Một câu hỏi mà nhà sáng lập Apple Steve Jobs tự hỏi mình mỗi ngày: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời thì mình có muốn làm những việc mình sẽ làm hay không?”
“If today were the last day of my life, would I want to do what I am about to do today?”.
Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời thì mình có muốn làm những việc mình sẽ làm hay không?
Steve Jobs nói với các sinh viên của đại học Stanford trong 1 bài nói rất nổi tiếng rằng đó là câu hỏi mà mỗi ngày ông đều đứng trước gương và tự hỏi mình. Ông cũng nói thêm: Nếu câu trả lời là “không” trong nhiều ngày thì tôi biết rằng mình cần phải thay đổi điều gì đó.
Steve Jobs đã sống đúng với những gì mình nói. Ở Apple, sau đó là NeXT, Pixar và rồi lại là Apple, câu trả lời của ông hầu hết đều là “có”. Ông đã dành 2 năm cuối đời mình tiếp tục làm việc tại Apple dù phải chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy. Ông đã không ngừng làm việc cho tới tận khi mất.
Chúng ta cũng nên tự hỏi mình câu hỏi này. Nếu hôm nay là ngày cuối cùng, tháng cuối cùng hay năm cuối cùng của cuộc đời, liệu bạn có tiếp tục làm những điều mình sẽ làm hay không? Bạn có muốn sống cuộc sống hiện tại của mình hay không? Nếu câu trả lời là không, có phải điều gì đó cần thay đổi hay không và phải thay đổi thế nào?
Đó không phải những câu hỏi dễ trả lời nhưng tự hỏi mình sẽ giúp đưa bạn gần hơn tới sự nghiệp mà bạn mong muốn, cũng như Steve Jobs yêu công việc của mình.
Vậy nên nếu như công việc hiện tại của bạn không thể vượt qua “bài kiểm tra” của Steve Jobs, hãy thử 1 vài bước dưới đây.
1. Quyết định xem bạn có chọn sự nghiệp hiện tại hay không
Tôi đang có 1 khóa huấn luyện với chuyên gia đào tạo lãnh đạo và tác giả viết sách Wendy Capland. Quá trình thường bắt đầu với câu hỏi rất đáng suy nghĩ: Cô chọn sự nghiệp của mình hay để sự nghiệp chọn cô?
Với hầu hết chúng ta thì câu trả lời là sự kết hợp của cả hai. Nhưng hãy tự hỏi mình nếu bắt đầu từ con số 0 thì bạn có chọn sự nghiệp hiện tại hay không hay sẽ đi theo con đường hoàn toàn khác?
Nếu thế thì đó sẽ là con đường nào? Sự nghiệp gần với giấc mơ của bạn nhất có phải là thực hiện 1 thay đổi lớn, như bỏ việc hay quay trở lại trường học hay không? Hay liệu có yếu tố nào liên quan tới sự nghiệp lý tưởng đưa bạn tới công việc hiện tại?
2. Xác định xem điều gì khiến bạn sợ hãi không dám làm
Thật ngại khi có được lời khuyên sự nghiệp từ 1 món đồ trang trí nhỏ nhưng quả thực tôi đã rất bất ngờ khi cách đây vài năm, tôi trông thấy 1 món đồ nhỏ treo trước của nhà bạn tôi có viết: Bạn sẽ thử làm gì nếu biết rằng mình sẽ không thất bại?
Câu hỏi đó thực sự rất đáng để suy nghĩ. Liệu bạn có dám bơi ở English Channel? (vùng nước ngăn cách phía Nam nước Anh và phía Bắc nước Pháp, nối phía Nam của biển Bắc với phần còn lại của Thái Bình Dương). Tham gia vào 1 chương trình bay vào vũ trụ? Khởi nghiệp? Viết tiểu thuyết? Giờ hãy tưởng tượng bạn đang thực sự làm điều gì đó. Nó có khiến trái tim bạn muốn hát hay không?
Bạn có muốn tới mức đặt toàn bộ thời gian và nỗ lực của mình để làm tốt nhất hay không?
Nếu câu trả lời là có nhưng bạn vẫn đang làm những việc không khiến mình thấy hạnh phúc thì có lẽ chính nỗi sợ đang giữ chân bạn.
Chúng ta ai cũng có lúc đầu hàng nỗi sợ nhưng sự thực là khi để nỗi sợ kìm chân, chúng ta đang cản trở chính mình đạt được điều ta muốn. Bởi cũng như Steve Jobs đã biết từ khi còn trẻ, 1 ngày nào đó trong hiện tại có thể là ngày cuối cùng của bạn.
