Không chỉ khiến cả thế giới ngưỡng mộ về sự nghiệp kinh doanh tột đỉnh thành công, “bố già Hồng Kông” Lý Gia Thành còn được tôn trọng về đạo đức, lối sống và cách đối nhân xử thế. Hãy xem ông nói gì về hai chữ “thể diện” trong kinh doanh.
Lý Gia Thành (sinh ngày 29 tháng 7 năm 1928) là tỷ phú, nhà đầu tư, nhà tư bản công nghiệp, nhà từ thiện Hồng Kông. Ông được mệnh danh là “Superman” ở Hồng Kông (Trung Quốc) nhờ sự thông minh và thành đạt của mình. Ở tuổi 92, ông đang sở hữu khối tài sản hơn 29,4 tỷ USD, từng là người giàu nhất Châu Á và hiện là một trong số những người giàu nhất Hồng Kông hiện tại.
Tỷ phú Lý Gia Thành là nhà sáng lập và từng giữ chức Chủ tịch HĐQT của Cheung Kong Holdings – tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Hong Kong. Quy mô của tập đoàn này lên đến hơn 300 nghìn nhân viên, làm việc tại 52 quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để đạt được thành công như ngày hôm nay ông đã phải trải qua một tuổi thơ đầy cơ cực.
Ông được tạp chí Asiaweek bình chọn là người đàn ông quyền lực nhất Châu Á năm 2001. Tạp chí Forbes tôn vinh Lý Gia Thành với giải thưởng “thành tựu trọn đời” ngày 5 tháng 9 năm 2006 tại Singapore.
Nói về thể diện, tỷ phú của các tỷ phú ở Hong Kong – Lý Gia Thành đã có những quan điểm giàu tính triết lý như sau:
Khi bạn bỏ qua thể diện để kiểm tiền, điều đó cho thấy bạn đã hiểu biết.
Khi bạn dùng tiền để lấy lại thể diện, điều đó cho thấy bạn đã thành công.
Khi bạn có thể dùng thể diện của mình để kiếm tiền, điều đó cho thấy bạn đã là một nhân vật tầm cỡ.
Khi bạn còn ở đó uống rượu, bốc phét, chẳng hiểu biết gì nhưng cố tỏ ra vẻ hiểu biết, chỉ yêu cái gọi là thể diện, điều đó cho thấy kiếp này của bạn chỉ có vậy.
Nếu bạn quan sát 1 lượt, 2 lượt rồi 3 lượt nhưng vẫn chưa hiểu, vậy hãy quan sát thêm vài lượt nữa, tôi tin rằng bạn nhất định sẽ có thu hoạch về cho bản thân!
Dành tặng tất cả những người có lý tưởng phấn đấu:
Có 2 mẩu chuyện ngắn mang tiêu đề lần lượt là “Thay đổi” và “Lên đường”, có thể xem là những món quà giản dị mà quý giá cho những người muốn “cựa quậy” để thay đổi cuộc đời và vận mệnh của bản thân.
Câu chuyện thứ nhất: Thay đổi
Một con khỉ rất muốn trở thành người. Nó cũng biết rằng muốn trở thành người, nó phải chặt đứt hoàn toàn cái đuôi của mình. Con khỉ chấp nhận điều đó, quyết tâm chặt đứt một bộ phận trên cơ thể. Thế nhưng trước khi hành động, nó bị 3 việc dưới đây cản trở:
1. Khi chặt đứt đuôi liệu mình có bị đau không? (Thay đổi nhất định sẽ phải trải qua đau đớn).
2. Sau khi chặt đứt đuôi, liệu có thể vẫn duy trì được tính linh hoạt? (Thay đổi nhất định sẽ phải đối mặt với mạo hiểm).
3. Sống lâu như vậy, từ trước đến giờ luôn có chiếc đuôi trên cơ thể, chiếc đuôi đã tồn tại song song với cuộc đời mình, thật không nỡ vứt bỏ. (Thay đổi về mặt tình cảm sẽ có cảm giác buồn đau).
Thế nên, cho đến tận hôm nay, khỉ vẫn chưa thể hóa kiếp thành người!
Muốn đạt được thành tựu gì đó, phải dám nỡ vứt bỏ, hy sinh một vài thứ khác. Nếu không nỡ, không dám vứt đi những thứ đã có sẵn, chúng ta khó có thể có được thứ tốt hơn!
Câu chuyện thứ 2: Lên đường
Có một hòa thượng muốn đi du học. Sư thầy hỏi: “Khi nào con đi?”
“Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.”
Sự thầy trầm ngâm một lát rồi nói: “Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.”
Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền.
Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng.
Hòa thượng hỏi: “Tại sao tín chủ lại tặng ô?”
“Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?”
Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại.
Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng: “Giày cỏ và ô đã đủ chưa?”
“Đủ rồi ạ!” – hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. “Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.”
“Vậy sao được”, sư phụ nói. “Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?”
Ngừng một lát, ông lại tiếp tục: “Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…”
Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói: “Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.”
Từ câu chuyện này, chúng ta có thể dễ dàng nhìn ra rằng: Khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng không phải là những vật ngoài thân đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa mà là ta đã đủ quyết tâm hay chưa?
Có quyết tâm, vạch rõ mục tiêu, tất cả đều không còn là vấn đề, không còn là trở ngại.
Hãy mang trái tim của mình lên đường, mục tiêu dù ở xa bao nhiêu đi chăng nữa nhưng đường ở ngay dưới chân mình, hãy cứ đi rồi sẽ đến. Bạn bước đi dù chỉ một bước, điều đó cũng có nghĩa rằng bạn đã có thu hoạch. Chỉ cần đem theo trái tim lên đường, tất cả những vật ngoài thân khác tự sẽ đủ!
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Tỷ phú Lý Gia Thành: Hãy nhớ trước khi thành công, sĩ diện của bạn không hề “đáng tiền”, đừng vì 2 chữ sĩ diện mà biến mình thành kẻ không có tiền đồ
- Câu nói kinh điển của Tỷ phú Lý Gia Thành: Đừng vì 2 chữ “sĩ diện” mà mà biến mình thành kẻ không có tiền đồ!
- Câu nói kinh điển về thể diện từ Tỷ phú Lý Gia Thành: Đừng vì 2 chữ “sĩ diện” mà mà biến mình thành kẻ không có tiền đồ!