40 tuổi nhìn lại, tôi đã học được rất nhiều điều. 40 năm không phải quá dài nhưng tôi cũng tự hào về những gì mình đã trải qua, những bài học về tài chính quan trọng nhất trong cuộc sống của bất kì ai.
Dù bạn có kiếm được bao nhiêu tiền, bạn sẽ không bao giờ có nhiều hơn 24 giờ mỗi ngày. Hãy sử dụng và quản lý thời gian của mình hợp lý, có như vậy bạn sẽ không chỉ làm ra tiền nhiều hơn mà còn tạo ra được những điều quý giá khác.
Năm nay, tôi 40 tuổi. Những ngày gần sinh nhật, tôi chợt suy nghĩ nhiều hơn về cuộc đời mình. Ở độ tuổi 20, tôi đã trải qua 4 công việc khác nhau nhưng thu nhập thấp. Khi 28 tuổi, tôi bắt đầu tìm việc làm bên ngoài với công việc thiết kế web và viết blog.
30 tuổi, tôi nghỉ công việc full time, thay vào đó, tôi dành toàn thời gian cho việc viết lách. Tính đến nay, tôi đã làm việc ở nhà được 10 năm rồi.
Khi nhìn lại, tuổi 20, tôi còn loay hoay trong câu chuyện tài chính của chính mình. Tuổi 30, tôi đã cố gắng và nỗ lực đã được công nhận. Những thành tựu tuy nhỏ nhưng đáng công nhận.
Tôi đã tự xây dựng web, blog… của riêng mình, phải kể đến là 3 trong số sản phẩm đó được bán với giá hơn 200.000 USD/trang. Một tin vui nữa là vợ tôi đã nghri việc 6 năm trước để toàn tâm toàn ý dành thời gian chăm sóc cho cô con gái nhỏ mới sinh.
40 năm nhìn lại, tôi đã học được rất nhiều điều. 40 năm không phải quá dài nhưng tôi cũng tự hào về những gì mình đã trải qua. Đặc biệt, tôi muốn nói đến những bài học về tài chính mà tôi cho rằng đó là một trong những lưu ý quan trọng nhất trong cuộc sống của bất kì ai:
1. Tiền không phải là tất cả
Nhiều người khi trẻ luôn đặt tiền là ưu tiên hàng đầu. Vì thế, họ làm việc bất kể đêm ngày để kiếm tiền. Tiền khi đứng cạnh gia đình, sức khỏe và bạn bè đều không có nghĩa lý gì. Khi nhìn sâu vào trong tâm trí mình, chắc chắn nhiều người sẽ giật mình khi biết mình ưu tiên điều gì cao nhất trong cuộc sống của mình.
Tiền chỉ là một phương tiện mua bán và công cụ làm thỏa mãn nhất thời chứ không thể trở thành chỗ dựa tinh thần mãi mãi được.
2. Tiết kiệm càng sớm càng tốt
Nhắc đến hai chữ “tiết kiệm”, phần lớn đều cho rằng đó là việc cần làm ở độ tuổi trung niên. Tiết kiệm khi còn trẻ mới thực sự là thời điểm tốt nhất, điều đó đồng nghĩa với việc bạn có nhiều năm hơn cả để tích lũy và rút ra phương pháp tiết kiệm hợp lý.
Khi tiết kiệm từ sớm, bạn cũng sẽ biết cách điều chỉnh và phát triển những thói quen tốt của mình. Tôi đã tiết kiệm được một chút khi còn trẻ, nhưng tôi ước mình đã có thể tiết kiệm được nhiều hơn.
3. Không chạy theo ý kiến của người khác
Mỗi người có một quan điểm sử dụng tiền khác nhau. Nhiều người dùng tiền để đầu tư, nhiều người khác lại vô cùng thích dùng tiền để phục vụ sự giải trí của bản thân.
Không ai có thể đảm bảo mình đang sử dụng tiền một cách thông minh cả, có thể có ai đó đang hối hận vì cách sử dụng tiền lãng phí. Hãy làm những điều bạn cho là đúng đắn nhất.
