Có thể bạn không biết, trong các loại triết lý nhân sự có một tôn chỉ dành cho các lãnh đạo: “Chỉ giữ người muốn ở lại”. Vì thế, nếu bạn quyết định nghỉ việc, sẽ không có ai giữ bạn lại, ngay cả khi bạn là một nhân viên xuất sắc.
Ngày nay, trong một môi trường làm việc mở và cạnh tranh nhiều, chuyện nghỉ việc, nhảy việc không hề xa lạ với các bạn trẻ. Đôi khi, chỉ vì một chút không thích nghi với môi trường làm việc và cách quản lý của sếp, các bạn trẻ có thể nhanh chóng quyết định nộp đơn xin nghỉ việc.
Thế nhưng có thể bạn sẽ hối hận nhanh chóng khi đọc 6 lý do mà một cô gái có nickname Michi chia sẻ. Bài viết được rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội.
“Bạn làm sai, sếp mắng một câu, bạn giận dỗi về bàn viết đơn xin nghỉ. Ngay khi email được gửi đi, câu trả lời ngắn gọn của sếp mà bạn nhận được là: “Ừ!”
Bạn nhếch mép, nghĩ: Rồi để xem ông ta tìm được ai thay thế mình, ông ta là một người không biết giữ chân nhân tài. Bạn nghĩ, khả năng của bạn có thể làm ở bất cứ đâu. Bạn mở Facebook và viết vài dòng thấm đẫm triết lý như “Lãnh đạo là…”, “Sếp là kẻ…”.
Có lẽ rất nhiều người đi làm đều từng ít nhất một lần nghĩ về sếp như vậy”.

Nhưng với một người có nhiều năm đi làm, trải qua nhiều vị trí từ nhân viên đến lãnh đạo, tác giả bài viết đã rút ra những kinh nghiệm khiến bất kỳ ai từng đi làm đều phải soi xét lại bản thân. Nếu bạn cũng từng một lần quyết định xin nghỉ việc vì quá bực mình với sếp, hãy đọc thật kỹ 6 điều sau:
- Trên tất cả các loại triết lý nhân sự, các vị lãnh đạo có một tôn chỉ “chỉ giữ người muốn ở lại”. Nếu bạn đã muốn ra đi, sẽ không có ai giữ bạn cả. Ngay cả khi bạn là một nhân viên có năng lực.
- Ai cũng có thể bị thay thế, ngay cả sếp. Vì thế đừng ảo tưởng bạn là người quan trọng vời vợi trong công ty.
- Khi bị sếp chỉ trích, bạn nộp đơn xin nghỉ ngay lập tức. Đó chỉ giống như một đứa trẻ con làm mình làm mẩy khi bị người lớn mắng. Nó thể hiện bạn không chuyên nghiệp, bạn không đủ bản lĩnh và bạn quá đề cao cái tôi cá nhân.
- Vài trường hợp, bạn có thể cho rằng mình không sai. Vì quy định công ty không nói rõ điều đó. Hoặc sếp chưa bao giờ nói với bạn điều đó.
Nhưng xin bạn hiểu, có những quy ước trong công việc không bao giờ được nói ra. Bởi nó được sử dụng để thanh lọc những người có EQ tốt.
Ví dụ: Gần đây tôi xem một bộ phim Hàn Quốc, nhân vật Yoon Jin Ah thực sự rất chuyên nghiệp khi cô hiểu rằng không bao giờ được đi sneaker tới công sở, dù quy định công ty không có. Cô nói: “Hiểu được điều đó chính là sự chuyên nghiệp”.
- Ngoài năng lực tốt, các công ty luôn tìm kiếm những người có tính cách tốt. Một tính cách tốt không phải là bạn nhường nhịn đủ điều, bạn ngoan ngoãn dễ thương như một chú mèo con. Mà là cách bạn ứng xử. Bạn biết cách nói chuyện, bạn giao lưu khéo léo, bạn không ngồi lê đôi mách, bạn biết cách thể hiện bản thân.
Đừng gào lên khi có ai đó được sếp ưu ái hơn vì “đứa đó khéo nịnh sếp”. Thực tế cho thấy, “khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ” – tựa một cuốn sách mà tôi rất thích. Đọc sách rồi bạn sẽ hiểu, “khéo nói” không -phải – là “xu nịnh”.
- Thực tế là ông chủ nào cũng muốn có được nhân tài làm việc cho mình. Vâng, tôi nhấn mạnh là: Làm – việc – cho – mình! Hoặc tốt hơn hết là Cộng – tác – cùng – mình! Chứ không phải là mời về để Làm – chủ – của – mình.
Nên nếu bạn còn nghĩ rằng, với trình độ của bạn (có thể cao hơn ông chủ), bạn nói gì ông chủ cũng nghe theo thì… bạn lầm!
Với suy nghĩ như thế, lời khuyên là, tốt nhất hãy tích cóp một số vốn và tự đứng lên làm chủ. Vì không ai muốn có một nhân viên chỉ lăm le cãi lời sếp.

