Nơi nào có người Hoa sinh sống là nơi ấy hoạt động kinh doanh, buôn bán nhộn nhịp, sầm uất. Nhiều người Hoa đã thành công, trở thành những doanh nhân lừng danh. Ngoài tư duy sáng tạo trong kinh doanh, tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau, cộng đồng doanh nhân người Hoa luôn có những… “tuyệt kỹ” gia truyền.
Người Hoa nổi tiếng đoàn kết trên thế giới. Đặc điểm của những khu có người Hoa sinh sống chính là văn hóa phường xã, bang hội. Người hoa có một cách giao tiếp và làm việc khác biệt, điều này chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở cách kinh doanh của Người Hoa và Người Kinh tại chợ Lớn Sài Gòn.
1. Triết lý bang hội
Người Hoa nổi tiếng đoàn kết trên thế giới. Đặc điểm của những khu có người Hoa sinh sống chính là văn hóa phường xã, bang hội(*). Gần như ở đâu, người Hoa cũng sống tụ tập lại với nhau, chịu sự quản lý của trưởng thôn/bang trưởng (thường cũng là người gốc Hoa). Họ có truyền thống giúp đỡ người đồng hương.
Tại Chợ Lớn, bất kỳ ai di cư từ Trung Quốc sang đều được hỗ trợ chỗ ở, việc làm. Tới tuổi thì anh em giúp mai mối, dựng vợ gả chồng, mọi mâu thuẫn đều được giải quyết nội bộ. Ngay cả với người mất, nếu không có tiền, bang cũng sẽ gom góp lo chuyện hậu sự.
Như khi đi tìm hiểu những câu chuyện về người Hoa ở Chợ Lớn, người viết đã được chứng kiến sự dễ tính bất thường của một chú giữ xe khi gặp đồng hương. Cách vài phút, chú còn căng thẳng buộc cô bạn tôi để xe lại vì làm mất phiếu, dù có cả giấy tờ đầy đủ vẫn không được “tha”. Ngay sau khi nghe cô ấy gọi điện cho gia đình và nói bằng tiếng Tiều, người giữ xe ngay lập tức xuống giọng và cho lấy xe về.
Ra là người Hoa với nhau cả! Vì vậy, khi đưa tôi đi vào các hẻm hóc của Chợ Lớn, bạn tôi đi như… hẻm nhà. Không sợ ai, cũng chẳng ngại gì. Tôi có cảm giác, biết tiếng Hoa ở Chợ Lớn là thứ vũ khí gì ghê gớm lắm, cứ cùng thứ tiếng là anh em!
(*) bang hội: ở đây là bang hội phục vụ kinh tế, có nhiều ở thời xưa, trước 1975.
2. Đi tới đâu lập chợ tới đó
Đi đâu người ta cũng thấy Chinatown. Chinatown nào cũng lớn mạnh và giàu có. Người ta nói, người Hoa giỏi kinh doanh, nên đi đâu cũng làm ăn được. Tôi không đi nước ngoài nhiều nên không rõ. Duy, cứ nhìn vào việc người Hoa chạy xuống miền Nam, lập chợ đầu tiên – chứ không phải bệnh xá, trường học – thì đủ biết họ mạnh điều gì.
Cho đến nay, Chợ Lớn vẫn là khu chợ có quy mô kinh doanh lớn nhất miền Nam, quy tụ những chợ lớn nhất Sài Gòn: Kim Biên, Bình Tân, An Đông, Tân Thành…
Người Hoa có làm ăn theo nghề gia đình, cha truyền con nối, ít thuê người ngoài, không bỏ nghề bao giờ. Vì thế, khắp Chợ Lớn, chúng ta toàn gặp những con đường suốt mấy chục năm chỉ bán đúng một mặt hàng, không đổi ngành và cũng không ai ăn cắp nổi.
Tôi có hỏi một người bạn, người Hoa có khu ổ chuột không? Nó ngớ ra rồi lẩm bẩm, nhỏ giờ chưa từng biết những chỗ như vậy. Người Hoa dù có ở nhà cửa lớn bé thế nào, vẫn không phải là người nghèo.
