Tiền bạc có thể giúp cải thiện cuộc sống nhưng không thể xóa bỏ được nhiều vấn đề của con người vậy nên với giới siêu giàu đôi khi chính tiền bạc lại mang cho họ những rắc rối.
Clay Cockrell (sống tại Kentucky, Mỹ) có 25 kinh nghiệm tư vấn và trị liệu tâm lý cho giới siêu giàu.
“Cơ duyên đặc biệt đã giúp tôi làm việc với các tỷ phú. Tôi từng trị liệu cho một người giàu có, vị khách này sau đó đưa danh thiếp của tôi cho bạn bè và người quen”, ông Cockrell nói với Guardian.
Làm việc và tư vấn cho những người sở hữu khối tài sản lớn, vị chuyên gia tâm lý biết được nhiều góc khuất cùng nỗi khổ phía sau sự giàu có của họ.

Mặt trái của giàu có
Nhiều người giàu vật lộn khi không thể tin tưởng người khác, thậm chí cả bạn bè thân thiết. Họ nghi ngờ khi có bất cứ người mới nào bước vào cuộc sống.
Những câu Cockrell thường xuyên nghe được từ người giàu có đó là: “Người ta muốn gì ở tôi?”, “Liệu họ có thao túng tôi không?”, “Có lẽ họ chỉ làm bạn vì tiền của tôi”.
Người giàu có còn phải vật lộn khi không tìm kiếm được mục đích sống. Nhiều người rơi vào trầm cảm khi không thấy động lực để bước ra khỏi giường.
Họ không biết làm gì khi doanh nghiệp tự gây dựng hay được thừa kế có thể vận hành mà không cần đến mình nữa. Khi những nhu cầu cần thiết cho cả quãng đời còn lại đều đã được thỏa mãn, người giàu khó tìm được ý nghĩa và tham vọng trong cuộc sống.
Vì sự nhàm chán đó, những khách hàng của Cockrell phải nỗ lực bước lên nấc thang mới để lấp đầy khoảng trống.
“Hầu hết người tôi gặp đều thích nói về đời sống tình dục hoặc việc họ lạm dụng chất kích thích hơn là phô bày số tiền trong tài khoản. Tiền bị coi là bẩn thỉu và bí mật. Chuyện tiền bạc thật khó nói, chúng bị bao phủ bởi cảm giác tội lỗi, xấu hổ và sợ hãi”.
Có quan điểm cho rằng tiêu tiền giúp người ta giải quyết những vấn đề tâm lý, song Cockrell nhận thấy tiền bạc có thể khiến người giàu và cả những người xung quanh họ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Vị chuyên gia tâm lý thường xuyên gặp những tình huống tương tự như phim Succession (Kế vị).
Mọi người thích nhân vật chính trong phim, Logan Roy, người có khởi đầu khiêm tốn nhưng đã xây dựng được đế chế truyền thông thành công. Toàn bộ cuộc đời, anh tập trung vào công việc kinh doanh. Tuy nhiên, Roy lại thất bại thảm hại trong việc nuôi dạy những đứa con của mình.
“Quá nhiều khách hàng của tôi nuông chiều con cái để chúng không phải chịu đựng những nỗi khổ như họ trước đây. Kết quả, họ đã ngăn cấm con cái trải nghiệm chính những điều làm nên thành công của mình: biết hy sinh, làm việc chăm chỉ, vượt qua thất bại và biết đứng dậy sau vấp ngã. Điều này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy cô lập và kẹt trong chiếc bóng an toàn”.
Những đứa trẻ con nhà giàu ít được tiếp xúc với xã hội bên ngoài, chủ yếu giao lưu với bạn bè cùng giới tài phiệt, dẫn đến việc chúng thiếu đi sự đồng cảm.
Thật đáng sợ khi một người sống cuộc đời “không hậu quả”: họ có thể cư xử thô lỗ với người phục vụ bàn hoặc tàn nhẫn với chính anh em ruột. Cuộc sống không có quy tắc là điều nguy hại đối với bất kỳ ai.
Những bậc cha mẹ giàu có mà Cockrell thấy thường không chuẩn bị cho con cái trước những thách thức trong việc quản lý tài sản.
Nhiều rich kid đã từng chia sẻ với chuyên gia tâm lý rằng họ chưa bao giờ được cha mẹ nói về tiền bạc, họ không biết mình có bao nhiêu và phải làm gì với nó.
Áp lực để duy trì lối sống “nhà giàu“
Trở nên giàu có có nghĩa là trở nên dần quen với một lối sống nhất định. Điều này đặt ra một thách thức mới, chính là áp lực để duy trì lối sống này.
Theo cuộc khảo sát, một số triệu phú cảm thấy “bất an và băn khoăn về việc tài sản của họ như thế nào so với những người giàu khác”, và họ thường cảm thấy áp lực khi phải làm việc nhiều giờ để theo kịp những người có tiền. Điều này có thể đồng nghĩa với việc mất đi thời gian dành cho gia đình.
Ngoài ra, một số triệu phú, mặc dù có khối tài sản rất lớn vẫn không bao giờ hài lòng và liên tục phấn đấu để giàu có hơn. Đối với những người này, có 1 triệu USD là chưa đủ; họ muốn 2 triệu USD, trong khi những người có 2 triệu USD lại muốn có tới 4 triệu USD.
Một cuộc khảo sát năm 2015 của UBS Investor Watch cho thấy các triệu phú cũng căng thẳng như những người có thu nhập khiêm tốn. Khoảng 52% những người được khảo sát cảm thấy như bị mắc kẹt trong một guồng quay bất tận và tin rằng họ chẳng thể nào thoát ra mà không phải hy sinh lối sống của gia đình mình.