4. Thực hành là một việc vô cùng khó
Khi tôi 20 tuổi, một người đồng nghiệp thường kể với tôi về những quyết đinh tài chính tồi tệ của cô ấy và chồng. Tuy anh chồng là một cố vấn tài chính nhưng từ kiến thức đến thực hành là một khoảng cách quá xa, họ thường hối tiếc về những gì họ đã chi trả.
5. Quản lý tài chính kém là một khuyết điểm khó sửa
Tiền nhiều hay ít mà không biết quản lý tốt thì luôn luôn là một lỗ hổng lớn không biết “tiền đã bay hơi” từ khi nào.
Không ít người lầm tưởng rằng có nhiều tiền thì việc quản lý sẽ tốt hơn nhưng họ đã lầm, một khoản tiền nhỏ mà không biết sử dụng đúng thì số tiền to chắc chắn cũng sẽ dùng sai mục đích mà thôi. Khuyết điểm này chắc chắn khó sửa, nhưng hãy cải thiện từ từ.
6. Tiền nhiều chưa chắc đã “dễ thở”
Chúng ta thường than thở tại sao mình lại kiếm được ít tiền đến vậy và ước gì mình sẽ có nhiều tiền hơn thế. Nhưng nhiều tiền cũng sẽ chẳng đem lại sự sung sướng đâu. Bạn sẽ lại phải tính toán làm sao để sử dụng đúng.
Càng nhiều tiền, bài toán quản lý tài chính càng khó khăn hơn bởi chỉ cần làm sai một bước, bạn sẽ cảm thấy hối hận vô cùng so với khi bạn mắc cùng một lỗi như vậy với một khoản tiền nhỏ.
7. Lương cao không đồng nghĩa với công việc kéo dài
Năm 2008, khi tôi 29 tuổi, ông chủ tôi đã sa thải khoảng 25% nhân viên, tróng số đó nhiều người đã có thâm niên làm việc lâu năm và được trả cao.
Lý do họ bị sa thải là bởi sếp tôi cho rằng đó là cách để tiết kiệm tiền cho công ty, thay vào đó là những người trẻ, mới đi làm và nhu cầu lương thấp hơn.
8. Biết tận hưởng số tiền kiếm được
Tiền kiếm được chắc chắn phải biết tận hưởng, như thế mới có động lực tiếp tục làm việc và kiếm tiền. Dù bạn làm việc 24/7, cày cuốc bất kể ngày đêm mà không có thời gian tiêu tiền thì cuộc sống quả là nhàm chán.
Hãy tận hưởng thành quả mình làm ra. Đừng cảm thấy tội lỗi cho việc chi trả những món đồ quan trọng và cần thiết khi bạn hoàn toàn có khả năng tài chính đó.
9. Các chuyên gia tài chính chưa hẳn đã đúng hoàn toàn
Mọi lời khuyên không bao giờ là tuyệt đối. Các chuyên gia tài chính đơn giản là họ chỉ học trong ngành tài chính chứ chưa chắc đã có kinh nghiệm và trải nghiệm sống về những điều họ đã học.
Năm ngoái, tôi có một khoản đầu tư và cần nhờ tư vấn của một chuyên gia. Anh ấy thực sự không biết về đối thủ cạnh tranh, mà chỉ quen với việc cung cấp những thông tin theo dạng một chiều.
10. Đừng lãng phí cuộc sống vì chạy theo tiền bạc
Tiền là một phần quan trọng của cuộc sống nhưng không có tiền không có nghĩa là cuộc sống vô nghĩa. Thay vì chạy theo tiền bạc, hãy theo đuổi hạnh phúc hay tri thức. Dù bạn có kiếm được bao nhiêu tiền, bạn sẽ không bao giờ có nhiều hơn 24 giờ mỗi ngày.
Hãy sử dụng và quản lý thời gian của mình hợp lý, có như vậy bạn sẽ không chỉ làm ra tiền nhiều hơn mà còn tạo ra được những điều quý giá khác.
Theo Trí thức trẻ