Cũng hợp ký thôi, vì vốn người Hoa khó khăn đều có đồng hương đỡ đầu, ít ai lâm vào tình cảnh thiếu thốn quá mức.Nếu để ý, người ta cũng có thể thấy, các “ông trùm” công ty kinh doanh ở miền Nam hầu hết là người gốc Hoa: Thái Tuấn, Sacombank, Kinh Đô, Đồng Khánh, Bút bi Thiên Long…
3. Tới chợ Lớn, đi ăn trước!
Cũng giống như hầu hết Chinatown trên thế giới, Chợ Lớn luôn hấp dẫn người địa phương và khách du lịch với các con phố ẩm thực đặc sắc. Thức ăn là một trong những điều mà người Hoa tự hào nhất.
Dù đã sống ở Sài Gòn rất lâu, lâu đến mức người ta cứ phải tranh cãi với nhau về việc người Hoa hay người Kinh là ông tổ của Sài Gòn, nhưng người ở khu Chợ Lớn vẫn giữ được rất nhiều món ăn thuần Trung. Đành rằng để phát triển kinh doanh, họ buộc phải thay đổi khẩu vị, phục vụ người Việt. Nhưng đâu đó giữa các hẻm Chợ Lớn, người Hoa vẫn nằm lòng các địa điểm ăn uống “nguyên bản”.
Ở các gia đình người Hoa hoặc có mẹ/vợ là người Hoa, dễ bắt gặp những bữa ăn thịnh soạn trong bất kỳ buổi nào. Sự phát triển của ẩm thực Hoa cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến thói quen ăn uống của người Sài Gòn. Các món rất quen như: há cảo, hoành thánh, sủi cảo, phá lấu, bò pía… đều được xem như những đặc sản của Sài Gòn.
4. Triết lý: tiểu phú do cần
Kinh doanh giỏi, giàu có nhưng hầu hết người Hoa lại sống rất tiết kiệm. Một trong những triết lý của họ là cần–kiệm. Ở khu có người Hoa sinh sống, hầu như rất khó để kiếm được một kẻ “ăn mày”. Bởi họ không có thói quen cho tiền như nhiều người dân khác ở Sài Gòn.
Ngược lại, người Hoa lại luôn sẵn sàng hỗ trợ việc làm, giúp người khác tự mưu sinh. Đối với họ, giúp là phải giúp cho giàu, không phải chỉ để có ăn cho qua ngày đoạn tháng.Thành ra người Hoa ở Chợ Lớn đa phần đều cần mẫn làm việc, không nhờ vả và cũng ít phung phí.
Họ chỉ thực sự “vung tiền” làm từ thiện trong các buổi bán đấu giá vật phẩm có tổ chức quy mô trong các lễ Tết. Số tiền được “vung” ra luôn nhiều hơn 10 con số, tất cả đều có mục đích vì tôn giáo, hỗ trợ đồng hương.
Người Hoa hầu hết có tầm nhìn trong buôn bán. Họ đặt chữ tín hàng đầu nên thường giữ được mối làm ăn lâu dài với thương lái trong và ngoài nước. Chính vì thế mà dù chỉ chiếm 7% dân số Sài Gòn như tỉ trọng doanh nghiệp của người Hoa lại chiếm 30% ở thành phố đầu tàu đất nước.
5. Bằng cấp là thứ yếu
Ngược lại với sự phát triển của kinh doanh, buôn bán, người Hoa tỏ ra ít coi trọng bằng cấp. Với họ, quan trọng hơn cả là sự cần mẫn và năng suất lao động. Chỉ cần làm việc hoặc quen biết ai đó làm việc dưới một người sếp gốc Hoa, bạn sẽ dễ dàng nhận ra anh ta coi trọng khả năng đến thế nào.
Ngay cả ngoại hình, giao tiếp cũng không thực sự quan trọng. Vì thế, hầu hết các gia đình có truyền thống kinh doanh đều coi nhẹ việc học của con cái, so với người Kinh.