Khó tìm được bạn chân thành, dễ hút những người bạn giả tạo
Trở thành triệu phú không có nghĩa là có thể tin tưởng bất cứ ai tiếp cận mình, nhưng thực tế là người giàu sẽ luôn phải đề phòng với những người bạn giả tạo, những người chỉ tìm đến khi họ cần điều gì đó.
Chantay Bridges, một diễn giả, nhà văn và nhà môi giới ở Los Angeles, Mỹ nhận định: “Tiền bạc, thành công và sự giàu mà bạn sở hữu có thể khiến mọi người đổ xô đến bạn, nhưng động cơ của mỗi người lại khác nhau. Có những người sẽ đến chỉ vì những gì họ có thể nhận được từ bạn, chứ không phải với trái tim chân thành hay mong muốn trở thành bạn”.
Những người đến với mục đích vụ lợi có thể là người thân, đồng nghiệp, thậm chí là bạn bè của bạn. Họ đến với bạn khi bạn cho tiền họ, nhưng sẽ biến mất khi bạn không có tiền cho họ.
Ngoài ra, Bryan Clayton còn chỉ ra, việc là người giàu cũng có thể khiến bạn dễ vướng vào kiện tụng, liên quan đến những kẻ thù hận, ghen ghét bạn.

Những kẻ thù không lành mạnh xuất hiện
Khi giàu có, bạn cũng có thể phải đối phó với những người không thích bạn, vì thực tế đơn giản rằng bạn là triệu phú. Kể cả bạn là một người tử tế và đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng, một số người sẽ không thể vượt qua sự bất an và ghen tị của chính họ.
Khi thành công của bạn khiến những kẻ ghen ghét tức giận, bạn sẽ phải đối mặt với những bình luận cùng những định kiến tiêu cực, chẳng hạn như một số người cáo buộc bạn là kẻ tham lam hoặc tàn nhẫn.
Cách tốt nhất để đối phó với những kẻ thù ghét là phớt lờ họ và không trả đũa. Bạn không cần phải xin lỗi họ vì thành công của mình. Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người, vì vậy chẳng ích gì khi cố gắng đi lấy lòng họ.
Chịu áp lực “phải cho đi”
Đối mặt với cảm giác tội lỗi về tiền bạc là một vấn đề của người giàu có. Trong khi bạn không cần phải lo lắng về cơm, áo, gạo, tiền như nhiều bạn bè khác, bạn chịu gánh nặng phải san sẻ một phần những gì mình có với những hoàn cảnh khó khăn hơn. Điều này đôi khi trở thành một áp lực của người giàu, thay vì đơn thuần là niềm vui thiện nguyện.
Theo ông Bridges, người giàu có không có trách nhiệm giải cứu tất cả mọi người, do đó nếu là một tỷ phú, bạn không nên để người khác khiến mình cảm thấy áy náy hay áp lực trong việc cho đi số tiền của mình bao nhiêu là đủ.

Không thể tin tưởng hoàn toàn những người mà mình thuê
Người giàu, dù là tự thân hay thừa kế tài sản, đều sẽ cần phải thuê một nhóm hỗ trợ cho việc quản lý tài sản. Đôi khi, những người bạn tin tưởng có thể lại phụ lòng bạn và trở thành một kẻ trục lợi. Chantay Bridges nhấn mạnh, nếu thuê phải kẻ gian, thậm chí bạn có thể phải chịu trách nhiệm về hành động của người đó.
Xem thêm bài liên quan
- “Bữa tối nghìn tỷ” hội tụ toàn giới siêu giàu đã dạy tôi luật ngầm của những người ưu tú: Người trên đỉnh cao rất ít khi qua lại với những người bình thường!
- “Chiếc bàn ăn nghìn tỷ” hội tụ toàn siêu tỷ phú Trung Quốc đã dạy tôi luật ngầm của giới tinh hoa: Người trên đỉnh cao rất ít khi qua lại với những người bình thường!
- “Chiếc bàn ăn nghìn tỷ” hội tụ toàn giới siêu giàu Trung Quốc dạy tôi luật ngầm của những người ưu tú: Người trên đỉnh cao rất ít khi qua lại với những người bình thường!