Bị hỏi xoáy “doanh nhân giàu quá là cướp mất phần của người khác như vậy có trái với tinh thần Từ Bi của Đạo Phật”, Shark Việt đã đối đáp gãy gọn ra sao?
Xuất hiện 2 mùa tại chương trình Shark Tank Việt Nam, Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom) gây ấn tượng bởi khả năng hoạt ngôn cũng như những phát biểu đầy triết lý.
Ông Nguyễn Thanh Việt sinh năm 1963 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thuỷ lợi, ông Việt dành 16 năm để công tác tại công ty Sông Đà, nắm giữ các chức vụ lãnh đạo từ giám đốc xí nghiệp, đến phó giám đốc rồi giám đốc công ty.
Năm 2002, ông Việt thành lập công ty Đầu tư hạ tầng và Giao thông (Intracom), kinh doanh theo hướng đa ngành, từ xây dựng, thủy điện, bất động sản đến y tế,…Điểm đặc biệt trong phương thức hoạt động của Intracom chính là văn hóa “Từ bi – Trí tuệ” xây dựng trên nền tảng Phật giáo và shark Việt cũng là một Phật tử.
Bên cạnh việc kinh doanh, shark Việt cũng có những buổi gặp gỡ trao đổi cùng các doanh nhân khác về ứng dụng Phật pháp trong kinh doanh. Cụ thể trong một buổi Tọa đàm tại một thiền viện, doanh nhân này nhận được khá nhiều câu hỏi hóc búa.
“Đạo Phật đưa ra triết lý Từ Bi nhưng thương trường là chiến trường. Ở đâu đấy có triết gia nói vật chất không tự sinh ra không tự mất đi mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Tổng hòa tất cả các yếu tố trên thì với một doanh nhân quá thành công và máu lửa, sát phạt cho mình tài lộc nhiều hơn thì phải chăng lấy đi phần còn lại của người khác? Điều đấy có phải mâu thuẫn với triết lý nhà Phật không?“, một vị doanh nhân trẻ đặt câu hỏi cho shark Việt.
Trả lời câu hỏi này, dù câu ‘Thương trường là chiến trường’ khá phổ biến nhưng shark Việt cho rằng chiến trường hay không là do Tâm mình quyết định.
“Thực ra không thiếu gì các vị tướng không cần đánh địch đã tự lui. Không thiếu gì các vị tướng bắt được địch lại đi thả về bởi vì ai cũng có đường hiếu sinh. Cho nên người giỏi nhất là người đi đánh giặc mà không cần cung tên. Và nếu đã là doanh nhân thì trên thị trường gọi là marketing đời mới gọi là hãy tìm bản sắc của riêng mình chứ đừng biến kinh doanh thành chiến trường“, ông đưa ra lời khuyên.
Về quan điểm gây dựng nên sự nghiệp, sở hữu nhiều tài lộc, chủ tịch Intracom cho biết:
“Thực ra Nhân quả dạy cho chúng ta tính bình đẳng. Không phải cái gì chúng ta có ngày hôm nay ngày mai sẽ vẫn còn mãi. Và cái mà chúng ta gọi là gặt hái ngày hôm nay nếu ta không có ân đức thì sẽ đi ra khỏi cửa công ty chúng ta ngày mai ngày kia. Cho nên đừng vui khi mình thắng và đừng buồn khi mình thua vì thắng thua là chuyện thường. Còn việc mình giữ được hay không là do nhân quả của chính mình. Và vì vậy mình hãy tin vào nếu ta xây dựng được quan điểm bình đẳng trong mọi vấn đề kể cả trong nhân quả. Nếu chúng ta có rồi nhưng cái gì của Ceasar thì phải trả về cho Ceasar. Cái được hôm nay có khi mình càng giữ càng mất.
Và hiệu quả kinh tế này là phúc báu của chúng ta thì chắc chắn nó sẽ ở lại. Nếu nguyên lý Phật giáo thì tài sản nên được xử lý như thế nào? Phật dạy chia làm 3 phần: Một phần để tái sản xuất, một phần để cho người làm, một phần để cúng dường. Khi mình làm như thế thì mình sẽ giữ được sự nghiệp mình bền vững.
Bình đẳng là gì? Ngày hôm nay một người nào đấy giàu hơn mình, người ta quyền uy hơn mình thì mình và họ cũng chỉ bình đẳng thôi. Bởi vì họ đang gặt quả tốt, mình đang gặt quả xấu. Còn ngày hôm nay mình thắng lợi thì cũng chả vinh dự hơn gì người khác chẳng qua vì mình đang được quả tốt chứ chưa phải mình không gặt quả xấu.
Và nếu có hai đống rạ, một đống rạ quả tốt, một đống rạ quả xấu thì ta nên dùng đống rạ quả xấu trước thì vẫn còn đống rạ quả tốt. Vì nếu ta đã dùng quả tốt rồi chắc gì ngày mai còn quả tốt nữa. Cho nên hãy bình thường khi thắng lợi, hãy đừng buồn khi thất bại.
Tôi cho rằng của cải của một doanh nghiệp nào đấy nếu có vào doanh nghiệp của mình việc giữ bền vững hay không là do ân phúc của mình, do những nhân mình đã gieo từ trước. Đầy đủ nhân duyên thì của cải đến với theo cách nào đấy để mình san sẻ, chứ đừng vui quá hoặc cũng đừng buồn quá.”
Quá trình khởi nghiệp và cơ duyên giác ngộ Phật pháp
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thủy lợi, ông Nguyễn Thanh Việt đã về công tác tại Tổng công ty Sông Đà. Khi ấy, ông còn là chàng trai 22 tuổi đầy nhiệt huyết. Sau đó, ông tham gia công trình xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Với ông đây là quãng thời gian gian khổ nhưng đem lại những trải nghiệm và kinh nghiệm quý báu.
Chia sẻ trong chương trình, ông cho biết những kinh nghiệm mà ông học được tại đây chính là những kiến thức cốt lõi giúp ông đi đến được thành công. Khoảng thời gian này cũng là khoảng thời gian giúp ông cảm nhận rõ nhất về “tình người”. Đó là tình người giữa người lao động với người lao động, giữa người chỉ huy với người lao động.
Kết thúc công việc tại thủy điện Hòa Bình, shark Việt tiếp tục làm việc tại công trình thủy điện Yaly trong 2 năm. Khi ra Hà Nội tiếp tục học tập và công tác năm 1992, ông đã được gặp những người trong thế hệ đi trước và học được rất nhiều điều. Đây cũng chính là cơ duyên giúp ông biết đến Phật pháp.
Tuy nhiên, khoảng thời gian đầu này vẫn còn nhiều khó khăn khi ông bước đầu tiếp xúc với đạo Phật. Ông vẫn còn những sự nghi ngờ, chưa thấu hiểu hết những triết lý đạo Phật.
Theo ông chia sẻ: “Trong vòng 10 năm từ năm 1995-2005, tôi đọc nhiều nhưng sự hiểu biết thì không đến đâu.” Từ năm 2005, với sự giúp đỡ của các quý thầy và tìm hiểu kỹ càng, ông đã hiểu và giác ngộ ra chân lý, đối với Shark Việt, việc đến chậm với Phật pháp chính là điều tiếc nuối nhất trong đời.
“Việc tự giác là quan trọng nhất trong đạo Phật”
Shark Việt nói rằng ông luôn đặt ra câu hỏi: “tại sao mình được sinh ra?”, “mục tiêu sống của mình là gì?”. Ông cho rằng những câu hỏi này chính là sự khơi gợi khát khao để cho người trẻ có được sự nhiệt huyết trong quá trình xây dựng sự nghiệp riêng cho mình.
Ban đầu, ông vẫn cho rằng con người vẫn cần coi trọng cuộc sống cá nhân và trách nhiệm với gia đình. Vậy việc đến với Phật pháp là đúng hay sai? Tuy nhiên, sau khi được giải thích ông nhận ra rằng: “Phật giáo là tự giác, tự mình giác ngộ. Việc tự giác là quan trọng nhất trong đạo Phật và sau khi mình đã tự giác được rồi thì mình hãy giác ngộ những người xung quanh”.
Tự giác theo đạo phật chính là việc mình tự ý thức được lời nói hay hành động của mình là hướng thiện hay ác. Nếu bạn nói một điều thì chỉ có chính bạn mới biết được bạn nói điều đó là thật hay dối trá.
Chúng ta trong xã hội hiện đại luôn bị cuốn theo những thứ mà chúng ta cho là cần thiết, quan trọng, theo đuổi những tiêu chuẩn mà ta tự đặt ra trong cuộc sống. Con người bị cuốn theo vòng xoáy của công việc, gia đình và cuộc sống riêng.
Đối với ông Nguyễn Thanh Việt, tâm linh và tôn giáo chính là những thứ giúp ta vượt qua được hết những khó khăn trong cuộc sống.
Ông đã giác ngộ được: “Ung dung trong ràng buộc, tự tại trong đau khổ chính là suy nghĩ của người ngộ đạo. Người khác thấy khổ mà mình không thấy khổ, người khác thấy không vui mà mình thấy vui mới là thấm nhuần tư tưởng bát nhã, mình mới sống được với những khó khăn của cuộc sống. Đạo Phật là thứ tinh túy quý giá hơn cả của cải vật chất mà ta xem là đáng mơ ước trong cuộc sống”.
Trước đây, ông Nguyễn Thanh Việt cũng là một người của công việc, mong muốn thể hiện bản thân và quyết tâm đạt được mục tiêu đã đặt ra. Thậm chí, ông cảm thấy đau khổ khi không đạt được mục đích và không hài lòng với bản thân.
Tuy nhiên, khi giác ngộ Phật pháp ông nhận thấy chỉ cần cố gắng làm tốt, suy nghĩ tỉnh táo còn việc có thành công hay không lại không dựa vào bản thân mình.
Không chỉ giữ riêng lý thuyết Phật pháp cho riêng mình, ông còn áp dụng vào cả văn hóa của Intracom để xây dựng những giá trị cốt lõi riêng biệt. Ông lan tỏa cho mọi người suy nghĩ phật tại tâm và mọi người đều phải biết mục tiêu cuối cùng của mình là gì. Tại Intracom, con đường kinh doanh và con đường của mỗi người là con đường gột bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi của mình.
Theo ông, công ty là sự phối hợp của nhiều người và tất cả mỏi người đều cùng phải nhìn về một hướng. Con đường chúng ta cùng đi là con đường bỏ cái tự thân thì công ty mới lớn mạnh được. Mọi người cần bỏ qua những khuyết điểm và nhìn vào những ưu điểm thì mới đạt được mục tiêu chung. Và để làm được điều này thì mỗi người đều cần tự mình giác ngộ được triết lý Phật pháp.
Ngoài ra, ông cũng luôn áp dụng lý thuyết lục hòa trong đạo Phật để quản lý công ty: Sống cùng nhau, tranh luận nhưng không tranh cãi, các ý nghĩ đều hòa thuận, cùng chia sẻ khó khăn, cùng nhau giúp đỡ, thưởng theo sức đóng góp.
Với doanh nhân, đây chính là phương pháp hiệu quả để quản lý công ty. Ông Việt cho rằng việc khen thưởng cấp dưới, nói lời dễ nghe, thấu cảm và cùng chia sẻ là những yếu tố mà người lãnh đạo cần có để có thể xây dựng một doanh nghiệp lâu bền.
Phật pháp là những gì quý giá hơn cả vàng và kim cương nhưng cũng dễ làm giả. Lý thuyết và triết lý của đạo Phật rất hay cho nên nhiều người muốn lợi dụng để chuộc lợi. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của đạo Phật không phải là của cải vật chất mà là giá trị tinh thần trong nhận thức của mỗi người.
Một triết lý của đạo Phật đều ứng dụng trong mọi khía cạnh của cuộc sống
“Chúng ta phải tập cách quên mình đi, để hướng tới lợi ích xây dựng xã hội cộng đồng giúp đỡ những người xung quanh. Kinh doanh không chỉ là tạo ra những giá trị vật chất mà quan trọng chính là ý nghĩa mà nó đóng góp cho xã hội cộng đồng”, đó chính là phương châm sống và kinh doanh của doanh nhân Nguyễn Thanh Việt.
Ông cũng nói rằng trước khi làm tốt cho những người xung quanh thì chúng ta phải hiểu bản thân, biết yêu thương chính bản thân mình. Tuy nhiên, yêu mình quá đáng lại có ý nghĩa hoàn toàn cũng khác.
Đối với ông, mọi lý thuyết của đạo Phật đều có ý nghĩa đối với cuộc sống. Những việc ta làm, cách cư xử, đối xử với xã hội đều là lý thuyết của đạo phật.
Là doanh nhân từ tay trắng đi lên, vất vả, bầm giập để tạo dựng được một thương hiệu Intracom vững mạnh, ông Nguyễn Thanh Việt thấu hiểu những khó khăn của người trẻ khởi nghiệp.
Để lựa chọn một doanh nghiệp trẻ cần giúp đỡ, ông luôn nhìn vào cách mà họ cùng nhau làm việc, hiệu quả và mục đích hướng tới của doanh nghiệp. Ông luôn ưu tiên những doanh nghiệp hướng tới mục đích vì xã hội, vì con người và cộng đồng.
Là một người theo đạo Phật, ông Việt cho hay luôn sống và làm việc theo triết lý của Phật giáo “Từ bi – Vị tha – Trí tuệ”. Trong chiến lược phát triển, Intracom và Phương Đông luôn nêu cao tinh thần doanh nghiệp vì cộng đồng: tích cực giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách; hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó và người dân tại các vùng dự án, tổ chức thăm khám, chăm sóc sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho cộng đồng…
Ở tuổi 55, ông vẫn luôn trăn trở sứ mệnh phục vụ và sự đóng góp của mình cho xã hội. Ông cũng lan tỏa tinh thần lạc quan và hướng Phật của mình đến với mọi người: “Nếu chưa biết đến đạo Phật thì đang lãng phí cuộc đời của chính mình. Còn khi biết mà không ứng dụng thì cả đời không bao giờ thành công”.
Theo Trí thức trẻ, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Shark Việt đối đáp câu hỏi: “Doanh nhân giàu quá là cướp mất phần của người khác, như vậy có trái với tinh thần từ bị của đạo phật?”
- Shark Việt: Doanh nhân chân chính không phải để lại cho đời bao nhiêu tiền, mà là giá trị nhân văn
- Shark Việt: “Doanh nhân để lại cho đời không phải bao nhiêu tiền, mà là giá trị nhân văn”