Đi dọc Chợ Lớn, dễ nhận ra nhiều bạn trẻ đang độ tuổi đi học đã bắt đầu bán lớn buôn bé ở đây cùng gia đình. Hay cụ thể hơn là Quận 5 nhiều trường cấp 2 hơn cấp 3. Người Hoa luôn muốn con cái được tiếp xúc sớm với kinh doanh. Họ có thể khắt khe với con ngay từ nhỏ bằng việc cho thôi học, bắt đi làm công để sau này đứa trẻ đủ hiểu biết để gánh vác truyền thống.
6. Sức khỏe và “chợ người giàu”
Người Hoa rất chăm lo cho sức khỏe bản thân. Bằng chứng là bên cạnh những con đường đầy đủ các mặt hàng để phục vụ cuộc sống, Chợ Lớn có cả một dãy các cửa hàng thuốc Đông y gia truyền rất lớn. Các bài thuốc này, song song với Tây y, là phương thức chữa trị giá trị nhất thế giới. Và cũng không bất ngờ, bệnh viện ở Quận 5 nhiều hơn các quận lân cận.
Dù mang “tiếng xấu” trên truyền thông về việc kinh doanh nhiều mặt hàng kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn, người Hoa lại rất cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm, hàng hóa. Bán ở nhiều chợ lớn nhỏ khắp Quận 5, người Hoa vẫn thường chọn mua hàng ở “chợ người giàu” – nơi có giá thành khá chát nhưng được đánh giá là “đáng đồng tiền”, phục vụ chủ yếu cho người Hoa.
Bên cạnh đó, trong rất nhiều các món ăn của người Hoa, người ta luôn nghe một mùi vị rất đặc trưng của thảo dược. Hay trong các bộ phim truyền hình cổ trang, các món ăn luôn đi kèm với những khả năng chữa trị và tăng cường sức khỏe một cách “thần thánh”. Điều đó đủ chứng minh cho người ta thấy được, Hoa là một dân tộc coi trọng sức khỏe hơn hết.
7. Bí quyết lấy chữ tín làm đầu
Trong kinh doanh, người Hoa thường thành lập các bang hội tương tế để nâng đỡ, tạo cơ hội cho mọi người gây dựng cơ nghiệp. Người Hoa quan niệm, không thể thành công nếu đơn thương độc mã. Chính vì thế yếu tố đoàn kết cộng đồng nhằm giúp đỡ tương trợ nhau được đặc biệt chú trọng.
Tư tưởng “Buôn có bạn, bán có phường” là truyền thống kinh doanh của người Hoa. Bạn có thể thấy cả một dãy phố toàn bán hủ tiếu, hay văn phòng phẩm, thuốc Đông y…
Thông thường, mọi người nghĩ rằng, càng đông người bán một mặt hàng, thì tỷ lệ cạnh tranh càng cao, nhưng người Hoa thì nghĩ ngược lại: Khi tập trung buôn bán cùng một mặt hàng tại một khu vực nhộn nhịp, thì tạo sức hút khách hàng cao hơn, khả năng lan truyền nhanh hơn.
Trong kinh doanh, người Hoa tâm niệm, có uy tín thì có tất cả. Đây là quy ước bất thành văn, người nào cố ý phá vỡ quy ước này thì mất tất cả. Trước khi có tín dụng ngân hàng, người Hoa triển khai tín dụng cho người mới muốn ra lập nghiệp.
Sau khi giúp vốn, người Hoa còn tích cực ủng hộ mua sản phẩm cho người mới khởi nghiệp. Nếu là hàng ăn thì họ kéo nhau đến ăn, nếu sản xuất giày dép thì đến mua giày dép…
Một số đại gia có thương hiệu lớn mạnh cũng từng được những doanh nhân người Hoa giúp đỡ, tương trợ như, giày dép Bình Tiên, bánh ngọt Đức Phát, Kinh Đô, gấm Thái Tuấn…
Nhiều người thuộc thế hệ trước vẫn còn lưu giữ ký ức về câu chuyện một chủ ngân hàng lớn ở Chợ Lớn hay cấp tín dụng cho những người có uy tín, để họ có vốn làm ăn. Giao dịch tín dụng trị giá mấy chục tỷ đồng mà không cần ký kết hợp đồng. Các khoản cho vay lớn không cần thế chấp tài sản mà căn cứ tín chấp ghi chi chít trong một quyển vở mà không mất đồng nào.
