Bị hỏi xoáy “doanh nhân giàu quá là cướp mất phần của người khác như vậy có trái với tinh thần Từ Bi của Đạo Phật”, Shark Việt đã có lời đối đáp gãy gọn.
Xuất hiện 2 mùa tại chương trình Shark Tank Việt Nam, Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom) gây ấn tượng bởi khả năng hoạt ngôn cũng như những phát biểu đầy triết lý.
Ông Nguyễn Thanh Việt sinh năm 1963 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thuỷ lợi, ông Việt dành 16 năm để công tác tại công ty Sông Đà, nắm giữ các chức vụ lãnh đạo từ giám đốc xí nghiệp, đến phó giám đốc rồi giám đốc công ty.
Năm 2002, ông Việt thành lập công ty Đầu tư hạ tầng và Giao thông (Intracom), kinh doanh theo hướng đa ngành, từ xây dựng, thủy điện, bất động sản đến y tế,…
Điểm đặc biệt trong phương thức hoạt động của Intracom chính là văn hóa “Từ bi – Trí tuệ” xây dựng trên nền tảng Phật giáo và shark Việt cũng là một Phật tử.

Bên cạnh việc kinh doanh, shark Việt cũng có những buổi gặp gỡ trao đổi cùng các doanh nhân khác về ứng dụng Phật pháp trong kinh doanh. Cụ thể trong một buổi Tọa đàm tại một thiền viện, doanh nhân này nhận được khá nhiều câu hỏi hóc búa.
“Đạo Phật đưa ra triết lý Từ Bi nhưng thương trường là chiến trường. Ở đâu đấy có triết gia nói vật chất không tự sinh ra không tự mất đi mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Tổng hòa tất cả các yếu tố trên thì với một doanh nhân quá thành công và máu lửa, sát phạt cho mình tài lộc nhiều hơn thì phải chăng lấy đi phần còn lại của người khác? Điều đấy có phải mâu thuẫn với triết lý nhà Phật không?“, một vị doanh nhân trẻ đặt câu hỏi cho shark Việt.
Trả lời câu hỏi này, dù câu ‘Thương trường là chiến trường’ khá phổ biến nhưng shark Việt cho rằng chiến trường hay không là do Tâm mình quyết định.
“Thực ra không thiếu gì các vị tướng không cần đánh địch đã tự lui. Không thiếu gì các vị tướng bắt được địch lại đi thả về bởi vì ai cũng có đường hiếu sinh. Cho nên người giỏi nhất là người đi đánh giặc mà không cần cung tên. Và nếu đã là doanh nhân thì trên thị trường gọi là marketing đời mới gọi là hãy tìm bản sắc của riêng mình chứ đừng biến kinh doanh thành chiến trường“, ông đưa ra lời khuyên.

Về quan điểm gây dựng nên sự nghiệp, sở hữu nhiều tài lộc, chủ tịch Intracom cho biết:
“Thực ra Nhân quả dạy cho chúng ta tính bình đẳng. Không phải cái gì chúng ta có ngày hôm nay ngày mai sẽ vẫn còn mãi. Và cái mà chúng ta gọi là gặt hái ngày hôm nay nếu ta không có ân đức thì sẽ đi ra khỏi cửa công ty chúng ta ngày mai ngày kia. Cho nên đừng vui khi mình thắng và đừng buồn khi mình thua vì thắng thua là chuyện thường. Còn việc mình giữ được hay không là do nhân quả của chính mình. Và vì vậy mình hãy tin vào nếu ta xây dựng được quan điểm bình đẳng trong mọi vấn đề kể cả trong nhân quả. Nếu chúng ta có rồi nhưng cái gì của Ceasar thì phải trả về cho Ceasar. Cái được hôm nay có khi mình càng giữ càng mất.
Và hiệu quả kinh tế này là phúc báu của chúng ta thì chắc chắn nó sẽ ở lại. Nếu nguyên lý Phật giáo thì tài sản nên được xử lý như thế nào? Phật dạy chia làm 3 phần: Một phần để tái sản xuất, một phần để cho người làm, một phần để cúng dường. Khi mình làm như thế thì mình sẽ giữ được sự nghiệp mình bền vững.
Bình đẳng là gì? Ngày hôm nay một người nào đấy giàu hơn mình, người ta quyền uy hơn mình thì mình và họ cũng chỉ bình đẳng thôi. Bởi vì họ đang gặt quả tốt, mình đang gặt quả xấu. Còn ngày hôm nay mình thắng lợi thì cũng chả vinh dự hơn gì người khác chẳng qua vì mình đang được quả tốt chứ chưa phải mình không gặt quả xấu.
Và nếu có hai đống rạ, một đống rạ quả tốt, một đống rạ quả xấu thì ta nên dùng đống rạ quả xấu trước thì vẫn còn đống rạ quả tốt. Vì nếu ta đã dùng quả tốt rồi chắc gì ngày mai còn quả tốt nữa. Cho nên hãy bình thường khi thắng lợi, hãy đừng buồn khi thất bại.
Tôi cho rằng của cải của một doanh nghiệp nào đấy nếu có vào doanh nghiệp của mình việc giữ bền vững hay không là do ân phúc của mình, do những nhân mình đã gieo từ trước. Đầy đủ nhân duyên thì của cải đến với theo cách nào đấy để mình san sẻ, chứ đừng vui quá hoặc cũng đừng buồn quá.”
Theo Trí thức trẻ
Những câu nói hay của Shark Việt – Nguyễn Thanh Việt
1. Làm gì thì phải làm đến cùng.
2. Không mạo hiểm thì không có hiệu quả.
3. Đầu tư là phải lách qua khe cửa hẹp để đi đến thị trường lớn.
4. Thực ra văn hóa doanh nghiệp chính là văn hóa người lãnh đạo. Cách tốt nhất để thay đổi văn hóa doanh nghiệp là thay lãnh đạo.
5. Chúng ta thường thích làm tướng khi còn chưa làm quân. Phải lăn lộn đã, đi làm bầm dập đã, khi nào trên người đủ thương tích rồi hãy làm chủ.

6. Cao La làm đại tướng năm 18 tuổi, Lã Vọng 81 tuổi vẫn câu cá trên sông Vị. Tuổi khởi nghiệp từ 18 đến 81 tuổi là đẹp nhất.
7. Con người là trung tâm. Chúng ta có dự án tốt, có thị trường tốt, có thiết bị tốt, tài chính tốt nhưng không có con người thì vứt đi hết.
8. Hãy khởi nghiệp những gì là sở trường của mình, đừng có tham to. Thuyền to thì sóng lớn, startup chưa gì đã đòi là Phù Đổng Thiên Vương, không nên như thế.
9. Non sông dễ đổi, bản tính khó dời. Con người ta ai cũng lấy cái “tôi” làm chính cho nên lãnh đạo giỏi phải là người làm cho mọi người vứt cái tôi ra bên cạnh.
10. Đã là kinh doanh, lớn nhỏ không quan trọng, quan trọng nhất có hiệu quả hay không và bao giờ thì tiền về.

11. Người giúp việc hôm nay, có thể trở thành đối thủ ngày mai.
12. Cái mình mất thì mình cứ nghĩ là to, cái mình được thì không bao giờ nhìn thấy.
13. Bí quyết tôi đầu tư vào startup: Chữ tín là số 1, nếu không có chữ tín thì không làm với ai được.
14. Tôi góp với start up nào 51% là tôi muốn đi với các bạn đến cùng. Sau khi các bạn thành công rồi, chúng ta sẽ chia tay nhau trong vui vẻ.
15. Tiền không phải tất cả của doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh mới là quan trọng.

16. Chúng ta mãi cãi nhau xem ai đúng, ai sai, truyền thống hay là tân cách thì người ta đã chiếm thế giới rồi.
17. Ta đòi hỏi những cái tiến bộ tại sao ta không chấp nhận những cái tiến bộ.
18. Một nghề cho chính còn hơn chín mười nghề, mà đã làm cái gì thì phải làm đến cùng.
19. Nhiều người nghĩ vốn là quan trọng nhưng quyết định và không bỏ lỡ cơ hội tại thời điểm mấu chốt là rất quan trọng.
20. Shark có đầu tư thì shark cũng không phải là ông chủ, chỉ là người đầu tư thôi, bản thân bạn cũng không phải ông chủ, người chủ là người trả tiền để mua sản phẩm của mình.

Khi bắt đầu một chiến lược kinh doanh nào đó, việc học hỏi và đề ra kế hoạch rất quan trọng và những quan điểm kinh doanh tích lũy từ thực tiễn cuộc sống của Shark Việt sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn cho kế hoạch của mình!
>> Xem thêm: Shark Việt: Đạo Phật giúp tôi thấu hiểu cuộc sống và thành công trong công việc
Xem thêm bài liên quan
- “Doanh nhân giàu quá là cướp mất phần của người khác, như vậy có trái với tinh thần từ bị của đạo phật?” – Shark Việt đối đáp
- Shark Việt: Doanh nhân chân chính không phải để lại cho đời bao nhiêu tiền, mà là giá trị nhân văn
- Shark Việt: “Doanh nhân để lại cho đời không phải bao nhiêu tiền, mà là giá trị nhân văn”