 mẫu thiết kế dựa trên bản phác thảo ban đầu của FIFA.
“Đây là thiết kế mà chúng tôi nhận được – nó trông giống như một con diều. Chúng tôi nhận thấy nó có các chi, vì vậy chúng tôi đã nghĩ ra món đồ chơi nhồi bông có thể tự đứng lên.
Sau đó, chúng tôi nhận ra rằng họ muốn thứ gì đó có thể bay, và điều đó đã khiến chúng tôi phải kỳ công sáng tạo. Nhìn thấy nhiều khán giả đội mũ là sản phẩm của chúng tôi tại lễ khai mạc khiến chúng tôi rất phấn khích”, Zhou Senya nói.
Trong tiếng Arab, La’eeb có nghĩa là một cầu thủ có kỹ năng điêu luyện. Nhờ sở hữu vẻ ngoài đặc biệt này, La’eeb không chỉ đóng vai trò là linh vật của sự kiện thể thao mà nó còn giúp lan tỏa nền văn hóa, bản sắc của người dân Ả rập.
Theo Arab News, từ góc độ văn hóa, La’eeb giống chiếc mũ trùm đầu ghutrah của người Ả rập qua nhiều thế kỷ, xuất phát từ văn hóa của bộ lạc Bedouin sinh sống ở các vùng sa mạc thuộc Ả rập, Bắc Phi…
Khăn trùm đầu màu trắng truyền thống là vật dụng hàng ngày của đàn ông, giữ cố định bằng agal – sợi dây đen từng được dùng để buộc chân lạc đà vào ban đêm. Hiện nay, nhiều hãng mốt lớn như Gucci, Giorgio Armani… cũng sản xuất và bán ghutrah.
La’eeb đang tạo nên “cơn sốt” trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Dù không phải fan bóng đá, nhiều người cũng muốn sở hữu một chú gấu bông, tượng hoặc móc khóa… hình La’eeb vì sự dễ thương của nhân vật này.
Nhờ việc hình ảnh La’eeb trở nên nổi tiếng toàn cầu, công ty tại Đông Hoản này đã thành công với việc kiếm được một khoản tiền khá lớn và tạo cho mình một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử World Cup.
World Cup bắt đầu năm 1930 nhưng tới năm 1966 mới có linh vật đầu tiên – chú sư tử Willie mặc áo in lá cờ Anh do họa sĩ Reg Hoye thực hiện. Kể từ đó tới nay, giải đấu có 14 linh vật, như Tip và Tap, trái cam Naranjito, quả ớt Pique, Ciao, gà trống Footix, báo hoa Zakumi, chó sói Zabivaka…
Chúng trở thành biểu tượng không thể thiếu qua mỗi kỳ thi đấu và được người hâm mộ bóng đá thế giới mong đợi.
Có gì trong ván cược World Cup 300 tỷ USD của Qatar
12 năm về trước, Qatar gây chấn động thế giới bóng đá khi vượt qua cả Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản lẫn Australia để chính thức giành quyền đăng cai World Cup 2022.
Ở thời điểm ấy, Qatar chỉ có một sân vận động và rất ít khách sạn. Đến hết năm 2013, nước này vẫn chỉ có 492 km đường giao thông và 22 cây cầu. Vì vậy, trong 12 năm qua, quốc gia Trung Đông đã chi ra tới 300 tỷ USD để chuẩn bị cho World Cup.
Theo Bloomberg, Doha giờ đây đã thay đổi, với 8 sân vận động nằm rải rác trong thành phố và nhiều khách sạn mới được xây dựng nhằm phục vụ hơn 1 triệu người hâm mộ. Và “kỳ diệu” là hai từ mà nhiều tờ báo quốc tế đã dùng để miêu tả những đổi thay của đất nước này.
Những sân cỏ giữa lòng sa mạc
Khác với các kỳ World Cup trước khi các sân bóng thường rải rác ở nhiều thành phố, World Cup 2022 tại Qatar sẽ được tổ chức tại 8 sân vận động chỉ trong phạm vi khoảng 50 km tính từ thủ đô Doha. Bắt đầu từ năm 2010, quốc gia này đã xây mới 7 sân vận động và nâng cấp 1 sân cho World Cup, tiêu tốn số tiền khoảng 10 tỷ USD.
Ngoài ra, hầu hết sân vận động sẽ được kết nối bằng phương tiện công cộng, bao gồm hệ thống tàu điện ngầm mới và xe buýt điện. Được biết, để đảm bảo thuận tiện cho người tham gia, Qatar đã xây dựng gần 1.000 km đường giao thông mới và thêm cả tuyến metro ở Doha trị giá 36 tỷ USD. Đất nước này hiện tại đã có 200 cây cầu, tăng gần 180 cây so với con số 22 cây cầu vào cuối năm 2013.
Tăng thêm 100 chuyến bay mỗi ngày
Trong quá trình xây dựng, diện tích nhỏ của Qatar đã đặt ra nhiều thách thức cho nhà tổ chức. Họ đã phải xây dựng cả những nơi ở phi truyền thống bao gồm lều du lịch trên sa mạc và căn hộ dịch vụ để phục vụ người xem. Theo kế hoạch, Qatar sẽ cung cấp khoảng 130.000 phòng ở nhưng nhiều khách sạn vẫn chưa hoàn thiện. Do đó, những khu lưu trú ở địa điểm xa trung tâm sẽ trở thành điều bất tiện cho người hâm mộ.
Để giải quyết vấn đề này, Qatar đã nhờ đến sự hỗ trợ từ các nước láng giềng. Gần 100 chuyến bay khứ hồi hàng ngày giữa Doha và các thành phố lớn ở Trung Đông được khai thác sẽ cho phép du khách lưu trú bên ngoài quốc gia vùng Vịnh. Theo đó, nhu cầu khách sạn ở Dubai đã tăng đột biến vì thành phố này chỉ cách Qatar khoảng 55 phút đi bộ.
Tuy nhiên, ban tổ chức tại Qatar cho rằng diện tích nhỏ là điểm đặc trưng của nước này chứ không phải nhược điểm. Việc các sân vận động ở gần nhau và tuyến giao thông thuận tiện sẽ giúp người hâm mộ dễ dàng di chuyển, theo dõi được nhiều trận đấu trong cùng một ngày.
Thành phố mới trị giá 45 tỷ USD
Ngoài những sân bóng, cảng biển mới thì diện mạo của quốc gia này cũng thay đổi đáng kể nhờ xây dựng thêm Lusail – một thành phố mới ở phía Bắc Doha trị giá 45 tỷ USD.
Vào năm 2010, nơi này vẫn là sa mạc thì đến nay đã trở thành một tổ hợp bao gồm các đô thị trung tâm, đảo nhân tạo và cả sân vận động Lusail – nơi tổ chức trận chung kết World Cup.
Theo các nhà chức trách nước này, dự án thành phố Lusail đã được lên kế hoạch từ lâu và World Cup chỉ giúp họ đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, Lusail dự kiến là nơi sinh sống của khoảng 200.000 người.
Ngoài ra, các quan chức Qatar cũng hy vọng rằng cơ sở hạ tầng được phát triển như một phần trong quá trình chuẩn bị cho World Cup sẽ hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế phi năng lượng của đất nước.
Trong đó, những hình ảnh mới mẻ của quốc gia dầu mỏ có thể thu hút du khách và các doanh nghiệp, còn sự phát triển của hệ thống cảng biển và đường giao thông có thể thúc đẩy sản xuất.
Tuy nhiên, hầu hết nhà kinh tế lại dự đoán rằng hoạt động kinh tế phi năng lượng của Qatar sẽ chậm lại sau khi giải đấu kết thúc, các toà nhà và khách sạn vắng khách. Đặc biệt, hàng nghìn phòng khách sạn không xây dựng kịp tiến độ phục vụ World Cup có khả năng bị bỏ hoang.
Xem thêm bài liên quan
- Đế chế bóng đá Manchester United kinh doanh ra sao trước khi bị nhà Glazer rao bán?
- Thống đốc NHNN: Năm 2022 kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực BĐS, chứng khoáng, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh
- Những “Đế chế” kinh doanh của Cristiano Ronaldo bên ngoài sân cỏ: Siêu lợi nhuận, treo giày tiền bạc vẫn cứ “xông xênh”