Các tỷ phú công nghệ đã mua hầm trú ẩn để ứng phó với sự sụp đổ của trái đất trong tương lai. “Hầm trốn tận thế” của giới siêu giàu ngày nay khiến nhiều người bất ngờ vì mức độ sang trọng của chúng.
Theo The Guardian, ông Douglas Rushkoff, một nhà nghiên cứu về khoa học nhân văn, đã có một buổi gặp gỡ bí mật với 5 vị tỷ phú.
Những người này là ông chủ của những tập đoàn, công ty công nghệ và quỹ đầu tư. Họ đã mời ông Douglas Rushkoff đến buổi gặp để đặt ra những câu hỏi về hậu tận thế.
Đây có lẽ là nhóm người giàu có và quyền lực bậc nhất mà tôi từng gặp. Thế nhưng, họ lại tới gặp một người theo chủ nghĩa Mác và tìm hiểu về các học thuyết truyền thông để xin lời khuyên về việc xây dựng boongke trú ẩn để tránh thảm họa ra sao. Và đó là lúc tôi chợt nhận ra: bọn họ đều đang quan tâm đến tương lai của công nghệ.
Nếu bạn quan sát các kế hoạch di dân đến sao Hỏa của Elon Musk, các nghiên cứu đảo ngược lão hóa của công ty Palantir, hay việc đăng tải tâm trí của mình lên siêu máy tính mà Sam Altman hay Ray Kurzweil đang theo đuổi, bạn sẽ nhận ra họ đang chuẩn bị cho một tương lai mà khiến thế giới tốt đẹp lên thì ít mà vượt qua các giới hạn của con người thì nhiều.
Việc sở hữu tài sản và đặc quyền khổng lồ chỉ càng khiến họ thêm ám ảnh với việc bảo vệ bản thân khỏi các mối hiểm họa từ việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng, di dân diện rộng, các đại dịch toàn cầu, chủ nghĩa dân tộc và cạn kiệt tài nguyên. Với họ, tương lai công nghệ chỉ có một mục đích duy nhất: tránh xa toàn bộ chúng ta”.

Bên trong “hầm trốn tận thế” của giới siêu giàu
Trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, “hầm tận thế” chỉ đơn giản là nơi để con người tránh bom đạn, thảm hoạ. Còn trong thế kỷ XXI, các tỉ phú thế giới cho xây những căn hầm với đầy đủ hồ bơi, trung tâm spa, hầm rượu và rạp chiếu phim để hưởng thụ cuộc sống, bất chấp bên ngoài đang xảy ra những chuyện kinh thiên động địa gì.
Theo báo The Sun, giới siêu giàu đang chuẩn bị tâm lý đón chờ những “kịch bản tận thế” như chiến tranh hạt nhân, đại dịch bệnh, thảm hoạ xác sống và thiên tai bằng cách đầu tư vào các căn hầm trú ẩn sang trọng với tiêu chuẩn 5 sao.
Giám đốc điều hành Công ty hầm trú ẩn cao cấp Vivos (Mỹ), Robert Vicino, nói với đài CNN: “Ngày xưa, cha ông của bạn phải ở trong những căn hầm không đầy đủ tiện nghi. Trông chúng xám xịt, làm bằng kim loại, như kiểu một thứ gì đó theo phong cách quân sự. Và sự thật là con người không thể tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt và ảm đạm như vậy”.
Một số người nổi tiếng bao gồm ngôi sao thể thao và tỉ phú Bill Gates được tin là đã đổ tiền vào những căn hầm trú ẩn sang trọng nói trên. Tổng giám đốc Công ty hầm trú ẩn Rising S ở bang Texas – Mỹ, Gary Lynch, cho biết doanh thu từ nhóm căn hộ cao cấp của công ty này đã tăng 700% vào năm 2016 so với cách đó 1 năm. Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8-11-2016, thống kê cho thấy doanh số bán hàng của Rising S tăng thêm 300%.
Giống như những căn “hầm tận thế” từng được xây dựng trước đây, hầm của giới siêu giàu cũng đủ sức chứa thực phẩm trong vòng 1 năm cùng với khả năng chống lại động đất do tường làm bằng thép. Có tỉ phú muốn xây hầm để trú ấn bên cạnh những người thân yêu, số khác lại yêu cầu các công ty xây cho họ cấu trúc “gần gũi với cộng đồng” để họ vẫn có cảm giác được sống trong thế giới thực, bất chấp việc đang đối mặt với thảm hoạ?!
Nhiều hầm chứa tên lửa và boong-ke quân sự được các công ty hầm trú ẩn tận dụng, cải tạo thành những căn hộ cao cấp hoặc ngôi làng ngầm. Chúng được trang bị rạp chiếu phim, lớp học, vườn hoa, hồ bơi, trung tâm phẫu thuật, spa, gym và các dịch vụ vui chơi giải trí khác. Chẳng hạn dự án Vivos xPoint ở bang Nam Dakota – Mỹ được tạo thành từ 575 boong-ke quân sự, có thể chứa tối đa 5.000 người. Trong đó, căn hộ cao cấp được định giá từ 33.000-261.000 USD.
Vivos cũng đang triển khai một dự án khác tên gọi Vivos Europa One được ví như “con tàu Noah’s Ark thời hiện đại” dựa trên một hầm chứa bom đạn tại Đức. Căn hầm này tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh. Dự án mới bao gồm 34 phòng với diện tích từ 232-464 mét vuông.
Nơi trú ẩn đặc biệt này được trang bị hệ thống xe điện, chở cư dân tới nhà hàng, cửa hàng cà phê, hồ bơi, rạp chiếu phim và phòng chơi game. “Chúng tôi có mọi tiện nghi như ở nhà, cả những tiện nghi mà bạn mong đợi khi rời khỏi nhà” – ông Robert hứa hẹn.
Dưới đây là hình ảnh bên trong những căn hầm trú ẩn sang trọng đăng tải trên trang News.com.au (Úc).

