Giáo sư kinh tế Laurence J. Kotlikoff cho rằng trong một số trường hợp việc nghỉ hưu sớm là lựa chọn tuyệt vời. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những quyết định khiến nhiều người phải hối tiếc, thậm chí là một trong những sai lầm tiền bạc lớn nhất đời.
Laurence J. Kotlikoff là một giáo sư kinh tế và tác giả của cuốn sách “Money Magic: An Economist’s Secrets to More Money, Less Risk, and a Better Life” (Tạm dịch: Phép thuật đồng tiền: Bí mật để có được nhiều tiền hơn, ít rủi ro hơn và có cuộc sống tốt đẹp hơn của một nhà kinh tế học).
Ông đã nhận bằng Tiến sĩ về Kinh tế của Đại học Harvard năm 1977. Các bài viết của Laurence J. Kotlikoff xuất hiện trên The New York Times, WSJ, Bloomberg và The Financial Times. Năm 2014, The Economist đã vinh danh ông là một trong 25 nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất thế giới.
Theo J. Kotlikoff, với hầu hết người Mỹ, nghỉ hưu sớm không chỉ là một quyết định để có kỳ nghỉ dài nhất trong đời. Đó còn là một trong những sai lầm tiền bạc lớn nhất mà họ sẽ hối tiếc.
Lý do rất đơn giản: Phần lớn chúng ta không giỏi tiết kiệm, vì vậy việc nghỉ hưu sớm có thể khiến bạn gặp khó khăn trong việc trang trải cuộc sống. Về mặt tài chính, nghỉ hưu muộn thường sẽ an toàn và khôn ngoan hơn nhiều.
Dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Hưu trí của Boston College, J. Kotlikoff cho biết một nửa số gia đình đang đi làm ngày nay có nguy cơ bị sụt giảm mức sống lớn khi nghỉ hưu. Tỷ lệ này sẽ giảm khoảng 50% nếu họ nghỉ hưu muộn hơn 2 năm.
“Tất nhiên, có những trường hợp nghỉ hưu sớm là một lựa chọn tuyệt vời. Một số người đã lên kế hoạch cẩn thận và có khả năng tài chính để lo cho cuộc sống. Một số người không có lựa chọn khi họ đã kiệt sức về mặt thể chất hoặc tinh thần. Những người khác nhận thấy công việc của họ đã được tự động hóa bằng máy móc hoặc thuê ngoài”, nhà kinh tế học chia sẻ.
Tuy nhiên, J. Kotlikoff nói rằng gần 2/3 số người trong độ tuổi từ 57-66 vẫn lựa chọn nghỉ hưu sớm theo mong muốn của bản thân, mặc dù chẳng tiết kiệm được gì. Và hầu hết họ đều khỏe mạnh, không có khuyết tật gì ngăn cản họ tiếp tục công việc.
J. Kotlikoff lấy dẫn chứng về thế hệ “Baby boomer” (những cá nhân sinh từ năm 1946 đến 1964, trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh của thế giới sau Thế chiến II). Gần một nửa thế hệ này ở Mỹ đang nghỉ hưu có rất ít tiền tiết kiệm.
“Tài sản trung bình của họ chỉ là 144.000 USD – chưa bằng ba năm chi tiêu trung bình của hộ gia đình. Nếu họ có một khoản lương hưu đáng kể, mọi thứ sẽ tốt hơn. Nhưng sự thật là họ không có”, ông nói.
Quyền lợi trung bình của An sinh xã hội là 18.000 USD mỗi năm, thậm chí cao hơn nhiều. Tuy nhiên, 94% người về hưu nhận trợ cấp hưu trí An sinh xã hội trước khi quyền lợi của nó đạt mức cao nhất, ở tuổi 70.
Theo J. Kotlikoff, khoảng 85% nên đợi đến năm 70 mới nhận trợ cấp hưu trí. Phúc lợi hưu trí ở độ tuổi 70 cao hơn 76% so với tuổi 62 (đã được điều chỉnh theo lạm phát).
Tuổi thọ là thứ thường được dùng để lên kế hoạch nghỉ hưu của một người. Tuy nhiên không ai có thể biết chính xác thời điểm mà mình sẽ “ra đi”. Theo một thống kê, một nửa số người 50 tuổi sẽ sống ngoài 80 tuổi trong khi 1/4 sẽ sống đến 90 tuổi. Vì vậy, một trong những cách đơn giản nhất để không rơi vào tình cảnh thiếu hụt tài chính trầm trọng khi nghỉ hưu sớm là tiếp tục làm việc thêm vài năm.
Về phần mình, J. Kotlikoff cho biết ông vừa bước sang tuổi 71. Tiến sĩ Harvard này vẫn tiếp tục nghiên cứu, viết sách báo và giảng dạy. “Kế hoạch hiện tại của tôi là ‘chết trên yên ngựa’. Công việc của tôi quá quý giá để có thể từ bỏ, về cả mặt tài chính, trí tuệ và tâm lý”, ông nói.
Theo NDH/CNBC