Theo tác giả bài viết, khi đi làm, bạn sẽ đối mặt với vô số bất công trên cuộc đời này. Nếu may mắn, bạn có thể gặp được người sếp vừa có tài vừa có tâm. Kém may hơn một chút, sếp của bạn chỉ có 1 trong 2 điều. Còn nếu xui thì sếp của bạn có thể thiếu cả 2 thứ.
Dù trong hoàn cảnh nào bạn cũng sẽ chỉ có một số lựa chọn: “Nghỉ việc nếu không chịu được áp lực. Hoặc im lặng cho yên thân, làm đủ trách nhiệm rồi về. Hoặc vẫn cố gắng hết sức cho tới khi được sếp công nhận. Hoặc, tiếp tục phản ứng và tỏ thái độ với sếp dù biết có thể bị đuổi việc”.
Nếu bạn nhận ra, tất cả các sự lựa chọn có thể đều là “thay đổi thái độ làm việc của bạn”, không hề có sự lựa chọn thay đổi sếp. Thái độ làm việc của bạn sẽ quyết định thành quả bạn nhận được. Sẽ chẳng ai có thể khuyên bạn nên lựa chọn phương án nào, vì mọi quyết định là do bạn, chỉ có bạn mới hiểu rõ bản thân mình cần gì.
Tác giả bài viết cũng chia sẻ, một người sếp của cô từng nói: “Em chỉ được nghỉ việc khi bản thân em đã có đóng góp cho công ty. Hãy ra đi trong sự lưu luyến của người khác”. Một khi đã làm việc, hãy làm việc có trách nhiệm và chuyên nghiệp. Nếu quyết định ra đi, bạn cũng nên hành động chuyên nghiệp. Đừng làm mình làm mẩy. Đừng dỗi hờn thế giới. Đừng nói xấu công ty hay sếp.
Trong công việc, đừng bao giờ vội vàng thiếu cân nhắc cả khi nhận việc và khi rời bỏ công việc. Hãy nghỉ việc một cách có văn hóa làm nên nhân cách một người tử tế. Bạn sẽ là người quyết định người ta luyến tiếc vì những điều bạn đóng góp hay thở phào vì sự ra đi của bạn.
‘Thần kinh doanh’ Kazuo Inamori: Đừng xin nghỉ việc chỉ vì chút bất mãn, người làm tốt cả việc mình không thích mới có thể thành công
Theo tỷ phú người Nhật, nếu bạn từ chức chỉ vì có điều gì đó khiến không hài lòng, bạn dễ gặp phải vấn đề tương tự trong công việc tương lai của mình.
Đừng vội vàng nghỉ việc chỉ vì bất mãn
Sau khi tốt nghiệp đại học, Kazuo Inamori làm việc cho Matsukaze Industry, một công ty đang trên bờ vực phá sản ở Kyoto.
Công ty này ban đầu là một trong những công ty tốt nhất trong ngành gốm sứ. Tuy nhiên, khi ông gia nhập công ty thường xuyên bị trả lương muộn, gia đình cổ đông liên tục xảy ra đấu đá nội bộ và tranh chấp lao động.
Trong vòng chưa đầy một năm, những người đồng nghiệp khác lần lượt từ chức. Vào thời điểm đó, Kazuo Inamori cũng muốn nghỉ việc nhưng ông đã thay đổi quyết định bởi nếu bạn từ chức chỉ vì có điều gì đó khiến không hài lòng, bạn dễ gặp phải vấn đề tương tự trong công việc tương lai của mình.

Vì vậy, ông chuyển tất cả xoong nồi vào phòng thí nghiệm, ngủ ở đó ngày đêm không kể ba bữa, dốc sức cho công việc nghiên cứu.
Sau một thời gian làm việc chăm chỉ, ông hết lần này đến lần khác đạt được những kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc, nổi lên trong lĩnh vực hóa học vô cơ. Điều này là động lực của ông trong công việc, mọi mơ hồ hay ý định nghỉ việc đều tan biến.
“Cho dù bạn có phàn nàn bao nhiêu và cảm thấy bất mãn thế nào, điều quan trọng nhất bây giờ là làm tốt công việc của mình, đây là tâm lý mà một người trưởng thành nên có”, Kazuo Inamori nói về kinh nghiệm thành công của mình.
Trong công việc, từ chức ngay khi không hài lòng là vội vàng. Những người thực sự mạnh mẽ sẽ chọn đối mặt với khó khăn và vượt qua nó, thay vì nghĩ rằng sẽ luôn có sự lựa chọn khác tốt hơn để chạy theo.
Làm việc mình không thích là một loại rèn luyện
Sau khi MC người Trung Quốc Dou Wentao trở nên nổi tiếng trong chương trình “Qiang Qiang Threesome”, nhà đài đã quyết định đưa cho anh ấy một chương trình thời sự mang tên “Wen Tao Shoots the Case”.
Khác với phong cách của “Qiang Qiang Threesome”, “Wen Tao Shoots the Case” tập trung vào các vụ án lớn và không có khách mời nên ngay từ đầu Dou đã không thích chương trình này.

Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì làm điều mình không thích trong 8 năm, có thể ghi hình một tập 4-5 lần liên tục và kết thúc công việc lúc 6h sáng. “Wen Tao Shoots the Case” thành công vang dội, trở thành một trong những chương trình làm nên tên tuổi của Dou Wentao.
Bất kể là bạn đang làm công việc gì, lúc nào cũng vui vẻ là hiếm có, gặp nhiều phiền muộn mới là thực tế chúng ta phải đối diện. Nơi làm việc chưa bao giờ là một công viên giải trí, mà là nơi để phát triển.
Khi gặp phải một công việc mà họ không thích, điều đầu tiên một người sáng suốt nghĩ đến không phải là rút lui, mà là lội ngược dòng.
Làm những việc khó là một kỹ năng
Trong một lần tham gia sự kiện, đạo diễn nổi tiếng Feng Xiaogang đã đúc kết kinh nghiệm thành công của mình vào ba chữ “làm việc khó”.
“Tôi đã làm rất nhiều việc trong đoàn làm phim. Khi mọi người giao việc gì đó, tôi sẽ không bao giờ nói rằng tôi không làm được mà luôn cảm thấy rằng mình cuối cùng đã được trao cho một cơ hội”, Feng Xiaogang nói.

Nhà văn Li Xiaoyi làm thư ký trong một công ty khi cô còn trẻ. Nhờ năng lực xuất sắc, cô được giao công việc đào tạo, phụ trách quản lý thời gian, lập kế hoạch và phụ trách các khóa đào tạo khác cho khách hàng. Li Xiaoyi chưa bao giờ tiếp xúc với công việc này trước đây.
Nhiều đồng nghiệp bắt đầu đàm tiếu, quan sát xem Li có làm sai điều gì không. Nhưng Li không ngại khó khăn, cô dành thời gian miệt mài nghiên cứu sách để rút ra những bài học, phục vụ cho công việc đào tạo của mình.
Trong quá trình bắt đầu những công việc vẫn còn lạ lẫm này, Li chăm chỉ và luôn tự nhìn nhận bản thân để kịp thời sửa sai. Nhờ nỗ lực vượt bậc, cô được thăng chức và những người đồng nghiệp trước đây nói xấu cô giờ đây phải thốt lên lời thán phục.
Ở tuổi 24, Li Xiaoyi vừa là giám đốc nhân sự vừa là người phụ trách mảng đào tạo của công ty.
Vượt qua nỗi sợ khó khăn trong bản chất con người là quy luật duy nhất của thành công. Nếu một người chưa trải qua quá trình từ khó đến dễ thì chưa đủ để nói đến trưởng thành.
Nếu bạn lựa chọn công việc khác, bạn có chăm chỉ hơn không?
Một độc giả từng viết thư cho nhà văn Liu Yong, hỏi ông về lựa chọn công việc.
Anh cho biết có công việc ổn định nhưng không hài lòng, muốn chuyển sang công ty khác. Nhưng anh cũng sợ sự bấp bênh khi nhảy việc sẽ khiến sự nghiệp và gia đình gặp khủng hoảng.

Liu Yong không đưa ra câu trả lời trực tiếp mà phản hồi chàng trai: “Khi xếp hàng, chúng ta thường cảm thấy hàng này ít người hơn nên nhảy sang hàng kia. Kết quả là khi bạn đang nhảy thì có người khác đến ngay trước và bạn lại cảm thấy hàng mình dài hơn.
Hôm nay bạn từ bỏ công việc này và chuyển sang công việc khác, bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn chứ? Nếu bạn có thể làm việc chăm chỉ hơn ở một công việc khác, bạn cũng có thể làm việc chăm chỉ hơn ở công việc hiện tại. Dù là lựa chọn nào, cũng đừng phàn nàn và hãy tập trung toàn tâm cho nó”.
Không công việc nào là dễ dàng. Nhưng nếu bạn biết đối xử với những người bạn không thích như những người cao quý và có thể làm những điều bản thân ghét như một thói quen, thành công sẽ không còn xa.
Nguồn: Sưu tầm/ Thể thao văn hóa
Xem thêm bài liên quan
- “Thần kinh doanh Nhật Bản” Kazuo Inamori: Đừng xin nghỉ việc chỉ vì chút bất mãn, người làm tốt cả việc mình không thích mới có thể thành công
- Quy luật trí não – “Tư duy nghịch” là gì mà có thể giúp bạn giải quyết mọi vấn đề cuộc sống, bứt phá cuộc đời kì diệu
- “Vị thần kinh doanh” Nhật Bản Inamori Kazuo: Người nghèo lại thường hào phóng trên 4 điều này, không thay đổi sớm thì còn mãi kém cỏi