Căn hầm bí mật này từng là một dự án chung giữa Liên Xô và Tiệp Khắc, được xây dựng từ năm 1984-1994.

The Oppidum được xem là boong-ke tỉ phú lớn nhất thế giới.

Giá hầm trú ẩn ngày càng tăng vì giới siêu giàu lo ngại nguy cơ tận thế tới gần.

Dự án Vivos xPoint ở bang Nam Dakota – Mỹ được tạo thành từ 575 boong-ke quân sự, có thể chứa tối đa 5.000 người.

Mỗi căn hộ cao cấp tại Vivos xPoint được định giá từ 33.000-261.000 USD.

Phòng chơi game và rạp chiếu phim.

Vivos cũng đang triển khai một dự án khác được ví như “con tàu Noah’s Ark thời hiện đại” ở Đức.

Khu hầm trú ẩn Trident Lakes được che chở bởi đầm phá, sân gôn… trên mặt đất.

Hầm trú ẩn The Survival Condo ở bang Kansas – Mỹ có tường dày 2,7 m cùng 161 mái vòm bảo vệ.

Khu hầm trú ẩn có hồ bơi, spa, phòng bắn súng, rạp chiếu phim, sảnh bar và phòng chơi game cũng như đủ thực phẩm dự trữ trong 1 năm.

Hệ thống phòng thủ ở bang Colorado bao gồm tường lửa, không gian phòng thủ và lỗ thông hơi chống cháy. Các bức tường bên ngoài được làm bằng bê tông cách nhiệt có thể chịu được nhiệt độ lên đến 1.177 độ C.

Hầm trú ẩn The Genesis ở bang Colorado với khả năng chống lại những vụ nổ.

Hầm trú ẩn The Silo Home ở bang New York – Mỹ.

Nhà an toàn The Safe House ở thủ đô Warsaw – Ba Lan do đơn vị thiết kế KWK Promes đảm nhận…

… được bảo vệ bằng tường di động…

… và cửa nhôm có thể sử dụng như một màn chiếu.
Khủng hoảng về lòng trung thành
Các câu hỏi đã được những tỷ phú đặt ra nhằm đảm bảo rằng hệ thống boong ke của họ sẽ vận hành trơn tru trong thời kỳ hậu tận thế. New Zealand hay Alaska? Nơi trú ẩn có nên cung cấp không khí riêng không? Khả năng ô nhiễm nước ngầm là gì?

Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của họ chính là việc: “Làm thế nào để duy trì quyền hạn đối với lực lượng an ninh của mình sau tận thế”?
Các vệ sĩ sở hữu vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ những tỷ phú khỏi những kẻ đột kích và đám đông bất bình. Tuy nhiên, các tỷ phú không biết phải trả công cho những người lính của họ như thế nào khi tiền điện tử sẽ trở nên vô giá trị sau tận thế. Đến lúc đó, chẳng ai dám chắc được việc liệu những vệ sĩ có phản bội và tìm đến các ông chủ khác hay không?

Để giải quyết vấn đề này, các tỷ phú đã cân nhắc sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Trong đó có việc tạo ra các mã khóa đối với nguồn cung cấp thực phẩm mà chỉ họ mới biết hoặc bắt lính canh đeo vòng cổ kỷ luật.
Thậm chí, các tỷ phú đã tính đến việc chế tạo robot để kiêm luôn công việc của công nhân và bảo vệ nhằm phục vụ cho bản thân.
Trái ngược với quan điểm trên, ông Douglas Rushkoff cho rằng điều khiến các vệ sĩ trở nên trung thành trong tương lai là đối xử với họ như những người bạn. Nhà nghiên cứu cho rằng giới siêu giàu hãy đầu tư thêm vào con người và các mối quan hệ xã hội, thay vì vũ khí và hàng rào điện.
Nỗi ám ảnh của các tỷ phú
Việc ứng dụng công nghệ vào tương lai của nhân loại đã được các tỷ phú công nghệ tính toán rất nhiều. Elon Musk đã lên kế hoạch định cư trên sao Hỏa, Peter Thiel của Palantir tính đến việc đảo ngược quá trình lão hóa, các nhà phát triển trí tuệ nhân tạo như Sam Altman và Ray Kurzweil còn muốn đưa tâm trí của họ vào siêu máy tính.