Chữ tín chính là cách họ xác lập niềm tin với nhau, bảo lãnh bằng hành động sau lời hứa. Quan niệm “một lần thất tín vạn lần bất tin”, nên ít có những vụ kiện tụng, tranh chấp khi kinh doanh trong tập thể người Hoa. Họ cũng mạnh dạn đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ về hợp đồng, giao kèo dựa trên nền tảng là lòng tin.
Các chủ doanh nghiệp người Hoa thường mang hàng ra chợ sỉ Bình Tây, Kim Biên, Soái Kình Lâm, An Đông bỏ gối đầu từng lô hàng cho tiểu thương. Nhận thanh toán lô hàng cũ rồi bỏ tiếp lô hàng mới. Thương lái được tiểu thương bán lại hàng gối đầu từng lô hàng nguyên phụ liệu để chào hàng.
Tập quán buôn bán gối đầu như những mắt xích liền mạch với nhau. Hàng hóa giao dịch trị giá bạc tỷ mà chỉ bảo đảm bằng những cuốn sổ bỏ hàng, bán hàng cầm tay. Một khi bị thất tín, thông tin lan rất nhanh. Kẻ thất tín bị cộng đồng tẩy chay.
Gần Tết âm lịch, các chủ doanh nghiệp người Hoa giữ thông lệ thu hết nợ trong năm cũ, ra Tết sẽ giao dịch mới. Tiểu thương phải thanh toán sạch nợ để năm mới làm ăn suôn sẻ. Thương lái cũng trả hết nợ. Ai không giữ uy tín hoặc dây dưa trả nợ sẽ khó bề làm ăn trong năm mới.
Tạo nên tiếng vang lớn
Ông Trần Kim Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh Đô chia sẻ: Người Hoa có tầm nhìn kinh doanh rộng và dài. Các sản phẩm thu hút khách hàng, chủ doanh nghiệp càng giữ chất lượng nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu trên thị thường. Chất lượng sản phẩm là sự sống còn của doanh nghiệp. Một khi chủ hàng chịu giá bán cho ai rồi thì dù giá cả biến động mạnh cỡ nào cũng không thay đổi.
Nhiều nhà nghiên cứu lý giải việc kinh doanh thành công của người Hoa là vì họ rất coi trọng chữ tín. Trong làm ăn họ luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Theo TS. Trần Khánh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, những nét đặc trưng về văn hóa kinh doanh người Hoa là: Chữ “tín”- báu vật để phát triển trong cộng đồng người Hoa. Họ đề cao vai trò của nghiệp đoàn, hội tương tế giúp đỡ lẫn nhau trong kinh doanh, để cộng đồng ngày càng phát triển giàu mạnh…
Ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Công ty Thiên Long nhớ lại những ân tình mà ông Vưu Khải Thành giúp đỡ khi khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp người Hoa là sự bao bọc, hướng dẫn làm ăn và chia sẻ những khó khăn.
Cũng theo ông Cô Gia Thọ, một trong những bí quyết thành công trong kinh doanh của người Hoa là: Phải biết yêu nghề kính nghiệp, dốc trọn cuộc đời cho một công việc mà mình đã chọn, từ đó mới tạo ra những đế chế vững vàng có thể gọi là vua của một nghề.
Và hiện nay, đã lấp lánh những ông vua của từng ngành, mà đa phần đều là người gốc Hoa: “Vua” gốm sứ Lý Ngọc Minh, “Vua” giày dép Vưu Khải Thành, “Vua” bánh Kao Siêu Lực, “Vua” nước rửa chén Lương Vạn Vinh, “Vua” nhựa Trần Duy Hy, “Vua” vải Thái Tuấn Chí, vua bánh kẹo Kinh Đô…
Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- 6 “bí thuật” kinh doanh giúp người Hoa đi đến đâu làm ăn thắng đến đó, luôn là một thế lực dù ở bất kỳ đâu
- Nhờ 7 “bí thuật” kinh doanh truyền đời này mà người Hoa luôn là một thế lực khi làm ăn ở bất kỳ quốc gia nào
- Tiết lộ 6 “bí thuật” giúp người Hoa luôn là một “thế lực” dù có kinh doanh ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới