Ông chủ Trung Nguyên thừa nhận đi giày và mặc quần, áo có cái chỉ vài chục nghìn đồng. “Đồ hiệu ngày xưa của qua để từng tủ ở nhà. Không còn vui vẻ gì mấy thứ đó”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói.
Trong gian phòng lớn của Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ ngồi tư thế thiền ở vị trí trung tâm, thỉnh thoảng hút xì gà. Phía sau lưng là treo những bức tranh của các vĩ nhân mà ông ngưỡng mộ và đối thoại, xung quanh là hai luật sư và hơn chục phóng viên.
Chẳng ai ngờ cuộc hẹn lúc 10h lại có thể kéo dài hơn 4 giờ, xuyên trưa, không có khoảng thời gian ngưng nghỉ nào.
Hơn 240 phút, người được mệnh danh “Vua cà phê Việt” vẫn luôn nói bản thân đã đạt đến “cảnh giới” nào đó, được trao truyền cho mọi kiến thức của thế gian. Ông trải lòng chân tình về tâm nguyện dành cho những đứa con và lối sống “vượt qua cảnh giới vật chất”.
‘Chỉ 2 người ở Trung Nguyên hiểu điều qua nói’
Trong cuộc gặp hiếm hoi với báo chí năm 2019, ông Vũ nói về việc được “trời trao truyền, chỉ dạy cho mọi thứ”. Ông cũng thừa nhận người khác “không dễ dàng gì” hiểu được những gì ông nói.
“Ở Trung Nguyên, hiểu bằng trí thì tầm này chưa tới 2 người”, ông Vũ nói và cho biết ông dặn dò những người anh em ở Trung Nguyên phải đọc nhiều. Còn ông giúp họ bằng cách đúc kết các kiến thức ngắn gọn vào sách để họ hiểu nhanh nhất.
“Hai người hiểu là giỏi lắm rồi đó. Qua phải luyện cho họ. Trí họ bắt được rồi, còn ánh sáng tâm thôi”, ông chủ Trung Nguyên tiếp lời, cho rằng những cái ông có khác rất xa với hiểu biết của những người bình thường.
Ngay cả bà Thảo, ông cũng khẳng định người vợ không hiểu ông. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bà “bày tỏ thái độ” như thời gian qua. Tuy nhiên, ông nói không trách, không giận mà xem tất cả là “biến cố, kiếp nạn” bản thân phải trải qua.
Từ đây, ông dẫn chiếu đến việc một người đàn ông nếu có chí, muốn làm việc lớn phải cố gắng chọn vợ cho đúng. “Người phối ngẫu cần phải đồng đẳng. Đồng đẳng thì mới bình đẳng… Giới hạn của người phụ nữ chính là giới hạn của đàn ông. Giới hạn họ mà thấp thì họ kéo xuống là kẹt lắm”, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên nói với các phóng viên.
Ông cũng không quên quay sang nhắn và cười đùa với các nữ nhà báo: “Qua nói vậy các chị em ở đây đừng có giận”.
Mặc đồ mấy chục nghìn
Khi phóng viên nhắc đến tấm hình ông ngồi trên máy bay, dưới chân là đôi giày màu trắng được “bóc giá” khoảng 75.000 đồng, ông thừa nhận đúng.
“Nó phù hợp, nó đẹp. Khi qua tất cả những cung bậc vật chất của con người, sẽ đến cung bậc về tinh thần. Qua đã trải nghiệm hết”, ông nói rồi chỉ vào bộ trang phục đang mặc: “Bây giờ qua ăn mặc như vậy là qua lễ nghĩa với những người anh em, chứ ở trên núi qua đâu có. Ví dụ đôi giày này bảy mươi mấy nghìn mà nó phù hợp. Anh em cho giày hiệu qua cũng cho hết. Qua hợp với những thứ này”.
Ông Vũ chỉ xuống chiếc quần trắng thường mặc, nói giá trị cũng chỉ mấy chục nghìn đồng, áo khoác “đâu có mắc tiền”. “Đồ hiệu ngày xưa của qua để từng tủ ở nhà. Không còn vui vẻ gì mấy thứ đó”, ông Vũ nói.
Ông cho rằng bản thân có khả năng thích nghi cao, món ăn nào cũng có thể dùng được nhưng nếu 1 tháng không ăn gì cũng sống khỏe.
“Không ai có thể chịu nổi đâu. Cơ thể qua nó thích nghi đến mức như vậy. Bao nhiêu ngày không ăn cũng được, chỉ cần chút nước thôi”, ông chủ Trung Nguyên nói.
Dạy con phải có lòng trắc ẩn
Nói về các con, giọng ông Vũ chùng xuống, nhỏ nhẹ: “Cách đây 2-3 hôm mấy đứa nhỏ có ghé nhà thăm. Qua nói mấy đứa con dù có chuyện gì xảy ra ba vẫn thương các con…”.
Ông nói với các con rằng lúc ông khởi nghiệp trụi hết tóc vì mệt, vất vả. Bây giờ bọn trẻ có học vấn, điều kiện vật chất, được học ở những trường quốc tế nên phải nghĩ lớn.
“Qua nói với con phải có lòng trắc ẩn với số phận người không may mắn hơn. Ở tuổi của các con ngày xưa, ba đi chăn bò đủ loại, mưa gió cũng đâu được nghỉ ngày nào. Đi bộ 14 cây số, không có xe đạp.
Lòng trắc ẩn quan trọng và có chí lớn mới vượt qua chuyện nhỏ. Sống được như vậy thì ba mới yên tâm”, ông Vũ nói và cho rằng các con của ông hiểu hết.
Ngưng một lúc, ông tiếp lời: “Cuộc đời này mình cho con nền tảng và cái chí. Sau này nhìn cuộc đời của qua bọn trẻ phải tự hào. Qua dạy các con phải có trách nhiệm xã hội, phải có chí lớn, vượt qua Tập đoàn Trung Nguyên, có trách nhiệm chứ không sống ích kỷ”.
Ông cũng nói vui với bọn trẻ rằng mỹ nhân ở đời này họ cũng chỉ thích “anh hùng” chứ không phải “những thằng tào lao, phương tiện, hình thức”.
Phải chọn đúng sách
Giữa lúc trò chuyện, ông Vũ nhờ người lấy xuống quyển sách và say sưa chỉ về những tâm huyết được ông chắt lọc từ hàng trăm đầu sách.
“Qua có hết từng bước đi, tất cả mọi thứ… Qua chuẩn bị đủ loại, tìm và hệ thống lại cho các em, rút ngắn vô lượng kiến thức của nhân loại để mấy đứa nhỏ có thể phục vụ Trung Nguyên hoặc cho bất kỳ ai. Kế hoạch khởi nghiệp thậm chí chỉ mô tả trong một trang giấy”, người được mệnh danh “Vua cà phê” Việt nói.
Ông chỉ ra thực tế nhiều người ra nhà sách không biết chọn loại sách nào bởi không có cái nền tảng và không có định hướng. Ông nói phải chọn sách cho đúng.
“Ở trong căn nhà, khôn ngoan nhất là đầu tư vào cái gì? Đó là tủ sách. Chính cái giàu có này sẽ sinh ra giàu có khác. Mà phải chọn đúng sách nữa chứ không phải sách nào cũng được. Nhiều sách làm mình đi lộn, đi sai. Nó không phải là nền tảng”, ông tiếp lời.
Càng về cuối buổi trò chuyện, ông Vũ nhắn gửi các phóng viên khi nào rảnh lên núi thăm ông, nhưng rồi chính ông cũng băn khoăn: “Phải ngộ mới lên núi được. Không ngộ không sống được vì sống một mình khó lắm”.
“Khi mình thấy, biết nhiều thường là buồn. Hôm nay qua nói qua vui nhiều vì ít có dịp để mà nói. Ngồi một mình miết rồi suy tư đủ kiểu, nghĩ mình biết nhiều để rồi làm cái gì…”, ông Vũ trầm ngâm.
Trong số hơn chục phóng viên ngồi tại buổi gặp gỡ, có người được ông Vũ nhận “biết nhau”, “10 năm rồi mới gặp”, rồi ông nói với người đó về “chiếc điện thoại cục gạch” mà họ tặng đến bây giờ ông vẫn còn cất giữ trong một cái túi trong phòng; hay ông kể vu vơ với mọi người về hộp bánh in có người tặng ông nhiều năm về trước, bây giờ vẫn còn trong nhà vì “quý cái tình của họ”.
Người viết từng gặp ông Vũ xuyên suốt những ngày diễn ra phiên tòa ly hôn vào tháng 3. Người đàn ông này vẫn vậy, vẫn bộ trang phục quen thuộc đó, vẫn hào hứng nói về Trung Nguyên, về “sứ mệnh” giúp người trẻ lập chí.
Gần 15h, buổi gặp gỡ kết thúc. Ông Vũ rời ghế bắt tay chào, nói với mọi người và không quên dặn dò từng người “giữ gìn sức khỏe”, “nhớ lên núi thăm qua”, “ráng ăn cho mập lên”…
Theo Zingnews
Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh ngày 10 tháng 2 năm 1971) là một doanh nhân nổi tiếng Việt Nam. Ông là nhà sáng lập, đồng thời là chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Trung Nguyên, Việt Nam. Ông là người được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là “Vua Cà phê Việt Nam”.
Theo giới doanh nhân phương Tây, tài sản cá nhân của ông có thể lên tới 100 triệu USD . Khi được Forbes vinh danh “ Vua cafe Việt “ ông cùng với chủ tịch Vinamilk Kiều Liên , là một trong số những doanh nhân Việt được Forbes ca ngợi.
Khởi nghiệp bằng con đường cà phê, ông Vũ không chỉ làm sáng thương hiệu kinh doanh của mình. Ông còn nâng tầm ý nghĩa kinh doanh, là người khai sáng triết lý cà phê Trung Nguyên hình thành đạo cà phê với Học thuyết cà phê, “cà phê triết đạo nhân sinh” thể hiện sự đóng góp của cà phê đối với nhân loại. Ông cũng là người đưa nước Việt trở thành “thánh địa cà phê” toàn cầu.
Những câu nói đáng suy ngẫm của “ông vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ
“Tiền nhiều để làm gì?“
“Những gì mà STARBUCKS đang làm dở tệ, họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”
“Không cần phi thường, chỉ cần đồng cảm. Dĩ nhiên tôi là người nghiêm khắc, nhưng tôi cũng làvngười sẵn sàng tin và dám chấp nhận trả giá”.
“Đàn ông cần nhất là mạnh mẽ, còn bao dung thì hãy để cho phụ nữ. Tốt nhất, đàn ông chỉ nên là đàn ông và phụ nữ chỉ nên là phụ nữ”
“Nếu đặt mục tiêu xoá nghèo thì cứ nghèo mãi. Còn nếu đặt mục tiêu làm giàu, thì cái nghèo tự khắc sẽ biến mất lúc nào không biết”