Thay vì tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, các ông lớn công nghệ đang đưa yếu tố kỹ thuật số vào trong tiến trình phát triển của con người.
Sự giàu có và quyền lực đã khiến giới siêu giàu bị ám ảnh về việc cách ly bản thân khỏi những mối nguy hiểm của thế giới như biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, di cư ồ ạt, đại dịch toàn cầu, sự hoảng loạn của người dân và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
Đối với họ, tương lai của công nghệ chỉ hướng đến việc giúp họ thoát khỏi phần còn lại của thế giới.
“Có thực mới vực được đạo”
Theo ông JC Cole, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Latvia, cách tốt nhất để đối phó với thảm họa sắp xảy ra là thay đổi cách loài người đối xử với nhau, nền kinh tế và hành tinh. Đồng thời, ông cho biết việc phát triển một mạng lưới cộng đồng nông dân hướng đến việc tự cung, tự cấp và được bảo vệ bởi hải quân là hết sức quan trọng.
“Thành thật mà nói, tôi sợ đối diện với những người vô gia cư hơn là những băng cướp vũ trang. Điều tôi lo ngại là bị rơi vào tình thế khó xử về mặt đạo đức”, ông JC Cole chia sẻ.

Mong muốn thực sự của JC Cole không chỉ là xây dựng cơ sở quân sự hóa biệt lập cho các triệu phú mà ông còn muốn tạo ra những trang trại phát triển lương thực bền vững.
Theo JC Cole, với 3 triệu USD, các nhà đầu tư sẽ nhận được sự bảo vệ bởi hầm trú ẩn. Ngoài ra, họ cũng nhận được cổ phần trong một mạng lưới nhượng quyền thương mại trang trại. Doanh nghiệp của ông sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo càng có ít trẻ em bị đói càng tốt.
Cho đến nay, JC Cole vẫn chưa thể thuyết phục bất kỳ ai đầu tư vào American Heritage Farms. Điều đó không có nghĩa là không có ai đầu tư vào các kế hoạch như vậy. Hầu hết khách hàng tỷ phú không muốn phải học cách hòa nhập với cộng đồng nông dân hoặc tài trợ cho một chương trình phục hồi lương thực quốc gia.
Tận dụng tận thế để tận thu
Các giải pháp boong ke hậu tận thế có nhiều mức giá khác nhau, từ vài chục nghìn lên tới cả triệu USD.
Công ty Rising S ở Texas đã xây dựng các boong ke có diện tích 9 m2 với giá 40.000 USD. Doanh nghiệp này ban đầu chỉ phục vụ cho các gia đình tìm kiếm nơi trú bão tạm thời. Tuy nhiên, hiện nay, Rising S đã chuyển hướng kinh doanh sang các hầm trú ẩn hậu tận thế.
Một công ty có tên Vivos đang bán các căn hộ sang trọng dưới lòng đất tại các cơ sở lưu trữ vũ khí chiến tranh lạnh đã được chuyển đổi, hầm chứa tên lửa và các địa điểm kiên cố khác trên khắp thế giới.

Tương tự khu nghỉ mát Club Med thu nhỏ, khách hàng sẽ được cung cấp các dãy phòng riêng cho cá nhân hoặc hộ gia đình. Ngoài ra, tại đây còn có các khu vực chung lớn với hồ bơi, rạp chiếu phim, phòng trò chơi và nhà hàng.
Khu định cư Oppidum, nơi trú ẩn dành cho giới thượng lưu ở Cộng hòa Czech, tuyên bố sẽ quan tâm nhiều đến sức khỏe tâm lý của cư dân.
Nơi đây sẽ cung cấp ánh sáng nhân tạo, mô phỏng hồ bơi nằm giữa những tán cây tràn ngập ánh nắng, hầm rượu và rất nhiều tiện nghi khác. Tất cả dịch vụ lưu trú tại đây hướng đến việc giúp khách hàng cảm thấy như đang ở nhà.

Theo New York Times, các đại lý bất động sản đã bán được rất nhiều hòn đảo tư nhân cho các triệu phú trong thời điểm đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc di chuyển của chủ nhân các hòn đảo này sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào giao thông đường hàng không và đường thủy.
Không chỉ vậy, các hòn đảo biệt lập này còn có điểm yếu khác là phải liên tục thay thế, bảo dưỡng định kỳ các tấm pin mặt trời và thiết bị lọc nước. Việc duy trì chuỗi cung ứng tại các hòn đảo như vậy cũng khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với các khu vực thông thường.
Theo Zingnews, Người lao động, theguardian