Và khi ngày đó tới, chúng ta nên nhìn lại và trông thấy 1 cuộc sống được tạo dựng bởi những quyết định mà chúng ta lựa chọn và những việc chúng ta dám làm chứ không phải tạo nên bởi những cơ hội đã bị bỏ lỡ vì bị nỗi sợ tóm chân.
3. Tưởng tượng cuộc sống lý tưởng của bạn
Có 1 câu hỏi khác trong những câu hỏi của Capland và nó thực sự là 1 câu rất tuyệt. Trong thế giới lý tưởng của bạn, bạn sống ở đâu? Bạn làm gì trong ngày? Nếu đang làm việc, công việc đó là gì và ở đâu? Tại sao công việc đó lại quan trọng? Bạn có thích nó hay không?
Phần khó khăn nhất là so sánh cuộc sống lý tưởng đó với sự nghiệp hiện tại của bạn. Nếu chúng tương đồng thì xin chúc mừng, bạn có thể thôi đọc bài này được rồi.
Nhưng với hầu hết chúng ta thì luôn có 1 khoảng cách giữa cuộc sống mà ta cho là lý tưởng và cuộc sống thực. Và chúng ta cần quyết định có sẵn sàng thay đổi để rút ngắn khoảng cách đó hay không.
Trước khi bắt đầu quá trình đó, chúng ta cần có 1 ý tưởng rõ ràng về những gì ta muốn, vì thế hãy dành thời gian nghĩ về nó và tốt hơn hết là viết ra những ý nghĩ của mình càng cụ thể càng tốt.
4. Đưa ra những bước để đi tới cuộc sống lý tưởng
Khoảng cách xa vời giữa cuộc sống hiện tại và cuộc sống lý tưởng thường là những gì níu giữ chúng ta. Cũng như các chuyến đi dài, bạn không thể nhảy 1 bước từ nơi này sang nơi khác mà cần phải xác định từng bước 1 cũng như các mục tiêu trung gian cần đạt được.
Bạn có cần phải học nhiều hơn để có được sự nghiệp mình thực sự muốn hay không? Nếu có, hãy dành thời gian tham gia lớp học. Những bước đầu tiên sẽ là xác định xem bạn muốn học ở đâu và khi nào, sau đó đăng kí vào chương trình học đó.
Nếu không chắc chắn bước đầu tiên là gì thì đó là câu hỏi mà bạn cần trả lời. Hãy tìm tới ai đó đang sống cuộc sống mà bạn mơ ước và hỏi xem liệu họ có gợi ý gì không.
Biết mình muốn đến đâu là bước quan trọng đầu tiên để đạt đến sự nghiệp mà bạn mong muốn – sự nghiệp mà bạn sẵn sàng làm tới ngày cuối cùng của cuộc đời. Biết được cần phải làm gì để tới được đó cũng rất quan trọng.
5. Đặt những bước chân đầu tiên
Giờ thì đã có việc gì đó bạn cần làm để đến gần hơn với cuộc sống lý tưởng của mình. Đó có thể là 1 việc rất nhỏ, thậm chí rất đơn giản như tìm kiếm website có các thông tin về chuyên ngành của bạn, gọi 1 cú điện thoại hay mua 1 cuốn sách.
Cho dù đó là gì, hãy thực hiện ngay hôm nay và bạn sẽ bước 1 bước để tới gần hơn với cuộc sống mà mình mong muốn.
Tác giả: Minda Zetlin
Steve Jobs tên đầy đủ là Steven Paul Jobs ( 24/02/1955 – 05/10/2011) là một nhà phát minh, nhà thiết kế và doanh nhân người Mỹ, người đồng sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Apple Inc.
Ông được ghi nhận là một trong những người tiên phong trong cuộc cách mạng vi máy tính và điện thoại di động thông minh, đóng góp không nhỏ vào sự thành công của Apple với các sản phẩm như iPhone, iPod, iPad, macbook.
Xem thêm bài liên quan
- Steve Jobs: Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời bạn, liệu bạn có làm những điều đang định làm hay không?
- Quy luật trí não – “Tư duy nghịch” là gì mà có thể giúp bạn giải quyết mọi vấn đề cuộc sống, bứt phá cuộc đời kì diệu
- “Vua Huawei” Nhậm Chính Phi: Chỉ khi thay đổi thái độ của bản thân, ta mới có thể thay đổi được chỗ đứng của mình trong xã hội