Theo dự báo của HSBC, Singapore sẽ có tỷ lệ triệu phú USD trên tổng dân số vượt Mỹ vào năm 2030.
Trang tin Bloomberg trích dẫn báo cáo của ngân hàng HSBC cho biết trong 8 năm tới, tỷ lệ triệu phú USD trên tổng dân số ở Singapore sẽ vượt qua Mỹ, Trung Quốc hay bất kỳ nền kinh tế nào khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo dữ liệu của HSBC, vào năm 2021, 7,5% dân số trưởng thành của nước này đã sở hữu tài sản từ một triệu USD trở lên. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên 9,8% vào năm 2025 và chạm mốc 13,4% vào năm 2030.
Tỷ lệ triệu phú vượt Mỹ
Nếu đúng theo dự báo của HSBC, Singapore sẽ trở thành quốc gia có tỷ lệ triệu phú cao nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2030. Trước đó, quốc gia này đứng thứ 2, ngay sau Australia với tỷ lệ triệu phú trên dân số là 12,5%.
HSBC cũng dự báo Australia, Hong Kong và Đài Loan sẽ là 3 cái tên tiếp theo ngay sau Singapore. Tính đến năm 2030, cả 4 nền kinh tế trên đều sẽ vượt Mỹ về tỷ lệ triệu phú trên dân số.
Theo báo cáo, vào năm 2030, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ cũng sẽ có số lượng người trưởng thành sở hữu khối tài sản ít nhất 250.000 USD tăng gấp đôi so với hiện tại. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở các nước này.
Theo HSBC, số lượng triệu phú ở châu Á sẽ tiếp tục tăng đến năm 2035 với tỷ lệ dự kiến là 17% đối với Singapore, 15,1% đối với Australia và 14,6% đối với Hong Kong.
Tuy nhiên, về mặt tuyệt đối, những quốc gia có dân số đông như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng triệu phú trong khu vực.
Số người trưởng thành có tài sản ít nhất một triệu USD ở Trung Quốc là 17,1 triệu người trong năm 2021. HSBC cho biết con số đó sẽ tăng lên 50,4 triệu vào năm 2030. Con số này ở Ấn Độ sẽ vào khoảng hơn 6 triệu người trong năm 2030.
Kinh tế Châu Á phát triển mạnh
Theo phân tích của HSBC, nguồn lực tài chính ở châu Á đã bắt đầu vượt Mỹ sau năm 2008. Đây là thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra và là thảm họa kinh tế tồi tệ nhất giáng xuống nước Mỹ kể từ sau cuộc Đại suy thoái.
Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn lực tài chính của châu Á đã đạt 140 nghìn tỷ USD, cao hơn hẳn 120 nghìn tỷ USD ở Mỹ.
Ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC cho biết: “Báo cáo về sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế châu Á đã chứng minh rằng các nguồn lực xã hội là rất hiệu quả trong việc giúp hàng triệu người thoát nghèo”.
Theo ông Neumann, lượng tiền tiết kiệm ngày càng nhiều trong khu vực châu Á đã chứng minh khả năng phục hồi mạnh mẽ trước những biến động của thị trường tài chính toàn cầu.
“Xét cho cùng, khu vực này hầu như không thiếu vốn, ngay cả khi nguồn vốn đó được phân bổ không đồng đều, cả giữa và trong các nền kinh tế”, ông chia sẻ.
Trước đó, Nhật Bản chiếm hơn một nửa tài sản trong khu vực trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng đến năm 2021, tỷ lệ tài sản của Trung Quốc đã tăng lên 46%.
Tuy nhiên, ngoại trừ Nhật Bản, sự giàu có về tài chính của châu Á vẫn thấp hơn của Mỹ vào khoảng 100 nghìn tỷ USD.
Chính vì vậy, ông Neumann cho rằng kể cả không tính Nhật Bản, “với xu hướng tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người hiện nay, tổng tài sản ở châu Á vẫn có thể vượt qua Mỹ vào năm 2025”.
Ông nói thêm, số lượng triệu phú ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, dự kiến tăng từ khoảng 30 triệu người hiện nay lên hơn 76 triệu người vào cuối thập kỷ này.
Theo Zingnews
>> Xem thêm: Những bí kíp kinh doanh làm giàu của người Singapore, tạo nên một nửa dân số trở thành nhóm người giàu nhất thế giới
Xem thêm bài liên quan
- Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền: Không nợ thì làm sao mà giàu, người nợ càng nhiều càng uy tín!
- Shark Phú tâm niệm: “Giàu thật ít ai để của cải ra ngoài, mấy ông không có gì mới khoe đi Rolls-Royce này kia”
- 7 tư duy bí mật của tầng lớp thượng lưu quyết định đến túi tiền “Đầy hay Vơi”: Ai muốn thoát nghèo đều nên học!